Phụ Nữ Việt Louisville, KY Phòng Bệnh
Date: Wednesday, March 21 @ 12:33:08 EDT
Topic: Sức Khoẻ


Nguyễn Thúy Loan

Câu nói "Phòng Bệnh Hơn Chữa Bệnh" đã được số đông chị em phụ nữ Việt Louisville thực hiện có hiệu quả qua việc dành thời gian chăm lo sức khỏe cho chính mình và nhanh chóng ghi tên khám vú. Các chị hiểu được phương pháp tốt nhất để ngăn ngừa căn bệnh ung thư chết người này là đi chụp quang tuyến hàng năm cốt sớm tìm ra triệu chứng để chữa trị kịp thời.

Chị em phụ nữ ngồi đợi chụp hình mammogram. (ảnh BPSOS)



Nhằm giúp phụ nữ Việt Louisville nâng cao hiểu biết về phòng ngừa bệnh ung thư vú để chị em yên tâm hơn về sức khỏe của mình, BPSOS thực hiện chương trình này do cơ quan Susan G. Komen for the Cure-Louisville Affiliate tài trợ, cùng với sự hợp tác chặt chẽ của Chương Trình Ung Thư Kentucky (Kentucky Cancer Program), một tổ chức y tế chuyên môn khám và điều trị bệnh ung thư vú.

Liên tiếp trong ba năm vừa qua, BPSOS đặc biệt dành riêng hai ngày vào giữa và cuối mỗi năm để tổ chức cho xe y tế lưu động của Trung Tâm Ung Thư Kentucky về ngay địa điểm văn phòng khám cho phụ nữ Việt . Theo báo cáo của Hội Ung Thư Hoa Kỳ (American Cancer Society), ung thư vú là căn bệnh thứ nhì thường xảy ra đối với phụ nữ Á châu nói chung, và với phụ nữ Việt nói riêng. Tỷ lệ phụ nữ Việt đi khám hàng năm còn quá thấp so với phụ nữ Mỹ da trắng, và riêng ở Louisville, tỷ lệ còn thấp hơn nữa. Một số đông phụ nữ bị chết vì bệnh ung thư là những người không khám hàng năm để sớm tìm ra triệu chứng. Do đó, khám đều hàng năm là cách tốt nhất để bảo vệ mạng sống và thoát khỏi căn bệnh nguy hiểm rất dễ xảy đến cho phụ nữ.

Chỉ mới trong 3 năm, các chị đã thể hiện tinh thần hiểu biết về những nguy hiểm của bệnh, cũng như lo bảo vệ mạng sống của mình nên đã mau mắn ghi tên lấy hẹn đi khám. Điều này chứng tỏ rõ về thời gian các chị ghi tên cho mỗi kỳ khám trong năm ngắn dần. Lần đầu, cần 5 tháng để chuẩn bị cho đủ số người. Rồi những lần kế tiếp, đủ số người ghi tên đều dưới thời gian dự tính.

Năm đầu tiên 2008, vì còn quá dè dặt nên các chị ghi tên không đủ số theo quy định của cơ quan y tế Kentucky để có xe khám lưu động. Vì lý do đó, nhân viên BPSOS không bỏ lỡ cơ hội hay ngần ngại liên lạc ngay với cơ quan Ung Thư Kentucky để biết chương trình khám ở những nơi đã định, giúp lấy hẹn, phụ lập hồ sơ, thông dịch và đón đưa các chị đến những chỗ có xe khám theo lịch trình. Qua những lần phải đi xa xôi và gặp nhiều trở ngại như vậy, các chị đã thấy được những khó khăn mà chính ra không phải vướng nên báo cho bạn bè biết ghi tên để có đủ số ấn định. Thấy thế, BPSOS làm việc ngay với cơ quan y tế Kentucky để có xe y tế lưu động về BPSOS để giúp cho chị em Việt; ước muốn cần thiết của các chị đã thành hiện thực ngay trong năm sau tuy có mất nhiều tháng để chuẩn bị danh sách hội đủ điều kiện của chương trình.

Sang đến năm 2009, BPSOS cũng như chính các chị nhìn thấy điều cần thiết trên nên ghi tên đủ số và có xe về ngay BPSOS. Mặc dù chương trình này thật cần thiết cho nữ giới; nhưng cũng còn chị em phụ nữ Việt chưa biết đến hoặc có biết nhưng coi đó là việc không cần phải lưu tâm vì vẫn còn tin vào số mệnh. Ở Hoa Kỳ, ung thư vú là căn bệnh thứ nhì thường xảy ra đối với phụ nữ Á châu nói chung, và với phụ nữ Việt nói riêng vì căn bệnh âm thầm phát triển không gây đau đớn, do đó trong người dù có bệnh nhưng vẫn cảm thấy bình thường. Một khi thấy đau, thì bệnh coi như trầm trọng và khó thoát khỏi cái chết. Do đó, bệnh đã cướp đi nhiều mạng sống vì không đi khám hàng năm để sớm tìm ra triệu chứng mà chữa trị. Tuy bệnh nguy hiểm thế, nhưng nếu biết sớm, thì việc chữa trị vẫn có kết quả. Những lần nhân viên BPSOS gặp trực tiếp các chị để cùng học hỏi về sự nguy hiểm của bệnh và một số chị em ít hơn tuổi ấn định từ 40-64 cũng muốn ghi tên khám.

Đợt khám ngày 09 tháng 12 vừa qua, ngoài việc làm hồ sơ, các chị còn làm bảng thăm dò chi tiết trước và sau khi khám để biết thêm về sự tiến triển và cách thực hành phòng bệnh của các chị nữa. Khám đều đặn mỗi năm giúp cứu mạng sống. Chị Rachelle, chuyên viên chương trình của Kentucky Cancer Program, chị Pamela Cooper cũng như nhân viên BPSOS có lời đặc biệt khen ngợi các chị đến đúng theo giờ hẹn giúp mọi việc diễn tiến nhịp nhàng. Những người ngoại quốc như hai chị đã gần gũi với chị em Việt từ 4 năm qua, tuy không trò chuyện tự nhiên như với người Việt vì không cùng ngôn ngữ, những nụ cười thân thiện của các chị nói lên ý nghĩa cung cách giao tế lịch thiệp của người Việt chúng ta.

Điều đáng ghi nhận là các bạn trẻ tình nguyện sẵn lòng phục vụ nguyên ngày hôm đó là Emmy Trần, Kim Ngân Trần, Nina Bích Lê và Tuyết Nga Nguyễn. Khả năng chuyên môn và lòng nhiệt thành của các bạn đã đem lại cho phụ nữ Việt cũng như cơ quan y tế Kentucky lòng tin tưởng và hãnh diện. Các bạn thật bén nhậy trong khi phục vụ; đã tự động lần lượt thay nhau có mặt từ phòng lập hồ sơ, đến phòng khám, rồi xuống xe chụp phim, không để chỗ nào thiếu người thông dịch khi cần. Các bạn còn nhắc nhở BPSOS nhớ báo sớm khi có tổ chức những dịp như thế để các bạn tham gia. BPSOS đặc biệt cảm ơn các bạn đã đem hết khả năng sẵn có của mình mà phụ nữ Việt Louisville đang cần đến sự giúp đỡ của các bạn. BPSOS cũng không quên cảm ơn các chị Trà thị Hồ và Hợi thị Phạm cùng một số các chị khác đã giới thiệu chương trình hữu ích này cho thân nhân và bạn bè.

Không khí làm việc hôm đó tuy nguyên một ngày dài nhưng vui. Các chị gặp nhau mỗi năm thăm hỏi rồi hẹn nhau năm tới cũng vào tháng này đến BPSOS để chụp phim. Ngoài ra, BPSOS-Louisville còn có các trương trình y tế theo chủ trương của chính phủ Liên Bang chú ý đến sức khỏe của người Mỹ gốc Á châu để hướng dẫn khám về ung thư phổi, gan, tuyến tiền liệt, phụ khoa . Đây là phần phúc lợi xã hội mà người Việt chúng ta được hưởng.

Chương trình được thực hiện dưới sự tài trợ của cơ quan Susan G. Komen for the Cure-Louisville Affiliate.







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2384