Tâm Sự của Người Xa Nhà
Date: Thursday, February 23 @ 16:11:41 EST
Topic: Cứu Trợ Thiên Tai


Đặng Quốc Bảo

Đã mười mấy ngày tôi sống xa gia đình, thành thật cảm ơn vợ tôi đã lo những công việc nhà như trả bills, dọn dẹp trong ngoài, v.v.  để tôi và cô con gái thân thương có dịp “công tác tông đồ” ở cái nơi ít có người biết tới, đó là thành phố Bayou La Batre, tiểu bang Alabama. Cảnh vật quanh đây có thể so sánh với vùng quê Bà Rịa, Long Khánh, Phước Tỉnh ở Việt Nam, tất cả nẻo đường đều dẫn ra eo biển Gulf of Mexcico.

Khoảng 250 gia đình Việt Nam, 200 gia đình Cambodge và 250 gia đình Lào sống trong cái làng nhỏ bé này. Phần đông họ làm nghề biển như bẫy cua, bắt ghẹ, đánh tôm, mò sò… Kẻ có tiền thì sắm tàu ra khơi bẫy cua, đánh tôm, đánh cá; người không có tiền thì đi làm thuê cho những hảng thầu tôm, cua trên bờ. Chưa đầy một tháng làm việc ở đây mà hầu hết mọi người Việt trong vùng đã tỏ lòng thương mến hai bố con tôi; tình yêu nhân loại được thể hiện qua mấy chiếc bánh bao, bánh ít, cơm chiên cho chúng tôi ăn trưa thay vì nhai cái kẹo, cái bánh cho đỡ đói rồi chiều về nấu cơm ăn cho qua ngày.

Hôm nay là Chúa Nhật 31  năm, tôi và cô con gái có dịp dự Thánh Lễ với cộng đồng Việt Nam ở Mobile, nhà thờ Saint Monica. Sau Thánh Lễ cũng có bán phở cho giáo dân dùng, có café free, làm tôi nhớ Giáo Xứ Đức Mẹ Ban Ơn Lành vô cùng.

Thứ Ba ngày 01 tháng 11, Lễ Các Thánh Nam Nữ, chúng tôi đến dự Thánh Lễ ở nhà thờ trên để cầu nguyện xin các Thánh cầu bầu cùng Chúa cho gia đình, con cái chúng tôi tản mác khắp mọi nơi; và không quên cầu cho linh hồn ông bà, tổ tiên và những người thân của chúng tôi đã qua đời. Phúc Âm hôm nay theo Thánh Mát-thiêu (Mt 5: 1-12a) Chúa Giêsu dạy về 8 mối Phúc Thật. Tôi liên tưởng đến dân tình ở đây, họ lãnh nhận được tất cả:

Thứ nhất: Phúc cho những ai có tinh thần ngèo khó… Họ nghèo thật, nghèo lời Chúa, nghèo về mọi mặt, tôi không tài nào tả cho đúng cái nghèo của dân tình ở đây; có rất nhiều người chỉ có chiếc xe đạp củ kỹ làm phương tiện di chuyển quanh đây, và còn bao nhiêu hình ảnh nghèo khác mà tôi không thể kể hết trong trang giấy nhỏ bé này. Ở Việt Nam người ta nghèo “rớt mòng tơi”, ở đây dân nghèo đến nỗi không có mòng tơi để rớt. (Nếu có ai đó muốn xem tận mắt sự nghèo, tôi xin mời đến đây; tôi tình nguyện dẫn đi tham quan sự khốn khó của dân mình ở làng nhỏ xíu của xứ “Cờ Hoa” này.)

Thứ hai: Phúc cho những ai hiền lành… Ngưòi dân ở đây rất hiền và rất dễ thương. Có lần tôi đi chợ mua rau và cà tômát bỏ vào bao đứng chờ trả tiền; một người Mỹ đứng trước tôi nhường chỗ cho tôi ra đứng phía trước vì hai vợ chồng này đẩy một xe thức ăn đầy tràn. Suốt 28 năm sống ở những đô thị lớn của nước Mỹ, có bao giờ tôi được nhường đâu, người ta tranh nhau mọi thứ, người ta lấn tôi rớt xuống lề rồi đứng trên đường cười chọc tức. Còn dân Việt Nam thì dễ thương hơn, mỗi lần chúng tôi giúp họ lãnh được tiền FEMA, tiền SBA, tiền trợ cấp xã hội… họ mang tôm tươi, cá tuơi vừa đánh được ngoài biển đến biếu hai bố con tôi, cho dù tôi từ chối cách nào cũng không được; mọi người cứ bâng khuâng khi nào 2 bố con tôi về lại Michigan, thì ai sẽ giúp họ.

Tôi trấn an: “trước khi về tôi sẽ tìm người thay thế.” Mặc dù nói thế nhưng cho đến nay chúng tôi cũng chưa tìm ra một người để thay chúng tôi lo cho công việc hằng ngày như điền đơn, cập nhật những chương trình kể trên.

Ở Michigan, 2 bố con tôi chỉ đáng “nửa xu một rổ” mời hoài chẳng ai thèm mua, nhưng ở đây chưa đầy một tháng mà hết hội đoàn này tới hội đoàn kia mời hợp tác. Cô con gái tôi đã có 2 hội đoàn mời làm việc với lương bổng rất hậu, cộng thêm vacation, bảo hiểm sức khoẻ; riêng tôi FEMA offered một việc (equal right officer) 4 tháng bằng lương 2 năm rưỡi làm việc cho Ford. Thấy tiền thơm quá mà không dám rờ vào vì sợ phỏng tay. Họ trả lưong cao như vậy vì tôi nói thông thạo 3 thứ tiếng. Tôi có thể kiểm soát những trường hợp khai gian, hay FEMA có cho mọi người đồng đều không, có ai bị bỏ rơi không, v.v.

Thứ ba: phúc cho những ai đau buồn… Họ đau buồn cả tinh thần lẫn vật chất; cha sở nhà thờ Saint Margaret vừa nhậm chức nhà thờ được một năm mà phải chứng kiến cảnh đau buồn khủng khiếp của giáo dân ngài, và ngài phải vào bệnh viện tâm thần 3 tháng rồi mà vẫn chưa thấy về. Còn giáo dân của ngài thì lê thê kiếp sống tả tơi khắp mọi nẻo đường. Tôi không thấy có bút viết nào có thể tả cho đúng nghĩa đau buồn của người dân ở đây, chỉ có cách là đến đây nhìn thấy tận mắt, nghe tận tai mới hiểu được thế nào là buồn, thế nào là khổ. Mỗi tuần chúng tôi phải đi dự “work shop” làm cách nào giúp người ta mà mình không bị rơi vào cảnh tinh thần “xáo trộn”. Phần quan trọng nhất vẫn là cầu nguyện; nếu quên phần này thì tôi rất dễ rơi vào cảnh “loạn tâm thần” rồi sẽ không giúp được gì cho ai cả.

Thứ tư: Phúc cho những ai đói khác điều công chính… Ba tháng không Thánh Lễ, không có lời Chúa để sống, họ còn đói cơm, đói áo, đói cả tình yêu thương từ khắp mọi nơi và đói cả ơn, cả phước nữa.

Người ta thường nói: làm ơn làm phước, chớ chẳng ai nói mua ơn, mua phước; hoặc nói một cách khác bỏ tiền ra cho họ là mua ơn mua phúc, còn đến đây giúp họ sớm trở lại với cuộc sống bình thường là làm ơn làm phước. Tôi còn nhớ một lần đi tĩnh tâm, cha giảng phòng nói: Chúa rất công bằng, Chúa cho mỗi người chúng ta một ngày 24 tiếng đồng hồ, có người xài dư, có người xài thiếu; nếu ai đó sài dư, thì có cho thời giờ dư đó lại cho những người kém may mắn hơn mình không. Lạy Chúa, nếu Chúa cho con dư thời giờ, thì Chúa cũng cho con biết cách chia sẻ những thời giờ đó với những người đáng thương hại ở cái làng nhỏ bé này.

Thứ năm: Phúc cho những ai thương xót người… Trong cơn hoạn nạn người ta thường thương nhau nhiều hơn, chia cơm sẻ áo cho nhau. Phần đông người Việt đến văn phòng chúng tôi xin giúp đỡ. Đôi khi tôi phát cho họ mền, nệm của các cơ quan từ thiện gởi tặng. Họ thường bảo nhau: “Thôi anh ơi, thôi chị ơi mình không cần đừng lấy, để phát cho những ai thật cần…” Có rất nhiều hội đoàn khắp nước Mỹ lần lượt đến đây họp với chúng tôi, và họ đặt câu hỏi như sau: tại sao các nơi khác cũng bị ảnh hưởng Hurricane Katrina nhưng họ bị tả tơi hơn ở đây?

Câu trả lời là: chúng tôi ở đây rất đoàn kết, yêu thương lẫn nhau không phân biệt tôn giáo. Có phải chúng ta sống thiếu tình yêu và đoàn kết nên Chúa đã để cho Hurricane Katrina xảy ra chăng? Và những biến cố khác như: September 11, Tsunami ở Indonésia, Malaysia, Thái Lan; động đất ở Ấn Độ… Để chúng ta biết yêu thương và đoàn kết nhau hơn! Có thể tôi sai xin quý độc giả sửa cho!

Thứ sáu: Phúc cho những ai có lòng trong sạch… Đến đây làm việc, tôi chỉ thấy những tích cực của họ mà thôi, còn những chuyện khác tôi không muốn bàn tới. Trường hợp điển hình, một lần tôi phát radio nghe được đài Việt Nam cho mỗi gia đình một cái; trong đám đông tôi nghe có tiếng nói là: gia đình anh có rồi, đừng lấy nữa để cho gia đình chưa có. Còn rất nhiều điều trong sạch khác mà tôi cảm nhận được ở cái làng nhỏ xíu này. Mặc dù nghèo, thiếu thốn mọi thứ, nhưng trên khuôn mặt họ lúc nào cũng nở một nụ cười trìu mến, và một tấm lòng vị tha. Có một gia đình kia dành dụm được $5,500 mua cái “mobile home” cũ để ở, chẳng may Katrina làm hư hại không còn thể ở được nữa, FEMA bồi thường cho $20,000 chưa kể những vật dụng hư hại trong nhà. Đấy có phải Chúa thương đặc biệt dân nghèo ở đây không?

Thứ bảy: Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà… Cho dù tôn giáo khác biệt, nhưng họ sống rất đoàn kết, biết chia cơm sẻ áo cho nhau trong lúc hoạn nạn. Tuần nào tôi cũng đi họp với các đoàn thể công giáo, phật giáo, đoàn thể người Lào, và người Khmer, tôi chẳng nghe gì khác hơn là sự đoàn kết, yêu thương lẫn nhau. Tôi thành tâm cảm phục dân ở đây vì họ sống thật với những gì họ nói. Lạy Chúa đã cho con thời giờ đến đây để giúp đỡ đồng hương và đồng thời con cũng học được tính tốt của họ.

Thứ tám: Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính… Sau một thời gian ngắn làm việc ở đây, tôi thấy phần đông dân tình ở đây chịu rất nhiều thiệt hại và thiệt thòi chỉ vì không biết Anh văn. Ngoài việc thông dịch, chúng tôi còn giúp họ điền mọi thứ đơn. Mỗi khi chúng tôi biết cơ quan nào đó cho bất cứ vật gì có thể sử dụng được trong nhà, chúng tôi liền thông báo cho mọi người biết để nộp đơn, hoặc chỉ cho họ đến tận nơi để nhận. Đối với riêng tôi, người dân ở đây không biết Anh văn không nghĩa là bị bỏ rơi, bị thiệt hại, vì họ đói mà chẳng ai cho ăn, lạnh mà chẳng ai cho mền để đắp.

Mạch Sống Số 44, tháng 2, 2006

 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=660