TRÔNG NGƯỜI THẤY TA
Date: Wednesday, January 18 @ 18:08:05 EST
Topic: Nhân Vật Trong Tháng


NGUYỄN ĐÌNH THẮNG

Qua kinh nghiệm, tôi tin rằng một cuộc gặp gỡ tình cờ, dù rất ngắn ngủi, dù chỉ qua loa, vẫn có thể chuyên chở những ngụ ý sâu sắc.

Mùa hè nãm ngoái tôi dự một hội nghị về tị nạn ở Hoa Thịnh Đốn. Trong giây phút giải lao tôi thoáng thấy một phụ nữ dáng dấp có vẻ Việt Nam nên tiến đến hỏi thăm. Chị tự giới thiệu tên, thì cũng là ngườøi Việt. Tôi chưa kịp đáp lời, chị đã nói tiếp với giọng áy náy: “Nhưng tôi làm cho tổ chức người Lào.”

Tại sao lại “Nhưng”?
Rõ ràng trong lòng chị có điều trắc ẩn.

Tâm lý trắc ẩn ấy tôi đã có lần trải qua, cách đây hơn một chục năm, trong một chuyến đi Phi Luật Tân để chuẩn bị đưa phái đoàn luật sư vào trại Palawan.

Trong chuyến đi ấy, vì phải lo tiếp xúc với chính quyền sở tại, Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, và toà đại sứ Hoa Kỳ, nên tôi dành nhiều thì giờ ở thủ đô Manila hơn là ở đảo Palawan. Giữa các buổi họp tôi để ý tìm hiểu về đất nước Phi Luật Tân, qua báo chí, qua sách vở, qua các cuộc trò chuyện với giới chức ở công sở và người dân ở quán nước. Càng hiểu về đất nước của họ, thì lòng càng chan hoà nỗi niềm trắc ẩn của người dân xứ nghèo.

Mỗi năm đất nước ấy dồn dịch đến một phần ba ngân sách quốc gia vào nền giáo dục với mục đích đûào tạo nhân tài cho một tương lai tốt đẹp hơn. Rập khuôn theo Hoa Kỳ, nền giáo dục Phi Luật Tân sản xuất những kỹ sư, luật sư, bác sĩ, y tá giỏi. Nhưng rồi những nhân tài ấy lần lượt tìm đường xuất ngoại làm công ở Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Úc, Âu Châu, Đại Hàn, Nhật... Họ phải tha phương cầu thực vì xứ sở không cung ứng được công ăn việc làm cho họ.

Không có gì trớ trêu và phi lý cho bằng. Một quốc gia vào hàng nghèo nhất thế giới lại đầu tư phần lớn tài sản đào tạo nhân tài cho các quốc gia phú cường.

Ý tốt, nhưng vụng tính, đã tạo nên chu kỳ lẩn quẩn. Vì giáo dục là một đặc quyền hiếm hoi, người dân Phi Luật Thân có thể làm loạn nếu bị tước đi đặc quyền ấy.

Hậu quả là chính phủ không còn ngân sách để phát triển công ăn việc làm. Vòng lẩn quẩn ngày thêm siết chặt. Càng đầu tư càng xuất huyết. Đất nước Phi Luật Tân nhược lả và bị các quốc gia khác trong vùng mệnh danh là “ông già bệnh hoạn của Châu Á” (the sick old man of Asia).

Cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ cũng ở trong cảnh xuất huyết tương tự mà không biết.

Sau gần ba thập niên những người đi trước đã không tạo được cơ hội và phương tiện để be bờ và lưu giữ tài nguyên nhân sự cho cộng đồng. Có ai biết rằng người tị nạn Việt đến Quận Cam, thủ đô của người Việt ở hải ngoại, phải trình diện với một tổ chức người Cambốt để được hưởng những giúp đỡ và trợ cấp định cư?

Không lâu sau chuyến đi Phi Luật Tân trở về, tôi tham dự một trại hè dành cho tuổi trẻ. Ban tổ chức kỳ vọng tạo cho trại viên ý thức về nguồn. Với bài học Phi Luật Tân, tôi đề nghị ban tổ chức nhìn xa hơn và tạo cơ sở sẵn sàng đón tiếp các thanh niên thiếu nữ có ý về với cộng đồng. Vì lúc ấy đang phải dồn tâm trí cho vấn đề thuyền nhân, tôi không thể làm gì hơn là đề nghị và hy vọng.

Hơn mười năm sau vấn đề thuyền nhân chấm dứt, nhìn lại cộng đồng vẫn không có gì thay đổi. Vẫn trơ trọi như một bãi đất trống. Những người trẻ muốn trở về bơ vơ, ngơ ngác, lạc lõng, không chỗ đứng, không phương tiện thi thố tài năng.

Tôi gặp rất nhiều người trẻ khi ra trường muốn phục vụ cộng đồng. Họ không mong giầu sang mà chỉ cần đồng lương đủ sống, đủ trả nợ ăn học, nhưng rồi cộng đồng không có gì cho họ làm. Họ quay ra làm cho các tổ chức người Hoa, người Lào, người Hmong, người Cambốt, người Phi Châu. Trong đó có những người trẻ đã hấp thụ được ý thức về nguồn qua các sinh hoạt cộng đồng trước đây.

Chúng ta, vốn liếng trơ trụi, đang đào tạo nhân lực hộ cho những cộng đồng bạn. Cộng đồng bạn càng lớn mạnh, cộng đồng chúng ta càng suy nhược; đến ngày nào e sẽ khó chuyển hướng khi trào lưu đã ăn sâu thành nếp.

Tôi bắt đầu nhìn sang các cộng đồng bạn, xem họ tổ chức và sinh hoạt ra sao. Tôi thấy họ có nhan nhản những tổ chức có năng lực hẳn hòi, khi thì hợp tác khi thì cạnh tranh với nhau. Tập hợp của những tổ chức này là phương tiện thu hút nhân tài và tài nguyên trong xã hội về cho cộng đồng và giữ lại không cho thất thoát.

Cộng đồng của họ lại còn có những tổ chức chuyên giúp thành lập các hội đoàn mới và hỗ trợ cho các hội đoàn nhỏ gầy dựng năng lực để nhanh chóng phát triển. Như những nhà máy sản xuất ngói gạch, các tổ chức này mỗi ngày bồi đắp thêm cho sự lớn mạnh của cộng đồng họ.

Năm 1998, Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển bắt đầu một kế hoạch dài hạn để giúp cộng đồng Việt phát triển năng lực, tạo cơ hội và phương tiện cho những người trở về phục vụ cộng đồng. Kể từ đó UBCNVB đã mở ra 15 chi nhánh ở các nơi, giúp thành lập trên một chục tổ chức mới và đang hỗ trợ cho khoảng 30 tổ chức nhỏ phát triển năng lực.

Những con số này rất khiêm tốn so với các cộng đồng bạn nhưng đang tạo phương tiện cho mấy mươi người Việt ngày đêm phục vụ cộng đồng. Không những vậy, hệ thống này còn thu dụng được nhiều người thuộc các sắc dân khác đến với cộng đồng Việt.

Trong các chuyến đi kêu gọi thay đổi và nói chuyện về phát triển năng lực cộng đồng, tôi cảm nhận được thái độ hoài nghi nơi một số nhân vật hoạt động. Họ không tin là có cách nào để thay đổi cộng đồng. Họ không nghĩ rằng chính họ có thể là nhân tố thay đổi. Họ nghi ngờ khái niệm về một tổ chức bỏ công sức ra gầy dựng năng lực cho những tổ chức khác.

Có một cụ trong hội cao niên nọ hỏi vặn: “Người ta chỉ làm vì danh hay vì lợi. Thế anh làm chuyện này vì cái nào, hay cả hai?”

Một bà làm việc với một nhóm trẻ nhất quyết đòi tôi phải thú nhận là UBCNVB có ý trục lợi chứ không thể nào lại khơi khơi đi giúp cho tổ chức của bà.

Một bác hoạt động lâu năm trong lãnh vực giáo dục lo ngại tình trạng cá lớn nuốt cá bé. UBCNVB giúp tạo ra những tổ chức nhỏ để rồi sẽ nuốt hết những tổ chức này vào bụng.

Nhưng ngộ nghĩnh nhất là câu chuyện của một bà mẹ đứng ra lập đội múa cho con và chúng bạn. Trong suốt một thời gian dài chị tỏ vẻ rụt rè, ngần ngừ mỗi lần đi họp để bàn việc phát triển năng lực cho nhóm của chị. Cho đến một hôm, có lẽ đã cảm thấy yên tâm, chị ngồi nán lại sau buổi họp và tâm sự rằng nhiều người khuyên chị phải dè chừng vì làm gì có ai tốt với ai, làm gì có tổ chức tử tế đi giúp cho tổ chức khác lớn mạnh. Rồi chị cười tủm tỉm.

Mỗi khi đặt chân vào một vùng đất mới, tôi đón nhận hay cảm nhận những phản ứng tương tự từ một số thành phần trong địa phương ấy.

Có lẽ họ không có mấy dịp giao tiếp rộng rãi để so sánh giữa một cộng đồng Việt èo uột và các cộng đồng bạn đầy sinh khí.Trong lòng họ có lẽ chưa bao giờ dấy lên niềm trắc ẩn như chị phụ nữ tôi tình cờ gặp giữa một đám đông ở Hoa Thịnh Đốn năm ngoái.

Niềm trắc ẩn ấy, có thể với chị chỉ là tiềm thức, với tôi lại là điều thôi thúc từng giờ từng phút vì những gì đã trông thấy và cảm nhận được từ một chuyến đi xa cách đây hơn chục năm. Tôi không muốn một ngày nào đó, khi đã quá trễ, phải chứng kiến cộng đồng Việt như một ông già bệnh hoạn giữa xã hội hợp chủng tràn đầy sinh lực. Ngày ấy có lẽ sẽ buồn lắm.







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=593