UBCNVB Khởi Xướng Chương Trình Phát Triển
Date: Thursday, January 19 @ 17:23:48 EST
Topic: Tài Chánh


Kinh Tế Và Tài Chánh Cộng Đồng

Nhằm giúp cộng đồng người Việt phát triển năng lực về kinh tế và tài chánh, UBCNVB vừa thành lập Ban Phát Triển Cộng Đồng với những chương trình về dịch vụ ngân hàng, quỹ tiết kiệm có bù thêm, khai thuế, phát triển tiểu thương, thông tin về các vấn đề kinh tế và tài chánh, quyền lợi và trách vụ của người khai thuế, mua bán địa ốc, vay tiền, v.v. Ngoài ra UBCNVB còn yểm trợ nhiều tổ chức trong cộng đồng địa phương để thành lập các chương trình tương tự.

Các chương trình kể trên nhằm đáp ứng những nhu cầu căn bản của người Việt tị nạn hoặc di dân. Phỏng theo cuộc thăm dò của UBCNVB thực hiện trong năm 2002, khoảng 35% người Việt cho biết họ không có trương mục nào tại ngân hàng.

Con số này còn cao hơn nữa đối với đồng bào di cư mới tới hoặc với các vị lớn tuổi. Kinh nghiệm cho thấy, họ không được hài lòng với hệ thống ngân hàng ở Việt Nam trước đây. Vì vậy dù sinh sống tại Hoa Kỳ, họ vẫn không có thiện cảm đối với cơ quan tài chánh và ngân hàng nói chung. Đối với những người này, thói quen chỉ dùng tiền mặt chẳng những đã làm trở ngại bước tiến hội nhập vào xã hội Hoa Kỳ về tài chánh mà còn biến họ thành mục tiêu cho các vụ xâm nhập tư gia để trộm cướp.

UBCNVB đã thử nghiệm chương trình Trương Mục Phát Triển Cá Nhân (Individual Development Account—IDA) từ năm 2001. Năm nay UBCNVBõ nhận được một phần được tài trợ do Văn Phòng Định Cư Tị Nạn (Office of Refugee Resettlement — ORR) của chính phủ liên bang để mở rộng chương trình quỹ tiết kiệm có bù thêm này.

Nhằm khích lệ các gia đình có lợi thấp tiến tới tự lập, chương trình này bỏ thêm tiền vào trương mục tiết kiệm cho mục đích phát triển lâu dài như: mua nhà, mở cơ sở kinh doanh nhỏ, mua xe, mua máy vi tính, hoặc theo học đại học. Tùy theo từng trường hợp, số tiền bù thêm ít nhất là “bỏ 1 được 1” (nếu bạn bỏ vào trương mục của bạn $1, thì chương trình sẽ bỏ thêm vào trương mục $1 nữa; tổng cộng là được hai đồng). Từ lu’c khởi xướng va`o tháng 11, 2002, chương trình này đã giúp được 40 cá nhân và gia đình, chưa kể số 31 cá nhân và gia đình đã tham gia chương trình trong thời kỳ thử nghiệm năm 2001.

Cuối năm 2002 UBCNVB phát động chương trình Trương Mục Đầu Tiên Cho Người Di Dân Và Tị Nạn (First Accounts for Immigrants and Refugees – FAIR) cho những người Việt có lợi tức thấp. Chương trình chú trọng đến đồng bào ở Hoa Thịnh Đốn và phụ cận, Camden (New Jersey), Philadelphia, và Hampton (Virginia). Chương trình này nhắm giúp khoảng một ngàn gia đình với lợi tức thấp và chưa có trương mục ngân hàng để họ mở trương mục đầu tiên tại một ngân hàng có bảo hiểm của chính phủ Liên Bang. Hiện thời ngân hàng Citibank đang hỗ trợ cho chương trình này bằng cách cho mở trương mục ngân phiếu không tính lệ phí hoặc với lệ phí nhe và cung cấp những buổi chỉ dẫn về vấn đề tài chánh.

Một yếu tố quan trọng trong vấn đề phát triển tài chánh cộng đồng là tạo kiến thức cho người dân về các vấn đề tài chánh. Với sự tài trợ của Citigroup Foundation, do công ty mẹ của Citibank thành lập, UBCNVB đang soạn thảo tài liệu thông tin và hướng dẫn cho đồng hương về vấn đề tiểu thương. Cũng trong chiều hướng này, UBCNVB  đang cộng tác với ngân hàng quốc gia Hoa Kỳ, Federal Deposit Insurance Corporation (FDIC), trong việc dịch thuật sang tiếng Việt bộ tài liệu Money Smart của cơ quan này. Mười ngàn bản tiếng Việt của tập tài liệu này sẽ được phổ biến rộng rãi trong cộng đồng.

Ban Phát Triển Cộng Đồng của UBCNVB do ông Nguyễn Minh làm Giám Đốc, với cô Jennifer Vương làm Phối Trí Viên Chương Trình, ba‘ Aùi Phương làm Phối Hợp Viên Liên Lạc Cộng Đồng, và trên một chục thiện nguyện viên toàn thời gian thuộc chương trình AmeriCorps*VISTA.

Muốn biết thêm chi tiết về các chương trình phát triển kinh tế và tài chánh cộng đồng của UBCNVB, quí vị có thể vào web site http://www.bpsos.org/  hoặc gọi số 703 538-5510, hoặc tiếp xúc với văn phòng chi nhánh gần nhất của chúng tôi.
                                                                                            







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=601