Thêm Người Tị Nạn từ Thái đến HK
Date: Thursday, September 06 @ 00:41:39 EDT
Topic: Tị Nạn


Thêm Đồng Bào Tị Nạn Đến Hoa Kỳ Từ Thái Lan

Mạch Sống, ngày 5/9/2012

Ngày hôm nay, thêm hai gia đình giáo dân Cồn Dầu đến Hoa Kỳ định cư sau hơn hai năm sống lẩn trốn ở Thái Lan. Như vậy tổng cộng đã có 14 người tị nạn từ Cồn Dầu đến Hoa Kỳ định cư trong mấy tháng gần đây.

Theo Ls. Võ Hoàng An-Phong, khoảng 40 người tị nạn từ Cồn Dầu cũng sẽ lên đường định cư trước cuối năm nay. Cô cũng cho biết là, ngoài số trên 80 đồng bào từ Giáo Xứ Cồn Dầu, Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý của BPSOS đang giúp đỡ cho nhiều trăm đồng bào khác, kể cả các nhà tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo, chủ quyền quốc gia… trong tiến trình chứng minh tư cách tị nạn.

Theo ước lượng của BPSOS, hiện có gần 900 đồng bào chạy sang Thái Lan lánh nạn kể từ đầu năm 2007, thời điểm mà chế độ cộng sản khởi đầu cuộc đàn áp rộng khắp và thô bạo ở Việt Nam, đến nay.

Theo Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành BPSOS, Văn Phòng Trợ  Giúp Pháp Lý được tài trợ hoàn toàn bởi những đóng góp ân tình của đồng bào hải ngoại.

“Chúng tôi vô cùng tri ân tấm lòng của biết bao đồng hương, đặc biệt là đồng hương ở Houston, đã giúp phương tiện cho văn phòng này hoạt động trong hơn hai năm qua,” Ts. Thắng nói.

Các người tị nạn chia tay với Ls. An-Phong tại phi trường Bangkok, ngày 5/9/2012 (ảnh BPSOS)



Ông cho biết là cộng đồng người Việt ở Houston đã đứng mũi chịu sào trong việc quyên góp tài chánh và gởi nhân sự tham gia Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý. Hai vị luật sư phục vụ tại văn phòng này đều đến từ Houston. Một thiện nguyện viên, vừa hoàn tất 6 tháng phục vụ về đời sống cho đồng bào lánh nạn, cũng đến từ Houston.

Theo Ts. Thắng, yếu tố quan trọng là trong cộng đồng Houston nhiều vị lãnh đạo tôn giáo, đặc biệt là Công Giáo và Phật Giáo, cùng hợp sức kêu gọi sự yểm trợ và dấn thân của đồng hương trong vùng. Ngày 22 tháng 7 vừa qua quý vị lãnh đạo tôn giáo và nhiều nhân sĩ ở Houston đã chung sức tổ chức buổi gây quỹ, thu được 38,620.05 Mỹ kim để yểm trợ Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý. Một số giáo dân Cồn Dầu vừa đến từ Thái Lan đã đến tận nơi để đại diện hàng trăm đồng bào lánh nạn khác tri ân cộng đồng người Việt ở hải ngoại đã cưu mang họ.

“Việc trợ giúp pháp lý hiện nay là vấn đề sinh tử cho các đồng bào này,” Ts. Thắng giải thích. “Người Việt đến Thái Lan lánh nạn không còn đương nhiên được xét là tị nạn. Họ phải qua kỳ phỏng vấn rất khắt khe bởi Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc.”

Ngay cả những người từng bị tra tấn, tù đày cũng đã bị từ khước tư cách tị nạn, Ts. Thắng cho biết. Vì tuyệt vọng 10 đồng bào đã về lại Việt Nam và đã bị bắt. Ba người trong số này đã trốn thoát sang lại Thái Lan; họ cho biết đã bị đánh đập dã man, bị tra tấn liên tục trong nhiều tháng, và bị bắt phải chỉ điểm những người khác.

Sau khi từ chối tư cách tị nạn của họ, CUTN/LHQ bảo họ có thể hồi hương trong an toàn, nhưng chuyện đã xảy ra hoàn toàn ngược lại. Hiện nay CUTN/LHQ vẫn chưa tái xét cho ba người này mặc dù có các bài báo ở Việt Nam tường thuật về việc họ bị bắt và giam giữ khi hồi hương.

Trong thời gian 2 năm hoạt động, Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý đã giúp hồ sơ xin tị nạn cho khoảng 360 đồng bào, vận động các hội đoàn Thái Lan can thiệp cho 7 đồng bào được thả vì lý do nhân đạo sau khi họ bị cảnh sát bắt và bị giam từ nhiều tháng đến nhiều năm.

Người Việt lánh nạn ở Thái Lan giờ đây bị xem là cư trú bất hợp pháp. Do không còn trại tị nạn, họ phải sống lẩn lút giữa người dân Thái và thường xuyên phải đối đầu với nguy cơ bị cảnh sát bắt giam và trục xuất về Việt Nam. Con em của họ không được đến trường.

Trước tình cảnh này, văn phòng đã mở lớp “dã chiến” cho khoảng 50 trẻ em của các gia đình lánh nạn. Một số lớp do thiện nguyện viên người Thái dạy. Đối với các em ở xa xôi, BPSOS cung cấp máy điện toán cho một số gia đình làm địa điểm tập trung để các em sống trong vùng tham gia lớp học do các thầy giáo thiện nguyện ở Hoa Kỳ hướng dẫn qua internet. 

Ls. An-Phong cho biết là văn phòng đang cố gắng mở thêm nhiều lớp như vậy để hàng trăm trẻ em không bị thất học.Nhiều chục người lớn cũng được sắp xếp để tham dự các lớp Anh văn qua Skype.

Một công việc mà BPSOS âm thầm thực hiện để giúp đỡ về đời sống cho các đồng bào đang sống lẩn lút ở Thái Lan là đi tìm những nguồn trợ cấp tài chính cho họ. BPSOS giới thiệu từng nhóm hay từng gia đình với các nguồn tài trợ của người Việt ở hải ngoại và của quốc tế. Các nguồn này quyết định tài trợ hay không và ở mức độ nào chiếu theo những tiêu chuẩn của họ. Đến nay số tiền tài trợ xin được đã lên đến trên 160,000 Mỹ kim. Khoảng 1/3 số tiền này đến từ cộng đồng người Việt ở Houston, dành phần lớn cho các giáo dân Cồn Dầu. Số còn lại đến từ các tổ chức quốc tế.

“Chúng tôi chủ trương không trực tiếp trợ giúp về đời sống vì muốn tập trung mọi tài nguyên nhằm tranh đấu về quy chế tị nạn cho đồng bào. Thay vào đó, chúng tôi sắp xếp nhân sự để tìm tòi các nguồn trợ cấp và giới thiệu họ trực tiếp với các nguồn tài trợ ấy", Ts. Thắng giải thích.

Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý đã thiết lập trang blog Để cung cấp thông tin chính xác cho đồng bào lánh nạn về thể thức của CUTN/LHQ, chính sách của đất nước chủ nhà Thái Lan, các cách thức phòng thân, các chương trình trợ giúp… cũng như để giải đáp thắc mắc của đồng bào: http://bpsosrcs.wordpress.com.

 

Bài liên quan:

Thêm hai gia đình giáo dân Cồn Dầu được đi Mỹ:
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/con-dau-update-tt-09042012101551.html

 

Hiện có khoảng gần 900 đồng bào đang lánh nạn ở Thái Lan trước cuộc đàn áp ngày càng leo thang ở Việt Nam. Để đối phó, năm 2010 BPSOS phối hợp với một tổ chức địa phương để thành lập Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý ở Bangkok. Chúng tôi rất cần sự tiếp tay của mọi người có lòng với đồng bào, của những cựu thuyền nhân đã từng sống qua cuộc đời tỵ nạn, của những tổ chức từ thiện, và của tất cả những ai quan tâm đến thân phận của những nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo giờ đây đang phải lánh nạn vì bị đàn áp và truy lùng. Mỗi người một tay, góp gió thành bão.

Mọi đóng góp sẽ được cấp giấy trừ thuế và xin gởi về:

BPSOS/RCS
PO Box 8065
Falls Church, VA 22041 - U.S.A.







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2506