Căn Bản Để Đoàn Kết
Date: Thursday, March 23 @ 14:22:50 EST
Topic: Quan Điểm


TS. Nguyễn Đình Thắng

Đoàn kết nhằm tạo sức mạnh chung là mối quan tâm của nhiều người trong chúng ta, nhất là những ai có lòng với cộng đồng. Trong 30 năm qua không ít người khởi xướng công việc đoàn kết cộng đồng. Điển hình là phong trào thành lập các tổ chức mệnh danh “Cộng Đồng” với tính cách đại diện, có tranh cử, có bầu bán.

Tuy nhiên, hầu như những nỗ lực này đã không thành công mà nhiều khi phản tác dụng và gây chia rẽ hơn trước. Muốn đoàn kết, chúng ta phải thiết lập được ba điều kiện tiên quyết.

Thứ nhất là sự đồng ý về mục đích và giá trị. Thứ hai là một giao kết công bằng và chấp pháp được. Thứ ba là thái độ cùng học.

Hai cá nhân hay hai tổ chức nếu không cùng mục đích và giá trị thì không thể nào hợp tác dài lâu. Không cùng mục đích thì mỗi người một hướng khác nhau, đồng sàng dị mộng. Không cùng giá trị thì mỗi người sẽ đi một con đường khác nhau, tựa như vương đạo và bá đạo trong Tam Quốc Chí, dù cùng mục đích.

Bước kế tiếp là thiết lập nền móng cho việc ngồi lại với nhau. Nền móng này bao gồm sự đóng góp đồng đều của đôi bên, về trách nhiệm và quyền lợi, và về những biện pháp thưởng phạt bảo đảm sự chấp hành nghiêm chỉnh các thoả thuận. Những điều này cần thiết cho mọi lãnh vực hợp tác, từ kinh doanh đến xã hội, từ mức độ cá nhân đến tầm vóc quốc gia. Người không vốn liếng thì không thể mưu cầu người khác góp vốn đầu tư với mình. Và quyền hạn hay quyền lợi phải tỉ lệ với trách nhiệm hay phần vốn hùn hạp. Khi đôi bên đã giao ước sòng phẳng mà thiếu biện pháp thưởng phạt thì rất dễ xảy ra tình trạng phá bỏ lời giao kết một cách vô tội vạ.

Khi đã khởi sự hợp tác, muốn duy trì nó dài lâu thì đôi bên phải có thái độ cùng học vì tình hình sẽ thay đổi đòi hỏi xét lại, mâu thuẫn sẽ xảy ra đòi hỏi giải quyết. Thái độ cùng học thể hiện qua bốn đặc tính: (1) tôi biết một số thông tin và người đối tác có một số thông tin khác, (2) hai bên có thể thấy sự việc khác nhau và không nhất thiết ai đúng hơn ai, (3) sự khác nhau về quan điểm là cơ hội để học hỏi, và (4) đôi bên đều cố gắng cư xử theo lương tâm và lương tri trong hoàn cảnh riêng của mỗi bên. Đối chọi lại là thái độ kiểm soát đơn phương, dễ đưa đến sự rạn nứt: (1) chỉ có tôi là hiểu biết và những ai khác tôi đều không hiểu gì cả, (2) những ai bất đồng quan điểmvới tôi ắt hẳn là sai lầm, (3) tôi có động lực trong sáng còn những người khác thì không, và (4) mọi cảm nghĩ của tôi đều chính đáng.

Trong thời gian qua, một số nỗ lực đoàn kết cộng đồng đã không hội đủ các điều kiện tiên quyết kể trên. Chẳng hạn một số tổ chức mệnh danh “Cộng Đồng” tự đặt cho mình tư thế bao trùm và kỳ vọng các tổ chức khác phải đứng dưới tán dù của mình. Nghĩ vậy nghĩa là mặc nhiên giả định rằng những tổ chức khác bắt buộc phải chung con đường mình đi để tiến đến cùng mục đích mình đã chọn. Không những vậy, có người còn cho rằng mình có tư  thế bao trùm nên nghiễm nhiên có quyền đòi hỏi người khác hợp tác mà không cần bàn luận đến những yếu tố thoả thuận ngang bằng giữa đôi bên. Và khi người khác không thấy lý do để hợp tác như mình mong muốn thì vội cho rằng họ sai, họ thiếu tinh thần cộng đồng. Thái độ này vi phạm tất cả những nguyên tắc căn bản để tiến đến hợp tác và do đó nhiều khi phản tác dụng, tạo thêm chia rẽ trong cộng đồng.

Những vấn đề nêu trên không chỉ ảnh hưởng riêng cộng đồng Việt. Các cộng đồng khác cũng từng gặp những trở ngại tương tự. May mắn cho chúng ta là những vấn đề này đã được nghiên cứu bởi ngành xã hội học trong nhiều chục năm qua. Chúng ta có thể rút tỉa từ đó nhiều bài học hữu ích.







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=734