Bạo Hành Trong Gia Đình
Date: Tuesday, October 04 @ 13:43:41 EDT
Topic: Bạo Hành Gia Đình


Cindy Lê & Mai Tâm Nguyễn

(tiếp theo kỳ trước)

MS: Chúng tôi cũng thấy là như vậy, vì gần đây con số người đến nhờ UBCNVB giúp đỡ trong vấn đề bạo hành này thì hết tám trong mười người là đã được chồng về Việt Nam cưới và bảo lãnh sang đây. Nếu vậy thì theo kinh nghiệm của T.S., nạn nhân của BHTGĐ người Việt phải đối diện với những khó khăn, trở ngại nào trong xã hội này?


BNH: Nói chung chứ không nói về những phụ nữ mình vừa nói, thì tôi thấy vấn đề khó khăn ngôn ngữ và thường bị cô lập trong gia đình cũng như trong cộng đồng Việt Nam là những trở ngại lớn lao nhất cho những phụ nữ đó. Thí dụ như vì ngôn ngữ khó khăn, nên nhiều phụ nữ phải lệ thuộc kinh tế vào người chồng hoặc bạn trai của mình một cách toàn diện, tức là hoàn toàn lệ thuộc, hoặc chỉ tương đối nghĩa là vẫn đi làm, nhưng lương không đủ sống thành ra phải lệ thuộc vào đối phương để gia đình có hai đầu lương mới đủ sống. Do đó, nhất là khi họ có con nhỏ, họ lại khó có thể quyết định và giải quyết tình trạng BHTGĐ bằng cách rời khỏi gia đình hoặc ly thân hay ly dị.

Họ cũng rất sợ, không muốn liên lạc với chính quyền bởi vì sợ rằng nếu chồng bị bắt bỏ tù thì sẽ mất job chẵng hạn. Sự lệ thuộc kinh tế cũng tạo ra sự bất bình đẵng trong gia đình: tức là người chồng cảm thấy mình bị lệ thuộc và do đó thường có áp lực để  khống chế. Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra nạn BHTGĐ.

Sự khó khăn ngôn ngữ cũng làm cho nhiều người không thể tiếp xúc với xã hội bên ngoài - tức là, tôi dùng chữ “dòng chính” tức là “mainstream” của xã hội Hoa Kỳ - không đọc sách, không đọc báo tiếng Anh, không nghe được đài bằng tiếng Anh, chỉ sống và kinh doanh, giao dịch trong cộng đồng Việt Nam, thành thử không biết gì về những tin tức bên ngoài.

Nhiều phụ nữ cũng vì trở ngại này hoặc hơi lớn tuổi hoặc vì không quen ai cũng không lái xe, thành thử vấn đề giao thông cũng rất khó khăn, khiến cho nhiều phụ nữ thường chỉ ở trong nhà hoặc chỉ di chuyển quanh quẩn gần khu vực mình ở.

Do đó họ không biết gì về các dịch vụ giúp đỡ nạn nhân của BHTGĐ trong “dòng chính” của xã hội. Nhiều người cũng ngại không muốn gọi cảnh sát bởi vì họ không hiểu chuyện gì đã xảy ra và cũng sợ rằng mình nói tiếng Anh không rành nên không thể giải thích được cho cảnh sát những gì đã xảy ra.

Tôi đã gặp rất nhiều trường hợp khi người phụ nữ bị quá sợ hoặc cảm thấy quá nguy hiểm rồi thì mới chịu gọi điện cho cảnh sát, rồi khi cảnh sát đến, vì tiếng Anh không rành thành ra không giải thích được. Trong khi đó người chồng rành tiếng Anh hơn lại giải thích một cách sai lạc, khiến cho người phụ nữ trở thành người nói không đúng sự thật.

MS: Dạ, tức là người bị nạn trở thành người phạm tội có phải không T.S.?

BNH: Đôi khi không hẵng là người phạm tội, nhưng cảnh sát sẽ không tin người phụ nữ đó và sẽ không giải quyết được gì cả.

MS: Vậy cộng đồng người Việt chúng ta có thể làm gì để làm giảm bớt vấn đề này?

BNH: Theo tôi thấy hiện nay ở trong xã hội mình (tức là xã hội Hoa Kỳ) đã có chương trình rất hữu dụng, chương trình này áp dụng biện pháp hình sự.

Nhưng theo thiển ý của tôi thì biện pháp hình sự này chỉ là một cách để đối phó với những vụ án đã xảy ra mà thôi, nhưng quan trọng nhất là vẫn có thể ngăn ngừa nạn bạo hành trong gia - đó là biện pháp tốt nhất.

Theo tôi, sự truyền đạt thông tin đến công chúng về vấn đề bình đẵng nam nữ, về những hậu quả tâm lý và pháp lý do nạn BHTGĐ gây ra là một biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn ngừa bạo hành. Rất nhiều người bạo hành, tức là đánh vợ đánh con, bởi vì họ vẫn còn theo quan niệm cũ, nét cũ, hoặc vì do xã hội chấp nhận như vậy, hay cộng đồng chấp nhận như vậy, hoặc những người chung quanh chấp nhận như vậy. Thí dụ có những người họ cho là “người đàn ông mà không biết dạy vợ thì không phải là đàn ông”. Thành ra nhiều người muốn chứng tỏ rằng, theo quan niệm cũ, là nếu mình muốn làm đàn ông, và muốn làm chủ gia đình, thì phải có quyền khống chế vợ con mình bằng vũ lực hay bằng tình cảm.

Tôi thấy là ngay trong “dòng chính” của xã hội Hoa Kỳ, vấn đề truyền đạt thông tin trong công chúng về BHTGĐ không được chú trọng nhiều. Nhưng tôi nghĩ trong cộng đồng chúng ta, thì chúng ta nên cố gắng làm sao để tạo ra những chương trình truyền đạt kiến thức được liên tục và lâu dài. Vấn đề quan trọng là cần phải liên tục và lâu dài.

Thí dụ như chương trình về BHTGĐ cần được tổ chức thường xuyên trên báo chí, trên đài phát thanh, trên đài truyền hình, các buổi nói chuyện tại các tổ chức cộng đồng, và các trường học để nhắc nhở rằng, vấn đề BHTGĐ là không đúng. Sự nhắc nhở thường xuyên sẽ khiến cho mọi người nhiệt tâm về một ý thức mới. Cũng thí dụ như là hiện nay, chính phủ Hoa Kỳ đã bỏ ra rất nhiều phương tiện để truyền đạt kiến thức cho công chúng về vấn đề hút thuốc lá.

(xem tiếp kỳ sau)

Mạch Sống Số 40, tháng 10, 2005

 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=346