“Khi Bố Mẹ Tưởng Rằng Con Mình Không Để
Date: Wednesday, May 09 @ 14:41:01 EDT
Topic: Mái Ấm Gia Đình


Quyên Di
Hôn Nhân và Mái Ấm Gia Đình

Có một em bé con nhà giàu, nhân dịp tết được bố mẹ dẫn đi phố mua quà. Qua cửa hàng quần áo, bố mẹ hỏi em có muốn mua không; em lắc đầu trả lời là em có nhiều rồi. Đến hàng giày dép, rồi hàng búp bê, rồi hàng đồ chơi điện tử, bố mẹ đều hỏi có muốn mua không; em cũng đều lắc đầu trả lời là không vì đã có nhiều rồi.



Bố mẹ thất vọng hỏi con muốn quà gì; em bé cứ kéo tay bố mẹ đi, mắt ngó hàng quán hai bên đường như có ý tìm kiếm vật gì. Đến chỗ cửa hàng kia, em kéo bố mẹ vào và đòi mua cho bằng được một cái ống điếu. Bố mẹ ngạc nhiên hỏi con rằng còn nhỏ mà mua thứ ấy làm gì.

Em bé trả lời: “Thưa bố mẹ, xin mua cho con để con làm quà tặng ông thợ mộc hàng xóm.”

Bố mẹ càng ngạc nhiên hỏi: “Tại sao con tặng quà cho ông ấy? Con quen ông ấy từ bao giờ?”

Em bé nói: “Thưa con quen ông ấy lâu rồi. Mỗi lần bố mẹ bảo bố mẹ bận việc không có giờ cho con thì con sang bên nhà ông ấy chơi. Ông ấy kể chuyện cho con nghe rồi nghe con nói chuyện. Ông ấy bỏ thì giờ chơi với con. Con tặng quà cho ông ấy vì ông ấy thương con và con cũng thương ông ấy.”

Câu chuyện trên làm chúng ta suy nghĩ. Trẻ em có một quyền chính đáng là quyền được yêu thương và cha mẹ cũng có một sứ mạng cao quý là sinh con và yêu thương giáo dục con cái. Đối với trẻ em còn non nớt, kém lý luận và không hiểu được những gì quá sâu xa, thì sự yêu thương của cha mẹ cần phải tỏ ra bên ngoài, các em mới nhận thấy được. Cái “tỏ ra bên ngoài” đó chính là dành thì giờ cho con cái. Càng suy nghĩ nhiều, chúng ta càng nhận ra rằng: con cái nếu không tìm thấy niềm vui và sự yêu thương trong gia đình, chúng sẽ đi tìm niềm vui và sự yêu thương ở bên ngoài, để rồi rất nhiều khi gặp phải niềm vui và sự yêu thương giả mạo. Khi ấy thì đời chúng sẽ đau khổ.

Việc “không bỏ đủ thì giờ cho con cái” không phải chỉ xảy ra cho những cha mẹ đi tìm niềm vui riêng một cách ích kỷ, nhưng còn xảy ra cho rất nhiều cha mẹ dồn thì giờ vào việc kiếm tiền cho gia đình hoặc bỏ thì giờ quá nhiều vào việc phục vụ cộng đồng mà quên rằng con cái cũng cần được hưởng sự yêu thương và thì giờ của chúng ta.

Khi cha mẹ để thì giờ ra để ở gần và chăm sóc con cái, chúng cảm thấy an toàn và được yêu thương. Khi gần con cái, không cứ phải ôm ấp vỗ về chiều chuộng chúng, nhiều khi chỉ cần hiện diện trong gia đình, làm những công việc bình thường với lòng yêu thương, con cái sẽ thấy và sẽ học được nơi cha mẹ rất nhiều bài học đáng quý. Chúng sẽ nhớ những bài học đó suốt đời. Đồng thời những bài học đó sẽ làm chúng trở thành người tốt.

Gương sáng của cha mẹ ảnh hưởng trên con cái. Ai ai cũng đồng ý như thế. Nhưng ảnh hưởng bắt đầu từ lúc nào? Và cha mẹ phải làm gì để có ảnh hưởng tốt?

Trước hết điều phải nói ngay là đời sống của cha mẹ ảnh hưởng rất sớm trên đời sống của đứa con. Theo các nhà tâm lý và sinh lý học, thì người mẹ có thể ảnh hưởng trên đứa trẻ lúc nó được thụ thai. Điều này cũng dễ hiểu vì tính tình, sự vui buồn, thức ăn, giấc ngủ, việc đi đứng và nếp sống của người mẹ, tất cả đều ảnh hưởng đến sự cấu tạo thể lý và tâm tình của đứa con. Do đó, nếu trong khi mang thai, người mẹ sống vui tươi, bình thản, điều hoà, quảng đại, trong sạch, đạo đức và thánh thiện, bà sẽ để lại ảnh hưởng tốt trên đứa trẻ sắp sinh ra.

Kế đến, khi đứa trẻ ra đời, bà và chồng phải quan tâm đến tác động của gương sáng. Mặc dù đứa bé chưa hiểu và chưa nói được, nhưng chúng biết nhìn và tỏ ra vui buồn, bình an hay sợ sệt trước thái độ của những người chăm lo cho chúng.

Sau cùng, khi đứa trẻ bắt đầu tiếp xúc với thế giới xung quanh, biết nhìn và đặt những câu hỏi, đó là lúc mà gương sáng của cha mẹ có cơ hội tác động mạnh trên tánh tình, cách xử trí, nếp sống và hạnh kiểm của đứa con. Và cha mẹ phải tiếp tục làm gương tốt cho con cái suốt đời mình.

Để minh chứng thêm cho quan niệm những gương lành của cha mẹ có ảnh hưởng sâu xa và lâu dài trên con cái, chúng tôi gửi quý vị đoạn văn dịch sau đây, thác lời một em bé thưa với bố mẹ:

“Khi bố mẹ tưởng rằng con không để ý, thì con thấy bố mẹ treo tấm hình đầu tiên con vẽ trong đời lên cánh cửa tủ lạnh, và lập tức con muốn vẽ tấm hình thứ hai.

“Khi bố mẹ tưởng rằng con không để ý, thì con thấy bố mẹ cho con mèo hoang một đĩa thức ăn, và lúc đó con học được rằng mình phải thương súc vật.

“Khi bố mẹ tưởng rằng con không để ý, thì con thấy bố mẹ bỏ công làm cái bánh mà con thích nhất, và lúc đó con học được rằng những việc nhỏ bé có thể là những điều rất đặc biệt trong cuộc sống.

“Khi bố mẹ tưởng rằng con không để ý, thì con nghe bố mẹ cầu nguyện, lúc ấy con học được rằng có một Thượng Đế để con có thể luôn luôn trò chuyện và đặt niềm tin vào Ngài.

“Khi bố mẹ tưởng rằng con không để ý, thì con thấy bố mẹ sửa soạn bữa ăn và đem đến cho một người bạn yếu đau, lúc đó con học được rằng tất cả chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau.

“Khi bố mẹ tưởng rằng con không để ý, thì con thấy bố mẹ bỏ thì giờ và tiền bạc để hiến tặng những người thiếu thốn, khi ấy con học được rằng người sung túc phải biết chia sẻ cái mình có với những người nghèo túng.

“Khi bố mẹ tưởng rằng con không để ý, thì con thấy bố mẹ bước vào phòng hôn con và thầm thì chúc con ngủ ngon, khi ấy con cảm thấy an toàn và được yêu thương.

“Khi bố mẹ tưởng rằng con không để ý, thì con thấy bố mẹ chăm sóc nhà cửa và mọi người trong gia đình, khi đó con học được rằng mình phải chăm sóc, gìn giữ những người và những gì Trời ban cho mình.

“Khi bố mẹ tưởng rằng con không để ý, thì con thấy bố mẹ chu toàn trách nhiệm của mình cho dù cả khi bố mẹ không thích, và khi ấy con học được rằng con phải chu toàn trách nhiệm khi một mai lớn lên.

“Khi bố mẹ tưởng rằng con không để ý, thì con thấy những giọt lệ rơi từ khoé mắt bố mẹ, khi đó con học được rằng đôi khi có những điều làm mình đau đớn, nhưng mình có quyền để khóc.

“Khi bố mẹ tưởng rằng con không để ý, thì con thấy bố mẹ hết lòng chăm sóc cho con nên người, và khi ấy con muốn làm tất cả mọi điều để có thể trở nên người như bố mẹ muốn.

“Khi bố mẹ tưởng rằng con không để ý, thì con đã học được mọi bài học của cuộc đời mà con cần biết để trở nên một người tốt và hữu ích mai sau.
“Khi bố mẹ tưởng rằng con không để ý, thì con nhìn bố mẹ và muốn thưa rằng: “Con xin cảm ơn bố mẹ về tất cả những gì con đã thấy mà bố mẹ tưởng rằng con không để ý.”

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=993