Danh Sách Vinh Danh và Tri Ân ở Kennedy Center
Date: Wednesday, April 15 @ 23:02:33 EDT
Topic: 40 Năm Tị Nạn


Thông Cáo Báo Chí

Mạch Sống, ngày 15 tháng 4, 2015

http://machsong.org

Ban Tổ Chức chương trình Vinh Danh và Tri Ân ở Kennedy Center hôm nay công bố danh sách bảy (7) nhân vật và tổ chức sẽ chính thức được vinh danh và tri ân trong chương trình ngày 19 tháng 6 tới đây.

Ban Chọn Lựa, độc lập với Ban Tổ Chức, đã làm việc ráo riết trong nhiều tháng trời từ danh sách gồm trên 30 người và tổ chức do nhiều người, nhiều nguồn đề cử.

Tiêu chuẩn tuyển chọn là:

(1) Đã có những đóng góp nổi bật để bảo vệ miền Nam tự do trước 30 tháng 4, 1975

(2) Đã giúp đỡ và cưu mang những người Việt trên đường tìm tự do sau 30 tháng 4, 1975

(3) Tiêu biểu cho nhiều thành phần, nhiều hình thái hoạt động và nhiều giai đoạn lịch sử



Quả là khó khăn khi phải chọn lựa khi mọi người trong danh sách đều có những đóng góp phi thường ngang ngửa nhau. Do thời lượng ở Kennedy Center có hạn, chúng tôi phải chọn một số nhỏ trường hợp tiêu biểu chứ không thể bao quát được như mong muốn.

Chúng tôi mong biết chắc chắn có thiếu sót dù cố gắng bao nhiêu.

Hơn nữa, qua một số trường hợp tiêu biểu, chúng tôi muốn vinh danh và tri ân tất cả những ai đã cống hiến cho lý tưởng tự do, trước và sau 1975. Và chính những người được chọn để vinh danh và tri ân cũng đ nhận định như vậy.

Danh sách vinh danh và tri ân gồm có: Binh Nhất Trần Văn Bảy; Thiếu Tướng Lê Minh Đảo và Sư Đoàn 18 Bộ Binh; các chiến sĩ đã tuẫn tiết ngày 30 tháng 4, 1975; tổ chức Counterparts (Hội Tương Hữu Đông Nam Á); Dân Biểu Liên Bang Hoa Kỳ Christopher Smith; Đại Tá Hải Quân Hoa Kỳ "Red" Eugene McDaniel; và nhóm "Anh Hùng Sàigòn".

Đứng tên làm Đồng Chủ Tịch Danh Dự cho chương trình Vinh Danh và Tri Ân đến nay có 7 Thượng Nghị Sĩ và 30 Dân Biểu Liên Bang Hoa Kỳ. Chúng tôi tiếp tục vận động thêm để có sự nhập cuộc của thật nhiều chính giới Hoa Kỳ ở cấp liên bang, tiểu bang và địa phương.

Ngày Vinh Danh và Tri Ân ở Kennedy Center là một trong chuỗi sự kiện thuộc chương trình “Hành Trình Đến Tự Do của Chúng Tôi” nhằm đánh dấu 40 năm người Việt đi tị nạn cộng sản. Đây là chương trình với chiều dài hơn 6 tháng và luân lưu qua nhiều thành phố Hoa Kỳ với những sinh hoạt tương tự như ở Hoa Thịnh Đốn. Chương trình sẽ khởi đầu ngày 25 tháng 5 tức ngày Chiến Sĩ Trận Vong của Hoa Kỳ và chấm dứt đầu tháng 12, 2015.

Ts. Nguyễn Đình Thắng
Thay mặt, Ban Tổ Chức
Chương Trình “Hành Trình Đến Tự Do Của Chúng Tôi”

=======

Danh Sách Vinh Danh Và Tri Ân

Counterparts (Hội Tương Hữu Đông Nam Á): Thành lập năm 1990, Counterparts nối kết các cựu cố vấn Hoa Kỳ và những đồng minh Việt Miên Lào trong cuộc chiến Việt Nam. Thành viên của Counterparts là những người đã đến Việt Nam sớm nhất và rời Việt Nam cuối cùng. Các cố vấn Hoa Kỳ này đã sống và chiến đấu sát cánh với quân cán chính VNCH ở khắp miền Nam. Nhiều người đã bỏ mình cùng với các chiến sĩ VNCH ngoài trận tuyến. Từ ngày thành lập, Counterparts tiếp tục tranh đấu cho nhân quyền và lý tưởng tự do của dân tộc Việt Nam cũng như can thiệp định cư cho các cựu chiến hữu Việt Miên Lào sau khi tù đày. Để vinh danh các cựu đồng minh Việt Miên Lào, Counterparts đã âm thầm dựng các bảng tưởng nhớ và vinh danh Biệt Động Quân VNCH, các cựu chiến binh Lào Hmong và các chiến hữu người Montagnard tại nghĩa trang quốc gia Hoa Kỳ.

Binh Nhất Trần Văn Bảy: Trần Văn Bảy là một trong hai người Việt Nam duy nhất được trao tặng huy chương cao quý Navy Cross của Hoa Kỳ. Anh đã bỏ mình để cứu một chiến binh Hoa Kỳ trong cuộc hành quân hỗn hợp ở Quận Hiếu Đức, Tỉnh Quảng Nam ngày 19 tháng 2, 1967. Toán hành quân Việt Nam Cộng Hoà và Hoa Kỳ bị lọt ổ phục kích của cộng quân. Khi thấy người bạn Hoa Kỳ, Binh Nhất Samuel Vitello, sắp dẫm lên mìn, Anh Bảy đẩy bung người đồng minh Hoa Kỳ và hứng trọn sự công phá của trái mìn. Anh được trao huy chương Navy Cross vì đã “anh dũng hiến thân khi phục vụ trong lực lượng quân đội của thế giới tự do”. Dù cố gắng hết sức, chúng tôi hoàn toàn không truy tìm được thân nhân của Anh Bảy. Do đó qua Binh Nhất Trần Văn Bảy, chúng tôi vinh danh và tri ân một phần tư triệu chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà đã âm thầm hy sinh cho tổ quốc.   

DB Christopher Smith: DB Christopher Smith là ân nhân của các thuyền nhân Việt Nam, các nạn nhân buôn người, và rất nhiều gia đình cựu tù nhân "cải tạo". Nhờ Ông mà gần 20 nghìn cựu thuyền nhân Việt Nam đã đến Hoa Kỳ định cư trong chương trình ROVR sau khi bị hồi hương năm 1996; chương trình này sau đó được nới rộng để định cư gần 2 nghìn cựu thuyền nhân ở Phi Luật Tân. DB Smith đã gia hạn Tu Chính Án McCain cho con cái trưởng thành của các cựu tù cải tạo, và giúp mở lại chương trình HO (dưới tên HR) năm 2006 cho những cựu tù cải tạo bị bỏ sót. DB Smith cũng là tác giả của đạo luật Nhân Quyền Cho Việt Nam và luật Chế Tài Kẻ Vi Phạm Nhân Quyền. Đắc cử vào Hạ Viện năm 1981, Ông là nhà tranh đấu hàng đầu cho nhân quyền trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Thiếu Tướng Lê Minh Đảo và Sư Đoàn 18 Bộ Binh: Trong những ngày cuối của VNCH, Sư Đoàn 18 Bộ Binh, dưới sự chỉ huy của Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, đã tạo thành “phòng tuyến thép” để bảo vệ Sàigòn. Với sự yểm trợ của các lữ đoàn dù, thiết kỵ và pháo binh, Sư Đoàn 18 liên tục đẩy lùi các cuộc tấn công dồn dập của 3 sư đoàn Bắc Việt với số quân 7 lần đông hơn. Sư đoàn 18 tiếp tục chiến đấu đến giây phút cuối khi Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng và yêu cầu quân đội buông súng. Trước đó, khi giới chức Hoa Kỳ đề nghị di tản, Tướng Đảo từ chối để ở lại chiến đấu với binh sĩ. Sau 17 năm tù “cải tạo”, Ông đã cùng gia đình đến định cư ở Hoa Kỳ năm 1993. Qua trận đánh lẫy lừng ở An Lộc năm 1972 và cuộc tử thủ Xuân Lộc năm 1975, người Mỹ và đồng minh gọi các chiến sĩ sư đoàn 18 Bộ Binh là “The Supermen” – Các siêu nhân.        

Đại Tá "Red" Eugene McDaniel: Đại Tá McDaniel là phi công hải quân. Bị bắn rớt máy bay trong trận oanh kích năm 1967 ở Văn Điển, phía nam Hà Nội, ông bị bắt làm tù nhân chiến tranh. Trong hơn 6 năm tù, phần lớn bị giam ở Hoà Lò, ông bị tra tấn liên tục. Ông được trả tự dọ ngày 4 tháng 3, 1973. Ông tiếp tục phục vụ trong Hải Quân Hoa Kỳ và trở thành sĩ quan chỉ huy hàng không mẫu hạm USS Lexington. Ông được trao huy chương cao quý Navy Cross và nhiều huy chương khác. Sau khi về hưu năm 1982, Đại Tá McDaniel tích cực vận động việc tìm kiếm các chiến hữu bị mất tích hoặc cầm tù ở Đông Dương. Ông thành lập và trở thành Chủ Tịch của American Defense Institute, một tổ chức bất vụ lợi, với mục tiêu thúc đẩy cho một lực lượng quốc phòng mạnh mẽ cho Hoa Kỳ.

Các tấm gương tuẫn tiết: Ngày miền Nam thất thủ, có những tướng lĩnh, sĩ quan và chiến sĩ VNCH đã tự sát thay vì buông súng. Các tướng Phạm Văn Phú, Nguyễn Khoa Nam, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai, Lê Văn Hưng đã vào sử xanh. Nhưng còn nhiều nữa những cấp tá, cấp uý, và binh sĩ lên đến hơn trăm người thuộc nhiều binh chủng quân đội và cả cảnh sát đã tuẫn tiết. Họ đã theo gương các bậc tiền nhân đại anh hùng như Hoàng Diệu, Võ Duy Ninh, Nguyễn Tri Phương... Những tấm gương tuẫn tiết này chứng minh khí phách của quân cán chính VNCH sáng rỡ không kém bất kỳ quân đội nào trên thế giới tự cổ chí kim.    

Nhóm Anh Hùng Sàigòn: Họ là những người Mỹ lội ngược dòng trong chính quyền Hoa Kỳ để vận động di tản 125 nghìn người Việt khi miền Nam thất thủ: Shep Lowman, Hank Cushing, Lionel Rosenblatt, Lacy Wright, Jim Schill, Joe Gettier, Joe McBride, Ken Moorefiel, Julia Taft… “Toán công tác” của họ đã giúp định cư toàn bộ số người di tản này vào Hoa Kỳ trong vòng 7 tháng. Khi những thuyền nhân Việt Nam bắt đầu bỏ nước ra đi, họ xông xáo đến các đảo, các vùng hẻo lánh ở Đông Nam Á và Hồng Kông để thúc đẩy việc thành lập trại tị nạn, và tranh đấu để Hoa Kỳ và các quốc gia Phương Tây nhận định cư thuyền nhân. Cũng chính họ đã tiếp tay mở ra và thực hiện các chương trình ODP, HO, Amerasian và ROVR. Họ đã đóng góp đáng kể cho việc định cư 1.2 triệu người Việt đã vào Hoa Kỳ và nửa triệu vào quốc gia khác. Những người phản đối kế hoạch di tản năm 1975 và định cư thuyền nhân sau đó gán cho họ tên “Các Cao Bồi Sài Gòn" (Saigon Cowboys), ngụ ý là họ đã bất chấp chủ trương và lệnh của thượng cấp, nhưng những người bênh vực tị nạn thì gọi họ là "Các Anh Hùng Sài Gòn" (Saigon Heroes).

 

 








This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=3029