Tư và Công
Date: Friday, March 30 @ 12:34:55 EDT
Topic: Quan Điểm


TS. Nguyễn Đình Thắng

Trong chúng ta có những người lòng gắn bó với cộng đồng và xã hội nhưng bận bịu đời sống và trách nhiệm gia đình nên cho rằng chưa phải lúc gánh vác công tác cộng đồng hay xã hội. Họ tự hứa với lòng, khi ổn việc nhà thì sẽ làm việc nghĩa.

Tâm trạng này thể hiện mâu thuẫn giữa hai nhu cầu: sinh tồn cá nhân và sinh tồn giống nòi.

Khất lại công tác cộng đồng và xã hội nghĩa là giả định rằng hai nhu cầu này có thể tách biệt—xong việc này rồi đến việc kia. Thực ra hai nhu cầu này liên đới, phụ thuộc và tác động lẫn nhau vì con người là sinh vật xã hội. Cá nhân không thể trường tồn và phát triển khi cộng đồng suy thoái, xã hội băng hoại. Ngược lại, cộng đồng và xã hội không thể lành mạnh khi cuộc sống của các cá nhân và gia đình bất ổn.

Chính sự liên đới này đòi hỏi chúng ta phải vừa lo cho đời sống cá nhân, gia đình vừa chăm nom cho cộng đồng, xã hội. Chẳng hạn trước tình trạng băng đảng và tội phạm, bậc cha mẹ cùng một lúc vừa phải bảo bọc con cái vừa phải góp phần đẩy lùi mối đe doạ chung cho xã hội. Việc này không đợi việc kia.

Chẳng hạn vốn xã hội bị tiêu huỷ do con người ngày càng sống biệt lập; kéo dài thái độ bàng quan thêm ngày nào là làm mất vốn xã hội thêm ngày đó. Về ý thức chúng ta có thể hiểu được điều này, nhưng thực hành thường không dễ vì nhiều lo toan cho cuộc sống bản thân và gia đình.

Xã hội Khổng Mạnh thời xưa sắp xếp trách nhiệm rõ rệt cho mỗi giai đoạn của cuộc sống. Như vậy lúc nào trong xã hội cũng có một đội ngũ gánh vác việc chung trong khi số còn lại đang tu thân và tề gia để sẽ đến ngày góp phần với đất nước và nhân quần. Sự phân bổ trách nhiệm một cách lớp lang như vậy trong xã hội, và ý thức về nó, ngày nay đã phai nhạt.

Xã hội Hoa Kỳ có cách sắp xếp để tạo sự hài hoà giữa tư và công, qua các tổ chức dân sự. Các tổ chức này cung ứng phương tiện và tạo thuận lợi để những người bận rộn vẫn có thể đóng góp. Một kỹ sư điện toán có thể dành hai giờ mỗi tuần để kèm các trẻ em học kém; một bác sĩ gia đình có thể dành buổi sáng ngày thứ Bảy đầu tháng để khám bệnh miễn phí. Trong giới lãnh đạo các công ty lớn, nhiều người phục vụ trong hội đồng quản trị của các tổ chức từ thiện.

Cộng đồng Mỹ gốc Việt còn non trẻ và do đó chưa tổ chức được lớp lang và quy củ như vậy. Người phục vụ cộng đồng hầu như phải xắn tay áo làm từ A đến Z. Họ phải hy sinh đời sống riêng tư và nhiều khi phải tự tài trợ bằng tiền túi của mình. Tình trạng này làm cho nhiều người ngại và tránh xa hay khất lần công tác cộng đồng. Chỉ có một số rất nhỏ dấn thân “ăn cơm nhà, vác ngà voi”.

Điều mà những người dấn thân cần tự hỏi là, trong hơn 30 năm qua chúng ta có tạo được môi trường cho lớp người theo sau trong việc đóng góp cho cộng đồng và xã hội mà không phải hy sinh quá đáng? Nếu câu trả lời là có, thì chúng ta đã đóng vai trò tiền phong, khai sơn phá thạch. Nếu câu trả lời là không thì xem như đã ăn lẹm dần thóc giống.

Đã đến lúc cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ cần đầu tư thêm thời gian, thêm năng lực để thành lập và phát triển thêm nhiều tổ chức dân sự mà qua đó những người có lòng nhưng bận rộn vẫn có thể phục vụ cộng đồng và xã hội.

Trong 8 năm qua, Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển giúp cho nhiêàu tổ chức bạn phát triển nội lực là trong chiều hướng này: có được ngân khoản để tuyển nhân viên toàn thời và tạo được cơ sở để thu hút và giữ lại những tình nguyện viên có lòng nhưng rất bận bịu.

Mạch Sống Số 56, tháng 3, 2007







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=966