Tội Hình Sự và Luật Di Trú
Date: Wednesday, May 09 @ 14:56:10 EDT
Topic: Di Dân & Nhập Tịch


L.S. Phạm Minh Tuấn
T.T. Dịch Vụ SOS

Vào ngày 27 tháng 4 năm 1996, quốc hội Hoa Kỳ và Tổng Thống Bill Clinton ký tên thông qua đạo luật dự thảo, “Luật Cải Tổ Nhập Cảnh Bất Hợp Pháp và Trách Nhiệm Của Người Di Dân,” Illegal Immigrant Reform & Immigrant Responsibility Act (IIRIRA).



IIRIRA đưa ra hai (2) phương pháp xác định tội hình sự nào có thể bị trục xuất ra khỏi Hoa Kỳ. Phương pháp thứ nhất được gọi là “Tội Đại Hình Trầm Trọng,” (Aggravated Felony). Tiết Đoạn 101(a)(43) của luật di trú đưa ra danh sách “Tội Đại Hình Trầm Trọng”. Phương pháp thứ nhì được gọi là “Tội Đạo Đức Xấu Xa,” (Crimes of Moral Turpitude). “Tội Đạo Đức Xấu Xa” không có danh sách riêng. Nhưng Sở Di Trú dùng danh sách “Đạo Đức Không Được Tốt” trong Tiết Đoạn 101(f) của luật di trú và dựa vào những quyết định chống án của Toà Thượng Thẩm Hoa Kỳ (U.S. Circuit Court of Appeals) và Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ (U.S. Supreme Court).

Theo IIRIRA, những người bị kêu án các tội nằm trong 1 trong 2 phương pháp kia sẽ bị trục xuất ra khỏi Hoa Kỳ, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt mà Chưởng Lý Hoa Kỳ (U.S. Attorney General) chấp nhận tha thứ qua diện nhân đạo. Vì Luật IIRIRA bao gồm rất nhiều tội hình (đại hình và tiểu hình theo luật tiểu bang), luật này ảnh hưởng rất nhiều đến thường trú nhân có những tiền án đã xảy ra trước tháng 4 năm 1996.Luật IIRIRA có hiệu lực hồi tố (Retroactive) và cho phép Sở Di Trú trục xuất những người có tiền án đã xảy ra từ 20, 30, 40 năm trước, không cần biết thường trú nhân đó đã làm qua bao nhiêu việc tốt hay đã thay đổi tốt trong nhiều năm qua.

Trong số những người bị kêu án trục xuất có rất nhiều người Việt Nam can tội tiểu hình hoặc tội đại hình của tiểu bang. Ví dụ, từ ngày ban hành cho đến ngày 5 tháng 12 năm 2006 vừa qua, IIRIRA xem tất cả tội buôn bán và tiêu thụ ma tuý là tội đại hình nghiêm trọng, ngoại trừ tiêu thụ cần sa (marijuana) dưới 30 gram. Những tội án khác liên quan đến tất cả các loại ma tuý khác đều bị trục xuất. Trong nhiều tội hình sự được gọi là “tội đạo đức xấu xa” gồm có tội gian lận (trộm cắp) và bị kêu án ít nhất 180 ngày tù (dù chỉ là án tù treo).

Mặc dù ngưòi bị cáo bị kêu án dưới 180 ngày và tội đó không được kêu án tối cao quá 1 năm, nếu tội đó là tội thứ nhì, nguời bị cáo cũng sẽ bị kêu án trục xuất vì đã vi phạm nhiều “tội đạo đức xấu xa.”

Bài trình bày dưới đây là câu hỏi của một thân chủ đã đến văn phòng Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển và câu trả lời của tôi trình bày tình trạng của người này. Tên tuổi của thân chủ đã được xoá để bảo mật hồ sơ. Quý độc giả sẽ hiểu thêm phần nào khía cạnh và ảnh hưởng của tội hình sự đến luật di trú.
Câu Hỏi: Tôi tên là T. Vào năm 2002, tôi lái xe bị cảnh sát chận lại. Khi họ khám trong xe tôi thì tìm ra một ống hút bạch phiến. Vì vậy, họ buộc tôi vào tội “xử dụng bạch phiến” và tôi bị kêu án 6 tháng tù. Sau 4 tháng, tôi được thả. Sau khi ra tù , Sở Di Trú kêu án trục xuất tôi. Sở Di Trú tống giam tôi 6 tháng thì lại thả tôi ra. Tôi được cấp giấp phép đi làm. Tôi làm nghề đánh cá và thường đi xa ra khơi cào tôm. Tôi có những câu hỏi sau đây, xin LS. giải đáp giùm.

1. Trong Trường Hợp Của Tôi, Tôi Có Thể Xin Lại Thẻ Thường Trú (Thẻ Xanh) Được Hay Không?

Tiết Đoạn 237(a)(2)(A)(i) và Phần (iii) của Luật Di Trú Liên Bang Hoa Kỳ, ghi rằng: “Khi một thường trú nhân (permanent alien resident) đã phạm tội Đại Hình Trầm Trọng (Aggravated Felony) theo định nghĩa của Phần 101(a)(43)(B) của Luật Di Trú, và liên hệ đến tội tàng trữ để buôn thuốc phiện dưới Luật Ma Tuý (Controlled Substance Act) của Liên Bang, người ấy sẽ bị trục xuất ra khỏi Hoa Kỳ”.Tuy luật cho rằng chỉ những người buôn thuốc phiện mới phạm tội Đại Hình Trầm Trọng,Toà Án Di Trú (Immigration Court) và Toà Chống Án Di Trú (Board of Immigration Appeals) xưa nay xem tất cả các vụ án liên quan với ma tuý là tội đại hình trầm trọng nếu luật tiểu bang cho đó là tội đại hình, riêng cần sa dưới 30 gram.

Vào ngày 4 tháng 2, 2002, anh bị bắt với tội danh “tàng trữ bạch phiến để tự dùng dưới 1 gram.” Đó là tội đại hình theo luật tiểu bang Texas và anh đã bị kêu án 6 tháng tù về tội này. Theo những điều luật đã nêu ra, tội đó cũng là một trong những tội được gọi là Đại Hình Trầm Trọng theo Luật Di Trú trước ngày 5 tháng 12, 2006 (xin xem tiếp phần dưới).

Vào ngày 7 tháng 5, 2004, Sở Di Trú kêu án trục xuất anh về Việt Nam. Trong đơn đương kiện, Sở Di Trú ghi rõ lý do tại sao anh phải bị trục xuất chiếu theo những điều luật đã nêu trên. Cũng vì vậy, Toà Án Di Trú đã phán xét anh là người mà Sở Di Trú được quyền trục xuất. Lời phán quyết này tuy là đúng theo luật trước kia, qua vụ án Lopez v. Gonzales, anh có thể xin xoá bỏ lệnh trục xuất này. Nhưng trong lúc đang tranh cãi anh không được rời Hoa Kỳ. Xin xem tiếp phần giải thích dưới đây.

Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ (U.S. Supreme Court), qua vụ án của Ông Zadvydas, Zadvydas v. Davis, 533 U.S 678 (2001),đưa ra phán quyết là Sở Di Trú không được quyền giam giữ mãi mãi những người đã bị kêu án trục xuất nhưng lại không có biện pháp để trục xuất họ vì cả hai (2) quốc gia không ký chung một Thoả Ước Hồi Hương (Repatriation Agreement) những phạm nhân. Vì thế, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ ra lệnh Sở Di Trú phải thả những người này ra, nếu trong vòng sáu (6) tháng Sở Di Trú không nghĩ hai nước sẽ có bang giao trong một tương lai gần.

Áp dụng lệnh của Tối Cao Pháp Viện, anh đã được Sở Di Trú thả ra sau 6 tháng. Nhưng thả ra không có nghĩa là anh vẫn có những quyền lợi của một thường trú nhân. Trường hợp của anh, Sở Di Trú chỉ cho phép anh được cư trú tại nước Hoa Kỳ (Parole) để đợi một ngày đưa về Việt Nam. Ngày nào hai quốc gia Hoa Kỳ và Việt Nam có bang giao, thì ngày đó Sở Di Trú cũng có thể trục xuất anh.

Trong lúc anh đang ở diện Parole, anh được quyền ở lại trong nước Hoa Kỳ, có quyền di chuyển khắp nơi trong phạm vi Hoa Kỳ. Anh được quyền lái xe. Anh được quyền xin thẻ lao động (work permit) để xin việc làm. Điều đáng tiếc là anh không được xin lại thẻ xanh, không xin nhập tịch được, và luôn cả không được ra khỏi phạm vi Hoa Kỳ.

Hơn nữa, nghề nghiệp anh là ngư phủ. Tôi khuyên anh không nên đi tàu quá 24 hải dặm tính từ bờ. Ngoài 24 hải dặm (nautical miles) là không còn trong phạm vi của Sở Di Trú qua đường biển của Hoa Kỳ; và nếu Sở Di Trú biết được, họ có thể gây trở ngại cho anh. Dầu rằng anh đã đi nhiều lần trước, anh nên thận trọng từ nay.

2. Tôi Có Thể Về Việt Nam Thăm Gia Đình Hay Không?

Như đã nói trên, Luật Di Trú không cho phép anh ra khỏi phạm vi nước Mỹ. Nếu anh đi ra khỏi nước Hoa Kỳ, anh sẽ vĩnh viễn không được trở lại nữa. Luật Di Trú không cho phép người bị kết án về tội Đại Hình Nghiêm Trọng trở lại Hoa Kỳ sau khi đã rời khỏi nước này, và chúng tôi cũng không thể xin Sở Di Trú cho anh về thăm gia đình vì lý do nhân đạo.

3. Tôi Còn Biện Pháp Nào Để Cứu Vãn Hoàn Cảnh Bây Giờ Hay Không?

Nếu một người chưa bị kêu án trục xuất, thì người đó có thể nạp đơn I-601 (Application on Grounds of Excludability) để xin Sở Di Trú chấp nhận cho ở lại Hoa Kỳ nếu người đó chứng tỏ được là vợ con, cha mẹ, hoặc thân nhân họ sẽ bị khốn khổ vô cùng (extreme hardship) một khi người ấy bị trục xuất (xin xem phần kế tiếp). Nếu được chấp nhận, người ấy sẽ được miễn bị cấm nhập cảnh khi trở về Hoa Kỳ. Ngoài ra, người đó còn có thể xin thẻ xanh. Nếu đang bị kêu án trục xuất và đang ra Toà Án Di Trú, thì người bị cáo có thể cãi rằng tội của họ không phải là tội đại hình trầm trọng hoặc không phải là tội đạo đức xấu xa đáng để bị trục xuất.

a. Vào ngày 5 tháng 12, năm 2006, qua vụ án Lopez v. Gonzales, Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ (U.S. Supreme Court) phán quyết rằng nếu tội đại hình (felony) buộc tội ma tuý của Tiểu Bang chỉ là tội tiểu hình (misdemeanor) dưới Luật Ma Tuý (Controlled Substance Act) của Liên Bang, thì tội đó không được xem là tội Đại Hình Trầm Trọng theo Luật Di Trú. Tiết Đoạn 21 U.S.C. § 844 của Luật Ma Tuý của Liên Bang cho rằng tội “tàng trữ bạch phiến để tự dùng,” nếu bị kêu án lần thứ nhất là tội Tiểu Hình, ngoại trừ 5 gram chất cặn của bạch phiến (cocaine-base, crack cocaine).

Vì tội của anh là tội “tàng trữ bạch phiến để tự dùng,” Sở Di Trú không được quyền trục xuất anh theo lệnh của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ. Anh có thể nạp đơn lên Toà Chống Án Di Trú để xoá bỏ lệnh trục xuất của anh. Nếu Toà Chống Án Di Trú không đồng ý, anh có quyền kiện lên Toà Án Liên Bang Hoa Kỳ hoặc Toà Thượng Thẩm Hoa Kỳ. Nếu thành công, anh sẽ xin được thẻ xanh, và còn có thể xin nhập quốc tịch vì tiền án của anh sẽ không bị xem là Tội Hình Trầm Trọng nữa. Nếu tội án của anh là tội đại hình trầm trọng, anh cũng còn vài biện pháp khác, xin xem phần kế tiếp.

Hơn nữa, người bị cáo có thể xin “được miễn” (waiver) với Quan Toà, mặc dầu Toà Án cho thấy tội của bị cáo đáng để bị trục xuất, theo một trong những diện như sau:

b. Rất nhiều người không hiểu luật đã cho rằng, nếu anh có vợ là công dân Hoa Kỳ thì anh sẽ xin được trở thành thường trú nhân hoặc sẽ không bị trục xuất một khi Hoa Kỳ có bang giao với Việt Nam. Sự thật là nếu anh có gia đình và vợ con là công dân Hoa Kỳ, điều này chỉ cho anh một cơ hội để tranh cãi khi hai nước có bang giao. Anh có thể biện luận rằng nếu anh bị trục xuất, thì vợ con anh sẽ bị khổ sở vô cùng (extreme hardship waiver). Xin anh lưu ý rằng những lời khai và hôn nhân phải là sự thật. Tội gian dối với đơn xin di trú là tội sẽ bị trục xuất.

c. Một cách khác là có thể anh xin tị nạn (Asylum) khi Sở Di Trú kêu án trục xuất anh. Asylum có hình thức như “refugee”. Sự khác biệt là khi ở ngoài Hoa Kỳ thì anh khai Refugee, và nếu ở trong nước thì anh khai Asylum. Anh phải chứng minh cho thấy nếu anh bị trục xuất về bất cứ nơi nào ở Việt Nam, anh cũng sẽ bị chính phủ Việt Nam ngược đãi và hành hạ. Anh phải chứng tỏ có lý do nào đó mà chính phủ Việt Nam sẽ giam giữ và hành hạ anh, chẳng hạn vì tôn giáo, chủng tộc, sắc dân, chính trị, hoặc vì anh thuộc một thành phần xã hội đặc thù.

d. Theo Hội Nghị Liên Hiệp Quốc Chống Hành Hạ và Tra Tấn (United Nations Convention Against Torture), dù anh có vi phạm luật di trú, và Toà Di Trú không chấp nhận đơn xin tị nạn của anh, nhưng nếu anh sẽ bị tra tấn nếu anh bị trục xuất, điều này sẽ ngăn cản Toà Án không được trục xuất anh về Việt Nam. Với đơn xin tị nạn và Convention Against Torture, nếu Toà Di Trú không chấp thuận, anh có thể chống án lên Toà Liên Bang (Federal District Court ) và Toà Thượng Thẩm Hoa Kỳ (U.S. Circuit Court of Appeals).

XIN LƯU Ý:

Luật di trú là một trong những luật lệ khúc mắc nhất. Quí vị nên tham khảo với một luật sư di trú để tìm hiểu thêm về tình trạng và quyền lợi của riêng mình. Bài phân tích trên chỉ nói sơ qua về một khía cạnh của luật di trú. Vì vậy, quí vị không nên dùng bài này để thay cho lời tham khảo với luật sư của mình. Chúng tôi khuyến khích quí vị tham khảo với một luật sư di trú trước khi nạp hồ sơ về bất cứ điều gì liên quan đến Sở Di Trú để tránh bớt trở ngại sau này. Mỗi trở ngại không những có thể liên quan đến diện di trú và quyền lợi của thân nhân quí vị ở Việt Nam mà còn có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của riêng quí vị tại Hoa Kỳ.

Nếu quí độc giả có điều gì thắc mắc, xin gửi e-mail hay thư cho LS Phạm Minh Tuấn. Câu trả lời sẽ đuợc đăng trong số báo tiếp theo.

Boat People SOS, Inc.
L.S. Steven Tuan Pham
11205 Bellaire BLVD., Suite B22
Houston, TX 77072
steven.pham@bpsos.org
(281) 530- 6888 (Off.)
(281) 530- 6838 (Fax)

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=997