CÁCH ĐỐI XỬ GIỮA BỐ MẸ:
Date: Monday, November 07 @ 13:02:55 EST
Topic: Bạo Hành Gia Đình


Những Ảnh Hưởng Quan Trọng Tới Đời Sống Con Cái

LÊ MỘNG HOÀNG

Ông bà ta thuở xa xưa đã có câu:
“Chữ Nhẫn là chữ tương vàng
Ai mà nhẫn được mọi đàng sướng thay”

để đề cao đức tính nhẫn nhục, nhường nhịn, thuận hòa trong gia đình, giữa vợ chồng con cái. Ngày nay trong xã hội cực kỳ văn minh tân tiến của nước Mỹ, việc gì cũng nhanh chóng, đốt giai đoạn: “làm nhanh, ăn nhanh, nói nhanh, học nhanh, đi nhanh, làm quen mau, yêu vội, cưới nhanh, ly dị gấp.”

Các điều nầy khiến tâm tính con người cũng bị ảnh hưởng phần nào, dễ nóng nảy, dễ giận hờn và khó điềm đạm, trầm tĩnh. Mới đây trong cuốn sách “Hạnh Phúc và Con Đường Tu Học” nhà văn Nguyễn Duy Nhiên có nêu lên kết quả cuộc thăm dò của một trường đại học với các em nhỏ. Người ta hỏi: “Các em muốn gì ở cha mẹ mình. Phần lớn các  em không cần quà, không cần được đi chơi, cũng không cần cha mẹ bỏ thời giờ ra với mình… mà đa số các em chỉ muốn cha mẹ bớt lớn tiếng, bớt gay gắt, khó chịu với nhau sau mỗi ngày đi làm về”. Đây là sự thật 100%, là mong ước của mọi đứa con, từ đứa nhỏ 3 tuổi đến đứa lớn 30. Nếu mỗi người làm cha mẹ đều biết rõ rằng mỗi trận cãi vã, cấu xé, la ré của bố mẹ đã để lại dấu ấn đen tối, u buồn trong tâm hồn ngây thơ, trong trắng của trẻ con thì chắc họ sẽ “tập hít vào thở ra trong chánh niệm” hoặc nhìn vào chiếc nhẫn cưới đeo ở ngón tay để tập hạnh Nhẫn Nhục không đấu khẩu với người mình thương, không phát ngôn bừa bãi, kiềm hãm cơn giận để khỏi làm cho các con lo âu, buồn rầu.

A - Cách Cư Xử Của Bố Mẹ Ảnh Hưởng Tới Con Cái
Trong đời sống gia đình cách xưng hô, ăn nói, cư xử giữa vợ chồng là một vở kịch sống sẽ được thu âm, thu hình trọn vẹn, một cách tự nhiên vào tiềm thức của con trẻ. Trong tương lai tấn tuồng nầy sẽ được “tự biên, tự diễn” trong bối cảnh mới, với các thế hệ kế tiếp, thứ hai (con), thứ ba (cháu)… Chính vì lý do ấy mà ca dao Việt Nam đã có câu:

 “ Dạy con dạy thuở còn thơ”.

Từ buổi ban sơ, cặp tân lang tân giai nhân xưng hô với nhau bằng những ngôn từ âu yếm, đầy tình thân ái và kính nể (Anh/Em ơi, Cưng ơi, Mình ơi).

Dần dà với sự nới rộng của vòng tròn gia dình, với sự hiện diện của các tí nhau bé bỏng, vợ chồng sẽ gọi nhau bằng Ba/Má hoặc Bố/Mẹ hoặc Thầy/U, hoặc Ông nó, Bà nó. Dù sao đi nữa, tuy men nồng của TÌNH YÊU đã tỏa ra, phần nào phai nhạt với thời gian, với những nhọc nhằn cam khổ nhưng lòng kính trọng vẫn tồn tại. Trong gia đình một cặp vợ chồng hòa thuận, cả hai người luôn luôn tránh các danh xưng không thanh tao, lịch sự như “Mày tao, mi tớ”ù hoặc “thằng cha khốn nạn”,  “Con mẹ lắm lời” hoặc các câu chửi rủa “Mẹ nó, Cha mày” cho dù chỉ là lời nói đùa, vô tội vạ.

Họ luôn nhớ câu: “Sơ kính như tân”  (lúc ban đầu kính nể nhau như người khách).

“Chồng kêu vợ dạ,
Vợ gọi chồng ơi”

hoặc  

“Chồng giận thì vợ làm lành,
Cơm sôi nhỏ lửa chẳng đời nào khê”.

Trẻ con hàng ngày nghe và thấy ba mẹ nói năng với nhau từ tốn, tương thân, tương kính, các em sẽ tự nhiên cũng cư  xử như vậy với người khác ở trường, trong xã hội và trong gia đình mai sau. Tôi nhớ lúc con gái đầu lòng của tôi lên  6 (1976), cháu học lớp 2 ở trường Mỹ, năm ấy chưa có trường dạy tiếng Việt, mỗi lần Ba cháu gọi “Lina ơi” cháu cứ trả lời: “Ya!” hoặc “Ừ” và không biết nói “Cám ơn” khi ai làm việc gì giúp cháu hoặc cho cháu vật gì. Không cách nào sửa ngay được vì ban ngày tôi đi làm, đi học gởi cháu cho bà Mỹ hàng xóm giữ lúc cháu ở trường về (từ 3:30- 6:00 giờ chiều). Các con của bà nầy không biết “Dạ”, không biết “Cám ơn” hoặc “Xin lỗi”. Tôi lo ghê! Cứ đà nầy không cách nào thay đổi được thì nguy to!

Hai vợ chồng bàn với nhau: Hễ người nầy gọi người kia thay vì “Dạ” nho nhỏ như bình thường thì cố gắng Dạ to hơn cho Lina nghe. Hễ Lina gọi “Mẹ ơi” thì tôi cũng Dạ luôn rồi nói” Mẹ ở chỗ nầy, con muốn gì? “. Hễ Lina giúp được việc gì: Lau chén, quét nhà, lặt rau tôi đều nói “Cám ơn con”. Giữa hai vợ chồng, hễ ai xới cơm, pha trà, khuấy sữa hoặc giúp gì cho nhau, chúng tôi đều nói: “Cám ơn anh, cám ơn em” để cháu Lina nghe và thấy cho quen. Chúng tôi đồng ý tiếp tục thủ tục “cần thiết và quan trọng” nầy trong 8 tuần liên tiếp, sau đó cháu Lina thay đổi cách nói năng, ai gọi thì “Dạ”, ai cho vật gì biết “Cám ơn” và biết “ Xin lỗi” mỗi khi có lỗi, và cháu giữ cách xử sự đó cho đến lúc lớn lên lấy chồng. Bây giờ các cậu và dì của cháu hơi ngạc nhiên khi thấy Lina đã lớn- 32 tuổi- mỗi lần chào ai vẫn cúi đầu, vòng tay như ngày còn bé 7-8 tuổi.

Hú hồn là chúng tôi biết ứng biến kip thời và âm thầm thay đổi cách ăn nói của cháu qua cách cư xử của ba mẹ. Có một lần anh bạn đồng nghiệp (dạy học) của chúng tôi đến nhà chơi, lúc ấy Lina đã 10 tuổi, khi nghe tôi nói: “Mẹ xin lỗi con”, anh bạn trợn tròn mắt hỏi:  “Tại sao mẹ mà lại xin lỗi con?”. Sau đó tôi phải kể cho ảnh nghe về qui luật trong “tổ chim nhỏ” của chúng tôi. Ngày ấy tổ ấm nầy đã có 4 con chim, chim cha, chim mẹ và 2 chim con. Trong tổ nhỏ nầy các con chim cười vui nhiều hơn la ré hoặc giận hờn. Nếu đã lỡ giận rồi thì sẽ có một con chim sẵn sàng “Xin lỗi” hoặc bay ra ngoài để khỏi la ó om sòm, nói lời thô lỗ cộc cằn vì:

“ Lời nói chẳng mất tiền mua,
Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Ngoài các câu “Cám ơn, Xin lỗi, Dạ, Vâng” rất cần thiết trong đời sống gia đình, các lời khen thưởng, khuyến khích thành thật cho những đóng góp của vợ chồng, con cái cũng hữu ích và có kết quả tích cực rõ rệt trong việc gieo rắc niềm vui cho cả nhà:

“Mẹ nấu món canh chua nầy ngon quá!” hoặc
“Ba xén bụi cây gọn gàng trông đẹp hơn trước nhiều”

hoặc

“Con dọn dẹp phòng sạch sẽ trông mát mắt ghê!”

Các con thường ngày nghe ba mẹ khen nhau, cảm phục nhau chúng sẽ vô tình bắt chước khen người yêu hay vợ chồng sau nầy. Đây là những tặêng phẩm Tình Yêu vô giá vì không thể mua được bằng tiền, và khi ta cho người khác với tất cả chân tình thì họ sẽ trân quý nhận lãnh. Tình thương nhờ vậy sẽ nẩy nở lớn thêm.

Theo một cuộc thăm dò kinh nghiệm với hơn 500 “cặp vợ chồng cá nước”, hạnh phúc thì: “Chẳng phải cách cãi nhau hợp lý mà số lượng nhiều hay ít của các trận đấu khẩu sẽ quyết định thời gian dài hay ngắn của cuộc hôn nhân”.

Nếu trong gia đình bố mẹ hay mắng mỏ, chỉ trích, nhục mạ lẫn nhau hoặc nói xấu bà con, bạn bè thì chắc chắn các con cũng xử sự y hệt. Một luật lệ rất nghiêm chỉnh trong nhà của Ba Má tôi, lúc tôi còn nhỏ, 7-8 tuổi, là: “Trong bữa cơm không được nói xấu bất kỳ ai, vì theo ý Ba tôi chỉ trích người khác sẽ làm cho thực khách mất vui, ăn kém ngon. Thay vào đó có thể kể chuyện vui cười hoặc việc gì lạ xảy ra ở trường, hoặc nghe Ba kể chuyện trên đài BBC”. Bằng quy luật nho nhỏ nầy vô hình trung ba tôi đã khép chúng tôi vào khuôn khổ, không nói xấu người vắng mặt, tránh tội vọng ngôn, “Đèn nhà ai nấy sáng”, không xoi mói, ngồi lê đôi mách, phải lo tu sửa chính bản thân mình.

B - Bố Mẹ Không Tranh Dành Ảnh Hưởng Với Các Con
Cả bố lẫn mẹ nên tìm cách biểu lộ cho các con biết rằng tình thương của Cha Mẹ là vô diều kiện, không có giới hạn, không thay đổi dù con nhỏ hay con lớn, dù con thành công hay thất bại trong đời, đúng với câu “ Cha mẹ thương con như biển hồ lai láng”.

Mỗi lần nói chuyện hàng tuần với con gái hoặc con trai út khi chúng đi học xa nhà, tôi đều kết thúc câu chuyện bằng câu ;”Mẹ thương con nhiều lắm! hoặc Mẹ hôn con”. Có vài người nghĩ rằng điều nầy không cần thiết giữa những người ruột thịt thân thương, nhưng theo thiển ý của tôi thì chẳng có đứa con nào lại không cảm thấy vui sướng khi được nghe bố mẹ nói “Ba/Má thương con nhiều” hoặc được Ba/Má hôn. Mẹ tôi đã 88 tuổi, mỗi lần nói điện thoại với tôi, đứa con gái hơn 60 tuổi đầu của bà vẫn không quên câu: “Má hôn con”.

Trong một số gia đình người cha hoặc người mẹ âm thầm tìm cách mua chuộc cảm tình của con cái bằng các tặng vật đắt giá hoặc vung tiền bạc cho con tiêu xài phung phí. Thật tình mà nói, đây là một hành động tiêu cực, làm lệch cán cân gia đình, khiến tình đoàn kết giữa vợ chồng con cái bị sứt mẻ. Nếu đi kèm với cách ưu đãi quá ư hậu hĩ của Mẹ hoặc của Ba là vài câu châm chọc:

“Mẹ cho con sắm áo quần thả cửa, ăn diện theo ‘mốt’ mới chứ ba mầy thì đừng hòng, ổng ‘kẹo’ quá chừng!” Hoặc “Ba muốn cho con đi đây, đi đó còn Má thì muốn giam con trong xó bếp mà thôi!”

Cách o bế con cái xé lẻ, riêng rẽ nầy chẳng có ảnh hưởng tích cực nào trong việc bồi dưỡng  giáo dục các đức tính tốt: tự lập, biết giá trị đồng tiền, biết thương người nghèo khó; đặc biệt trong tình huống của dân Việât Nam đang sống cuộc đời bần hàn thiếu cơm, thiếu áo ngay trên quê hương mình.

Với khuôn khổ hạn hẹp của một bài viết ngắn trong Cẩm Nang Gia Đình nầy, chúng tôi không thể đề cập đầy đủ về khuôn mặt phức tạp, tế nhị của liên hệ cha mẹ/con cái được. Tuy nhiên với kinh nghiệm của một cô giáo hơn 30 năm dạy học, tôi hoàn toàn tán đồng kết quả của một cuộc thăm dò các học sinh ưu tú ở các trường trung học rằng:

Phần lớn các học sinh xuất sắc, học giỏi (Gifted & Talented) đều xuất thân từ những gia đình mà cha mẹ đều thật lòng thương yêu các em và thuận thảo đồng lòng với nhau lo cho con cái.

“Thuận vợ thuận chồng
Tát bể đông cũng cạn
Nuôi con mọn lớn mau
Nuôi con lớn nên người”.

 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=442