Vượt Nguy
Date: Tuesday, December 05 @ 14:38:44 EST
Topic: Sức Khoẻ


Lan Chi: Xin kính chào quý vị. Trong chương trình truyền thanh Mạch Sống của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển phát đi từ Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn, hôm nay chúng tôi đặc biệt xin giới thiệu đến quý vị chị Cúc Trần. Chị Cúc Trần trước kia ở tại Quận Camden, New Jersey và khi mới phát hiện bị bệnh ung thư vú, chị đã được Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển chi nhánh Camden giúp đỡ tận tình.

Hiện nay Chị đã chuyển sang tiểu bang Philadelphia, và bây giờ Chị Cúc sẽ nói cho chúng ta biết về những kinh nghiệm mà Chị đã và đang trải qua trong quá trình chữa trị bệnh ung thư vú. Xin mời Chị Cúc Trần.

CT: Dạ, chào Cô Lan Chi.

LC: Dạ vâng, thưa chị Cúc Trần, lẽ ra thì không nên hỏi tuổi phụ nữ, nhưng trong trường hợp này thì có lẽ cũng xin phép Chị có thể nào cho quý thính giả biết năm nay Chị đã được bao nhiêu tuổi không?

CT: Dạ thưa cô, năm nay tôi được 41 tuổi rồi.

LC: Cảm ơn Chị. Thưa quý vị thính giả chúng tôi xin mạn phép hỏi tuổi Chị Cúc Trần, vì mọi lứa tuổi đều có thể bị ung thư, đặc biệt là càng lớn tuổi.

LC: Thưa Chị Cúc Trần, xin Chị vui lòng cho biết bằng cách nào, hoặc là ai đã giới thiệu cho Chị biết chương trình khám ngừa ung thư cổ tử cung và ung thư vú của UBCNVB ở Camden.

CT: Dạ thưa cô, do một người bạn giới thiệu.

LC: Sau khi được người bạn giới thiệu, Chị đã liên lạc với nhân viên của UBCNVB bằng cách nào?

CT: Dạ, gọi điện thoại nhờ giúp đỡ ạ.

LC: Chị có bảo hiểm sức khoẻ không?

CT: Dạ thưa Cô, không.

LC: Như vậy là Chị không có bảo hiểm sức khoẻ. Nhưng khi gọi đến UBCNVB thì họ đã làm gì để giúp đỡ Chị?

CT: Dạ, họ lấy hẹn với bệnh viện theo chương trình khám phòng ngừa ung thư dành cho những người không có bảo hiểm, vào ngày 26/4/2006.

LC: Vâng, ung thư là một căn bệnh gây tử vong cho rất nhiều phụ nữ. Do đó tại UBCNVB đã có một chương trình đặc biệt để giúp phụ nữ phòng ngừa bệnh này trước khi quá muộn. Vậy là các cô nhân viên ở văn phòng Camden đã giúp Chị đi khám ngừa ung thư. Sau khi được các bác sĩ và chuyên viên khám và chụp hình quang tuyến vú thì Chị có cảm giác như thế nào?

CT: Thưa cô, lúc đó em có cảm giác là có một cái khối u gì đó nằm ở trong vú.

LC: Trước khi chị được khám và chụp quang tuyến, thì chị có biết là vú mình có khối u lạ nằm ở trong không?

CT: Dạ, có.

LC: Khi các bác sĩ, chuyên viên chụp hình vú cho chị họ dùng những phương pháp đặc biệt như ép vú xuống qua hai miếng nhựa thì chị có cảm nhận khối u đó rõ ràng hơn không?

CT: Vâng, có ạ.

LC: Kể từ lúc khám, bao nhiêu lâu sau thì chị có kết quả?

CT: Ngay sau khi chụp hình quang tuyến vú là bác sĩ đã cho em giấy giới thiệu yêu cầu đi siêu âm.

LC: Bệnh viện đã làm gì để giúp đỡ Chị?

CT: Bác Sĩ yêu cầu đi làm sinh thiết và gặp trực tiếp để nói rõ về vấn đề này vào 10/5/2006.

LC: Các bác sĩ có nói cho Chị biết quá trình chữa trị xảy ra như thế nào không?

CT: Dạ có, thưa cô

LC: Như vậy là ngày 26/4/2006 sau khi chị được khám và chụp hình vú các bác sĩ đã yêu cầu chị làm thêm siêu âm và xét nghiệm sinh thiết và đồng thời họ cũng đã hẹn để nói chuyện với chị ngay vào ngày 10/5/2006. Xem ra họ đã xúc tiến công việc rất nhanh để giúp đỡ chị trong việc chữa trị, có phải vậy không ạ?

CT: Dạ đúng, thưa cô.

LC: Kết quả sau khi làm sinh thiết của Chị là gì?

CT: Ngày 17/5/2006 bác sĩ cho biết em bị mắc bệnh ung thư vú.

LC: Sau khi được các bác sĩ hoặc các chuyên viên báo cho biết Chị bị ung thư vú, cảm giác đầu tiên của Chị ra sao?

CT: Bàng hoàng lắm, cô ơi! Em đã khóc rất nhiều, rất hoang mang vàø lo sợ. Trong bệnh viện, các bác sĩ và các nhân viên đều ôm lấy Cúc vỗ về, thương yêu cho nên Cúc cũng thấy được an ủi.

LC: Các bác sĩ trong bệnh viện có quyết định gì cho trường hợp của Chị?

CT: Họ thu xếp một cuộc giải phẫu để lấy khối u đó ra và đặt túi nước biển vào vú vào ngày 13/7/2006 để vô thuốc trị liệu.

LC: Họ có giúp đỡ thêm trong việc chữa trị cho Chị không?

CT: Các bác sĩ yêu cầu đi thử máu vào 3/8/2006 để biết thuộc loại máu gì và có mắc bệnh nào khác hay không. Ngày 9/8/2006 thì chụp hình quang tuyến tổng quát tim, ruột, xương để xem có thêm bệnh gì nữa không, có bị di căn không, hoặc có đủ sức khoẻ để làm hoá trị hay không.

LC: Làm sinh thiết xong, hai tháng sau thì giải phẫu?

CT: Dạ.

LC: Vậy là các bác sĩ đã khám nghiệm tổng quát rất kỹ lưỡng trước khi tiến hành việc vô thuốc hoá trị, phải không Cô Cúc?

CT: Vâng ạ.

LC: Sau khi mổ xong, chị cảm thấy thế nào?

CT: Trong vài ngày đầu thì đau đớn lắm, nhưng hôm nay thì đã đỡ hơn rồi. Bệnh viện ở Mỹ này người ta giải phẫu rất hay, tuyệt vời lắm, không đau đớn như mình nghĩ đâu!

Ở nhà thương, người ta ân cần, lo lắng chu đáo cho mình lắm, cho nên khi mổ xong Cúc thấy mình như tự tin hơn, hết lo lắng, hết sợ.

LC: Cô Cúc vừa cho biết những chi tiết hết sức quý báu là khi vừa mổ xong, cô Cúc cảm thấy đau, nhưng khi được các bác sĩ tận tình chăm sóc, cơn bệnh cũng thuyên giảm phần nào.

CT: Vâng, căn bệnh ung thư này nó im lìm lắm. Các bác sĩ nói Cúc sẽ bình phục nếu cố gắng vượt qua những khó khăn, thử thách của lần này; cho nên sau khi chụp quang tuyến tổng quát xong là Cúc chuẩn bị tinh thần, chấp nhận số phận của mình để bắt đầu vô hoá trị.

LC: 26/4 đi khám, 17/5 có kết quả sinh thiết, 13/7 mổ lấy khối u ra đặt túi nước biển vào, 3/8 thử máu, 10/8 chụp hình quang tuyến tổng quát, 17/8 vô hoá trị, các bác sĩ đã điều trị kịp thời và nhanh chóng, phải vậy không Cúc?

CT: Dạ vâng.

LC: Tâm trạng của Chị như thế nào khi biết mình bị ung thư và sẽ chữa trị?

CT: Sau khi đã được các chuyên viên, bác sĩ giải thích tường tận thêm vào đó có sự tiếp xúc, an ủi, cổ vũ tinh thần của chị em ở văn phòng UBCNVB Camden, Cúc đã yên tâm và bắt đầu tiến hành việc chữa trị.

LC: Xin phép hỏi Cô Cúc một câu hỏi hơi riêng tư, ngoài bạn bè cũng như chị em ở văn phòng UBCNVB tại Camden, chị có bà con hay bạn bè nào khác đồng tâm giúp đỡ Chị trong thời gian chữa trị không?

CT: Có những người hàng xóm biết Cúc bị bệnh cũng đến để an ủi. Nhưng thật tình mà nói, Cúc cũng cảm thấy là mình rất may mắn gặp được Đào, Trúc và cả Cô Lan Chi nữa, đã thật sự ủng hộ tinh thần cho Cúc vào lúc này. Thật cảm ơn cô và các em.

 LC: Mong Cô yên tâm chữa bệnh, chúng tôi luôn suy nghĩ về cô, chia sẻ cùng cô và cầu mong cho cô sớm bình phục.

Rất tiếc là Cúc đã chuyển về Philadelphia, giá như cô còn ở Camden, thì Anh Đào và Thu Trúc sẽ lại đến bên cạnh cô để thăm hỏi, an ủi, giúp đỡ, vì tôi cũng được biết là hoàn cảnh của cô hết sức neo đơn.

CT: Dạ, em có một mình.

LC: Trong gia đình Chị có ai bị ung thư vú không?

CT: Thưa cô, không có ai bị ung thư vú cả.

LC: Ung thư vú đôi khi cũng do yếu tố di truyền, do đó nếu biết trong gia đình đã có tiền sử bị ung thư vú thì nên đi khám. Đừng ỷ y trong nhà không có ai bị mắc bệnh ung thư thì mình không có bệnh.

Cảm ơn cô Cúc đã dành thời giờ cho buổi nói chuyệân hôm nay. Có một điều tôi muốn nhấn mạnh với quý vị là yếu tố tinh thần chiếm vị trí rất quan trọng trong việc điều trị những căn bệnh hiểm nghèo. Tuy vậy, ung thư cũng không phải là một chứng bệnh vô phương cứu chữa, nhất là khi chúng ta phát hiện sớm và dùng ý chí để vượt qua.

Chúng tôi xin cầu chúc cho Cô Cúc có nhiều ý chí, nghị lực và sẽ vượt qua những khó khăn, trở ngại trong cuộc sống như lần này. Rất mong một ngày nào đó được tiếp Cô Cúc ở vùng Hoa Thịnh Đốn.

CT: Dạ, cảm ơn Cô Lan Chi nhiều.

Mạch Sống Số 53, tháng 11, 2006







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=892