Lược Trình Hoạt Động của UBBNGNVB
Date: Tuesday, May 10 @ 10:45:25 EDT
Topic: Tin Sinh Hoạt


TS Nguyễn Đình Thắng

LTS. Chúng ta đang chuẩn bị bước sang năm thứ 30 của cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ. Năm 2005 cũng đánh dấu 25 năm hoạt động của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển mà tiền thân là Uỷ Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển. Từ giờ cho đến hết năm 2005 Mạch Sống sẽ có những bài viết và hình ảnh về lịch sử người Việt đi tìm tự do cũng như về những đóng góp to lớn của người Việt ở hải ngoại nhằm cứu vớt những đồng bào đi sau. Trong số này chúng tôi chọn đăng bài sơ lược về giai đoạn 10 năm đầu của Uỷ Ban.



Uỷ Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển được thành lập vào đầu năm 1980, và chấm dứt hoạt động vào cuối năm 1990. Văn Phòng Uỷ Ban đặt tại 6970 Linda Vista Road, San Diego, CA 92111. Hoạt động của Uỷ Ban đươc chia ra làm 2 giai đoạn:

• Báo động về cảnh huống thuyền nhân lên diễn đàn quốc tế để tìm cách chấm dứt thảm trạng này.

• Trực tiếp cứu vớt thuyền nhân trên Biển Đông.

Giai đoạn 1: Báo Động về cảnh huống của thuyền nhân

Đầu năm 1980, khi làn sóng người tỵ nạn lên cao nhất, tệ nạn hải tặc cũng bi thảm nhất, Uỷ Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển (Boat People S.O.S Committee) đã được thành lập do Tiến Sĩ Nguyễn hữu Xương, giáo sư Đại Học University of California San Diego, làm chủ tịch với sự hợp tác của nhiều nhân vật uy tín tại địa phương. Giám Đốc Điều Hành Uỷ Ban là nhà văn Phan lạc Tiếp. Như tên gọi, Uỷ Ban lúc đầu chỉ có một mục đích là theo dõi những thảm nạn của thuyền nhân, phổ biến rộng rãi những thảm nạn ấy tryước dư luận, can thiệp với các tổ chức quốc tế để nhờ các nơi này cứu vớt thuyền nhân. Sau đây là những công tác cụ thể mà Uỷ Ban đã lần lượt thực hiện.

Vụ Hải Tặc trên đảo Kra
Khởi đi từ những lá thư kêu cứu của nhà văn Nhật Tiến, vợ chồng nhà báo Dương Phục- Vũ thanh Thuỷ đại diện cho 157 nạn nhân bị hải tặc bắt và hành hạ tại đảo Kra. Uỷ Ban đã can thiệp với chính phủ Thái Lan đem vụ đảo Kra ra xét xử, đồng thời can thiệp để 157 nạn nhân của vụ này được vào Mỹ nhanh chóng, tránh cho họ phải trải qua những ngày bị đe doạ, sợ hãi tại trại tỵ nạn Thái Lan. Can thiệp để chính phủ Thái Lan cho cảnh sát kiểm soát đảo Kra, tránh cho nơi này là sào huyệt của bọn hải tăc tiếp tục hành hạ thuyền nhân trên đường đi tìm Tư Do.

Vụ Building 9
Tháng 6 năm 1981, Building 9 là nơi nhà đương cuộc Thái Lan giam giữ hơn 300 người Việt Nam, đa số là thanh niên còn trẻ, với tộâi danh là “tù binh chiến tranh”. Vì họ là những đào binh của quân đội Cộng Sản Việt Nam, nhưng thực tế họ là con em của chúng ta tại Miền Nam, bị bắt đi lính cho Cộng Sản, hành quân xâm lăng Cambochia. Căn cứ trên tài liệu do họ cung cấp, Uỷ Ban đã trình bày, phân tích hoàn cảnh của những thanh niên này gửi cho chính quyền Thái Lan và Phủ Cao Uỷ Tỵ Nạn, nên đa số họ đã được lập thủ tục đi đoàn tụ với thân nhân tại các quốc gia đệ tam.

19 thuyền nhân bị vu cáo là hải tặc
Năm 1981, 19 thuyền nhân Việt Nam và gia đình họ bị nhà đương cuộc Thái Lan bắt giam, vì trên đường vượt biên họ đã chống lại bọn hải tặc để tự vệ. 19 người này do sự can thiệp của Uỷ Ban, được toà án Thái Lan tha bổng ngày 27 tháng 12 năm 1981. Họ và gia đình họ đã được đi dịnh cư. Lá thư cám ơn của 19 người này gửi tới Uỷ Ban đã được loan báo trước hàng ngàn đồng bào trong ngày Hội Tết tại San Diego.

Điều Trần tại Quốc Hội Hoa Kỳ
Năm 1982, làn sóng người Việt Nam ra đi vẫn còn mạnh mẽ. Tệ nạn hải tặc và sóng gió của biển khơi vẫn còn là những đe doạ khủng khiếp cho người Việt trên đường đi tìm Tự Do, trong khi đó chính quyền Thái Lan có chủ trương không tiếp nhận người tỵ nạn nữa. Ngày 29 tháng 4 năm 1982, Uỷ Ban đã ra điều trần trước Tiểu Ban Á Châu Thái Bình Dương (Asia Pacific Subcommitte) để xin Hạm Đội 7 cứu vớt thuyền nhân, xin chính phủ Thái Lan tiếp tục cho thuyền nhân Việt Nam tạm thời nhập nội, xin chính phủ Hoa Kỳ can thiệp để nhà đương cuộc Hà Nội xúc tiến chương trình ra đi có trật tự (ODP).

700 Cô Nhi
Tại các trại tỵ nạn Thái Lan, do nhiều hoàn cảnh bi thảm trên đường đi tìm tự do, có trên 700 trẻ nhỏ thất lạc cha mẹ, không thân nhân. Viện lẽ trẻ nhỏ cần được ở gần cha mẹ, Chính phủ Thái Lan dự trù trả các trẻ nhỏ này về bên kia biên giới Cambochia. Uỷ Ban đã vận động để những trẻ nhỏ này được các hội từ thiện quốc tế tiếp nhận và định cư ở những quốc gia đệ tam.

Trại Sikiew
Tháng 10 năm 1982, Uỷ Ban đã can thiệp để thảm cảnh của đồng bào tại Sikiew được cải thiện. Hàng trăm đồng bào ta ở quá lâu tại Immigration Center Room No 14 được đi định cư. Các trẻ em sơ sinh của 70 phụ nữ, nạn nhân của hải tặc, được nuôi dưỡng, chăm sóc do 1500 Mỹ kim từ Uỷ Ban gửi đến.

Trại Tỵ Nạn NW82
Năm 1982, Uỷ Ban đã vận động, can thiệp để đồng bào vượt biên qua ngả đường bộ, tạm trú tại đây được đi định cư, như những đồng bào vượt biển tìm tư do, không phải trả về bên kia biên giới.

Các Phụ Nữ Việt Nam Bị Bắt
Tháng 9 năm 1982, Uỷ Ban phát động chiến dịch tìm kiếm những người con gái bị hải tặc bắt đi. Tài liệu liên hệ đã được gửi đến 1500 tổ chức và các cơ quan quốc tế. Kết quả có 10 cô gái được may mắn giải thoát. Sau đó, bắt đầu từ năm 1986, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã đồng ý với Uỷ Ban, thành lập mộ tổ chức đặc nhiệm để giải cứu những cô gái nạn nhân này, và có 3 cô gái đã được giải cứu. Đây là một vấn đề tế nhị, khó khăn cho bất cứ ai lưu ý tới từ nhiều năm qua.

oOo


Giai Đoạn 2 : Chiến Dịch Vớt Người Biển Đông

Sau 5 năm hoạt động, với những thành quả cụ thể, được dư luận và đồng bào khắp nơi hỗ trợ, trong khi làn sóng người vượt biển tìm Tự Do vẫn không chấm dứt, Uỷ Ban đã liên kết với những tổ chức nhân đạo quốc tế đem tàu ra biển trực tiếp cứu vớt thuyền nhân.

Tàu Jean Charcot năm 1985
Uỷ Ban đã hợp tác với Hội Y Sĩ Thế Giới của Pháp (Medecins du Monde) đem con tàu Jean Charcot ra Biển Đông cứu vớt thuyền nhân. Chiến dịch này khởi đầu ngày 30 tháng 4 năm 1985, đúng 10 năm Việt Cộng cưỡng chiếm Miền Nam, và chấm dứt ngày 7 tháng 6 năm 1985, vớt được 520 thuyền nhân. Đa số những thuyền nhân này được chính phủ Pháp cấp chiếu khán để định cư tại Pháp. Và suốt thời gian hoạt động, Hải Quân Pháp đã biệt phái chiến hạm Schoelcher tháp tùng để hỗ trợ và bảo vệ.

Kết quả khích lệ này đã khiến cộng đồng người Việt khắp nơi mừng rỡ, nhiệt tình hỗ trợ, mở đầu cho những Chiến Dịch Vớt Người Biển Đông sau này.

Tàu Cap Anamur
Năm 1986, Uỷ Ban đã hợp tác với Uỷ Ban Cap Anamur của Đức Quốc cùng với Hội Y Sĩ Thế Giới của Pháp, gửi con tàu Cap Anamur II ra khơi, dưới sự điều động của Uỷ Ban Cap Anamur.

Trong thời gian 5 tháng hoạt động, tàu Cap Anamur II qua 3 lần ra khơi, đã gặp được 14 chiếc ghe tỵ nạn và vớt được tổng cộng 888 thuyền nhân. Trong số đó 530 thuyền nhân đã được trao cho Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc tại đảo Palawan để đi định cư tại các quốc gia đệ tam đã cấp chiếu khán cho họ. Vì số chiếu khán đã hết, 358 thuyền nhân còn lại được tàu Cap Anamur II chở thẳng về hải cảng Hambourg, Đức hôm 5 tháng 5 năm 1986. Tại hải cảng này, các thuyền nhân Việt Nam đã được đón tiếp rất trọng thể, và được chính thức vinh danh là Những Chiến Sĩ của Tự Do. Hình ảnh cuộc đón tiếp này đã đươc phổ biến rất rộng rãi trên khắp thế giới.

Trong chuyến công tác này, Uỷ Ban đã đóng góp 300 ngàn Mỹ Kim và gửi 2 thành viên theo tàu đảm trách công tác điều hành, thông dịch và hỗ trợ thuyền nhân trên nhiều lãnh vực.

Tàu Rose Schiaffino
Năm 1987, với sự hợp tác của cả 3 tổ chức (Hội Y Sĩ Thế Giới, Uỷ Ban Cap Anamur và Uỷ Ban Boat People SOS), con tàu Rose Schiaffino đã ra Biển Đông, khơiû hành hôm 3 tháng 4 năm 1987. Cho đến cuối tháng 6, tàu Rose Schiaffino đã vớt được 906 thuyền nhân, trừ 1 người đã bị tàu duyên phòng của Cộng Sản Việt Nam săn đuổi, bắn chết.

Trong công tác này Hải Quân Pháp đã biệt phái 3 chiến hạm hộ tống, tham gia chiến dịch. Và đây cũng là công tác có sự hiện diện đông đảo của các cơ quan truyền thông và báo chí, gồm 12 ký giả và 3 toán chuyên viên thu hình từ Âu Châu, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Ngày 22 tháng 7 năm 1987, tàu Rose Schiaffino cặp bến Rouen, thuộc bờ biển Normandi, Pháp Quốc, đem theo gần 300 thuyền nhân, trong đó có gần 200 người đã ở quá lâu tại các trại tỵ nạn. Từ cửa biển vào đến hải cảng, con tàu chở người tỵ nạn đã được chính quyền cũng như dân chúng dành cho những cuôc đón tiếp rất trọng thể. 4 vị bộ trưởng trong chính phủ Pháp đã chờ đón thuyền nhân tại cầu tàu, và lần lượt lên diễn đàn ngỏ lời chào mừng, và một lần nữa vinh danh sự ra đi vì Tự Do của thuyền nhân Việt Nam. Một lần nữa hình ảnh thuyền nhân Việt Nam lại xuất hiện trên trang nhất những tờ báo lớn, cũng như trên các màn ảnh truyền hình khắp thế giới, nhất là ở Âu Châu.

Tàu Mary Kingstown năm 1988
Năm 1988 Uỷ Ban hợp tác song phương với Hội Y Sĩ Thế Giới (Uỷ Ban Cap Anamur không tham dự chiến dịch này). Con tàu Mary Kingstown khởi hành từ hải cảng Singapore hôm 25 tháng 4 năm 1988, dưới sự hộ tống của chiến hạm chuyên chở trực thăng Jeanne D’Arc và soái hạm Boudet của Hải Quân Pháp. Bà Vũ thanh Thuỷ, một thành viên của Uỷ Ban, người được trao danh hiệu Tiến Sĩ Danh Dự, người của Thế Kỷ 21, đã trực tiếp tham gia công tác này, cùng với các chuyên viên thu hình của đài ABC khởi hành từ Hoa Kỳ. Các hình ảnh trong công tác này sau đó đã đươc chiếu trong chương trình 20/20 hôm 5 tháng 8 năm 1988.

Trong khi đó các vị Bác Sĩ Việt Nam từ Hoa Kỳ và Canada cũng trực tiếp hiện diện trên tàu để cứu giúp thuyền nhân, gồm có Bác Sĩ Nguyễn ngọc Kỳ, Bác Sĩ Nguyễn thượng Võũ, Báùc Sĩ Bùi Đồng và Bác Sĩ Trang Châu.

Chiến dịch này đã chính thức chấm dứt ngày 7 tháng 6 năm 1988, với kết quả 494 thuyêøn nhân đã được cứu vớt, 43 thuyền nhân khác gặp trên Biển Đông, vì không đủ chiếu khán, đã được giúp đỡ và hướng dẫn để họ tự đến đảo Pulau Bidong an toàn. 302 thuyền nhân ở quá lâu ở các trại tỵ nạn Hồng Kông và Pulau Bidong cũng được Uỷ Ban can thiệp để đi định cư tại Pháp, Áo và Bỉ. Chi phí cho chuyến công tác này vào khoảng 1 triệu Mỹ kim, trong đó Uỷ Ban đã đóng góp 300 bgàn Mỹ kim.

Tàu Mary Kingstown 1989
Năm 1989 Uỷ Ban trực tiếp hợp tác vời chủ nhân con tàu Mary Kingstown, nhà tỷ phú Andre Gille, thuộc xứ Monaco, thực hiện công tác Vớt Người Biển Đông. Tàu khởi hành từ Singapore hôm 1 tháng 4 năm 1989, và chấm dứt vào cuối tháng 6 năm 1989. Kết quả có 259 thuyền nhân được cứu vớt, được đưa vào trại tỵ nạn để nơi đây làm thủ tục đi định cư cho họ tại những quốc gia đã cấp chiếu khán. Trong khi đó co 41 thuyền nhân khác gặp được trên Biển Đông, vì không đủ chiếu khán, nên họ đã được giúp đỡ và hướng dẫn vào trại tỵ nạn.

oOo

Vì nhiều lý do như lương tâm thế giới đã mệt mỏi, không quốc gia nào muốn cấp chiếu khán cho người tỵ nạn nữa, cũng như một số thuyền nhân được vớt đưa lên tạm trú tại các trại tỵ nạn, đã không chịu trình diện để đi định cư tại các quốc gia đệ tam đã cấp chiếu khán cho họ, mà chỉ muốn đi định cư tại Hoa Kỳ, nên chương trình Vớt Người Biển Đông không có lý do để tôn tại.

Như thế giữa cao trào người Việt bỏ nước ra đi tìm Tư Do, trong 5 năm, từ năm 1985 đến năm 1989, qua 5 chiến dịch Vớt Ngươi Biển Đông, Uỷ Ban đã liên kết với những tổ chức nhân đạo thế giới, vớt và lo định cư tất cả 3103 thuyền nhân; can thiệp cho hàng ngàn người ở quá lâu trong các trại tỵ nạn được đi định cư ở các quốc gia đệ tam, trợ giúp một số thuyền nhân khác từ biển khơi tới các trại tỵ nạn an toàn.

oOo

Bảo Trợ Người Tỵ Nạn Vào Canada
Tuy chương trình Vớt Người Biển Đông không thể thi hành được nữa, nhưng người vượt biển tìm Tư Do vẫn không chấm dứt, tạo nên cảnh ứ đọng, khốn khổ của người tỵ nạn trong vùng Đông Nam Á. Lúc ấy Canada là quốc gia còn tương đối rộng mở đón tiếp người tỵ nạn, nên Uỷ Ban đã chính thức hỗ trợ Chương Trình Bảo Trợ Người Tỵ Nạn vào Canada. Với ngân khoản 40,000 Mỹ kim do Uỷ Ban gửi tới, nhiều đoàn thể trong cộng đồng ta tại Canada phấn khởi và hưởng ứng mạnh mẽ. Chương Trình này cũng được chính quyền Canada chính thức hỗ trợ, nên số người tỵ nạn được vào Canada mỗi lúc mỗi nhiều, tuy so với nhu cầu còn quá khiêm tốn.

Hỗ Trợ Chương Trình Vớt Người Trên Biển Của Liên Hiệp Quốc
Song song với chương trình Vợ Người Biển Đông của Uỷ Ban, Chương Trình Vớt Người Trên Biển (Rescue at Sea) của Liên Hiệp Quốc đã được thi hành, và có hàng chục ngàn thuyền nhân được các tàu buôn cứu vớt, rồi trao lại cho Phủ Cao Uỷ Liên Hiệp Quốc để định cư họ, Liên Hiệp Quốc sẽ bồi hoàn phí khoản cho những tàu buôn khi phải dừng lại giữa hải trình để cứu vớt thuyền nhân. Cho đến năm 1990, chương trình này tưởng phải chấm dứt vì ngân khoản không còn. Biết được nhu cầu này, Uỷ Ban đã phát động rộng rãi chương trình này trong cộng đồng người Việt khắp nơi. Uỷ Ban đã gửi tới Liên Hiệp Quốc để hỗ trợ Chương Trình Vớt người Trên Biển một ngân khoản là 300 ngàn Mỹ Kim. Các quốc gia khác như Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh và Hoa Kỳ cũng đóng góp vào chương trình này. Tính từ đầu năm cho đến ngày 22 tháng 9 năm 1990, đã có 2288 thuyền nhân được cứu vớt.

Hỗ Trợ Hội Nghị Về Người Tỵ Nạn Đông Dương
Vào giữa năm 1988, tại Đông Nam Á có khoảng 150,000 người tỵ nạn, trong đó có khoảng 50,000 người Việt Nam. Họ bị nhốt trong các trại tỵ nạn trong điều kiện sinh sống rất đáng quan tâm. Co ùngười ở trong tại đã trên 10 năm. Bao nhiêu trẻ nhỏ đã được sinh ra không được đi học, không biết thế nào là Tự Do. Để tìm hiểu căn kẽ vấn đề hầu đưa ra một yêu cầu hợp lý, chuyển tới Phủ Cao Uỷ Tỵ Nạn hầu giải toả hoàn cảnh bi thương cho các trại tỵ nạn tại Đông Ban Á, Uỷ Ban đã hỗ trợ cho Trung Tâm Tác Vụ Đông Dương (IRAC) do Giáo Sư Lê xuân Khoa làm chủ tịch, môt ngân khoản là 30,000 Mỹ Kim để góp vào ngân quỹ tổ chức một Hội Nghị Quốc Tế về Các Vấn Đề Người Tỵ Nạn Đông Nam Á. Hơn 300 đại biểu của cộng đồng người Việt đến từ 33 tiểu bang Hoa Kỳ và 14 quốc gia đã tham dự hội nghị này. Hội nghị họp tại Hoa Thịnh Đốn trong 3 ngày, ngày 6 - 8 tháng 6 năm 1988.

oOo

Uỷ Ban Ngưng Hoạt Động
Khởi đầu, trước hoàn cảnh bi thương của đồng bào vượt biển, đặc biệt qua những lá thư kêu cứu của nhà văn Nhật Tiến, Dương Phục va Vũ thanh Thuỷ, như đã nói ở phần trên, Uỷ Ban được thành lập để kêu cứu thay cho những thuyền nhân mà thôi. Uỷ Ban cũng không ngờ những can thiệp của Uỷ Ban đã đem lại những thành quả tuy khiêm tốn nhưng cụ thể như thế. Uỷ Ban cũng không ngờ được sự hỗ trợ nồng nhiệt của cộng đồng người Việt khắp nơi từ Mỹ, Canada đến Úc hỗ trợ mạnh mẽ như thế. Do đó từ vai trò kêu cứu, Uỷ Ban đã chuyển sang nhiệm vụ cứu vớt thuyền nhân. Từ đó, suốt trên 10 năm sinh hoạt, những tổ chức của cộng đồng tự phát khắp nơi đã được thành hình, liên hệ với Uỷ Ban để cùng nhau sinh hoạt. Những buổi văn nghệ gây quỹ, những buổi tiếp đón những vị ân nhân, đón tiếp thuyền nhân tới bến đã là những sinh hoạt đầy hào khí và chan chứa tình thương yêu đùm bọc. Quý vị trong giới truyền thông, báo chí của cộng đồng khắp nơi liên tục phổ biến những biến cố này hầu như không dứt. Những nghệ sĩ, văn nhân cũng đã đóng góp thật là tích cực.Tất cả những hình thức sinh hoạt ấy đã làm nên ngân khoản để Uỷ Ban đóng góp vào các công tác ý nghĩa nói trên, đồng thời đó còn là những khích lệ vô giá cho những người khởi xướng, cũng như làm chất men gắn bó khăng khít của cộng đồng ta nơi hải ngoại. Nhưng trên đời bất cứ sự việc gì có bắt đầu, ắt cũng phải có kết thúc. Bình tâm nhìn vào thực chất của sự việc, trước khi công tác Vớt Người Biển Đông chấm dứt, Uỷ Ban thấy rằng trong tương lai việc bênh vực, lên tiếng cho người tỵ nạn trước diễn đàn quốc tế sẽ là công tác chính. Do đó từ tháng 11 năm 1987, chi nhánh Uỷ Ban tại Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn đã được thành lập, do ngân khoản của Uỷ Ban từ San Diego đài thọ. Ngày chuyển giao trách nhiệm đã đến, đó là ngày 22 tháng 9 năm 1990 trong ngày đại hội Tình Thương Dưới Ánh Mặt Trời 6, tại San Jose, thủ phủ của tình thương, giữa Giáo Sư Nguyễn hữu Xương và bà Trương anh Thuỵ. Trên pháp lý, đây là 2 tổ chức hoàn toàn khác nhau, nhưng trên tinh thần, Uỷ Ban mới có tên là Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển (Boat People S.O.S.), rất gần với tên Uỷ Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển (Boat People S.O.S. Committee), vì Uỷ Ban sau sẽ tiếp nhận mọi sự hỗ trợ tinh thần cũng như vật chất từ Uỷ Ban trước. Cụ thể là 2 nhân vật nòng cốt của Uy Ban cũ là Giáo Sư Nguyễn hữu Xương và nhà văn Phan lạc Tiếp đã nhận lời làm cố vấn cho Uỷ Ban sau.

Trong lời công bố của Giáo Sư Nguyễn hữu Xương cũng như của bà Trương Anh Thuỵ, Uỷ Ban ở San Diego chính thức ngưng hoạt động và Uỷ Ban ở Hoa thịnh Đốn chính thức hoạt động kể từ 1 tháng 10 năm 1990. Từ đó đến nay, Uỷ Ban mới, những thành viên mới đã liên tục hoạt động rất hữu hiệu và không ngừng phát triển. Những thành quả của họ là những sự việc được liệt kê ở phần dưới đây.

Những An Phẩm Và Phim Ảnh Liên Hệ.

Để hỗ trợ cho công tác nêu trên, Uỷ Ban đã lần thực hiện và cho phát hành những tài liệu sau đây:

• Hải Tặc Trong Vịnh Thái Lan (sách tiếng Việt).

• Pirates On The Gulf Of Siam (sách tiếng Anh)

• Report On The Vietnamese Land Refugees (sách tiếng Anh)

• Vớt Người Biển Đông, video, dài 27 phút (tiếng Việt)

• Rescue Mission On The High Seas, dài 27 phút ( tiếng Anh).

• Bản Tin của Uỷ Ban, tiếng Việt, phát hành hàng tháng, liên tục trong 10 năm.

Những tài liệu này đã được các cơ quan truyền thông Việt, Mỹ, các đài truyền hình, các nhà phát hành băng nhạc sử dụng khi nói đến thảm cảnh của thuyền nhân liên tục từ hơn 2 thập niên qua. Những tài liệu ấy bây giờ không những đã trở thành những chứng cớ lịch sử bi hùng, độc nhất của người Việt Nam liều chết ra đi vì Tự Do, mà còn là một biến cố khốc liệt chối từ chủ nghĩa Cộng Sản, làm bừng tỉnh lương tâm nhân loại ở cuối thế kỷ 20.







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=51