Cambốt Cưỡng Bức 94 Người Thượng
Date: Monday, September 26 @ 17:14:45 EDT
Topic: Tin Trang Nhất


Hồi Hương Về Việt Nam

Phnom Penh – Ngày 20 tháng 7 vừa qua chính phủ Cambốt giải giao 94 người Thượng về cho chính quyền Việt Nam. Họ là những người lánh nạn sang Cambốt sau cuộc đàn áp dịp lễ phục sinh năm ngoái.

Theo nguồn tin từ một tổ chức nhân quyền có quan sát viên tại chỗ, cảnh sát Cambốt phong toả trại tị nạn và không cho bất kỳ ai đến gần. Quan sát viên này mục kích một số người Thượng chống lại việc hồi hương một cách bất bạo động và thấy cảnh sát được trang bị roi điện lôi kéo những người Thượng sụt sùi khóc lên xe. Đây là những người đã bị Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc bác quyền tị nạn và bác cả đơn kháng cáo.

Tuy nhiên theo một số người tranh đấu cho quyền tị nạn của nhóm người Thượng này thì tiến trình “thanh lọc” của CUTN/LHQ có nhiều sai sót. Phần lớn người Thượng không hiểu rõ luật quốc tế về tị nạn, lại gặp trở ngại ngôn ngữ vì chính CUTN/LHQ không dễ tìm thông dịch viên.

Trong số người bị hồi hương có người đã từng bị tra tấn trước khi trốn thoát được sang Cambốt.

Ngay khi được tin báo động về vụ hồi hương cách đó hai ngày, một số tổ chức ở Hoa Kỳ đã nhanh chóng phối hợp với nhau để tạo áp lực với chính phủ Cambốt, Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nhằm cản chặn kế hoạch hồi hương.

Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển, một trong những tổ chức này, đề nghị giải pháp đình hoãn hồi hương cho đến khi ba điều kiện được thiết lập.

Theo đó, trước hết cần có một tổ chức tư nhân độc lập trợ giúp về pháp lý cho các người Thượng để kháng cáo quyết định bác quyền tị nạn của CUTN/LHQ.
Các đơn kháng cáo này sẽ phải được đơn vị bảo vệ tị nạn của CUTN/LHQ ở Geneva cứu xét để bảo đảm được sự đúng đắn và công minh.

Đối với những người Thượng tiếp tục bị bác quyền tị nạn qua cuộc cứu xét công bằng thì CUTN/LHQ cần thiết lập cơ chế kiểm soát và bảo vệ ở Việt Nam trước khi tính đến chuyện hồi hương.

Ngay trong ngày 18 tháng 7, Dân Biểu Christopher Smith gọi điện thoại trực tiếp cho vị đại sứ Cambốt ở Hoa Thịnh Đốn để ủng hộ giải pháp này.

Qua ngày hôm sau, sáu vị dân cử Hoa Kỳ gởi văn thư trực tiếp cho Thủ Tướng Samdech Hun Sen của Cambốt để kêu gọi đình hoãn kế hoạch hồi hương cho đến khi giải pháp kể trên được thực hiện.

Cùng ngày, Thượng Viện Hoa Kỳ thông qua ngôn ngữ trong đạo luật ngân sách cho Bộ Ngoại Giao (HR 3057) kêu gọi Cambốt và CUTN/LHQ chấp nhận giải pháp kể trên. Ngôn ngữ này do TNS Mitch McConnell của tiểu bang Kentucky đưa vào.

Ngày 20 tháng 7, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ra một thông tư bày tỏ mối quan tâm, sau khi việc hồi hương đã xẩy ra, và kêu gọi thiết lập một cơ chế kiểm soát ở Việt Nam. Bộ Ngoại Giao cũng kêu gọi Việt Nam cho phép các quan sát viên quốc tế tiếp xúc ngay với số người vừa bị hồi hương.

Trong suốt bảy tháng qua, Việt Nam tiếp tục gây khó dễ và không cho CUTN/LHQ cử nhân viên ngoại quốc đến Việt Nam. Văn phòng của CUTN/LHQ ở Hà Nội hiện do một công dân Việt Nam cai quản.

Mặc dù vậy, CUTN/LHQ hồi đầu năm nay vẫn ký kết với Cambốt và Việt Nam về thoả thuận hồi hương người Thượng. Thoả thuận này đặt nền móng cho cuộc cưỡng bức hồi hương vừa rồi.

Các tổ chức tranh đấu cho quyền tị nạn của người Thượng hiện đang phối hợp để ngăn chặn những đợt hồi hương kế tiếp và theo dõi số phận của 94 người Thượng vừa bị hồi hương.

Sáu vị dân cử Hoa Kỳ gởi thư cho Thủ Tướng Hun Sen gồm có các dân Biểu Christopher Smith, Frank Wolf, Zoe Lofgren, và Loretta Sanchez và hai Thượng Nghị Sĩ Sam Brownback và Elizabeth Dole.

Mạch Sống Số 38, tháng 8, 2005

 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=293