Đôi Điều Về Bệnh Ung Thư Tử Cung
Date: Friday, February 24 @ 13:38:05 EST
Topic: Sức Khoẻ


Đào Hoàng

1/ Ung thư tử cung nguy hiểm nhưng dễ phòng
Mỗi năm trên thế giới có khoảng nửa triệu phụ nữ tử vong vì ung thư sinh dục; một trong những thủ phạm chính là ung thư tử cung. Tuy nhiên, bệnh này có thể chẩn đoán sớm và điều trị tốt nếu bạn đi khám định kỳ đều đặn.

Ung thư tử cung được chia làm hai loại: ung thư thân tử cung và ung thư cổ tử cung. Nếu bị ở cả hai bộ phận đó thì gọi là ung thư tử cung. Bệnh thường gặp ở phụ nữ tuổi 50-60, hiếm gặp ở phụ nữ không sinh hoạt tình dục.

Nguyên nhân gây bệnh chưa thật rõ ràng. Người ta thấy bệnh ung thư cổ tử cung liên quan đến những kích thích từ bên ngoài như sinh hoạt tình dục sớm, sinh nở nhiều lần, nạo phá thai nhiều, nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục. Các nghiên cứu đều cho thấy tỷ lệ mắc bệnh cao ở những phụ nữ tảo hôn và sinh con quá sớm (trước 18 tuổi). Đặc biệt, ở gái mại dâm, phụ nữ tái hôn trên 3 lần và phụ nữ bị viêm loét cổ tử cung, nguy cơ ung thư sẽ cao gấp 7 lần so với người bình thường. Một nhân tố khác liên quan đến ung thư cổ tử cung là sinh hoạt tình dục sớm khi cổ tử cung chưa hồi phục hoàn toàn (khi hành kinh, đẻ, sảy, nạo hút thai, đặt vòng, tháo vòng).

Ung thư thân tử cung thường liên quan đến các yếu tố nội tiết và bệnh toàn thân như: vô sinh, vô kinh, không rụng trứng, kinh nguyệt bất thường, quá béo, tăng huyết áp, tiểu đường... Các tình trạng trên làm chức năng của buồng trứng mất điều hoà, dẫn tới tăng tiết oestrogen - nguyên nhân dẫn tới ung thư thân tử cung.

Triệu chứng sớm của ung thư tử cung thường nghèo nàn. Chủ yếu người bệnh thấy ra máu bất thường ngoài kỳ kinh, rối loạn kinh nguyệt và tiền sử kinh nguyệt ra nhiều, khí hư lẫn máu... Nếu không khám phụ khoa định kỳ và làm các xét nghiệm chẩn đoán sớm thì thường không nhận biết bệnh ở giai đoạn sớm.

Tuy nhiên, nếu đi khám định kỳ đều đặn và tránh các yếu tố nguy cơ nói trên, bạn sẽ tự làm giảm khả năng mắc bệnh của mình và nếu có thì cũng được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

2/ Phụ nữ đa tình dễ bị ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung chiếm hàng đầu trong các bệnh ung thư sinh dục nữ, thường gặp ở lứa tuổi 36-50, hiếm gặp ở phụ nữ trẻ, nhất là các trinh nữ. Nguy cơ mắc bệnh thường cao hơn ở những người có nhiều bạn tình.

Nguyên nhân trực tiếp của ung thư cổ tử cung đến nay vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, đã có những bằng chứng thuyết phục về các yếu tố nguy cơ: bệnh xuất hiện nhiều hơn ở phụ nữ đã có chồng, đặc biệt là người lấy chồng sớm, quan hệ tình dục sớm, có nhiều bạn tình hoặc chồng có quan hệ tình dục với nhiều người. Phụ nữ đẻ nhiều lần, có mức thu nhập thấp, nhiễm virus sinh dục sớm hoặc nghiện thuốc lá... cũng dễ mắc bệnh hơn so với người bình thường.

Trong giai đoạn đầu, bệnh nhân ra khí hư hoặc máu bất thường ở âm đạo, kinh nguyệt kéo dài, dai dẳng, ra máu sau khi giao hợp hoặc khí hư có lẫn máu, mùi hôi. Ở giai đoạn muộn, khí hư có máu nhiều hơn và rất hôi. Người bệnh đau bụng, có thể sờ thấy u ở bụng, một số trường hợp suy thận khi u chèn ép niệu quản. Hãn hữu có trường hợp phân và nước tiểu đi qua đường âm đạo do u xâm lấn làm thủng bàng quang, trực tràng, phải đi cấp cứu.

Khi khám bệnh, có thể phát hiện bằng mắt thường những biến đổi bất thường của cổ tử cung: màu sắc, chảy máu, loét hoặc u sùi... Tuy nhiên, để biết chắc, phải xét nghiệm tế bào học và mô bệnh học.

Ung thư cổ tử cung thường diễn biến qua nhiều năm, kể từ khi phát triển tại chỗ đến khi có dấu hiệu để bệnh nhân đi khám. Khi bệnh đã rõ thì ung thư tiến triển nhanh, lan rộng trực tiếp vào âm đạo và di căn tới những cơ quan khác như đường bạch huyết, gan, tuỵ, phổi, não..

Về điều trị, ở giai đoạn sớm, có thể khoét chóp cổ tử cung lấy hết tổn thương và theo dõi, nếu còn tổn thương sẽ cắt toàn bộ tử cung. Ở giai đoạn muộn thì phải cắt bỏ tử cung, kết hợp điều trị bằng tia xạ, dùng hoá chất phối hợp... Để phòng bệnh, cần hạn chế tối đa các nguy cơ gây bệnh nêu trên, sàng lọc phát hiện ung thư sớm cổ tử cung qua khám phụ khoa và làm phiến đồ âm đạo.

Tỷ lệ chữa khỏi ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm là 90%. Nếu phải cắt bỏ tử cung toàn phần cũng không ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ và quan hệ tình dục.

3/ Những thắc mắc thông thường
Hỏi:
Thỉnh thoảng tôi bị ra máu ở âm đạo ngoài kỳ kinh, đó có phải là chuyện bất thường không?

Đáp: Ra máu âm đạo bất thường bao gồm các hiện tượng như ra máu ít giữa 2 kỳ kinh (thường nhận thấy sau khi đi tiểu) hoặc ra máu nhiều khi hành kinh, đến mức băng vệ sinh ướt sũng ngay giờ đầu. Mọi trường hợp ra máu âm đạo kéo dài hàng tuần cũng bị coi là bất thường.

Các bệnh hay gây ra máu âm đạo bao gồm: rối loạn kinh nguyệt, viêm âm đạo, giãn tĩnh mạch âm hộ, có khối u, pô líp hay u xơ ở âm đạo, cổ tử cung, tử cung hay vòi trứng, bệnh lộn cổ tử cung (hay gặp ở phụ nữ trẻ, nhất là người dùng viên tránh thai), ung thư ở tử cung, cổ tử cung, âm đạo hay âm hộ, các biến cố thai nghén như doạ sẩy thai, thai chết lưu...

Nếu ở tuổi tiền mãn kinh, việc ra máu nhẹ trong vài ngày trước khi thấy kinh là bình thường và không đáng lo. Người dùng viên tránh thai cũng có thể ra máu bất chợt trong vài tháng đầu.

Người ở tuổi mãn kinh, sau mãn kinh và đang điều trị bằng hoóc môn thay thế có thể bị chảy máu do ngừng thuốc (giống như ra kinh)trong vài ngày (nếu hiện tượng ra máu có đặc điểm khác biệt thì nên hỏi ý kiến bác sĩ). Ở những người này, việc ra máu ít trong 6 tháng đầu là bình thường; chỉ cần đi khám nếu hiện tượng đó kéo dài quá 6 tháng hoặc máu bắt đầu ra nhiều. Nếu đã ở tuổi mãn kinh hoặc sau mãn kinh và không điều trị bằng hoóc môn thay thế nhưng vẫn ra máu thì cần đi khám ngay.

Hầu hết các trường hợp ra máu âm đạo ngoài kỳ kinh đều do bệnh phụ khoa lành tính. Ở phụ nữ tiền mãn kinh, đó thường là biểu hiện dao động hoóc môn chứ không phải ung thư. Ở phụ nữ đã mãn kinh, ra máu âm đạo có thể do ung thư phụ khoa nhưng cũng có thể do bệnh lành tính.

Bạn nên đi khám phụ khoa để được xác định nguyên nhân và có hướng điều trị hợp lý.

Hỏi: Viêm âm đạo kéo dài có dẫn đến ung thư thử cung không? “Tôi bị viêm âm đạo do nấm 2 năm nay. Tôi đã uống và đặt thuốc một thời gian mà không khỏi. Tôi mới thay 2 loại thuốc khác nhưng bệnh lại nặng thêm. Mắc bệnh lâu ngày như vậy có dẫn đến ung thư tử cung không? Trong thời gian đặt thuốc có quan hệ vợ chồng được không? Nên chữa trị như thế nào?”.

Đáp: Viêm âm đạo không phải là ung thư nhưng những tổn thương mạn tính kéo dài nhiều năm tại âm đạo và cổ tử cung có thể tạo điều kiện cho ung thư phát sinh và phát triển. Tuy vậy, không phải ai bị viêm âm đạo lâu ngày cũng bị ung thư.

Về điều trị viêm âm đạo bạn cần chú ý:

- Phải xác định rõ mầm bệnh gây viêm thuộc loại gì để chọn thuốc điều trị thích hợp.

- Người bệnh phải tăng cường giữ vệ sinh bằng việc giội rửa (để rửa đến đâu, chất bẩn trôi đi đến đấy) nhiều lần trong ngày. Cần giội rửa bằng nước sạch hoặc nước pha thuốc sát trùng theo chỉ định của bác sĩ. Quần, nhất là quần lót, phải được giặt sạch, ngâm nước sôi để diệt hết nấm bệnh.

- Cần điều trị cả cho chồng vì các nguyên nhân gây viêm âm đạo có thể sinh sống tại đường sinh dục của người chồng và sẽ gây tái nhiễm cho người vợ khi đã được điều trị khỏi.

- Trong thời gian đặt thuốc, không nên có quan hệ vợ chồng. Nếu không giữ được thì nên sử dụng bao cao su.

Mạch Sống Số 44, tháng 2, 2006

 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=666