Cơn Bão Cuối Mùa
Date: Friday, March 30 @ 10:53:29 EDT
Topic: Lịch Sử Qua Lời Ke


Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích

(tiếp theo kỳ trước)

Hai người có cùng chung nỗi đau của cuộc tình tan vỡ nên họ dễ cảm thông và gần gũi nhau. Trong cuộc sống lẻ loi, nhu cầu nương tựa vào nhau cũng cấp thiết, vì vậy mà Thuần và Hiệp quyết định tổ chức đám cưới là điều không ai ngạc nhiên.

Từ ngày có Hiệp, Thuần đỡ phần vất vả. Mọi công việc bên ngoài đều do chàng lo liệu. Nàng chỉ lo điều hành tiệm cà phê.

Rồi một hôm, khách hàng đến quán xôn xao bàn tán về bản tin của đài VOA làm nức lòng những anh em cựu tù cải tạo:

“Ngày 30 tháng 7 năm 1989, một văn kiện lịch sử đã được ký kết giữa Hoa Kỳ và chính phủ Hà Nội. Chính quyền VN đã cam kết sẽ phóng thích những tù nhân chính trị và chính phủ Hoa Kỳ cam kết sẽ tái định cư số cựu tù này tại Hoa Kỳ.”

Vợ chồng Thuần vẫn dè dặt trước lời đồn đại, nhưng rồi ước mơ thành sự thật. Vào năm 1990 đợt HO đầu tiên lên đường định cư tại Hoa Kỳ và những đợt kế tiếp lần lượt ra đi, trong số đó, có gia đình của Hiệp Thuần.

Từ ngày lấy nhau, đôi vợ chồng Thuần Hiệp sống vô cùng hạnh phúc. Chỉ ân hận một điều là nàng không sinh được cho Hiệp một đứa con. Sau một năm ngày cưới, nàng đã thụ thai, nhưng rủi thay, cái thai bị sẩy vào tháng thứ ba rồi lặng thinh luôn. Đến Mỹ, nàng đã vài lần đi khám sản phụ khoa. Bác sĩ cho biết ống dẫn trứng không được bình thường. Sau khi Hiệp tốt nghiệp đại học ngành Accounting và có việc làm vững chắc, chàng không cho vợ đi làm nữa vì sức khoẻ của nàng không được khá lắm.

Đã mấy lần Nghĩa gọi điện thoại nằng nặc đòi mẹ về Việt Nam để coi mắt người vợ tương lai của mình và đến thăm nhà bà nội của nàng.

Rút từ kinh nghiệm đau thương của mình, Thuần luôn luôn nhắc nhở với con trai là phải giữ gìn sự trong trắng cho người yêu. Hậu và Hiệp cũng hối thúc Thuần phải về thăm quê nhà một chuyến để xem tình hình trước khi quyết định cuộc hôn nhân của con. Tuổi trẻ thường hay nông nổi và hối hả trong tình yêu. Chính Hiệp là người lấy vé máy bay cho vợ.

Chiếc Airbus giảm dần cao độ rồi từ từ hạ cánh xuống phi trường Nội Bài. Thời tiết bên ngoài se lạnh. Bầu trời âm u xám đục. Bà Thuần sửa lại chiếc khăn quàng cổ, kéo chiếc va-li nhỏ cùng với hành khách đi vào khu nhận hành lý. Sau khi làm xong thủ tục nhập cảnh, bà Thuần đi sau người lao công đang đẩy chiếc xe chất hai va-li lớn theo hành lang ra ngoài. Bất chợt, tiếng kêu “Má” rõ to của Nghĩa rồi chàng chạy đến ôm choàng vai mẹ. Một người con gái mảnh khảnh có khuôn mặt trái soan đến trước mặt bà cúi đầu lễ phép:

- Con chào bác ạ.

Nghĩa nắm tay nàng giới thiệu:

- Đây là Phương, Huỳnh Mai Phương, bạn gái của con, còn đây là má anh. Bà Thuần tươi cười bắt tay Phương:

- Bác rất vui được gặp con.

Một hướng dẫn viên đến mời hành khách chuyến bay lên xe buýt về Hà Nội. Phi trường Nội Bài nằm về phía Bắc và cách Hà Nội khoảng 25 miles. Xe chạy bon bon trên con đường cao tốc. Đồng ruộng hai bên đường đều ngập nước có lẽ đang là mùa mưa. Nhà cửa thưa thớt trên đoạn đường này. Qua cầu Chương Dương, xe vào thành phố Hà Nội và chạy thẳng tới khách sạn Hanoi Hotel nằm cạnh khu Giảng Võ thuộc quận Ba Đình mà Nghĩa đã giữ phòng trước cho mẹ.

- Thưa Bác, đây là khách sạn nổi tiếng vào đầu thập niên 90, nhưng bây giờ thì thua xa khách sạn Hanoi Tower được xây cất trên nền nhà tù Hoả Lò. Còn Hanoi Deawoo Hotel và Hanoi Horizon Hotel cũng đồ sộ lắm.

Cô bé Phương giải thích cho bà Thuần khi nàng kéo hành lý vào khu tiếp khách.

Nghĩa xen vào:

- Con chọn hotel này là vì nó nằm cách xa trung tâm thành phố, nơi đây yên tĩnh và thoáng mát hơn.

Tắm rửa xong, ba người lên taxi đi Hồ Tây ăn tối trên thuyền. Lúc uống trà và ăn tráng miệng, bà Thuần hỏi thăm sức khoẻ bà nội của Phương và việc học hành của nàng ra sao. Cô bé trả lời rất lịch thiệp, còn giữ được phong cách của người Hà Nội. Ở Phương, nổi bật nhất là đôi mắt đen láy và nụ cười cởi mở khiến người đối diện có cảm tình ngay. Bà Thuần dặn dò Phương:

- Sáng mai, khoảng 10 giờ, bác và Nghĩa sẽ đến vấn an sức khoẻ bà Nội, con nhớ trình với Nội như thế.

Bà quay sang con trai:

- Nghĩa kêu xe cho Phương về nhà còn má con mình về khách sạn.

Sáng hôm sau, trước khi ăn điểm tâm, bà Thuần soạn số quà mua ở Mỹ đem biếu bà Nội và tặng cho Phương. Bà cũng hỏi ý kiến của con trai những món hàng đó có hợp với bé Phương hay không. Tất nhiên là anh chàng kỹ sư xít xoa vui mừng lắm.

Một giờ sau, mẹ con bà Thuần đến nhà bà nội của Phương. Hai bà cháu ra tận ngoài cổng đón khách. Bà cụ đã gần tám mươi tuổi mà trông còn sắc sảo:

- Kính chào bác và anh ạ.

- Dạ, con kính chào cụ, cháu kính chào bà nội, cả hai mẹ con bà Thuần cùng đáp lễ.

Có lẽ bà cụ được cháu gái cho hay về ý định của Nghĩa muốn kết hôn với nàng và chuyến về Việt Nam của bà Thuần là để xem mặt cô dâu tương lai. Tuổi đã gần đất xa trời mà cháu gái bà có được người chồng trí thức, quốc tịch Hoa Kỳ. Không bao lâu sau, cháu bà sẽ được qua Mỹ, một đất nước văn minh và giàu nhất thế giới thì có niềm vui nào lớn hơn. Nhìn nụ cười luôn nở trên môi, nghe cách ăn nói kiểu cách và sự tiếp đón niềm nở của bà là thấy được lòng quý khách như thế nào.

Sau một hồi trao đổi xã giao, bà Thuần đi thẳng vào vấn đề:

- Thưa cụ, hai cháu Nghĩa và Phương thương nhau và muốn đi đến xây dựng tương lai, cháu xin được nghe ý kiến của cụ:

- Cháu Phương chưa là đảng viên nên thủ tục kết hôn không lệ thuộc vào tổ chức. Tôi thì già rồi, chúng nó yên bề gia thất thì mình cũng yên lòng nhắm mắt.

- Thưa cụ, để được thuận thảo trong việc kết hợp cho hai cháu, tôi mong được gặp mặt bố mẹ của cháu Phương có được không ạ?

- Nuôi nó từ lúc 3 tuổi vì vậy chúng tôi có quyền quyết định tương lai của nó. Bố nó hiện giờ sống với bà vợ sau ở Hải Phòng.

Mặc dù được Nghĩa cho biết Phương không có mẹ nhưng bà Thuần vẫn hỏi:

- Thế Mẹ ruột của cháu Phương bây giờ ở đâu?

- Ôi, chúng nó ly dị nhau từ lúc con bé này mới lên ba, loài quỷ dữ có bao giờ thương con đâu mà bác hỏi. Thằng bố nó bồng về đây giao cho già này chăm sóc để lo chạy gạo.

Bà cụ lấy khăn lau đôi mắt rưng rưng lệ, rồi than thở:

- Bác nghĩ xem, thời kỳ kinh tế khó khăn, tiền hưu trí của tôi chẳng thấm vào đâu nên phải làm thêm trong HTX mành trúc , ngày ngày phải nách cháu theo. May là ngày nay cuộc sống có phần khá hơn.

Bà cụ bưng chén trà mời bà Thuần, nhìn cô cháu gái bà bảo:

- Phương à, ngày mai con điện thoại mời bố đến khách sạn chào bác và anh Nghĩa nhé.

- Thưa Nội, vâng ạ.

Phương lễ phép trả lời.

Sau buổi gặp gỡ, bà Thuần mời cả nhà đi nhà hàng. Mọi người rất vui vẻ trong bữa cơm gia đình.

Ngày hôm sau, bà Thuần chuẩn bị ít quà biếu cho bố của Phương. Bà định sau khi gặp nhau tai khách sạn sẽ mời ông đi nhà hàng để dùng bữa cơm thân mật. Vì vậy bà sai Nghĩa chọn nhà hàng và đặt bàn sẵn.

Đợi mãi mà chẳng thấy khách đâu. Phương ra tận bến xe đón bố. Nghĩa nóng ruột chạy ra chạy vào. Bà Thuần mỏi mệt định thay đồ nằm nghỉ, chợt Phương đẩy cửa bước vào:

- Con chào bác. Bố con đã tới rồi ạ.

Người đàn ông tầm thước mặc bộ đồ công nhân màu xanh đã phai màu, rụt rè bước vào phòng. Bà Thuần đứng dậy đón khách.

Người đàn ông lấy nón cúi đầu:

- Kính chào bà.

Bà Thuần sững người, cứng miệng không thốt được lời chào đáp lễ. Một khắc sau bà kêu lên “Ông…” rồi quỵ xuống.

Nghĩa đứng bên đỡ mẹ, dìu bà nằm vào chiếc ghế sô-pha. Chạy ra ngoài hiên, người công nhân hai tay nắm chặt vào thành lan can. Ông cúi đầu như kẻ tội phạm đứng trước vành móng ngựa. Toàn thân ông rung lên từng đợt trong cơn uất nghẹn.

Hai trẻ hết nhìn nhau lại nhìn đến cha me, chẳng hiểu việc gì xảy ra.

Bà Thuần tỉnh dậy. Nghĩa đỡ mẹ ngồi vào ghế, rót cho bà chén nước trà. Phương đứng nhìn Nghĩa với ánh mắt đầy âu lo.

Bà Thuần nói với Phương:

- Gọi ba con vào đây.

Ủ rũ bước vào phòng, người công nhân không đợi mời, ngồi vào chiếc ghế đối diện. Bà Thuần bảo Nghĩa và Phương đến đứng trước mặt hai người, rồi dõng dạc tuyên bố:

- Hãy nghe đây, Nghĩa và Phương là anh em cùng cha khác mẹ, có liên hệ tình cốt nhục, nghe rõ lời má nói chứ?

Bất giác, Phương ôm vai của Nghĩa khóc oà. Toàn thân của Nghĩa cứng đờ bất động. Bầu không khí chết lặng, chiếc đồng hồ trên tường bình thản gõ mười hai tiếng như những giọt nước lạnh thấm vào từng tế bào làm thức tỉnh mọi người.

Bà Thuần chậm rãi bảo:

- Anh em con hãy ngồi vào ghế để nghe chính ba các con, ông Huỳnh Trung Kiên kể vì sao có cảnh ngang trái thế này.

Ông Kiên sửa lại thế ngồi ngay ngắn, hai tay đặt lên thành tựa của chiếc ghế sô-pha. Đầu ngẩng lên, ông cất tiếng với giọng nghẹn ngào:

- Trước tiên, xin bà thứ lỗi cho tôi về những gì mà tôi đã làm cho bà phải chịu đau khổ. Với Nghĩa, xin cậu tha thứ cho tôi, một người cha vô trách nhiệm, yếu đuối và hèn nhát. Như bà biết đó, khi bà có triệu chứng cấn thai là tôi gởi đơn lên tổ chức xin phép kết hôn. Nhưng đơn bị bác với lý do: “Đối tượng có người anh ruột là nguỵ quyền vượt biên ra nước ngoài mang tội phản quốc.” Ngày trình diện Trung đoàn bộ là ngày tôi bị thuyên chuyển lên Tây Nguyên phục vụ trong đơn vị bộ đội sản xuất. Lệnh trên cấm tôi không được liên lạc với bà bằng bất cứ phương tiện nào. Tuy nhiên, sau khi đến đơn vị vài tháng, tôi đã lén gởi cho bà hai bức thư nhưng không được hồi âm.

Một thời gian sau, chi bộ đơn vị giới thiệu cho tôi một nữ đồng đội có tuổi đảng cao, có thành tích chiến đấu. Họ đứng ra tổ chức lễ cưới tại đơn vị. Cháu Phương ra đời trong hoàn cảnh như thế. Nhưng chẳng may, vợ tôi phát hiện tập nhật ký mà tôi cất giữ nó rất kín đáo. Trong đó, tôi đã viết về kỷ niêm mối tình của chúng ta, về đứa con ruột thịt của mình mà phải đành đoạn rời xa. Và nhất là tôi trách cứ đảng đã phân biệt đối xử quá khắc nghiệt. Do đó, tôi bị kiểm điểm trước Đảng bộ, bị áp dụng kỷ luật nặng nề là khai trừ khỏi đảng và cho tôi giải ngũ sớm. Vợ tôi cũng không chấp nhận một người chồng chống lại đường lối của đảng nên làm đơn xin ly dị. Vì vướng bận công tác, bà ấy không thể nhận con để chăm sóc. Tôi phải bồng bé Phương trở lại Hà Nội nhờ mẹ tôi nuôi dưỡng. Mười năm sau, lúc Phương đã 13 tuổi tôi mới tái lập gia đình, hiện nay chúng tôi sinh được hai cháu với người vợ sau này.

Tường thuật đến đây, dường như ông Kiên bị hụt hơi, người ông rũ ra như con chim vừa bị đạn. Ông ngã đầu vào thành ghế, hai tay buông thỏng, nước mắt tuôn đầy trên đôi gò má trũng sâu.

Nhìn cảnh hai đứa con quỳ hai bên thành ghế gục đầu vào ngực cha, bà Thuần buông tiếng thở dài. Lòng đầy thương cảm, bà bước vào trong nhẹ nhàng đóng cánh cửa phòng lại. Tâm thần rã rượi, bà có cảm tưởng như có cơn bão vừa thổi qua.

Mạch Sống Số 56, tháng 3, 2007







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=961