Đòi Tài Sản: Giải Đáp Thắc Mắc (2)
Date: Sunday, August 26 @ 10:56:10 EDT
Topic: Đòi Tài Sản


Chiến Dịch “Người Mỹ Gốc Việt Đòi Tài Sản”
Giải Đáp Thắc Mắc (Phần 2)

BPSOS, Ngày 26/8/2012

Trong mấy ngày qua chúng tôi tiếp tục nhận được thắc mắc từ đồng hương về một số vấn đề liên quan đến chiến dịch này. Dưới đây là câu trả lời chung của chúng tôi.

Hỏi: Những người không bị tước đoạt tài sản có nên tham gia ký tên Kiến Nghị Cảnh Báo gởi TT Obama?

Đáp: Mục đích ngay trước mắt của Kiến Nghị này là cảnh báo TT Obama rằng Hoa Kỳ phải lập tức chế tài chính quyền Việt Nam theo luật định vì đã tước đoạt tài sản của rất nhiều công dân Hoa Kỳ gốc Việt. Những ai trước đây đã từng vận động đưa Việt Nam vào danh sách CPC vì đã đàn áp tôn giáo một cách thô bạo, hay đã từng vận động cho dự luật nhân quyền cho Việt Nam, đều nên tham gia vì đây là cơ hội để vận dụng luật hiện hành với biện pháp chế tài mà Hành Pháp Hoa Kỳ bắt buộc phải thi hành.

Hỏi: Các biện pháp chế tài này ra sao?

Đáp: Có 3 biện pháp chế tài mà Hành Pháp Hoa Kỳ bắt buộc phải thi hành đối với các quốc gia xâm phạm tài sản của công dân Hoa Kỳ. Thứ nhất, Tổng Thống phải ngưng mọi viện trợ cho quốc gia ấy. Thứ Hai, Hành Pháp Hoa Kỳ phải ngăn chặn không cho các định chế tài chánh quốc tế cho quốc gia ấy vay tiền. Thứ Ba, Tổng Thống Hoa Kỳ không được ban cấp cho quốc gia ấy đặc quyền mậu dịch Ưu Đãi Thuế Quan Tổng Quát (Generalized System of Preferences, vi ết tắt là GSP). Việt Nam đang ráo riết vận động để được hưởng đặc quyền này để không phải đóng thuế trên các mặt hàng xuất cảng vào thị trường Hoa Kỳ.

Hỏi: Từ năm 2007 đến giờ cộng đồng Việt đã vận động đưa Việt Nam vào danh sách CPC để bị chế tài nhưng không được. Cũng vậy, trong hơn mười năm qua chúng ta đã vận động cho Dự Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam nhưng đều bị chặn ở Thượng Viện. Cuộc vận động lần này có gì khác?



Đáp: Điều khác trước hết là chúng ta vận dụng các luật đã có sẵn chứ không phải chờ dự luật Nhân Quyền Cho Viêt Nam được thông qua thành luật. Điều khác thứ hai là, trong lãnh vực nhân quyền, Hành Pháp có rộng quyền để quyết định có áp dụng biện pháp chế tài hay không. Chẳng hạn, vừa qua Hành Pháp Obama vẫn không đưa Việt Nam vào danh sách CPC dù tình trạng đàn áp tôn giáo đã leo thang trầm trọng. Còn đối với một quốc gia tước đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ thì Hành Pháp bắt buộc phải thực thi các biện pháp chế tài đã kể trên chứ không thể tuỳ nghi. Nói cách khác, chúng ta có thêm một phương tiện hữu hiệu. Đối với người bị tước đoạt tài sản thì đây là cơ hội để đòi công lý; đối với những ai quan tâm đến đồng bào, dân tộc và đất nước, đây là phương tiện đấu tranh.

Hỏi: Những người bỏ nước ra đi bị tịch thu tài sản thì khi ấy vẫn còn là công dân Việt Nam, chứ đâu đã là công dân Hoa Kỳ để nói rằng chính quyền Việt Nam tịch thu tài sản của công dân Hoa Kỳ?

Đáp: Nhà và đất của những người di tản năm 1975 và của những người vượt biên sau đó bị xem là vắng chủ. Chính quyền Việt Nam trực tiếp quản lý các nhà và đất vắng chủ ấy. Ngày 14 tháng 4, 1977 Hội Đồng Chính Phủ ra Quyết Định 111 về việc quản lý các nhà và đất vắng chủ. Quản lý nghĩa là giữ hộ cho người chủ vắng mặt; khi họ về thì sẽ giải quyết sau. Mãi đến năm 1993 Quốc Hội Việt Nam mới ban hành luật để quốc hữu hoá đất vắng chủ. Mười năm sau, năm 2003, họ mới quốc hữu hoá nhà vắng chủ. Vào các thời điểm này thì rất nhiều người bỏ nước ra đi đã là công dân Hoa Kỳ. Nghĩa là chính quyền Việt Nam đã tước đoạt tài sản của rất nhiều công dân Hoa Kỳ.

Hỏi: Ngoài hai đợt tước đoạt tài sản này, còn có những hình thức tước đoạt tài sản nào khác?

Đáp: Một hình thức tước đoạt tài sản cũng rất phổ biến và rất trắng trợn liên quan đến tài sản chung giữa người ở Việt Nam và người ở Hoa Kỳ. Chẳng hạn có trường hợp hai anh em, một người ở Việt Nam một người  ở Hoa Kỳ. được thừa kế căn nhà của bố mẹ. Khi người ở Việt Nam bán căn nhà ấy đi, lập tức chính quyền Việt Nam tịch thu phần nửa của người ở Hoa Kỳ, với lý do người ấy là công dân Hoa Kỳ nên không có quyền thừa hưởng gia sản ở Việt Nam. Rõ ràng là chính quyền Việt Nam rắp tâm tước đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ. Ngoài ra, trong số hồ sơ mà chúng tôi đã thu thập được, còn có nhiều hình thức tước đoạt tài sản khác nữa.

Hỏi: Đã có trường hợp khổ chủ về Việt Nam đòi tài sản và được trả lời rằng, chính quyền sẵn sàng trả lại tài sản nhưng khổ chủ phải đóng đủ loại thuế, cuối cùng bị lỗ. Như vậy thì phải chăng đòi được tài sản cũng như không?

Đáp: Luật pháp Hoa Kỳ ấn định rằng Uỷ Hội Liên Bang Giải Quyết Các Đòi Hỏi Bồi Thường (Federal Claims Settlement Commission) là cơ chế định giá để đòi hỏi quốc gia kia bồi thường, chứ đâu phải chính quyền đã tước đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ lại có thể lý luân tuỳ tiện. Còn trường hợp kể trên xẩy ra là vì khổ chủ đơn thân đi về Việt Nam cầu cạnh hay đôi co vô ích với một chính quyền đã rắp tâm tước đoạt tài sản của dân và cũng chẳng tôn trọng ngay chính luật pháp của họ đề ra.

Hỏi: Biết ai để đòi tài sản khi miếng đất hay căn nhà đã chuyền qua nhiều tay khác nhau và cuối cùng bán cho người hiện đang cư ngụ?

Đáp: Một khi chính quyền Hoa Kỳ đã thi hành trách nhiệm bảo vệ tài sản cho công dân Hoa  Kỳ thì họ chỉ làm việc với chính quyền Việt Nam để đòi bồi thường vì chính quyền Việt Nam là thủ phạm tước đoạt. Còn việc phải đối phó với tình trạng tài sản đã sang tay nhiều lần hay phải điều đình với người đang cư ngụ như thế nào thì đó là trách nhiệm của chính quyền Việt Nam, không thuộc lãnh vực mà chính phủ Hoa Kỳ hay chúng ta phải quan tâm. Giải thích sâu thêm một tí, trong hơn 60 năm kinh nghiệm đòi tài sản cho công dân, chính phủ Hoa Kỳ đã có ba phương cách giải quyết: đòi hoàn trả tài sản, đòi đổi cho một tài sản khác ngạng tri giá, và đòi bồi thường theo trị giá ấn định bởi Hoa Kỳ.

Hỏi: Khi đòi tài sản, làm sao biết được tài sản nào hợp lệ để đòi?

Đáp: Năm 1949 Quốc Hội Hoa Kỳ thành lập Uỷ Hội Liên Bang Giải Quyết Các Đòi Hỏi Bồi Thường Tài Sản. Uỷ Hội này cứu xét các đơn đòi bồi thường của công dân Hoa Kỳ, xác định tính cách hợp lệ và định giá tài sản để đòi bồi thường.

Hỏi: Làm sao chiến dịch đòi tài sản cho công dân Hoa Kỳ lại có thể ngăn chặn hay trì hoãn chính sách cưỡng chế đất?

Đáp: Việc một chính quyền cưỡng chế đất đai của dân là chuyện nội bộ một quốc gia, Hoa Kỳ không thể và không muốn can thiệp. Tuy nhiên nếu cưỡng chế đất đai của công dân Hoa Kỳ, thì đây không còn là chuyện nội bộ của một quốc gia vì đã ảnh hưởng đến quyền lợi, tài sản của công dân Hoa Kỳ. Chính phủ Hoa Kỳ bắt buộc phải can thiệp. Dựa vào sự can thiệp này, chúng ta đòi hỏi chính phủ Hoa Kỳ yêu cầu Việt Nam ngưng mọi ý định cưỡng chế đất vì khu cưỡng chế có thể có lẫn tài sản của công dân Hoa Kỳ, và như vậy chính quyền Việt Nam lại vô tình hay cố ý tước đoạt thêm tài sản của công dân Hoa Kỳ.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thu thập các thắc mắc chính đáng của đồng hương để tuần tự giải đáp.  

Chiến Dịch “Người Mỹ Gốc Việt Đòi Tài Sản”
- Đưa Việt Nam vào danh sách chế tài theo luật Hoa Kỳ
- Chặn nguy cơ đồng bào nông dân bị cưỡng chế đất hàng loạt sang năm

- Tranh đấu cho nguyên tắc dân làm chủ đất, chứ không phải đảng cộng sản

- Đòi công lý cho hàng trăm nghìn công dân Hoa Kỳ bị tước đoạt tài sản
Xin ký Kiến Nghị Cảnh Báo gởi TT Obama tại: http://wh.gov/4oS4
Cần giúp đỡ ký, xin gọi đường dây miễn phí: 1-888-988-8718, bấm số 1

hay 703-538-2190, hay xem chỉ dẫn tại
www.bpsos.org.

 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2497