Hẻm Nhỏ (phần 3)
Date: Thursday, January 03 @ 11:21:46 EST
Topic: Truyện Ngắn


Huỳnh Ngọc Nga

(xem phần 2)

Một năm sau Duy mới có đủ can đảm viết thư cho mẹ kể lại nổi bất hạnh của mình, cùng lúc chàng cho biết đang chuẩn bị làm đơn bảo lãnh mẹ sang ở với chàng. Gần hai mươi năm rồi mẹ con chàng sống trong xa cách, bây giờ là lúc cả mẹ lẫn chàng cần có nhau bên cạnh. Hơn nữa mẹ giờ đã già, cần có người chăm sóc sớm hôm. Đơn từ còn chưa hoàn tất thì một hôm chàng nhận được thư mẹ, lá thư ngắn ngủi chỉ mấy dòng như một bức điện tín nhưng làm đảo lộn mọi ý định của chàng:



Duy con,

Má không muốn xa hẻm miễu Vạn, cuộc đời má gắn bó với nơi nầy rồi, đừng làm đơn bảo lãnh cho má. Còn một điều nữa, má muốn cho con biết là con hãy còn một người cha.

Má chờ con về để xem có phải con là con của người đó không?

Hãy về sớm. Má trông con.

Má của con.

Duy ngẩn ngơ trước những lời mẹ viết. Chàng có cha? Nhưng phải về để xác định đó có thật là cha chàng không? Vậy ra người cha đi lính chết trước khi chàng chào đời là ai? Vâng lời mẹ và cũng vì muốn hiểu sự thật đời mình, chàng xin nghỉ phép dài hạn một tháng, làm visa, mua vé máy bay về ngay trong mùa hè năm đó, năm 1992.

Bà Chờ đón con ngay tại phi trường Tân Sơn Nhất. Đây không phải là lần đầu Duy về thăm mẹ vì chàng và Hélène đã ba phen trở lại Việt Nam sau ngày cưới để tìm về hẻm nhỏ của mẹ con chàng. Duy thấy mẹ khác nhiều với những lần về trước. Mẹ bây giờ là một thiếu phụ đẫy đà, tươi mát, mái tóc lâm râm bạc nhưng da dẻ vẫn hồng hào, khác hẳn với cô Chờ của mấy chục năm xưa. Duy có cảm tưởng hình như mắt mẹ vui hơn và hình như mẹ trẻ hơn nhiều so với tuổi gần sáu mươi của mẹ. Trên xe về nhà, hai mẹ con không nói gì khác hơn những câu hỏi, đáp về Hélène và cuộc sống hiện tại của Duy. Xe chạy vòng vèo qua cầu chữ Y, xuống đường Hưng Phú, ngang qua chợ Chuồng Bò rồi ngừng trước hẻm miễu Vạn. Tất cả thay đổi khá nhiều đến độ dù đã về đôi ba lần Duy vẫn nhìn muốn không ra, nhưng đường vào hẻm vẫn nhỏ hẹp như độ nào. Tuy quán chú Chón vẫn còn đó, chú đã mất và thằng con chú tiếp tục nghề bán cháo cá, hủ tíu xào như lúc Duy còn nhỏ. Xe Taxi chở hai mẹ con Chờ ngừng trước hẻm. Duy vừa đỡ mẹ ra khỏi xe, chưa kịp lấy hành lý thì thấy một người đàn ông đầu bạc, tướng phốp pháp bước tới vỗ vai chàng, giọng thân mật:

- Về rồi đó hả con? Nhớ ai đây không?

Duy giật mình, nhìn kỹ người trước mặt. Những lần về trước cùng vợ, chàng chỉ lẩn quẩn ở nhà cùng mẹ chứ ít đi đâu vì không muốn lối xòm xâm xì chỉ chỏ cô vợ người Pháp của mình, vì vậy người quen cũ thuở xưa chàng khó lòng nhớ được, dù gì cũng đã gần ba mươi năm chàng sống xa hẻm nhỏ nầy. Lục tìm lần cuối trong ký ức cũ vẫn không tìm đươc câu trả lời cho người trước mặt, Duy chắc lưỡi, ấp úng:

- Xin lỗi bác, con... con... thiệt tình không nhớ, bác là....

Chờ bước đến bên con, ngó người đàn ông đầu bạc rồi nói nhanh:

- Bác Hai Xe Lam đó con, người trong xóm mình, con quên rồi sao? Thôi, anh Hai phụ xách va-li của thằng nhỏ vô nhà đi, một lát mình nói chuyện sau.

Cả ba theo con hẻm về nhà Chờ, bác Hai hỏi thăm đôi ba câu về hành trình chuyến đi của Duy rồi nhìn Chờ như đợi một điều gì nhưng bà thản nhiên:

- Anh về đi, ngày mai qua đây. Em phải nói chuyện trước với con.

Duy ngạc nhiên trong cách xưng hô của mẹ, có một cái gì đó nửa như thân mật, nửa như lạnh lùng với bác Hai. Đợi khách về xong Duy hỏi mẹ:

- Má, có chuyện gì xảy ra vậy má?

Chờ bước ra đóng cửa tiệm tạp hóa lại rồi đến bên Duy bà nói:

- Con có nhớ là sâu bên mông trái của con có một lún đồng tiền nằm trên một cái bớt đen không?

Duy gật đầu, nhìn mẹ chờ đợi lý do câu hỏi khác thường đó. Bà Chờ ngó con, giọng đầy cảm xúc:

- Bác Hai xe Lam cũng có dấu vết đó y như con vậy.

Duy đi từ ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác. Chàng nhổm người lên, lắp bắp hỏi:

- Vậy là sao hả má? Có phải má muốn nói... má muốn nói con là.....

Bà Chờ gật đầu, mắt long lanh ướt, những giọt nước mắt như chực trào ra:

- Phải, bác Hai là ba ruột của con đó.

- Trời, vậy mà bấy lâu nay má nói ba con đi lính chết rồi. Sao má giấu con? Duy thảng thốt kêu lên.

Chờ chậm rãi kể lại cho con nghe chuyện đêm "Hận Má Đào" của hơn ba mươi năm xưa và nói chính bà cũng không biết ai là cha của Duy trong đám Ngũ Hành. Bà cứ tưởng mọi việc sẽ chìm vào quá khứ khi cho Duy sang Pháp. Trở về hẻm nhỏ, bà sống lại cuộc sống bình thường của cô Chờ ngày xưa. Những tên gây hận giờ đã yên nơi, yên chỗ: kẻ chết trận, người an ổn vợ con, chỉ còn thằng Thổ vẫn độc thân đợi mẹ con Chờ và thỉnh thoảng cứ rêu rao rằng Duy là con của nó. Bà không tin vì chẳng có chứng cớ gì để tin, nhưng giận thì vẫn giận không nguôi nên mỗi lần thấy bóng dáng nó lai vãng là bà hậm hực đuổi như đuổi tà.

Sống đơn chiếc một thân, bà trở nên trầm tính hơn. Những giờ rảnh chuyện bán buôn bà hay ngồi chuyện vãn cùng ông thầy Ba Von, người giữ miễu Vạn. Thầy Ba không tu chùa mà giữ miễu từ thời tóc còn để chỏm. Tuổi thầy cũng gần tám mươi ngoài nhưng thầy còn rất tinh mẫn. Tính tình hiền lành chân chất của một nhà tu, thầy nghe và hiểu hết mọi chuyện dân xóm miễu. Thầy cũng biết số phần bạc hạnh của Chờ. Những lúc Chờ sang miễu thắp hương ngày Vía, hay khi thầy rảnh dạo quanh trong xóm, thầy thường mượn ghế ngồi trước hàng ba tiệm tạp hoá nhà Chờ mà nói chuyện đời cho Chờ nghe. Thầy bảo cuộc sống nầy mọi chuyện đều do căn nghiệp mà nên, không có gì là vô cớ tự nhiên xảy ra cả. Oán thù nên cởi bỏ chứ đừng gút mắc hoài mà nghiệp căn không trả hết. Nghe tới đây tự dưng Chờ nổi doá nên xẵng giọng hỏi liền, căn nghiệp gì năm thằng Ngũ Hành đổ xuống đầu một đứa con gái yếu đuối như bà. Thầy Ba Von cười nói "tiên trách ngã rồi hậu hãy trách nhân". Nếu bà ngày xưa đừng theo lũ nó rong chơi đàn đúm thì làm gì xảy ra chuyện đêm hận má đào. Thầy khuyên bà nên hỉ xả cho quá khứ để nhẹ lòng bà mà cũng để trả hết nghiệp chướng tiền khiên, giữ hoài cái tâm sân hận chỉ thêm khổ mà thôi. Chờ nghe Thầy lý giải lần đầu hơi nghịch ý bà, nhưng những lần sau bà ngẫm nghĩ thấy lời Thầy quả chẳng sai. Có giận hờn cho lắm thì chuyện cũng đã rồi. Cũng tại bà giấu diếm con người thật nên khơi dậy tính dục trong lòng năm tên "tiểu yêu" ngày đó mới ra cớ sự hôm nay. Thôi thì ai là cha của thằng Duy cũng không quan trọng, miễn nó biết bà là mẹ nó là đủ rồi. Bà nguôi giận từ lúc đó.

Cuộc đời bà cứ lặng lẽ trôi. Việt Nam thập niên 90 chỉ mới bắt đầu giai đoạn đổi mới nên hệ thống điện thoại chưa hoàn chỉnh khắp nơi. Thỉnh thoảng bà nhận thư Duy từ Pháp gửi về rồi ngồi hý hoáy hồi âm cho nó để hôm sau đóng cửa tiệm nửa ngày đi bưu điện gửi thư cho con. Hôm nọ bà đi bổ hàng về cũng trên bến đò Lao Cai như ngày nào, một trận mưa thật lớn bất ngờ đổ xuống mà bà lại không mang dù, mang áo mưa theo. Về đến nhà bà đổ bệnh, ban đầu tưởng như cảm mạo thông thường nên bà còn ráng mở cửa tiệm bán buôn, nhưng chiều xuống bà nghe đầu nặng, mắt hoa, chân không đứng vững. Trời đã tối, hẻm nhỏ vắng người, bà định đi đóng cửa tiệm chợt loạng choạng ngã chúi về phía trước chẳng khác chi lần ngã của cơn say trong bàn ăn mừng thắng cá cược thuở nào. Có thể bà sẽ nằm dài trên sàn nhà rồi nhập thổ mà "đi" luôn không chừng, nhưng lúc đó thằng Thổ chẳng biết vô tình hay cố ý lại đi ngang đúng lúc. Thấy bà nằm sõng xoài trên bậc thềm nhà, nó bước tới giựt tóc mai cho bà.

Nghe bà ú ớ, nó dìu bà đứng lên cho ngồi vào chiếc ghế dựa gần đó, với tay lên bàn nó rót cho bà tách trà đã nguội trong bình, tìm trên kệ tủ các món hàng bà bán, nó lấy chai dầu Nhị Thiên Đường mở nắp trút dầu vào tay xoa lên cổ, lên thái dương bà rồi bắt đầu vừa xoa vừa giựt. Lúc sau bà tỉnh hồn lại, nhìn người vừa cứu mình bà bỗng giựt mình: thằng Thổ, mà không, ông Linh – tên tộc của thằng Thổ - đây mà, phải kêu người ân bằng danh xưng đàng hoàng chứ lớn tuổi rồi không lẽ cứ kêu bằng nó.

Một vài người đi ngang tiệm tạp hóa lúc đó nếu tò mò nhìn vô họ sẽ thấy đôi mái đầu oan khiên hôm nào đang ngồi lại bên nhau để nhắc chuyện ngày xưa. Chờ nhìn một trong những kẻ hại đời mình đang giúp mình qua cơn nguy khốn. Bà tự hỏi, đó có phải là định mệnh hay không. Linh đang nhìn lại nạn nhân của mình bằng tâm sám hối ăn năn. Mây trên trời khi trắng, khi đen, người trên đời làm sao tránh khỏi khi say, khi tỉnh. Linh để cho Chờ khóc lúc ông lúng túng hỏi han tình trạng bịnh tình của bà, để cho Chờ nghẹn ngào khi ông nói câu xin lỗi chuyện mấy chục năm xưa. Không nghe Chờ đối đáp tiếng nào Linh đứng dậy giã từ. Ông biết, đâu phải chỉ vài giọt dầu xoa, vài câu xin lỗi mà "người ta" xoá tội cho mình. Được ngồi lâu không bị đuổi ra khỏi cửa như những lần trước là may lắm rồi, ông đâu dám đòi hỏi nhiều hơn nữa. Trước khi buớc ra khỏi bậc thềm nhà, Linh chợt quay lại, nhìn thẳng vào mắt Chờ. Ông nói nhanh như sợ không có can đảm nói lần thứ hai:

- Thằng Duy nó là con tui đó Chờ, cái lún đồng tiền trên cái bớt đen sau mông nó tui cũng có y chang như vậy. Hồi trước má tui ẵm nó có thấy rõ và nói chắc chắn nó là con tui mà.

Nói xong Linh đi nhanh trong lúc Chờ ngẩn người khi nghe câu nói cuối. Chờ nhớ rất rõ cái lún đồng tiền trên người Duy vì có mẹ nào không biết tì vết của con. Chờ nhớ luôn chuyện cha mẹ bà kể lúc Duy còn nhỏ mẹ của đám Ngũ Hành thường đến săm soi thằng bé như để tìm chứng tích giòng máu của nhà họ. Bây giờ đen trắng đã rõ ràng, ít ra cuối cùng rồi thì bà cũng biết được cha của con trai bà. Đêm đó Chờ không ngủ, nước mắt thỉnh thoảng trào tuôn trên gối, bao năm trường làm mẹ nhưng có bao giờ bà biết được niềm vui ân ái, có bao giờ bà biết được thế nào là yêu thương chồng vợ. Hơn nửa đời người bà vừa làm mẹ lại vừa làm cha, gồng gánh một mình kết quả của một trò đùa vô nhân. Oán hờn bà đã quên theo lời thầy Ba Von giảng dạy, nhưng đâu phải sau cơn mưa nào nắng cũng sớm lên cao.

Qua hôm sau Linh lại ghé lúc không có ai, ông đứng bên ngoài nói vào giọng như chỉ đủ vừa cho Chờ nghe:

- Chờ đã thiệt khoẻ chưa? Có cần đi đâu tui chở cho.

Chờ làm thinh lúc đầu, sau đó bà hỏi, giọng cũng nhỏ vừa đủ Linh nghe:

- Ông có chắc thằng Duy là con của ông không?

Mắt Linh sáng hẳn lên, ông mừng rỡ:

- Chờ muốn coi cái lún đồng tiền của tui không, tui cho thấy.

Chờ đỏ mặt như con gái lần đầu đọc tiểu thuyết diễm tình. Bà trở lại tính ồn ào cố hữu:

- Lảo già dịch, đừng có ham, tính dê không bỏ.

Nói xong bà ngúng nguẩy bỏ vào trong nhưng không xua đuổi. Linh cười vui như trúng số, nghĩ mình ở vậy mấy chục năm "đền tội" chắc cũng đủ để trời thương nên "bả" đã cảm động mà "ân xá" tội ngày xưa. Thầy Ba Von hài lòng vô cùng khi thấy mấy lúc gần đây hẻm nhỏ có biến chuyển. Ông nhớ một buổi sáng sớm vô tình thấy Linh từ tiệm tạp hóa bước ra khi tiệm chưa mở cửa, hoá ra những lời ông khuyên đâu phải là vô ích. Lối xóm trong hẻm cũng nhìn thấy ông Hai Linh xe lam lúc sau nầy ra vô thường xuyên nhà bà Hai Chờ như cơm bữa. Riêng Chờ, từ đêm ông Linh đến để cho bà biết cái lún đồng tiền trên người ông, bà hiểu "thằng Chờ" hồi đó quả thật vẫn còn chất đàn bà chứ không như chữ "Văn" lót giữa mà cha mẹ bà đã đặt cho. Chính vì thế khi Duy báo tin đang làm đơn bảo lãnh cho bà sang Pháp bà đã viết thư gọi con về.

Duy trầm ngâm nghe mẹ kể, vừa thương cuộc đời gian truân của mẹ vừa nghi ngờ về chuyện cái lún đồng tiền trên thân thể của chàng và ông Hai. Thời đại tân tiến đâu thể chỉ một dấu vết tương đồng để xác định thân thế cội nguồn. Cần phải xét nghiệm DNA cho rõ trắng đen trước khi chàng kêu ông là "ba". Chàng đã không có cha mấy mươi năm, nay chờ thêm thời gian ngắn nữa cũng đâu hại gì.

Ông Linh khi nghe đề nghị của chàng vội vã gật đầu ngay, một mẫu tóc của ông và Duy được đưa đến Viện Di Truyền xét nghiệm. Kết quả đúng thật Duy là con của ông Linh. Ngày cha con thật sự nhìn nhau ông Linh ôm vai con xúc động trong lúc bà Chờ nước mắt lưng tròng, phải đợi đến khi đầu bạc bà mới có được ngày vui này sao. Nhưng Duy trong tận cùng trái tim chàng không nghe sự rung cảm nào, chàng kêu người đàn ông gần như xa lạ tiếng "ba" bằng cả một sự dửng dung. Cha người ta không sanh cũng dưỡng, còn cha của chàng không dưỡng mã cũng chẳng cố tình sanh. Chàng ra đời chỉ với một cơn vui tàn bạo trên thân xác của mẹ chàng thì thử hỏi tìm đâu được sự gần gũi trong ánh mắt của chàng. Mẹ chàng đã tha thứ cho ông, nhưng chàng, chuyện còn mới quá, làm sao nói được chữ thứ tha.

Hết hạn phép lưu trú Duy trở về Pháp, trước ngày chàng đi bà Chờ năn nỉ con về sống lại trên quê hương, gần gia đình. Duy ngần ngừ, không biết phải giảng nghĩa thế nào để mẹ chàng hiểu là chàng đang sống trên hai nẻo quê hương, quê mẹ thời thơ ấu cho chàng tiếng khóc chào đời và quê hương thứ hai nơi cho chàng tình yêu chồng vợ, nghĩa ân sâu nặng của cha mẹ nuôi và một cuộc sống bình an ổn định. Sống bên đây chàng nhớ bên kia, về bên kia chàng hoài vọng bên đây. Dù bây giờ Hèlène không còn nữa nhưng bao kỷ niệm vẫn còn đầy và một công việc bảo đảm tương lai đâu phải dễ tìm giữa thời buổi khó khăn nầy. Có thể một ngày nào đó, tiếng gọi cội nguồn kêu chàng trở lại nhưng bây giờ hãy còn quá sớm để nói chuyện tương lai.

Linh và Chờ đưa con ra phi trường, mỗi người mang một tâm sự khác nhau. Trong cái ngổn ngang tâm sự đó có chung một điểm cùng tự trách mình. Linh trách sự hư hỏng của mình ngày xưa nên con cái không nghe ràng buộc nghĩa tình huyết thống. Chờ giận mình sai lầm khi đánh giá tương lai bằng sang giàu, vật chất lúc đem giao con cho nguời. Duy ngày nào như cây non mới bén mầm, bà đã cho nó trưởng thành trên xứ lạ chứ không phải trên đất quê hương. Gốc rễ nó hấp thụ tinh hoa xứ người thì muốn nó trở lại đất xưa cũng cần có thời gian thay đổi. Bà đã thay đổi thành kiến với cha nó sau mấy mươi năm thì chuyện nó thay đổi ý định để trở về đâu phải là điều không thể, chỉ cần kiên nhẫn chờ đợi mà thôi.

Cuối năm đó Duy được thư và thiệp báo tin cha mẹ sắp sửa thành hôn: lễ cưới được tổ chức vào ngày Mồng 1 Tết. Linh và Chờ muốn ngày vui của họ hòa trong ngày hoán chuyển thời gian như cuộc tình chẳng có đoạn đầu của họ đã được hoán chuyển bằng tâm từ mà Chờ đã buông xả, thứ tha cho Linh để có đoạn hậu tuy muộn màng nhưng đầy yêu thương hạnh phúc. Ngoài chuyện lễ cưới của mình, Chờ muốn con về sớm để hưởng không khí Tết, để thấy lại hoa mai, hoa vạn thọ trưng bày trong miễu, thấy múa lân đi từ trong hẻm ra đến bến sông và ăn một cái Tết truyền thống đúng nghĩa. Chờ viết thêm "mẹ biết con thích ăn bánh ổ chiên giòn nên đã nhờ cô Oanh con bà Tư lối xóm làm xong gần chục ổ bánh chờ con về. Con nhớ Oanh không? Con bé đi học tiểu học với con hồi xưa đó, nó vẫn chưa có chồng con à".

Duy mỉm cười xếp thư lại. Cuối cùng rồi thì mẹ chàng cũng tìm được bến bình an, chứng tỏ cha chàng không hẳn là người hoàn toàn xấu. Chàng đến vuốt ve ảnh vợ trên tường, khẽ hỏi "Em cho phép anh về ăn bánh ổ cô hàng xóm cũ không Hélène?" Và hơn bao giờ hết tự dưng chàng thèm một cuốn bánh tráng dưa giá, rau thơm chấm nước thịt kho hòa tương ớt - thèm vô cùng.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsong.org.]







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2570