Chiều Chuộng Không Phải Là Cách
Date: Thursday, March 29 @ 12:14:44 EDT
Topic: Mái Ấm Gia Đình


Yêu Thương Con Cái Đúng Nhất

Quyên Di

Có một câu chuyện chúng ta thường được nghe kể về đứa con đòi mẹ tiền công. Chuyện như thế này:

Một cậu bé mười lăm tuổi, một hôm vừa cơm nước xong thì lại gần mẹ và đưa cho bà một cái hoá đơn. Bà mẹ đọc thấy trong hoá đơn những dòng sau đây:

- Thu dọn nhà cửa: $15.00

- Cắt cỏ: $10.00

- Rửa xe: $6.00

- Thay bóng đèn: $4.00

- Đổ rác: $5.00

Tổng cộng: $40.00

Bà mẹ xem xong, lẳng lặng không nói gì, sắc mặt cũng không thay đổi. Sáng hôm sau thức dậy, cậu bé thấy hai tờ 20 đô la đặt trên bàn trong phòng mình, kèm theo một cái hoá đơn. Cậu mở ra thì là cái hoá đơn mẹ cậu gửi cho cậu, trong đó có những dòng như thế này:

- Mang con trong bụng hơn 9 tháng: không tính đồng nào.

- Thức trắng đêm những ngày con đau ốm bệnh tật: không tính đồng nào.

- Phòng ngủ cho thuê 15 năm: không tính đồng nào.

- Nuôi ăn 15 năm: không tính đồng nào.

- Mua sắm quần áo trong 15 năm: không tính đồng nào.

- Học phí từ pre-school đến hôm nay: không tính đồng nào.

- Tình thương dành cho con từ ngày sinh con ra cho đến hôm nay: giá một nụ hôn.

Tổng cộng: Một nụ hôn.

Cậu bé 15 tuổi đọc xong tấm hoá đơn lạ đời đó, bật khóc. Cậu chạy lại ôm chầm lấy mẹ mà hôn rồi nhét vào túi mẹ hai tờ 20 đồng.

Câu chuyện thật cảm động và ý nghĩa, nhưng mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái ngày hôm nay không còn đơn thuần và êm đềm như thế. Tuổi trẻ hôm nay có cuộc sống sôi nổi vội vã hơn. Mà cha mẹ hình như cũng nuông chiều con cái hơn nhiều.

Tuần báo Time số đề ngày 6 tháng 8 năm 2005 có một bài viết của tác giả Nancy Gibbs, nói về tình trạng cha mẹ nuông chiều con cái quá độ. Tác giả đưa ra một vài sự kiện hoàn toàn có thật như sau:

- Carla Wagner, một cô gái 17 tuổi ở tiểu bang Florida, một buổi chiều kia uống say rượu mà cô ta mua bằng thẻ American Express Gold Card. Sau đó bước lên chiếc xe đắt giá hiệu Audi A4, mở điện thoại cầm tay, vừa lái xe vừa nói chuyện, để rồi cán chết cô Helen Marie Witty, 16 tuổi, là học sinh học lớp danh dự. Carla bị đưa ra toà và bị kết hai tội: say rượu lái xe và ngộ sát. Cùng ra toà với con có bố mẹ cô này. Sau khi nghe toà buộc tội con gái, cha mẹ cô này điềm nhiên hỏi quan toà là như thế cô có thể đi du lịch Paris vào mùa hè này, như cô vẫn thường đi vào những mùa hè năm trước không. Thật là một sự nuông chiều con quá đáng đến độ phi lý.

- Cũng ở thành phố Coral Gables, Florida, đôi vợ chồng Mark và Dianne Marion khi nghe câu chuyện trên đã cảm thấy lo ngại về con gái của họ. Cô bé này tên là Ariane, 17 tuổi. Năm trước, lúc mừng sinh nhật thứ 16, cô này tỏ ý muốn cha mẹ tặng một chiếc BMW. Khi ấy hai vợ chồng mới mua cho con một chiếc đồng hồ đeo tay trị giá $2,000 và sửa sang lại phòng ngủ cho cô tốn hết $10,000. Chính vì được nuông chiều một cách quá mức như thế, cô bé 16 tuổi này nghĩ rằng muốn cái gì, dù đắt giá đến mấy đi nữa thì cha mẹ cũng bằng lòng cho. Ý thức được rằng mình đã chiều chuộng con quá mức, hai vợ chồng Mark và Dianne thay đổi quan niệm; họ nói với con rằng họ chỉ sắm xe cho con khi con ra trường với thứ bậc cao và làm việc xã hội thiện nguyện. Thật ra thì khi cặp vợ chồng này bằng tuổi con gái họ bây giờ, có được một chiếc xe hơi thì là chuyện quá đặc biệt, còn với con gái họ ngày hôm nay, có được chiếc xe thì chẳng có gì đặc biệt lắm, trừ phi đó là chiếc xe Mercedes!

Theo thống kê thì 80% cha mẹ ở Mỹ hôm nay đã chiều chuộng con quá đáng hơn 10, 15 năm về trước. Ta có thể đan cử một vài thí dụ:

- Người Do Thái có truyền thống cử hành lễ Bat Mitzvah khi con trai lên 14 tuổi, được coi như bước qua tuổi thiếu niên để tiến đến tuổi trưởng thành. Truyền thống này trở nên bình thường vì ai cũng cử hành nghi thức ấy và đó chỉ là một cuộc lễ đơn giản để giữ truyền thống. Thế mà một gia đình người Do Thái sinh sống tại New York đã mướn một ban nhạc nổi tiếng để trình diễn trong ngày lễ đó của con trai họ.

- Trong khi đó một gia đình người Mỹ khác ở Houston đã tiêu $20,000 cho một bữa tiệc trang trí toàn màu hồng cho 50 em gái 7 tuổi. Tất cả các bé gái đó đều được diện áo lông loại đắt tiền như của các mệnh phụ.

- Các cô giáo thầy giáo cũng chiều chuộng học trò quá độ. Một cô giáo nọ ở Morton Grove, tiểu bang Illinois, thứ Sáu tuần nào cũng phát bánh kẹo và yoyo cho những học sinh trong tuần biết nghe lời. Lâu lâu cho học sinh phần thưởng một lần thì cũng tốt, nhưng tuần nào cũng phát bánh kẹo và đồ chơi như thế thì cũng hơi quá!

Đó là nói chuyện người Mỹ, còn cha mẹ Việt Nam tại Mỹ có nuông chiều con cái quá đáng không? Câu hỏi này dành cho chính chúng ta và cho từng quý vị một. Nhưng hình ảnh những thiếu niên Việt Nam lái xe bóng lộn, dùng điện thoại cầm tay loại sang trọng nhất cũng không phải là hình ảnh hoạ hiếm, nhất là trong khu vực đông người Việt cư ngụ.

Đối với đại đa số cha mẹ người Việt Nam, dù có sống ở nước ngoài nhưng tâm tình cũng không thay đổi; đó là sống vì con, sống cho con, làm lụng vất vả, hy sinh mọi sự cũng để cho con. Như thế, chúng ta càng phải thận trọng và có tinh thần trách nhiệm trong việc giáo dục con cái. Cha mẹ không nên dùng quyền của mình để át giọng con cái, bắt buộc chúng làm mọi cái theo ý mình, chẳng cần giải thích mà cũng chẳng nghe ý kiến nào của chúng. Nhưng cha mẹ cũng không thể chiều chuộng con cái quá đáng, và nếu con cái chưa đạt được điều chúng đòi hỏi, vùng vằng giận dỗi thì cha mẹ lo cuống lên, tìm mọi cách thoả mãn đòi hỏi của chúng.

Chính vì người lớn, đặc biệt là cha mẹ, cứ nuông chiều con cái quá đáng nên con cái tự cảm thấy chúng có quyền lực buộc cha mẹ phải nghe theo chúng, hoặc chúng muốn làm gì thì làm. Ngay từ nhỏ, trẻ con đã cảm thấy cái quyền lực đó. Nhiều khi trong những buổi hoà nhạc trang trọng, hay trong nhà hàng loại sang, những đứa trẻ này khi có điều gì phật ý thì dậm chân, khóc lóc, la hét làm cho cha mẹ xấu hổ muốn độn thổ.

Tình trạng chiều chuộng con cái quá đáng xảy ra nơi nhiều cha mẹ mất đi lòng tha thiết muốn gần gũi con cái, nên họ bù đắp lại bằng cách cho chúng tất cả những gì chúng muốn; họ lại lười biếng và nhu nhược trong việc đặt ra những nguyên tắc, những luật lệ hướng dẫn con cái. Con cái về mặt này rất thông minh, đã được một, chúng đòi hỏi mười, điều mà cha ông ta gọi là “được đằng chân lân đằng đầu.” Xã hội đã đi quá trớn trong việc để trẻ con có quá nhiều quyền hành hơn là điều chúng biết sử dụng những quyền hành đó. Có những vật chúng thực sự không cần tới mà vẫn đòi mua sắm, và cha mẹ vẫn cứ nghe lời chúng mà mua sắm.

Có thể đã đến lúc, nếu không nói là lẽ ra phải làm việc này từ lâu, cha mẹ cần đặt ra một số luật lệ sinh hoạt trong gia đình, cũng như một số nguyên tắc mọi người phải tuân theo. Thí dụ: một buổi ăn trưa mà tốn hơn $25 thì xa xỉ quá, hoặc con cái mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng phải làm những gì. Làm sao phải giữ được sự quân bình trong cách đối xử với con cái: tôn trọng chúng nhưng không vì thế mà mất đi uy quyền và bổn phận làm cha mẹ. Làm sao cho con cái có những dịp vui mà không quá trớn; làm sao cho chúng có tự do nhưng cũng tự biết giới hạn của chúng. Đó là những vấn đề mà ngày nay các cha mẹ thường loay hoay không biết xử trí cách nào. Cũng nhiều cha mẹ có quyết định sai lầm về những vấn đề ấy. Không cần đi sâu vào vấn đề, chỉ qua một vài câu đối thoại, chúng ta cũng đã nhận ra tình trạng trên.

Một trong những điều con cái làm cho cha mẹ lúng túng là khi chúng phân bì rằng con cái gia đình này, gia đình nọ được cha mẹ mua sắm cho thứ này thứ khác, hay để cho được tự do làm điều nọ điều kia mà chúng thì không được. Thật ra thì cha mẹ không cần phải thoả mãn con cái mình về những sự phân bì kia. Mỗi gia đình có một tình trạng một hoàn cảnh khác nhau. Nên cho con cái biết tình thương mới là quan trọng, còn những thứ mua sắm bên ngoài chỉ là những cái mau qua.

Một nhà giáo dục Hoa Kỳ khuyên chúng ta rằng con cái xin 10 thứ, thì dù có dư khả năng đáp ứng, chúng ta cũng không nên thoả mãn tất cả. Chỉ nên cho 4, 5 thứ là nhiều. Tại sao? Tại vì mai mốt con cái lớn lên, bước vào đời, chúng không thể muốn gì được nấy. Chúng muốn 10, may ra được 2, 3. Nếu so sánh với lúc còn nhỏ luôn luôn được nuông chiều, muốn 10 được cả 10, có khi được tới 12, 15, chúng sẽ thấy xã hội sao quá khắt khe với chúng, chúng sẽ hận đời; hoặc chúng cho rằng chúng kém cỏi, ít khả năng nên không đạt được những điều ước muốn, chúng sẽ mặc cảm. Nếu lúc nhỏ muốn 10, được 4, 5, đứa trẻ khi lớn lên, trong cuộc sống không thoả mãn được cả mọi điều mong muốn, chúng cũng không quá thất vọng đến độ hư cả cuộc đời.

Nhưng điều cha mẹ nên lưu ý là nếu không chiều chuộng con cái, thì để bù đắp, chúng ta càng cần phải trao tặng tình thương cho con cái một cách dồi dào. Cha mẹ Việt Nam thương con, hy sinh cho con, nhưng thường không thích biểu lộ tình thương ấy ra bên ngoài, sợ con cái “lờn mặt.” Không có chuyện ấy đâu. Tại xã hội này, trẻ con quen với lối biểu lộ tình cảm ra bên ngoài một cách tự nhiên: khen ngợi, nói lên sự cảm mến, yêu thương, ôm hôn, v.v. Nếu cha mẹ không làm những điều ấy, thì đầu óc non nớt của chúng lại có thể đánh giá rằng cha mẹ không thương yêu chúng như những người khác. Mặt khác, nói đến tình thương thì cũng là nói đến sự dành thì giờ, sự lưu tâm chăm sóc và sự nói chuyện thân mật. Đây là những cái phát xuất từ trái tim của cha mẹ, không thể mua bằng tiền mặt hay bằng thẻ tín dụng.

Một điều đáng mừng là tuy chúng ta lo ngại về tình trạng con cái được chiều chuộng quá đáng, nhưng mặt khác hiện nay đang có những dấu hiệu lạc quan về tuổi trẻ. Một sự trùng hợp ngẫu nhiên là đang khi cha mẹ càng ngày càng có khuynh hướng chiều chuộng con cái khiến chúng dễ hư hỏng thì tuổi trẻ ngày nay lại biết làm việc thiện nguyện nhiều gấp đôi trẻ em của 20 năm về trước. Chúng không còn uống rượu nhiều; tình trạng tuổi trẻ say rượu lái xe cũng sút giảm. Chúng có trách nhiệm trong việc sinh sản, không phá thai nhiều như trước và tình trạng bạo động nơi giới trẻ cũng giảm xuống.

Qua đời sống xã hội và đời sống nhà trường, tuổi trẻ ngày nay có vẻ trưởng thành hơn tuổi trẻ của thế hệ trước. Đây là một tia sáng lạc quan về tương lai của tuổi trẻ, nhưng chắc chắn đây không phải là kết quả của việc cha mẹ chiều chuộng con cái.

Mạch Sống Số 56, tháng 3, 2007 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=957