Luật Di Trú Căn Bản
Date: Monday, May 22 @ 14:04:03 EDT
Topic: Di Dân & Nhập Tịch


Cho Nạn Nhân Bạo Hành Trong Gia Đình

LS Nirupa Narayan & Thao Vo

Chương Trình Chống Bạo Hành Trong Gia Đình của BPSOS được sự tài trợ bởi Doors of Hope; Fairfax County Consolidated Funding Pool (FY06); DC Justice Grants Administration, grant No. 04-VW-07; Governor’s Office of Crime Control and Prevention (MVOC), grant No. 2005-1235 and Governor’s Office of Crime Control and Prevention (GOCCP), grant No. 2005-VA-0038. Để biết thêm chi tiết xin liên lạc với chúng tôi: Virginia: (703) 538-2190; Maryland: (301) 439-0505, DC: (202) 234-3598.

Bài viết này gồm những câu hỏi về luật di trú thường gặp. Luật di trú rất phức tạp, nên chúng tôi  khuyên bạn hãy liên lạc với luật sư di trú để được hướng dẫn rõ ràng hơn khi có thắc mắc về trường hợp của bạn.

Đa số người Việt thường đến Mỹ theo diện đính hôn (fiancé) hơn là diện vợ chồng. Vậy diện đính hôn và diện vợ chồng khác nhau như thế nào, và tiến trình xin chiếu khán của mỗi loại ra sao?

Chiếu khán đính hôn (hay còn gọi là chiếu khán không nằm trong diện di dân) được cấp cho những người đính hôn với công dân Hoa Kỳ và sẽ kết hôn với họ khi đến Hoa Kỳ. Chiếu khán vợ chồng (chiếu khán nằm trong diện di dân) được cấp cho người đã kết hôn với công dân Hoa Kỳ hoặc người đã có thẻ xanh.

Người có chiếu khán vợ chồng vào Hoa Kỳ sẽ được cấp thẻ xanh liền. Chiếu khán đính hôn làm nhanh và dễ hơn, nhưng đòi hỏi người có chiếu khán đính hôn này phải làm nhiều thứ hơn khi họ đến Mỹ.

Nghĩa là một người theo diện đính hôn khi đến Mỹ, anh/cô ta phải kết hôn trong vòng 90 ngày và phải nộp đơn xin thẻ xanh sau khi kết hôn. Nếu đơn được chấp thuận, anh/cô ta sẽ nhận thẻ xanh tạm có hiệu lực trong vòng 2 năm. Nếu sống chung không hợp hoặc không kết hôn, người có chiếu khán đính hôn sẽ gặp phải nhiều giới hạn trong sự chọn lựa về di trú hơn so với người có chiếu khán vợ chồng.

Chiếu khán vợ chồng - người có quốc tịch Hoa Kỳ, hoặc có thẻ xanh có thể nộp đơn I-130 để bảo lãnh vợ/chồng của họ. Khi đơn được chấp thuận, chiếu khán sẽ được cấp. Việc chậm trễ duy nhất chỉ là việc làm giấy tờ mà thôi. Người có quốc tịch bảo lãnh vợ/chồng sẽ được cấp chiếu khán nhanh hơn người có thẻ xanh.

Khi người có thẻ xanh bảo lãnh vợ/chồng của họ, họ phải chờ lâu hơn để được cấp chiếu khán.

Trong khi chờ giấy tờ tiến hành, vợ/chồng của người có quốc tịch Hoa Kỳ có thể nộp đơn xin chiếu khán K-3. Chiếu khán K-3 cho phép người vợ/chồng này sống và làm việc trên đất Mỹ trong khi chờ đợi chiếu khán di dân.

Nếu một người sống ngoài nước Mỹ, khi đơn I-130 được chấp thuận và chiếu khán có sẵn, người vợ/chồng phải đến toà lãnh sự Mỹ  để hoàn tất đơn xin chiếu khán di dân. Sau khi đến Mỹ thì sẽ được cấp thể xanh ngay lập tức. Tuỳ theo thời gian kết hôn lâu hay mau, họ sẽ được thẻ xanh hiệu lực trong vòng 2 năm hoặc vĩnh viễn.

Trường hợp, nếu nạn nhân vẫn còn chung sống với kẻ hành hung, cô ta cần phải sao lại những giấy tờ gì?

Khi nộp bất cứ đơn từ nào cho Sở Di Trú, thí dụ như xin thẻ xanh hoặc thẻ đi làm, người đứng đơn sẽ nhận được biên lai từ Sở Di Trú. Sau đó, họ sẽ nhận được thông báo lăn tay. Nạn nhân bạo hành nên để ý những loại giấy tờ này trong thùng thư. Những giấy tờ này thường được đề tên nạn nhân. Nếu muốn ra đi, nạn nhân phải mang theo tất cả các giấy tờ này, vì chúng rất cần thiết và quan trọng. Để biết thêm về những loại giấy tờ khác cần phải mang theo khi rời khỏi nhà, xin gọi chúng tôi ở số 1-866-883-9556. Nếu cảm thấy nguy hiểm khi trở về để lấy những giấy tờ này, bạn có thể làm việc với luật sư di trú, nhờ họ lấy những giấy tờ khác có thể thay thế.

Điều gì sẽ xảy ra nếu người chồng/vợ của nạn nhân chưa bao giờ làm giấy tờ cho họ hoặc giấy tờ đang trong thời gian chờ cứu xét của Sở Di Trú?

Trong trường hợp này, nếu nạn nhân thành hôn với công dân Hoa Kỳ hay thành hôn với thường trú nhân, họ đều có thể tự điền đơn xin di trú cho chính mình mà không cần sự giúp đỡ của kẻ hành hung. Họ cũng có thể tự đứng tên xin thẻ xanh cho mình.  Quốc Hội đã thông qua luật đặc biệt này giành cho những người bị hành hung khi kết hôn với công dân Hoa Kỳ hay thường trú nhân. Chính phủ không muốn kẻ hành hung dùng việc di trú để chế ngự hay hăm doạ nạn nhân. Đơn di trú này giành sẵn cho những ai bị vợ/chồng ngược đãi hoặc hành hạ, không được họ giúp xin thẻ xanh sau khi đến Mỹ theo diện đính hôn hay diện vợ chồng.

Đơn này được gọi là gì?

Đó là đơn tự bảo lãnh I-360 dựa theo Đạo Luật Chống Bạo Hành đối với Phụ Nữ (Violence Against Women Act - VAWA).  Phụ nữ, đàn ông, và trẻ em có thể tự đứng đơn nếu họ bị ngược đãi bởi người hôn phối, cha mẹ, hoặc bởi một người nào đó có thẻ xanh hay quốc tịch Hoa Kỳ. Nạn nhân có thể tự nộp đơn ngay cả khi người phối ngẩu của họ đã nộp đơn trước cho họ rồi, nhưng tiến trình vẫn chưa hoàn tất.

Khi làm đơn VAWA, nạn nhân của sự bạo hành cần phải nộp giấy tờ gì?

Nạn nhân phải chứng minh rằng đây là một hôn nhân thật sự và đã bị hành hạ về thể xác hay inh thần. Cô ta có thể dùng giấy tờ khác để chứng minh.

Những gì xảy sau khi nạn nhân nộp đơn tự bảo lãnh (VAWA)?

Bước kế tiếp là nạn nhân sẽ nhận được biên lai từ Sở Di Trú.

Khoảng vài tuần sau đó, cô ta sẽ nhận được thông báo Prima Facie. Thông báo này xác nhận là đơn xin VAWA của cô ta đã đạt được những yêu cầu tối thiểu để xin tự bảo lãnh VAWA của cô. Kế tiếp là cô ta phải đợi sự quyết định của Sở Di Trú về đơn tự xin này.

Quá trình này có thể kéo dài từ bốn cho đến sáu tháng. Trong trường hợp nếu Sở Di Trú có nhiều thắc mắc về đơn từ, nghĩa là Sở Di Trú sẽ không ra quyết định từ sáu cho đến chín tháng.

Để nhận được thẻ xanh, nạn nhân cần điền thêm đơn từ nào khác?

Nạn nhân cần nộp đơn I-485 để xin thẻ xanh. Nếu chồng cô ta đã nộp rồi, và cô ta đã báo cho nhân viên Sở Di Trú rằng cô ta là nạn nhân của sự bạo hành, thì không cần phải nộp đơn này lại lần thứ hai. Cô ta có thể thay thế đơn I-130 của người chồng bằng đơn tự lãnh VAWA. Ngoài ra, cô ta còn được quyền đi làm trong thời gian chờ Sở Di Trú quyết định cứu xét đơn xin thẻ xanh.

Nếu nạn nhân chỉ có thẻ xanh tạm 2 năm thay vì 10 năm thì sao?

Họ phải làm gì?

Nếu một người có thẻ xanh tạm 2 năm, thì họ được coi là thường trú nhân có điều kiện. Nghĩa là chồng/vợ của người đó đã nộp đơn xin thẻ xanh cho họ. Vì họ kết hôn chưa đầy 2 năm, nên Sở Di Trú chỉ cấp thẻ xanh có điều kiện mà thôi.

Thông thường người có thẻ xanh có điều kiện cần phải nộp đơn chung với người chồng để xin thẻ xanh lâu dài. Tuy nhiên, nạn nhân của sự bạo hành không cần đến sự giúp đỡ của người chồng hay của người bảo trợ khi điền đơn I-751. Trường hợp này được gọi là sự khước từ sự hỗ trợ của người phối ngẫu cho người bị hành hung.

Nạn nhân cần chứng minh rằng họ đã thật sự là vợ chồng với nhau, và bạo hành trong gia đình đã xảy ra bất kể là hành hạ về tinh thần hay thể xác. Cô ta vẫn có thể điền đơn khi chồng cô đã ly dị với cô, bất luận thời gian thành hôn. Có một loại miễn khác nữa là nếu như người đó không phải là nạn nhân của sự bạo hành và đã ly dị trước khi nhận thẻ xanh chính thức. Để được miễn, họ có thể điền đơn I-751 sau khi ly dị.

Nhiều nạn nhân sợ bị kẻ hành hung trục xuất khỏi Hoa Kỳ, điều này có thể xảy ra không?

Tuyệt đối không, chỉ có chính phủ mới có quyền trục xuất. Nếu chính phủ quyết định tiến hành trục xuất ai, họ sẽ gởi thư đến người bị trục xuất và yêu cầu người này phải có mặt tại toà án di dân.

Mọi người sống trên nước Mỹ này đều có cơ hội dự phiên toà này trước khi bị trục xuất. Thông thường, nhân viên của Sở Di Trú sẽ không tìm đến nhà vào lúc nửa đêm để lập tức bắt người đó lên máy bay. Chỉ có chính phủ mới làm được điều này, dù cho kẻ hành hung không chịu tiếp tục làm giấy bảo lãnh hoặc báo cáo lên chính quyền. Nếu nạn nhân nhận thông báo trình diện, cô ta có cơ hội huỷ bỏ lệnh trục xuất tại toà án di dân bởi vì cô ta là nạn nhân của sự bạo hành.

Làm thế nào để được giúp đỡ về tình trạng di trú của mình?

Nếu cần được giúp đỡ về vấn đề này, bạn nên tìm luật sư đã từng có kinh nghiệm giúp đỡ nạn nhân của sự bạo hành về mặt di trú.
Ngoài ra, bạn có thể liên lạc với BPSOS qua đường dây miễn phí 1-866-883-9556 để biết thêm về những thông tin về các dịch vụ giúp nạn nhân bạo hành có tại địa phương.

Mạch Sống Số 47, tháng 5, 2006

 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=775