New Orleans Sẽ Được Xây Lại
Date: Thursday, January 26 @ 18:30:44 EST
Topic: Tin Trang Nhất


Nhưng Nhỏ Hơn

Ban cố vấn tái thiết New Orleans, do Thị Trưởng Ray Nagin thành lập, đồng ý trên nguyên tắc với kế hoạch thu nhỏ địa bàn của thành phố. Theo ước lượng của các chuyên gia về dân số và tái thiết, trong số 475 ngàn dân trước cơn bão Katrina chỉ 50 đến 60% sẽ quay về. Hiện nay chỉ mới chỉ có 20% dân đã trở lại New Orleans.

Tổ chức bất vụ lợi Urban Land Institute, được thành phố New Orleans mướn để nghiên cứu kế hoạch tái thiết, để nghị khôi phục khu trung tâm thương mại trước hết để dem lai nguồn tài chánh cần thiết cho công cuộc tái thiết.

Kế đến là vùng Tây Ngạn, nơi tương đối ít bị hư hại. Phần lớn trong số người đã trở về New Orleans là cư dân vùng này. Một số người quen biết nhiều trong cộng đồng Việt ước lượng trước trận bão có 10 ngàn người Viêt sinh sống ở vùng Tây Ngạn và phần lớn họ đã trở về.

Urban Land Institute đề nghị hoãn không tái thiết vùng Đông Ngạn trong vài năm và sau đó dù có tái thiết thì cũng chỉ tập trung ở một vài khu vực, còn phần lớn sẽ biến thành khu đất ướt (wetland) vừa để thoát nước khi có lụt vừa dùng làm nơi bảo vệ cầm thú.

Vùng Đông Ngạn đất trũng thấp hơn mặt biển và thường xuyên bị úng lụt. Vùng này bị lụt lội nặng nề trong cơn bão Katrina vì đập ngăn nước bị vỡ.  
Một số ít người Việt trước đây sinh sống ở vùng này cũng đã trở về với hy vọng xây dựng lại cuộc sống. Tuy nhiên họ gặp rất nhiều trở ngại trong cuộc sống vì thiếu thốn phương tiện.

Ban cố vấn của Thị Trưởng Nagy nhìn nhận vấn đề này.

Chính quyền thành phố thừa nhận sẽ không đủ tài chánh và năng lực để cung ứng phương tiện cho một thành phố trải rộng như trước đây: điện nước, phương tiện di chuyển công cộng, trường học, nhà thương, đường phố, cảnh sát, v.v.

Theo dự phóng của một tài liệu nghiên cứu về tái thiết hệ thống trường công lập, sau 5 năm hồi phục thì số học sinh cũng chỉ lên đến 25 ngàn, tức 40% của con số 60 ngàn trước trận bão. Số trường công lập trước đây là 117 sẽ chỉ còn 40 hoặc 50 trường là tối đa.

Đề nghị của tổ chức Urban Land Institute và các đề nghị tương tự gặp sự phản đối mạnh mẽ của một số chính khách và dân cư ở vùng Đông Ngạn. Các chính khách này đang chứng kiến vùng cử tri, cũng như chức vụ, của họ bị xoá tên khỏi bản đồ. Dân cư thì cho rằng có sự kỳ thị mầu da trong kế hoạch tái thiết vì vùng Đông Ngạn đông đúc người da đen và các nhóm thiểu số, trong đó có khoảng 10 ngàn người Việt trước trận bão Katrina.

Đa số các giới chức và các nhân vật có ảnh hưởng đến chính sách đều công nhận thực tế của một thành phố New Orleans với diện tích nhỏ hơn nhiều so với trước đây. Tuy nhiên về thực hiện thì có hai khuynh hướng khác nhau.

Những người trong khuynh hướng thứ nhất chủ trương công bố kế hoạch sớm và dứt khoát về vùng tái thiết để mọi thành phần dân chúng theo cùng khuôn mẫu và chung sức xây dựng lại một thành phố New Orleans kiểu mẫu và tân tiến. Theo phác hoạ của nhóm này, New Orleans thu nhỏ sẽ được nối liền bằng những tuyến xe điện tân kỳ; nhà ở và công sở sẽ nằm trên lầu của các khu buôn bán và garage đậu xe; vườn tược, công viên, phố xá được thiết kế quy củ; và các trường công lập cũng là nơi sinh hoạt cộng đồng sau giờ tan học.

Chủ trương này dựa vào kiểu mẫu tái thiết rất thành công của thành phố Grand Forks, tiểu bang North Dakota, sau khi bị hư hại 80 phần trăm do trận lụt năm 1997.

Chủ trương thứ hai, phần lớn gồm những thành viên trong ban cố vấn của Thị Trưởng Nagy, thì lại muốn để người dân tuỳ nghi xây dựng. Sau ba năm, những khu nào không phát triển được thì chính phủ sẽ mua lại đất của tư nhân và biến thành đất ướt hay công viên; người dân sẽ được khuyến khích dời vào những khu vực có tiềm năng phát triển.

Chủ trương này bị chỉ trích là nặng mầu sắc chính trị—nhằm làm vừa lòng các chính khách và xoa dịu sự phản đối của các nhóm thiểu số da mầu—hơn là thực tiễn. Các chuyên gia về dân số sau bão lụt nhận định rằng khi chính quyền không đưa ra được một chính sách cụ thể thì người dân sẽ mang thái độ “chờ xem”: mọi người đều sẽ chờ cho những người hàng xóm xây dựng trước rồi mới quyết định; nhưng vì mọi người đều chờ nhau nên sẽ không ai chịu hành động trước cả.

“Thời gian tính là tất cả,” Ông William Frey, một chuyên gia về dân số thuộc trung tâm nghiên cứu Brookings Institution, nhận xét. “Nếu ngay lúc này người ta biết là thành phố có một kế hoạch chấp nhận được, thì có thể họ sẽ nhẫn nại chờ đợi thêm một năm cho tình hình ngã ngũ. Nhưng nếu họ tiếp tục bị đặt trong hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan, thì họ sẽ quyết định chọn lựa những nơi chốn khác.”

Các chuyên gia khác đồng ý và báo động rằng nếu chính quyền không có được một kế hoạch tái thiết rõ ràng trong vòng ba tháng tới thì New Orleans có thể mất 80 phần trăm dân số.

Thị Trưởng Nagin cho biết sẽ công bố kế hoạch tái thiết của ông nội trong tháng Giêng này.

Mạch Sống Số 43, tháng 1, 2006







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=628