Bệnh Parkinson
Date: Wednesday, May 09 @ 13:04:08 EDT
Topic: Tuổi Hạc


Bác Sĩ Nguyễn Ý Đức
Cộng tác viên báo Mạch Sống

Không biết bắt đầu tự bao giờ, mà trong việc nghiên cứu y khoa học, có một thói quen lấy tên người khám phá ra sự việc để đặt cho kết quả một công trình nghiên cứu của người đó.



Vi khuẩn gây ra bệnh lao mang tên vi trùng Koch, là tên của bác sĩ người Đức Robert Koch đã tìm ra vi sinh vật này vào năm 1882; bệnh phong mang tên bác sĩ người Na Uy Gerard Hansen; phương pháp khử trùng bằng sức nóng mang tên nhà bác học Louis Pasteur của Pháp... và cả trăm tên riêng khác. Thật là một vinh dự cho các nhà nghiên cứu và cũng là để tỏ lòng tri ân của quần chúng đối với các vị này.

Bệnh Liệt Rung thường được gọi nhiều hơn với tên Bệnh Parkinson. Parkinson là tên của vị bác sĩ giải phẫu người Anh, James Parkinson, sinh năm 1755 và mất năm 1824. Năm 1817, ở tuổi 62, ông xuất bản tác phẩm “Eassay on the Shaking Palsy”, diễn tả rõ ràng hơn về những cơn rung của một số bệnh nhân mà các thầy thuốc đương thời nói tới. Ông thấy rằng, người bệnh bắt đầu có cơn rung giật cách hồi ở một chi, rồi cơn rung trở nên không kiểm soát được. Khi người bệnh thay đổi vị trí bất thình lình thì cơn rung ở chi đó ngừng để rồi lại rung ở chân hoặc cánh tay phía bên kia. Ông cũng nhấn mạnh tới sự liên hệ giữa rung với liệt, với bước đi lảo đảo ngắn-đi đâm sầm - (festination), với dáng điệu khom khom lưng, cứng nhắc của người bệnh. Theo ông, liệt chỉ tạm thời mặc dù bệnh có trầm trọng.

Tình trạng rung của các cơ đã được diễn tả trong các văn bản y học từ nhiều ngàn năm về trước bởi nhiều nhà nghiên cứu như Galen, Leonardo da Vinci, Franciscus de la Boe...

Tiếp nối công trình của Parkinson, nhiều nhà khoa học khác đã công bố các khám phá mới về bệnh rung liệt, cả về nguyên nhân bệnh cũng như về trị liệu.

Trước đây, người ta cho rằng liệt rung gây ra do tai biến não, bệnh của tuỷ sống, của cơ... Một trăm năm sau khi bác sĩ Parkinon diễn tả bệnh, người ta đã khám phá ra nguyên nhân chính của Liệt rung. Đó là sự hoại tử của vùng chất xám (substantia nigra) trong não bộ.

Vào thập niêm 1800, bác sĩ thần kinh nổi danh Jean M. Charcot của Pháp đã đề nghị đặt tên của bác sĩ Parkinson cho bệnh Liệt Rung.

Parkinson là bệnh thoái hoá dần dần của hệ thần kinh trung ương, thường thấy ở lớp người ngoài 50 tuổi, rất ít khi thấy ở tuổi trẻ. Nam giới bị bệnh nhiều hơn nữ giới một ít. Bệnh vừa mãn tính vừa tăng lên đều đều. Diễn tiến và các triệu chứng của bệnh thay đổi tuỳ từng cá nhân.

Nguyên nhân

Parkinson vẫn còn được coi như vô căn (idiopathic), có nghĩa là một bệnh mà nguyên nhân chưa được biết rõ.

Một số yếu tố có thể có liên hệ với bệnh liệt rung là tác dụng phụ của vài loại thuốc trị bệnh tâm thần (phenothiazine, thioxanthene, reserpine...), viêm nhiễm virus não, ngộ độc khí carbon monoxide, khoáng manganese, một loại thuốc gây nghiện tổng hợp từ chất gây mê (narcotic), thiểu tuần hoàn não, tuổi cao, di truyền...

Điều mà y khoa học biết rõ về bệnh Parkinson là: não bộ người bệnh không sản xuất được chất dopamine.

Dopamine là một trong nhiều chất dẫn truyền thần kinh (neurotransmitter), chuyển tín hiệu điện năng giữa các tế bào thần kinh, tới các cơ quan để tạo ra hành động. Các công việc như học hỏi, suy nghĩ, cất bước đi, dơ tay cầm đồ vật... đều do não bộ điều khiển và chất dẫn truyền thần kinh chuyển mệnh lệnh tới các bộ phận liên hệ để hành động.

Dopamine do một nhóm tế bào não gọi là substantia nigra xản xuất. Trong bệnh Parkinson, tế bào của vùng xám đen này bị huỷ hoại và không sản xuất ra dopamine. Các tín hiệu xuất phát từ não bảo cơ thể khi nào cử động, cử động ra sao... bị gián đoạn, khiến cho người bệnh không khởi sự và kiểm soát được các cử động, dáng điệu... của mình một cách bình thường. Nhưng nguyên do gây ra sự huỷ hoại các tế bào của substantia nigra vẫn chưa được biết rõ.

Triệu chứng

Các dấu hiệu của bệnh xuất hiện từ từ, không rõ rệt nên rất khó mà nhận ra và nhiều khi có thể nhầm lẫn với các bệnh khác. Thường thường, người nhà hoặc bạn bè lại phát hiện một vài dấu hiệu sớm ở người bệnh, như nét mặt vô cảm, dáng đi cứng nhắc, rung bàn tay...

Có người thấy cơ bắp cứng, đi lại không vững, mất thăng bằng; có người bắt đầu bằng rung tay, dễ mệt mỏi, bước chân kéo lê, nét mặt thẫn thờ, phát ngôn khó khăn... Người tuổi cao, người yếu sức khoẻ cũng có thể có các dấu hiệu này. Cho nên, khó mà xác định thời gian khởi đầu của bệnh.

Nhưng khi đã tới giai đoạn xa, bệnh Parkinson có một số dấu hiệu chính sau đây:

a. Rung khi nghỉ: Dấu hiệu này thường thấy ở hầu hết các bệnh nhân Parkinson. Đặc điểm của rung là sự chuyển động nhịp nhàng, đều đều, từ 4 tới 6 lần trong một giây, thường là ở bàn tay, khi người bệnh không làm việc, và họ không kiểm soát được. Đôi khi rung cũng xảy ra ở cánh tay, chân, cằm, mặt, cổ, môi, lưỡi... Cường độ rung thay đổi tuỳ theo thời gian trong ngày, nhiều hơn khi căng thẳng tinh thần hay thể chất hoặc ở giữa đám đông người.

b. Cứng cơ: Hầu hết các bắp thịt đều ở trong tình trạng căng cứng liên tục, gây khó khăn cho các hoạt động của cơ thể. Chân cứng nhắc, bước đi khó khăn, tay không vung vẩy; gương mặt lạnh lùng (như mang mặt nạ), không cảm xúc, không nụ cười, không chớp mắt, khó khăn nhai nuốt nước miếng, thực phẩm, phát âm không rõ, tiếng nói nhỏ, đều đều, lắp bắp nói lắp. Mặc dù căng cứng nhưng các bắp thịt không bị tổn thương và vẫn sử dụng được khi tập luyện.

c. Dáng đi cứng nhắc, đầu cúi về phía trước, lưng khom khom, cất bước khó khăn, không quay mình được, đôi khi lật đật bước nhanh để giữ thăng bằng, tránh té ngã.

d. Khó khăn khi bắt đầu cử động, chậm chạp khi thực hiện các cử động và mất khả năng điều chỉnh tư thế cơ thể. Nhiều người không làm được các động tác thường lệ như mặc quần áo, cài khuy cúc áo quần, cầm thìa, cầm bát ăn cơm, viết lách, cầm báo để đọc, gãi đầu... Đang làm một động tác nào dó, người bệnh bất chợt trơ trơ bất động. Chẳng hạn như đang đi tự nhiên đứng khựng lại, đang nói chợt ngưng, há miệng ú ớ.

Hầu hết bệnh nhân ở trong tâm trạng trầm cảm, lo sợ, tự cô lập, hay quên, thay đổi tính tình, dễ dàng có cảm giác sợ sệt, không có sáng kiến...

Họ hay than phiền đau nhức các bắp thịt, táo bón, khó khăn tiểu tiện. Da thường bị viêm, nhờn, tróc, đặc biệt ở mũi, trán, mí mắt, lông mày...

Đang ngồi mà đứng lên, họ thấy chóng mặt, muốn té vì huyết áp giảm. Họ rất hay bị té ngã vì mất thăng bằng cơ thể...

Các dấu hiệu của bệnh thay đổi tuỳ theo từng bệnh nhân. Có người rung, có người chỉ có co cứng cơ...

Chẩn đoán bệnh

Bệnh được chẩn đoán qua tiền sử, các dấu hiệu lâm sàng, khám nghiệm tổng quát, khám nghiệm thần kinh, thực hiện não điện đồ, chụp X quang não bộ bằng MRI (magnetic resonance imaging), PET (positron emission tomography ). PET là phương pháp khá tinh vi, có thể phát hiện ra các sinh hoạt sinh hoá chất, như là dopamine, noradrenaline... của não mà bình thường chỉ biết được khi giải phẫu quan sát tế bào não.

Tiền sử nhắm vào việc tìm hiểu xem bệnh nhân đã bị chấn thương, tai biến não, tiếp xúc với các chất độc hại hoặc đã có các bệnh thoái hoá khác.
Thực ra, không có một thử nghiệm hoặc x -quang nào có thể xác định bệnh.

Điều trị

Bệnh Parkinson đang được các nhà nghiên cứu dành rất nhiều công sức, tiền tài để tìm ra các phương thức điều trị, vì liệt run gây nhiều khó khăn, trở ngại cho đời sống người bệnh.

Bệnh được điều trị bằng dược phẩm, giải phẫu..Ngoài ra, các phương thức hỗ trợ như chăm sóc, dinh dưỡng, vật lý trị liệu, vận động cơ thể....cũng có vai trò quan trọng,

1. Dược phẩm

Mặc dù chưa có cách trị dứt, một số dược phẩm có thể làm dịu bớt các dấu hiệu của bệnh Parkinson, giúp người bệnh duy trì được sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên thuốc cũng có thể gây ra một vài trở ngại:

  • Thuốc có nhiều tác dụng phụ rất khó chịu cho bệnh nhân
  • Bệnh nhân có thể trở nên quen với thuốc, cần gia tăng liều lượng hoặc dùng phối hợp nhiều dược phẩm với nhau.
  • Thời gian tác dụng của thuốc rất ngắn, nên bệnh nhân phải uống nhiều lần trong ngày. Thuốc không giải quyết vấn nạn chính của bệnh là sự huỷ hoại các tế bào tạo ra chất dopamine của bệnh, cho nên tương lai bệnh khó mà ước đoán.

Các thuốc thường dùng là:

a. Thuốc để bổ xung dopamine không được sản xuất ở não, loại levodopa. Vào tới não, Levodopa sẽ chuyển hoá thành dopamine. Levodopa thường được dùng phối hợp với môt loại thuốc khác (carbidopa) để giảm thiểu tác dụng phụ của levodopa và tăng cường hiệu năng của thuốc này. Tác dụng phụ của levodopa gồm có ngây ngất, giảm huyết áp khi đứng lên, ác mộng, rối loạn vận động, buồn nôn, đau bụng, hồi hộp, đôi khi hoang tưởng.

b. Thuốc chống sản xuất chất acetylcholine (anticholinergic drugs như benzotropine, diphenhydramine). Acetylcholine là chất kích thích cơ cứng và rung nhiều hơn khi dopamine vắng mặt. Tác dụng phụ thường thấy là khô miệng, táo bón, mờ mắt, mất định hướng, mê sảng...

c. Thuốc nhái tác dụng của dopamine (bromocriptine, perglolide...), giúp dẫn truyền tín hiệu thần kinh mà không cần tới dopamine.

d. Thuốc ngăn men monoamine oxidase (MAO) chuyển hoá dopamine thành chất vô hiệu. Đó là loại monoamine oxidase inhibitor-B như thuốc selegiline, Azilect.

2. Giải phẫu

Giải phẫu được áp dụng cho một số bệnh nhân không đáp ứng với dược phẩm, như là:

  • Cắt bỏ mô bào não gây ra các cử động hoặc tiết ra các hoá chất bất thường.
  • Giải phẫu cầu nhạt (pallidum): cầu nhạt là một trong nhiều tập hợp đặc của chất sám, nằm sâu trong mỗi bán cầu não, và có thể gây ra một số cử động bất thường cho bệnh nhân sau nhiều năm dùng thuốc. Phẫu thuật gia sẽ tìm đúng vị trí mô bào này và đốt một cái lỗ nhỏ li ti lên tế bào đó, chặn không cho tế bào gây ra cử động bất thường.
  • Kích thích não (deep brain stimulation -DBS) với luồng điện rất nhỏ phát ra từ một vi thiết bị đặt trong não, để giảm thiểu cơn rung và các cử động bất thường. Phương pháp này rất hữu hiệu trong một số trường hợp và được dùng khi dược trị liệu thất bại hoặc gây ra nhiều tác dụng ngoại ý. 
  • Gene trị liệu đang được thử nghiệm và có nhiều triển vọng tốt. Mục tiêu của trị liệu này là thay gene bệnh bằng gene khoẻ mạnh, qua trung gian của một vật thể nào đó. Hiện nay các nhà khoa học đang thử dùng một loại virus để làm công việc mang gene lành mạnh này vào não.
    Hỗ trợ, chăm sóc Bệnh Parkinson đưa đến nhiều trở ngại, khó khăn cho nếp sống của người bệnh. Họ có khó khăn trong việc ăn uống, tắm rửa, vệ sinh. Họ đi lại khó khăn, không diễn tả được ý nghĩ lời nói. Tính tình thay đổi bất thường, đôi khi bướng bỉnh đập phá. Họ không tự sử dụng thuốc men vì uống nhiều loại khác nhau và nhiều lần trong ngày... Họ cần sự chăm sóc giúp đỡ.

Người chăm sóc hầu như có vai trò của nhiều nhà chuyên môn: hướng dẫn chế độ ăn uống, hướng dẫn dùng thuốc, hướng dẫn cách nói, vận động cơ thể, vệ sinh cá nhân... Đây là việc làm cần sự hy sinh của người chăm sóc.
Ngoài ra, bệnh nhân cần giữ hẹn với bác sĩ để theo dõi bệnh tình, thay đổi thuốc; tham dự các chương trình vật lý trị liệu, duy trì các sinh hoạt xã hội...

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=990