Đo Lường Và Phối Kiểm Thành Quả
Date: Friday, June 22 @ 20:13:10 EDT
Topic: Quan Điểm


Ts. Nguyễn Đình Thắng

Nói mà không làm thì chắc chắn là không tạo được thành quả. Làm mà không nhắm đạt thành quả thì cũng vô tích sự không kém.

Muốn có thành quả thì trước khi làm đã phải tiên liệu thành quả sẽ đạt được, còn được gọi là mục tiêu. Khi kêu gọi người khác cùng làm với mình, thì phải báo trước những thành quả tiên liệu.

Thành quả là sự thay đổi mong muốn nơi đối tượng. Do đó, trước khi nói đến thành quả thì phải biết đâu là đối tượng.

Sự thay đổi ấy phải đo lường được, kiểm chứng được.

Nếu không kiểm chứng được sự thay đổi tiên liệu nơi đối tượng thì không có thành quả.



Chẳng hạn, khi vận động chính giới thì cần xác định đối tượng là các vị nào trong chính giới và phải tiên liệu những thay đổi đo lường và phối kiểm được mà mình mưu cầu nơi họ. Nếu một chính khách không ủng hộ công cuộc của mình thì thành quả tiên liệu có thể là sự thay đổi quan điểm nơi người ấy. Còn như vị chính khách đã ủng hộ thì sự thay đổi có thể là từ thái độ chuyển sang hành động, như đưa ra một đạo luật. Còn như vị chính khách vốn đã ủng hộ nay chỉ nhắc lại sự ủng hộ ấy thì chẳng có gì thay đổi nơi đối tượng, nghĩa là chẳng đạt thành quả nào.

Tập quán thường thấy nơi những ai không chú tâm đến thành quả là hay nói về hoạt động của mình, như là việc ra điều trần tại Quốc Hội, tiếp xúc với giới chức Bộ Ngoại Giao, tổ chức một sinh hoạt nào đó ở Quốc Hội, tham dự một buổi hội luận, tổ chức cuộc biểu tình, viếng thăm một văn phòng dân biểu... mà không nhắc gì đến thành quả nhắm đến khi hành động.

Trong nhãn quan thành quả thì chẳng nên mất thì giờ, tốn giấy mực để nói về hoạt động trừ khi có ý hướng dẫn người khác hành động cho có hiệu quả. Trong trường hợp ấy, người báo cáo hoạt động càng phải tuyên bố trước thành quả sẽ đạt được, rồi sau đó chứng minh công dụng của từng hoạt động bằng cách đối chiếu thực tế so với điều đã tiên liệu.

Cũng như đoàn người leo núi, trước khi cất bước đầu tiên thì đã phải biết rõ đỉnh núi muốn leo đến. Rủ nhau khởi hành mà không dự báo điểm đến thì tất nhiên là phí công vô ích. Dọc đường, đoàn người cần mách nhau những yếu tố bất trắc hay thuận lợi ngay khi được nhận diện. Nhưng khoe nhau bước đi ngắn, dài của mình mà không có dụng ý hướng dẫn cho cả đoàn tiến bước thì là điều vô bổ và nhiều khi lại còn làm mất tập trung vào lộ trình và mất định hướng về điểm đến.

Việc trọng đại của dân tộc đòi hỏi mỗi người trong chúng ta tinh thần trách nhiệm khi kêu gọi người khác hợp tác hay yểm trợ để không phí hoài thời gian, công sức của mọi người và làm lỡ vận cho dân tộc. Trong tinh thần trách nhiệm, khi đứng ra kêu gọi ai khác, chúng ta phải:

(1)    Nói rõ đâu là đối tượng sẽ tác động;

(2)    Nói trước sự thay đổi có thể đo lường và phối kiểm mà mình dự kiến sẽ xảy ra nơi đối tượng;

(3)    Báo cáo sự thay đổi nơi đối tượng 3 hoặc 6 tháng sau đó để mọi người kiểm chứng; và

(4)    Tránh nói khơi khơi về hoạt động mà không nhằm hướng dẫn cho mọi người cùng nhau tiến đến thành quả đã được tiên liệu.   

Thực hành những nguyên tắc ấy, chúng ta sẽ tập trung công sức và thời giờ của mình và của những ai hợp tác hay yểm trợ mình vào những việc có định hướng, và loại bỏ đi những việc không hiệu quả; chúng ta sẽ phân định được việc đúng để cùng làm thay vì hành động theo cảm tính, và tránh được tâm lý khoe thành tích riêng thay vì cốt ý đạt thành quả chung.

Trong tinh thần trách nhiệm và xây dựng, chúng ta cần mạnh dạn và thường xuyên nhắc nhở lẫn nhau những nguyên tắc ấy.

 

Bài liên quan:

Có tích sự:

http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2417

Thành quả thay vì thành tích (Thông Điệp Hy Vọng & Trách Nhiệm, trang 201):

http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2337







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2452