Làm Tốt Có Hại
Date: Friday, October 28 @ 12:21:01 EDT
Topic: Quan Điểm


Ts. NGUYỄN ĐÌNH THẮNG

Một việc làm, do thiện tâm nhưng vụng tính, có thể phản tác dụng và di hại lâu dài.

Một quốc gia chậm tiến dồn toàn lực bao cấp chương trình giáo dục nhằm đào tạo nhân tài, ngờ đâu vì không còn ngân sách để tạo công ăn việc làm nên nhân tài mất hết vào tay các quốc gia sẵn sàng đón nhận và trả lương cao. Hoá ra xứ nghèo lại dốc sức cống hiến nhân tài cho các quốc gia giầu có thụ hưởng. Thực tế oái oăm ấy đã và đang xẩy ra cho nhiều quốc gia. Lý tưởng tốt nhưng làm không đúng cách nêngây hại.

Một chương trình phục vụ thanh thiếu niên vì không tính kỹ nên chỉ phục vụ những em được cha mẹ quan tâm và có phương tiện và thời giờ đưa đón. Còn trẻ em nghèo thiếu phương tiện di chuyển hay vì cha mẹ lơ là thì không có cơ hội tham gia. Tài nguyên gom góp trong cộng đồng để làm việc nghĩa hoá ra lại đào sâu thêm sự thua thiệt cho thành phần lẽ ra cần được giúp đỡ. Tình trạng này phổ biến trong các chương trình phục vụ cộng đồng. Ý nguyện tốt nhưng thiếu nghiên cứu nên tạo thêm bất công.

Làm tốt đấy nhưng có hại. Điều này thoạt nghe có vẻ mâu thuẫn nhưng trong thực tế rất thường xảy ra. Ở trên chỉ là hai trong muôn vàn thí dụ mà chúng ta có thể kiểm chứng hàng ngày nếu chịu khó để ý. Điều này xảy ra khi dùng tình mà quên lý.

Khi hành sử chúng ta cần dùng cả tình lẫn lý. Tình thuộc lãnh vực chủ quan, cần thiết để thôi thúc hành động.

Tình là bước khởi đầu, thôi thúc chúng ta hành động. Nỗi bức xúc với tiền đồ dân tộc réo gọi lương tâm của người lãnh đạo phải đưa đất nước đi lên. Vì chạnh lòng trước nguy cơ sa đoạ và tha hoá của thanh thiếu niên nên người hoạt động cộng đồng thấy phải có biện pháp đối phó và ngăn ngừa. Ý nguyện tốt là căn bản hết sức cần thiết, nhưng không đủ.

Nhưng khi hành động chúng ta phải dùng đến lý. Khi hành động chúng ta phải trực diện với thực tế, phải am tường các quy luật vận hành trong xã hội, và phải biết vận dụng hay đối phó với các yếu tố khách quan. Chỉ cần sai một
li, tai hại có thể kéo dài cả dặm nếu hành động bất cẩn tạo nên tình trạngï mất quân bình. Chính sách giáo dục bao cấp tạo sự mất quân bình khi dồn quá nhiều tài nguyên để đào tạo chuyên viên và rồi không còn khả năng tạo nên công ăn việc làm cho họ. Hoặc chương trình phục vụ thanh thiếu niên vì không được nghiên cứu kỹ lưỡng nên các trẻ em có nhu cầu hơn hết thì lại bị bỏ rơi hơn hết.

Khi tình trạng mất quân bình mang tính hệ thống thì nó trở thành vòng lẩn quẩn. Vì người dân quen thụ hưởng nền giáo dục bao cấp, họ cực kỳ chống đối bất kỳ chính sách nào thu hồi lại đặc quyền này và chính quyền đành bó tay dù muốn thay đổi. Người thực hiện chương trình thanh thiếu niên không
nỡ đẩy các em ra khỏi chương trình khi cha mẹ các em đã đóng góp tài chánh và công sức cho chương trình, để thay vào đó là các em có nhu cầu hơn. Khởi đi từ một ý tốt nhưng vì vụng tính chúng ta có thể sơ ý tạo ra vòng lẩn quẩn và kẹt luôn trong ấy.

Tế bào ung thư tăng trưởng rất tốt cho nó nhưng giết chết cơ thể nuôi dưỡng nó. Trong hoạt động cộng đồng, quốc gia và xã hội, có những việc làm trong tầm nhìn cục bộ thì có vẻ tốt nhưng thực ra có hại ở phạm vi sâu và rộng. Khi hành động vì xúc cảm, dùng tình mà quên lý, chúng ta thường chỉ nhìn thấy việc ngay trước mắt mà không cân nhắc được những yếu tố ảnh hưởng đến và chịu ảnh hưởng của việc làm ở chiều rộng, sâu và dài. Không khéo chính chúng ta trở thành cục ung thư cho xã hội.

Với mục tiêu xây dựng cộng đồng, trong năm qua Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển tổ chức nhiều buổi tập huấn dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia về tổ chức và tạo năng lực cho cộng đồng. Các buổi tập huấn này cung cấp cho người hoạt động cộng đồng một số phương pháp để phối hợp tình và lý một cách hài hoà.

Trong năm mới chương trình tập huấn này sẽ được mở rộng đến thêm nhiều thành phốâ ở Hoa Kỳ.

 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=411