Con Cá và Cần Câu
Date: Tuesday, November 15 @ 18:26:10 EST
Topic: Quan Điểm


TS Nguyễn Đình Thắng

Qua hai trận bão Katrina và Rita, cộng đồng người Việt quả đã thấm thía câu “máu chảy ruột mềm.” Đây là lần đầu tiên cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ cứu trợ cho nhau trong cơn hoạn nạn.

Trong thời gian đầu khi mà FEMA và Hội Hồng Thập Tự hãy còn mịt mù chỗ nào thì cộng đồng người Việt đãxắn tay áo lên và lao vào công tác cứu trợ khẩn cấp. Các nhà chùa, nhà thờ đã mở rộng cửa đón nhận hàng ngàn đồng bào tản cư. Nhiều tư nhân cũng đã mở rộng vòng tay đón nhận thân nhân, bằng hữu và cả những đôàng bào không quen biết. Cộng đồng người Việt ở khắp nơi nhanh chóng quyên góp và gởi các đoàn xe cứu trợ đến các vùng bị bão lụt. Nếu dùng con số $30 mỗi ngày cho một đầu người của chính phủ, thì nội trong bốn tuần đầu, cộng đồng chúng ta đã góp công góp của lên đến 40 triệu Mỹ kim. Con số thực tế có lẽ còn lớn hơn vì công cuộc cứu trợ vẫn tiếp diễn cho đến nay.

Đến nay vấn đề cơm áo dù sao cũng tạm ổn, nhờ tinh thần tương thân tương trợ thật cao quý của những người Việt với nhau. Bây giờ đồng bào nạn nhân đang chuyển dần sang giai đoạn khôi phục đời sống.

Trong giai đoạn này nhu cầu của họ tăng lên chứ không giảm đi. Trước đây họ cần cơm gạo, nước mắm, xăng nhớt, áo quần, mùng mền, chăn gối, v.v. Hiêän nay họ cần trợ giúp để sửa nhà, làm đơn khiếu nại với FEMA, điều đình với công ty bảo hiểm, xin trợ cấp that nghiệp, xin công ăn việc làm, tái lập cơ sở thương mại, khám bệnh, tư vấn tinh thần, củng cố gia đình, nhập tịch để khỏi mất trợ cấp, giáo dục trẻ em… Nói tóm lại, họ cần gầy dựng lại đời sống của cá nhân, của gia đình và của cả cộng đồng gần như từ con số không.

Tiền của nào chúng ta có thể đóng góp cho đủ vào công việc to tát này?

Muốn làm được việc này, chúng ta cần nhanh chóng chuyển hướng để đáp ứng với nhu cầu mới của giai đoạn phục hồi: giảm dần đi việc trợï cấp trực tiếp cho từng gia đình và tăng dần lên các phục vụ chuyên môn cần thiết cho việc phục hồi đời sống.

Ngay từ những ngày đầu Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển đã chọn giải pháp song hành: vừa cứu trợ, vừa phục hồi. Với số tiền gần 100 ngàn Mỹ kim nhận được do đồng hương đóng góp, chúng tôi đã chi khoảng 20 ngàn cho vấn đề cơm áo, mà phần lớn là đóng góp qua các tổ chức tôn giáo.

Song song chúng tôi đã đầu tư 60 ngàn để tài trợ cho trên 100 thiện nguyện viên đến từ mọi nẻo đường để giúp đồng bào về các lãnh vực pháp lý, y tế, xã hội, tài chánh… Tính đến nay các thiện nguyện viên này đã giúp cho trên hai ngàn gia đình, tổng cộng khoảng bảy ngàn đồng bào thân thương. Số tiền trợ cấp mà các thiện nguyện viên này đem về lại đã vượt quá ba triệu Mỹ kim cho hơn hai ngàn gia đình—50 lần hơn so với số tiền đầu tư. Sắp tới đây, khi mà FEMA tháo khoán số tiền $26,200 cho mỗi gia đình đã được các thiện nguyện viên này giúp đỡ, chúng tôi ước lượng sẽ có thêm 20 triệu Mỹ kim đem về lại được cho đồng bào. Số tiền này sẽ giúp cho hàng ngàn gia đình khôi phục lại đời sống từ điêu tàn và mất mát.

Lòng của chúng ta thật mênh mông đối với đồng bào lâm nạn nhưng tài nguyên của chúng ta lại rất hạn chế. Chúng ta phải khôn khéo để nhân lên nhiều, thật nhiều lần hơn những đồng tiền ân nghĩa của người đóng góp. Đây là trách nhiệm của những người hô hào gây quỹ hay nhận các khoản đóng góp. Chúng ta cần giải thích và thuyết phục để mọi người có tinh thần máu chảy ruột mềm đồng lòng với nhau: Thay vì chỉ cho người khốn khó con cá cầm hơi chúng ta còn phải giúp cho họ cần câu cho việc sinh kế lâu dài.







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=471