Đi Về Có Nhau (Phần 2)
Date: Friday, September 09 @ 10:14:42 EDT
Topic: Mái Ấm Gia Đình


Hoạt Phạm 

“Đi tìm vàng, con người đã đánh mất một điều còn quý hơn vàng” Tom Kean –70 tuổi, là Cựu Thống Đốc New Jersey, là 9-11 Commission Chairmain, và là President of Drew University-- nói với 497 sinh viên tốt nghiệp và khoảng 3,500 thính giả trong ngày lễ mãn khoá năm 2005. Trích bản dân ca, “Cat’s in the Cradle,” về nỗi ân hận của một người cha đã không có giờ cho con, khi nhận ra thì đã quá trễ, ông nói tiếp với sinh viên “Đừng! xin đừng! Bừng con mắt dậy trong tuổi của già này để phải ca những lời như thế.”
Có cảm tưởng như ông Kean nói với chính nàng, nghĩ tới chồng, tới hai đứa con Ngân cảm thấy nhột nhạt, không ổn.

Vấn Đề

Công việc Ngân mới nhận đòi hỏi nàng phải xa nhà 5 ngày một tuần: sáng Thứ Hai ra đi khi trời còn tối, đêm Thứ Sáu trở về khi trời đã khuya; nếu chuyến bay trễ, Ngân về tới nhà thì đã nửa đêm về sáng. Mệt nhoài với những chuyến đi, Ngân ngủ nướng thêm vài giờ sáng Thứ Bảy. Khi thức dậy, thường Ngân thấy nhà vắng tanh, Khánh chở cô con gái và cậu con trai tới những buổi sinh hoạt riêng của mỗi đứa. Gần trưa, Ngân làm công việc “nội trợ”: đi chợ, nấu ăn. Cả gia đình thường ăn tối tại một nhà hàng nào đó, nhưng Ngân vẫn phải nấu ăn một tuần cho ba bố con. Chúa Nhật, sau khi tham dự lễ nhà thờ, có thể Ngân và Khánh tham dự một buổi sinh hoạt nào đó của nhóm bạn bè; Tâm và Trí cảm thấy lạc lõng, nhàm chán về những buổi họp này, nên thường kiếm cách không đi chung với bố mẹ. Trước khi đi ngủ, Ngân chuẩn bị cho chuyến đi sáng sớm Thứ Hai. “On the road again”, Ngân lẩm bẩm một mình. Thế là hết ngày Thứ Bảy và Chúa Nhật! Ngân cảm thấy cuối tuần thật ngắn ngủi.

Khánh là financial officer. Cả ngày chàng bận rộn với khách hàng, nhưng chiều đến, cảm thấy rất cô đơn. Ba bố con giản dị hoá bữa cơm chiều: phần lớn dùng thức ăn Ngân đã nấu sẵn, nhưng cũng rất nhiều lần “take out” hay “delivered pizza”. Hình như  việc đối thoại hàn huyên cũng rút gọn; sau bữa ăn, bố về phòng bố, con về phòng con. Khánh đọc sách, xem tivi, điện thoại bạn bè, nhưng quan hệ vợ chồng chàng mong muốn thì thiếu vắng. Khánh Ngân thương nhau vì tình; một cách chính xác hơn: hai đứa lấy nhau vì đáp ứng được những nhu yếu tình cảm sâu kín của nhau. Với sức mạnh của tình yêu hai đứa dìu nhau trên mọi nẻo đường, ngay cả nẻo đường trần ai nhất như chuyến vượt biên, thời hàn vi của hai sinh viên di cư… Khi công thành danh toại, khi có sự nghiệp, có nhà cao cửa rộng, có tự do, có sự an toàn, có con cái ngoan hiền thì chàng lại cảm thấy những nhu yếu tình cảm lại rơi vào tình trạng hụt hẫng nghèo nàn, ngay cả nội tại cuộc sống cũng thành nghèo nàn tẻ nhạt.

Vì đâu?

Khánh Ngân đến tham dự buổi hội thảo về đề tài “Quality time together” do xóm đạo tổ chức. Điều họp viên của buổi hội thảo đưa ra nhận định, người tham dự chia sẻ kinh nghiệm như sau:

1) Trong bối cảnh kinh tế và kỹ thuật hiện nay, rất nhiều cặp vợ chồng phải làm việc xa nhau: chinh phu hay chinh phụ phải chinh chiến xa nhà sáu tháng, một năm; chồng hoặc vợ phải đổi đi làm xa, khi người còn lại chưa tìm ra công việc thích hợp cùng chỗ; chồng hoặc vợ phải tạm thời sáng Thứ Hai đi làm, thật muộn chiều Thứ Sáu mới về… Dù trong hoàn cảnh nào, một sự kiện chung là vợ chồng phải xa nhau.

Một chị phát biểu: khi thời gian công tác của chồng tôi tiếp diễn hết tuần này sang tuần khác, tháng này sang tháng khác, thì sự căng thẳng tâm lý cả hai vợ chồng mỗi ngày mỗi tăng và quan hệ giữa tụi này bớt dần sự hoà nhã, dịu hiền. Hình như sự cộc cằn nóng nảy giử đi sẽ nhận lại sự bẳn gắt thiếu dịu ngọt trở lại.

Một giọng khác góp ý: sự thiếu vắng nhau ảnh hưởng tới tâm trạng và cuộc sống, tôi bắt gặp mình rơi vào trạng thái xuống tinh thần, nhiều khi ra ngẩn vào ngơ như một kẻ tương tư, không làm xong được chuyện gì ra hồn.

2) Rất nhiều cặp vợ chồng không cho nhau “quality time” mỗi tuần. Những cặp mà vợ hoặc chồng phải đi làm xa mỗi tuần chẳng những “quantity time” đã không còn, mà “quality time” cũng không có. Một chia sẻ làm nhiều người cười, nhưng lại rất thật, rất không vui chút nào: Chúng tôi có một gái, hai trai, tuổi 12, 9 và 3. Mỗi ngày thức giấc khi “gà cõng con đi đái” vợ tôi lúc 5:00, tôi vài phút sau đó. 6:30 tôi thả đứa con trai 3 tuổi ở day-care rồi đi thẳng tới sở. Vợ tôi lo cho hai đứa lớn kịp đón xe school-bus rồi đi làm. 3:30 chiều tôi về tới nhà, lo thức ăn trưa cho ngày mai, sắp xếp cơm chiều và giúp hai đứa lớn làm home-works. Vợ tôi và cháu út về tới nhà khoảng 5:00 giờ tối. Tôi chơi với cháu để vợ tôi lo cơm chiều. Khoảng 7:30 cơm nước xong, lo tắm rửa và cho con đi ngủ lúc 9:00. Vợ tôi chuẩn bị cho ngày mai, tôi lo giải quyết những chuyện vô đề trong nhà rồi leo lên giường lúc 11:00 trong khi vợ tôi thiếp ngủ ở phòng khách và chả biết khi nào nàng lên giường. Cả ngày hình như hai vợ chồng không hề đụng tới nhau hay nói một lời yêu thương trìu mến, ngoại trừ cái hôn vội vã ban sáng khi đi làm. Hình như khi ít nói với nhau sẽ đưa tới tránh né không muốn nói với nhau về những chuyện cần bàn với nhau, từ đó sinh ra nhiều hiểu lầm, đoán ý, xung khắc, giận hờn.

Biết làm sao đây?

Những chia sẻ của những người khác nghe thật quen thuộc gần gủi với cảm nghiệm của Khánh Ngân. May quá, một câu than có vẻ cầu cứu “biết làm sao đây?” Dựa vào câu hỏi cầu cứu đó, điều hợp viên có vài đề nghị sau:

1) Dành-giờ-cho-nhau:

Bao nhiêu giờ? 15 giờ mỗi tuần là lý tưởng nhất! 15 giờ một tuần! Ngân liếc nhìn phản ứng của các cặp vợ chồng khác, cặp thì lắc đầu, cặp thì rầm rì phản đối tìm đâu ra 15 giờ một tuần với nhau. Trong một nếp sống phải phân chia thời giờ cho đủ thứ hoạt động: từ giặt giũ, chợ búa, nhà trường, nhà thờ, kiếm sống… tìm ra được thời-giờ-cho-nhau cũng giống như bước ra đường nhặt được hạt kim cương.

Ai cũng thấy điều này quan trọng, nhưng rất ít người thực hiện. Không có thời giờ cho nhau chẳng những không đáp ứng được những nhu yếu tình cảm mà còn tạo ra những tổn thương trong lãnh vực tình cảm. Một yếu tố làm lụt đi tương quan tình nghĩa vợ chồng là vì không dành thời giờ cho nhau. Nhiều chuyện khác chiếm ưu thế hơn tình nghĩa: sự nghiệp, con cái, thú tiêu khiển, sinh hoạt cộng đồng, và những theo đuổi cá nhân.

Khi quan hệ tình nghĩa không được chăm sóc và ưu tiên họ thường cãi lộn gây gỗ ngay cả khi chỉ có chút thời giờ với nhau; gây lộn về những vấn đề nhỏ mọn hằng ngày: bills chưa trả, nhà chưa quyét, con cái ương nghạnh. Gây lộn về chuyện “ai làm việc gì trong nhà” chỉ là hiện tượng cho thấy vấn đề trầm kín hơn: cảm giác bị biệt lập, cô đơn, oán giận. Họ cãi cọ về những chuyện tầm thường khi những tình cảm nhu yếu không được thảo mãn, chẳng hạn không rót cho một ly nước trở thành dấu hiệu của sự lạnh nhạt, thờ ơ.

Dĩ nhiên, không phải vì không-đủ-thời-giờ-cho-nhau, tự nó, đưa tới khủng hoảng, nhưng không có thời giờ không cách chi thoả mãn nổi những nhu yếu để có một hôn nhân tốt đẹp; thiếu vắng thời giờ thì những chăm sóc cá nhân cần thiết để duy trì tình yêu sẽ thiếu vắng. Một nhận định rất đáng chú ý là tìm lại tình yêu với nhau sẽ khó hơn rất nhiều so với khi yêu thuở ban đầu.

2) Cam-kết-bảo-toàn-thời-giờ-dành-cho-nhau:

Trước khi bàn với nhau về “làm cách nào” để có giờ bên nhau, vợ chồng cần quyết định “sẽ có giờ cho nhau”. Xem ra có vẻ đơn giản, thực ra rất nhiều cặp vợ chồng đã không làm được. Vậy muốn có một hôn nhân nồng nàn say đắm, vợ chồng hãy cầm tay nhau, mắt trong mắt và đoan hứa “cưng ơi, chúng ta phải dành giờ cho nhau”, viết xuống, ký tên, đề ngày tháng và cùng nỗ lực thực hiện.

3) Cách nào?

Mỗi cặp vợ chồng có những sáng kiến riêng, dưới đây là một vài đề nghị:

a) Ghi trên lịch: Hãy làm như buổi hẹn hò, cần nêu rõ thời giờ, nơi chốn. Nếu chỉ đơn sơ ghi rằng “dành giờ cho bạn đường hôm nay”, những thứ cản mũi kỳ đà như lau nhà, giặc quần áo, đi chợ, điện thoại… sẽ lấn hết thời gian.

b) Mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: Có khi chỉ nói về chuyện trong ngày, có khi để giải quyết những xung khắc, có khi chỉ để vui chơi. Cần nhất không để những nhu cầu khác xen lấn vào thời giờ hai người đã cam kết cho nhau. Giờ vợ chồng cho nhau phải là thời gian toàn vẹn, không bị chia cắt, không bị quấy rầy.

c) Một nơi thích hợp: Mùa đông, bên cạnh lò sưởi có vẻ ấm cúng thân thương, ghế đá công viên trong mùa hè dẫn lối cho sự cởi mở thông cảm. Phòng ngủ có thể là một nơi lý tưởng để tâm tình, nhưng không nên dùng khuê phòng để giải quyết xung khắc; đó là nơi của sự thân mật nồng ấm.

d) Có mục tiêu: Hai người phải cùng trả lời câu hỏi như nhau “Tại sao lúc này, ở đây hai đứa mình muốn dùng thời gian bên nhau?” Chỉ có thế hai người mới thực muốn đạt cùng mục tiêu.

e) Đừng bỏ cuộc: tiếp tục làm lại. Yêu nhau thì ba sông cũng lội chín mười đèo cũng qua.

4) Làm gì?

“OK! Chúng mình muốn dành giờ cho nhau, nhưng điều gì mình có thể làm?” Thời giờ của vợ chồng bên nhau để thoả mãn những nhu yếu tình cảm của nhau, như: sự âu yếm, trò chuyện, làm tròn đầy nhu cầu tính dục, giải trí để tăng thêm tương quan vợ chồng. Nếu vợ chồng  đã lâu ngày không có giờ cho nhau, những “buổi hẹn hò” ban đầu có hơi lúng túng và cảm thấy không thoải mái trong cách ứng xử. Tuy nhiên một khi đã chấp nhận theo những điều-ước-đã-cùng-đồng-ý-với-nhau, những lúng túng sẽ tan dần và cả hai sẽ tìm thấy được những khích lệ, tán thưởng cho sự cố gắng của mình. Thời gian cho nhau là lúc deposit trong account tình yêu của hai người và bảo đảm một hôn nhân hạnh phúc.

Xong khoá hội thảo, trên đường lái xe về nhà, Ngân Khánh biết điều gì cầân làm; họ rất tha thiết với tình yêu, với hôn nhân và với gia đình của mình. Ngân cười vui và cảm thấy tâm hồn bình an, tự nhủ đêm nay mới thật là đêm. Khánh liếc nhìn Ngân: “em cười gì vậy?”

Mạch Sống Số 37, tháng 7, 2005

 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=257