Đại Hội Hôn Nhân Lần Thứ Mười
Date: Friday, July 28 @ 14:51:00 EDT
Topic: Mái Ấm Gia Đình


Phạm Văn Hoạt

Dianne Sollee bước lên khán đài, đưa mắt nhìn hội trường của Đại Hội SmartMarriage lần thứ mười. Thấy hội trường gần như đầy nghẹt, bà nghẹn ngào vì xúc động. Tiếng vỗ tay vang dội cả hội trường rộng lớn.

Dianne cố nói vài câu pha trò để ngăn nước mắt tuôn chảy vì sung sướng. Bà sụt sùi chào mừng 2,200 các tâm lý gia, những nhà nghiên cứu, các vị hướng dẫn tâm linh, các nhà giáo dục hôn nhân, các cặp vợ chồng về tham dự Đại Hội. “Khi chúng tôi tổ chức đại hội lần đầu vào năm 1997, tại Sheranton National, Arlington, VA chỉ có 400 người tham dự, và tưởng chỉ tổ chức được một lần. Hôm nay, 10 năm sau, tại Mariott Marquis, Atlanta, GA, số người tham dự vuợt qua sự mơ uớc!

Với những gì Dianne làm đuợc, bà trở thành một “nữ tướng” trong lãnh vực giáo dục hôn nhân dù Bà chỉ là một phụ nữ nhỏ bé. Là người sáng lập và cũng là nhân viên duy nhất của “Coalition for Marriage, Family and Couples Education”, Dianne Sollee, a “Woman in Black” đã nối kết được nhiều chuyên gia tại đại hội trong mười năm qua.

SmartMarriage Conference từ 22-25 tháng Sáu, năm 2006 tại Atlanta thu hút nhiều chuyên gia đang mỗi ngày đóng góp cho việc lành mạnh hoá đời sống hôn nhân. Hơn 200 nhà chuyên môn xuất sắc nhất về giáo dục gia đình, những nhà nghiên cứu gạo cội và những tiến sỹ sáng lập chương trình giáo dục nổi tiếng như Howard Markman, John Gray, Pat Love, Michele Weiner-Davis, Scott Stanley, David Olson, John Covey, Steven Stosny, Harville Hendrix, Barry McCarthy và Emerson Eggrichs. Cũng phải kể tới những nhân vật vận động và vạch đường lối như Wade Horn, David Popenoe, Barbara Dafoe Whitehead, Diann Dawson, Mike McManus, Bill Doherty, và hơn 2,000 nhà giáo dục tham dự.

Ngữ vựng “hôn nhân” và “ly dị” vang vọng cả tuần lễ trong bầu khí của ba tầng lầu rộng lớn của Marriott Marquis dành riêng cho hội thảo và triển lãm. Trong khi nhiều lớp hội thảo xoay quanh vấn đề làm sao để thăng tiến đời sống lứa đôi, thì nhiều chuyên gia thấy rằng đã đến lúc cần đốâi diện, tìm hiểu sâu hơn về những trắc trở trong hôn nhân.

Hai trăm chuyên gia đề cập đến những vấn đề trong đời sống vợ chồng như: tiền, tình, lòng  chung thuỷ, cha ghẻ, mẹ ghẻ, Đời sống của con cái sau khi cha mẹ ly dị, cơ cấu gia đình, những huyền thoại về hôn nhân, bạo hành, một vợ một chồng, đồng tình luyến ái…

Cho tới gần đây, những con số về ly dị, về sống chung không cưới hỏi, về số trẻ em thiếu tình cha hay tình mẹ cho thấy hôn nhân và gia đình bị thương tổn đáng ngại. Đầu thiên niên kỷ thứ III, tình trạng này đang chuyển mình.

Những thăm dò và nghiên cứu nghiêm chỉnh cho thấy rằng dân chúng trân quý hôn nhân hơn những giá trị khác -- như tiền bạc, nghề nghiệp và ngay cả sức khoẻ. 90% dân Mỹ lập gia đình. Rồi 50% ly dị, nhưng ngay sau đó 75% tái lập gia đình, mặc dầu tỷ số ly dị sau khi tái hôn lên tới 65%. “Ý hướng” và “khuynh hướng” của nam và nữ là muốn có một tương quan giá trị, nhưng sự “thông tri” không tỏ tường.

Những điều nghiên giá trị và mới mẻ cho thấy vợ chồng có thể “được thông tri” và “trang bị những nghệ thuật” để thăng tiến và làm cho tương quan hôn nhân phong phú và hạnh phúc.

Những chuyên viên cho thấy sự khác biệc giữa hôn nhân tốt đẹp và hôn nhân đổ vỡ. Tại sao hôn nhân vẫn hấp dẫn.

Hứa hẹn cho vợ chồng những nghệ thuật, một bản đồ chính xác – tiên đoán được đâu là đồi núi, đâu là thung lũng – Giúp ích rất nhiều khi mong ước phù hợp với thực tại.

Đại Hội SmartMarriage gửi đến người tham dự, những thông tri về sự khác biệt, tại sao, và hứa hẹn. Sau đây là một số những điểm nổi bật nhất:

Tại sao chính quyền liên bang chi tiền cho chương trình củng cố và thăng tiến hôn nhân? Đúng hơn phải hỏi: tại sao chính quyền để quá lâu như vậy!?

Trong Hôn Nhân và Chính Sách (Marriage and Public Policy), Wade Horn, Phụ Tá Bộ Trưởng Bộ Sức Khoẻ và Nhân Vụ, Giám Đốc Cơ Quan Quản Trị Trẻ Em và Gia Đình, trình bày lý lẽ và chương trình cũng như giải thích những gì mà một cộng đồng có thể mong đợi.

Trong Điều Kỳ Diệu Của Liên Đới (The Magic of Connection), Hedy Schleifer nói về “vận dụng” lẫn nhau. Giống như trong hôn nhân, sự liên đới và gom chung những tài năng đem lại sức mạnh và chèo thuyền vượt sóng. Hedy kêu gọi mọi người tham dự đại hội tiếp tục chèo với nhau để đưa thuyền tới bến.

Giáo dục hôn nhân không gì khác hơn là thông tin đúng cho mọi người. Thông tin đúng bao gồm gửi những nghiên cứu chính xác cho mọi người biết và song song là phá vỡ những tin tức sai lầm. Giáo dục hôn nhân là trang bị cho con cháu những thông tri chính xác vì khi chúng “biết rõ hơn, sẽ làm tốt hơn”.

Trong bài “Lời Cho Con Gái và Con Trai” (Message to Our Daughers and Message to Our Sons) Barbara Dafoe Whitehead, và bài “Dan Quyale Có Lý” (Dan Qyale Was Right, Atlantic Monthly) Rozario Slack viết những gì cần cho con cái biết để thành công trong hôn nhân và trở thành lớp người đầu iên đảo ngược chiều hướng ly dị.

Tiếp tục chủ đề trên, Pat Love và con gái Kathleen McFadden, đầy nhiệt tình và xúc động, là nhân chứng cho trường hợp con cái của cha mẹ ly dị, tới lượt chúng, sẽ có cơ nguy ly dị rất cao.

Pat ly dị ba lần, Kathleen ly dị ngay hôn nhân đầu tiên. Hai mẹ con, trong Breaking the Cycle of Divorce, trước cử toạ hơn 2,000 người, đã rơi lệ cùng chia sẻ kinh nghiệm đắt giá của mình để giúp giới trẻ phá vỡ cái vòng luẩn quẩn của ly dị.

John Van Epp, rất thành công với chương trình How to Avoid Marrying A Jerk, cung cấp cẩm nang cho những ai muốn cho hôn nhân thành công và hạnh phúc. Giới quân đội rất thích chương trình này.

Một số người nghĩ rằng những khoá học về giáo dục hôn nhân chỉ xoay quanh “đối thoại và giải quyết xung khắc”. Không hẳn thế. Giáo dục gia đình đi xa hơn, sâu hơn. Có những chương trình nghiên cứu cách thức giải quyết những vấn đề cội rễ và nghiêm trọng như nghiện ngập, bạo hành, sách báo và internet dâm dục.

Thêm vào đó phải kể đến những tìm hiểu về những hiểu biết và nghiên cứu về chiều sâu của tâm tình như sự cam kết, con cái, thú vui…

John Gray trình bày Mars/Venus Makeover: Get Your Mojo Working! – một chương trình giúp cho bộ óc nam-nữ hài hoàvới nhau.

Pat Love giới thiệu nghệ thuật làm cho hôn nhân một vợ một chồng hấp dẫn (Monogamy -- Hot!) - và biến đam mê thành sức mạnh ngăn ngừa ly dị.
Scott Stanley giải mật mã về lý do đàn ông “cam kết” rất khác với đàn bà trong “Gaining Power through Finally Understanding Men and Commitment.”

Những chương trình đặc biệt cho giới mày râu như “Secrets of Happily Married Men”, “Power Love”, Mars/Venus: Get Your Mojo Working”, “Divorce Busting”, “The #1 Key to Incredible Sex” đề cập tới thủ dâm, báo và internet khiêu dâm, mèo chuột.

Trong đề tài Rekindling Desire, Marital Sex As It Ought To Be, người tham dự được cho biết là chỉ sex giữ 5% trong tương quan vợ chồng, nhưng lại có một chiều kích lớn khi nó bị trục trặc.

Một số câu trả lời của Dianne Sollee về Smart Marriage:

“Smart Marriage” nghĩa gì?

Sức mạnh của chương trình này là bảo vệ hôn nhân dựa trên những kỹ năng (skill-based). Lối chúng ta làm hiện nay, giống như chơi foofball, là cho lứa đôi thành hôn rồi như thảy vào đời cho họ dành thắng dựa trên “tình yêu và cam kết”. Kiểu này không khác gì đòi đội football phải thắng trên căn bản tinh thần đồng đội mà không cho họ cơ hội học chơi và nhận diện các dấu hiệu. Họ không được trang bị một kỹ năng nào mà hoàn toàn dựa trên tình yêu để thắng.

Căn bản cho khái niệm của Smart Marriage là các kết quả nghiên cứu về các yếu tố cần thiết cho một hôn nhân thành công -- đi một quãng đường dài và hạnh phúc; các yếu tố này là cách xử thế và kỹ năng. Và thích thú nhất là những kỹ năng này rất đơn sơ, ai học cũng được.

Vậy tất cả chỉ là kỹ năng? Có vẻ như là kiểu học để đánh nhau.

Đúng và không đúng. Phải! Vấn đề là kỹ năng. Một kỹ năng quan trọng trong mọi tương quan, ngay cả tình bạn, là biết cách giải quyết xung khắc. Cặp vợ chồng hạnh phúc không bắt đầu bằng giầu có, bảnh bao, nhiều đam mê, cam kết, hoặc rất hợp nhau. Điểm đáng lưu ý là những cặp vợ chồng hạnh phúc bất đồng về nhiều chuyện không khác gì những cặp ly dị. Số là tất cả các cặp vợ chồng cãi nhau về những chuyện giống nhau: tiền bạc, việc nhà, sex, con cái, v.v. Làm cho vợ chồng hiểu điều là bất đồng là chuyện thường tình và cách họ giải quyết hay dàn xếp những bất đồng không thể tránh được mới chính là vấn đề, là điềm báo của ly dị. Như John Gottman vạch rõ trong “Report From the Love Lab” -- cũng như tất cả các khoá học cho thấy – có những kỹ năng có tầm quan trọng như trong việc diễn tả sự khâm phục, lòng biết ơn đối với nhau và cho việc ảnh hưởng lẫn nhau.

Các khoá học dạy vợ chồng cách kiến tạo Love Maps/Road Maps của mỗi người, chia sẻ mong đợi, mơ ước, đọc “nhiệt độ” mỗi ngày, tôn trọng những cố gắng sửa chữa, nhẹ nhàng khi phàn nàn về người phối ngẫu, v.v. Cũng như kỹ năng hoà giải, những kỹ năng nuôi dưỡng tình yêu có thể học và cùng học với nhau là tốt nhất.

Hỏi: 10 điều bà muốn nói với các cặp vợ chồng để có một Smart Marriage là gì? Những gì bà có thể “mách nước” cho các cặp vợ chồng qua Smart Marriage Conference?

1. Không phải là những khác biệt, nhưng hệ tại cách giải quyết. Đây là chỗ khác nhau giữa những hôn nhân thành công và thất bại. Bất đồng không báo trước sự ly dị. Cãi lộn không cho bất cứ dự đoán nào về ly dị. Lạnh nhạt, tránh né, không muốn ràng buộc, khinh khi, chỉ trích và câm nín là những dấu hiệu của ly dị.

2. Hôn nhân quan trọng. Hôn nhân ảnh hưởng tới sức khoẻ, sự sung túc, thoả mãn tình dục, và (sự thành công của) con cái.

3. Mỗi cặp vợ chồng có khoảng 10 khác biệt không thể hoà giải – 10 vân đề sẽ không bao giờ giải quyết. Nếu đổi người phối ngẫu, chúng ta sẽ có 10 vấn đề mới, và chúng thường phức tạp hơn trong vòng thứ hai này.

Điều quan trọng là tạo ra cuộc đối thoại hay là “khiêu vũ” với những loại vấn đề này giống như  kiểu mình phải làm với bệnh đau lưng kinh niên. Mình không muốn có nó, nhưng nói về nó và tìm cách sống với nó, tìm cách điều chỉnh và làm chủ nó.

4. Yêu không là một cái gì tuyệt đối, không là một sự thật, không là một chất liệu hữu hạn. Yêu là một cảm xúc trào dâng và trôi chảy tuỳ thuộc cách chúng ta xử với nhau. Nếu chúng ta học được những lối mới để hợp tác, cảm xúc có thể trôi trở lại, và thường mạnh mẽ hơn trước.

5. Nhớ rằng mức độ sung sướng trong hôn nhân thường giảm sút khi có đứa con chào đời và với mỗi lần kế tiếp. Đó là chuyện bình thường. Mức độ sung sướng thấp nhất khi có con nít tuổi từ 11 tới 16. Đó là chuyện bình thường. Chúng ta cần nhận thức điều đó, biết ơn người bạn đường trong vai cha mẹ -- và chấp nhận thực tại.

Niềm sung sướng trở lại khi tổ ấm không còn chim non (empty nest). Giai đoạn cuối của hôn nhân, giai đoạn sau cùng thứ ba – với những hoàn tất tốt đẹp – thời kỳ trăng mật thực sự.

6. Cũng vậy, sex trào dâng rồi trôi đi. Nó đến rồi đi. Chuyện bình thường. Vui hưởng.

7. Tạo một tình dục tốt trong hôn nhân không tại “putting the sizzle back into our sex life”. Làm tình trong thuở ban đầu của hôn nhân là làm tình giữa hai người xa lạ, khi chúng ta chưa biết rõ mình và người… Nồng nàn của tình dục dựa trên sự hiểu biết người bạn đường và người bạn đường hiểu mình. Sự thân mật trong tình dục là sự nồng nàn trong tình dục.

8. Những cố gắng sửa chữa rất quan trọng. Đây là dấu chỉ của hôn nhân hạnh phúc. Những cố gắng có thể vụng về, vô duyên, có thể là mai mỉa, nhưng cái ý chí muốn sửa chữa sau cơn tranh cãi là cốt lõi của mọi hôn nhân hạnh phúc.

9. Chúng ta phải học đón nhận, ôm lấy và hội nhập sự thay đổi. Chúng ta có thể học cách bàn thảo, điều chỉnh những kỳ vọng, mong muốn, mơ ước và niềm tin. Bình thường, chúng ta tìm hiểu nhau trước khi cưới, và thế là xong.

Tuyên thệ trong hôn nhân là lời hứa duy trì hôn nhân không phải là một lời hứa để duy trì trạng thái quan hệ không còn phù hợp.

10. Mỗi năm chúng ta nên học với nhau một khoá khác nhau về giáo dục hôn nhân… Khoá học cho chúng ta khí cụ để chúng ta kiến tạo hôn nhân hợp với mình.

Mạch Sống Số 49, tháng7, 2006







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=811