Những Bài Học Từ Katrina
Date: Wednesday, September 27 @ 11:42:34 EDT
Topic: Quan Điểm


TS. NGUYỄN ĐÌNH THẮNG

Trận bão Katrina, đã tàn phá cả một vùng duyên hải và ảnh hưởng đến 30 ngàn người Việt, để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá.

Bài học thứ nhất là sự đùm bọc giữa đồng bào với nhau. Các nhà thờ, nhà chùa, hội thánh và cá nhân đã rộng mở vòng tay đón nhận và giúp đỡ hàng chục ngàn đồng bào chạy bão. Cộng đồng Việt ở các thành phố xa xôi gom góp tiền bạc cứu trợ và hàng trăm người, trẻ có già có, tình nguyện lên đường phục vụ ở các vùng bão tàn phá.

Bài học thứ hai là sức bật dậy của con người. Các cộng đồng, đã có lúc tưởng chừng bị xoá sạch bởi sức trời, đang dần dần hồi sinh bằng chính sự cần cù và nhẫn nại của con người. Công ăn việc làm, phố xá, chợ búa, trường sở, sinh hoạt cộng đồng chỗ nhanh chỗ chậm nhưng đều đang hồi phục. 

Bài học thứ ba là nơi nào tinh thần cộng đồng cao, vốn xã hội phong phú thì nơi đó khôi phục nhanh chóng hơn. Thành Phố Bayou La Batre, Alabama và Hạt Plaquemines, Louisiana là hai hình ảnh tương phản. Hai nơi dân số người Việt ngang nhau và đa phần cùng làm nghề biển. Ở Bayou La Batre người dân bám đất ở lại, sướng cùng hưởng khổ cùng chịu, nên cộng đồng sớm hồi sinh. Ở Plaquemines, dân trở về còn thưa thớt, trong cộng đồng lại thiếu chất keo sơn gắn bó, nên con đường phục hồi lắm chông gai và phải mất một thời gian dài.

Bài học thứ tư là bài học cho toàn thể người Việt ở Hoa Kỳ: chúng ta thiếu hẳn sự chuẩn bị cho những tai hoạ do trời hay người gây ra. Chúng ta chưa có kế hoạch chung để huy động nhân, tài, vật lực của toàn thể cộng đồng để chuyển về nơi cần thiết. Chúng ta cũng chưa có kế hoạch tái thiết lâu dài sau thiên tai.

Chính vì thiếu kế hoạch mà sau trận bão Katrina sự cứu trợ đã không đồng đều, không dựa vào nhu cầu, không được phân phối một cách hợp lý, và không được san sẻ từ chỗ nhiều sang chỗ ít cho công bằng. Sự giúp đỡ tuỳ theo cảm nhận và sự quen biết cá nhân và chỉ hạn chế ở giai đoạn ban đầu. Sự tái thiết đòi hỏi nhiều năm, có khi hàng chục năm, trong khi chúng ta, như một cộng đồng, lại rất ngắn hơi.

Dựa vào các bài học này, chúng tôi đã lập kế hoạch nhiều năm để tái thiết các cộng đồng người Việt ở vùng Vịnh và chuẩn bị cộng đồng cho những tai hoạ tương lai. Kế hoạch gồm bốn phần.

Thứ nhất là gấp rút đưa đồng bào vào các chương trình có sẵn của chính phủ hay các tổ chức lớn của Hoa Kỳ như Hội Hồng Thập Tự, Salvation Army, Volunteers of America, v.v. Vì trở ngại ngôn ngữ, vì không rành rẽ thể thức, và vì đa đoan trong việc sinh tồn, đa phần người Việt ở các vùng bão lụt cần sự giúp đỡ để tham gia các chương trình này. UBCNVB đã làm công việc này trong một năm qua và sẽ còn tiếp tục ít ra một năm nữa.

Thứ hai là đem đến các vùng bị tàn phá những chương trình dài lâu mà trước đây chưa từng có: sức khoẻ cho phụ nữ và người cao niên, phát triển thanh thiếu niên, lớp học Anh ngữ và nhập tịch cho người lớn, dịch vụ pháp lý và di dân, kiến thức tài chánh, thăng tiến gia đình và chống bạo hành, và nhiều nữa. Giai đoạn này vừa khởi đầu với các lớp kèm học sinh, sinh hoạt thể thao, và các lớp Anh văn, điện toán, và quốc tịch. 
  
Thứ ba là xây dựng nội lực cho cộng đồng ở mỗi địa phương để chính họ tương trợ cho nhau trong cuộc tái thiết hiện nay và chuẩn bị đối phó với những tai hoạ tương lai. Bởi vậy chúng tôi làm việc trong tinh thần hỗ trợ cho các tổ chức địa phương: hỗ trợ một nhà thờ mở lớp Việt ngữ, một hội thánh tổ chức đội túc cầu, một nhà chùa thực hiện lớp điện toán, hay một hội đoàn tổ chức hội Xuân hay Tết Trung Thu. Đồng thời chúng tôi hướng dẫn và xin ngân khoản để họ sớm tự lực cánh sinh.

Cuối cùng, UBCNVB đang làm việc với Hành Pháp, Lập Pháp, và các tổ chức Hoa Kỳ để hình thành một kế hoạch chuẩn bị và đối phó với tai hoạ cho cộng đồng Việt trên toàn quốc.

Mạch Sống Số 51, tháng 9, 2006







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=842