Phát biểu của Ts. Thắng ở Đài Loan
Date: Sunday, January 08 @ 19:37:22 EST
Topic: Chống Buôn Người


Lễ Trao Giải Dân Chủ và Nhân Quyền Á Châu Năm 2011
Phát Biểu của Ts. Nguyễn Đình Thắng, December 10, 2011

Ngày Quốc Tế Nhân Quyền 10 tháng 12, 2011, Tổng Thống Đài Loan Mã Anh Cửu và Chủ Tịch Quốc Hội Đài Loan Vương Kim Bình trao giải Dân Chủ và Nhân Quyền Á Châu năm 2011 cho Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển (BPSOS) để vinh danh những đóng góp của tổ chức này trong hai lãnh vực bảo vệ nhân quyền và phát huy dân chủ ở nhiều quốc gia Á Châu. Hai vị lãnh đạo Hành Pháp và Lập Pháp Đài Loan cùng ghi nhận những đóng góp của BPSOS, qua Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu (CAMSA), để giúp chính phủ Đài Loan bài trừ tận gốc tệ nạn buôn người. Sau đây là bản dịch Việt ngữ lời phát biểu của Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành BPSOS và đồng sáng lập viên CAMSA, khi nhận giải thưởng cao quý này. 

Tổng Thống và Chủ Tịch Quốc Hội Đài Loan lắng nghe Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành BPSOS, phát biểu tại buổi lễ trao giải (ảnh CAMSA).

 



Thưa Ngài Tổng Thống Mã Anh Cửu,
Thưa Ngài Chủ Tịch Qu
ốc Hội Vương Kim Bình
Thưa Tiến Sĩ Hoàng Đức Phúc, Giám Đốc Quỹ Dân Chủ Đài Loan
, và
Quý Quan Khách,

Trước hết, tôi xin chúc mừng nhân dân Đài Loan nhân dịp kỷ niệm một trăm năm thành lập Trung Hoa Dân Quốc, một mốc điểm đáng hãnh diện. Tôi muốn ngỏ lời cảm ơn Tổng Thống Mã và Chủ Tịch Quốc Hội Vương đã bỏ thì giờ quý báu trong thời gian tranh cử để đến đây.

Chúng tôi cảm thấy khiêm tốn trước sự chọn lựa bởi Quỹ Dân Chủ Đài Loan cho giải Dân Chủ và Nhân Quyền Á Châu năm 2011. Sự khiêm tốn này phản ảnh nhận thức rằng những thành tựu của chúng tôi trong 32 năm qua tuỳ thuộc vào những đóng góp và hy sinh của biết bao nhiêu người khác, kể cả các tổ chức, cá nhân và những nhà tranh đấu.

Thành công đáng hãnh diện nhất của chúng tôi khởi sự cách đây gần bẩy năm, khi mà đầu năm 2005 chúng tôi có hân hạnh đón tiếp một phái đoàn đến từ Trung Hoa Dân Quốc. Phái đoàn hỗn hợp này gồm các giới chức chính quyền và các lãnh đạo của các tổ chức phi chính phủ đến Hoa Kỳ để xem xét mô thức chống nạn buôn người của chúng tôi. Đáp lại, cuối năm ấy tôi đã đến Đài Bắc và từ lúc ấy đã chứng kiến Đài Loan trổi lên trong vai trò lãnh đạo cuộc tranh đấu toàn cầu đối với nạn nô lệ thời đại mới.

Cuộc tranh đấu này chính thức khởi sự 12 năm trước đây với Hiệp Định Thư của Liên Hiệp Quốc về Phòng Ngừa, Chế Ngự và Trừng Trị Buôn Người, còn được gọi tắt là Hiệp Định Thư Palermo. Hoa Kỳ là một trong số quốc gia đầu tiên đã ban hành luật quốc gia để thi hành nó. Trong những ngày khởi đầu ấy chúng tôi thuộc nhóm tiên phong đã đẩy ra một nỗ lực mà đến nay đã trở thành phong trào chống buôn người trên toàn quốc Hoa Kỳ. Chúng tôi đã chia sẻ kinh nghiệm ấy với các cơ quan chính quyền và tổ chức phi chính phủ đến từ các quốc gia như Nga, Ukraine, Trung Quốc, Nhật, Ấn Độ, Gia Nã Đại, Phi Luật Tân… và đương nhiên Đài Loan.   

Chưa bao giờ tôi thấy một chính quyền với ý định và quyết tâm chính trị như Đài Loan. Chưa bao giờ tôi thấy một quốc gia đã tiến xa trong thời gian ngắn ngủi như vậy. Năm 2009 Đài Loan thông qua đạo luật chống buôn người. Tháng Tư năm 2010 chúng tôi kết hợp với Hội Cứu Viện Phụ Nữ Đài Bắc (Taipei Women’s Rescue Foundation) để thiết lập Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu (CAMSA) tại Đài Loan. Từ đó chúng tôi đã phối hợp với Hội Trợ Giúp Pháp Lý và nhiều tổ chức phi chính phủ khác để giải cứu nạn nhân, hỗ trợ chính quyền trong việc chấp pháp, và đề nghị các tu chính về luật chống buôn người. 

Trong khi luật này vẫn cần được nới rộng để bảo vệ cho các người giúp việc nhà và các người lao động trong kỹ nghệ chăm sóc người già và người bệnh, các tiến bộ tính đến nay đã được ghi nhận. Năm 2010 Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ghi nhận các nỗ lực chống buôn người của Đài Loan bằng cách xếp Đài Loan vào các quốc gia trong hạng nhất về phòng, chống buôn người. Năm nay Đài Loan lần nữa nằm trong danh sách hạng nhất; Nữ Ngoại Trưởng Hillary Clinton, khi công bố bản phúc trình hàng năm của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về công cuộc chống buôn người toàn cầu, đã đặc biệt nhắc đến Đài Loan như một ví dụ nổi bật và đã ca ngợi vị Tổng Giám Đốc Cục Di Dân Đài Loan, Tiến Sĩ Li-kung Hsieh, trong vai trò lãnh đạo cuộc phòng chống buôn người.

Đã đến lúc Đài Loan áp dụng vai trò lãnh đạo này vào phong trào giải phóng nô lệ toàn cầu, vượt khỏi biên cương của quốc gia mình. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ gần đây đã “đặt hàng” với một tổ chức nghiên cứu có uy tín để nghiên cứu các bài học thành công của Đài Loan nhằm tái lập trên toàn thế giới. Trong ba tháng qua, tôi đã đi vòng quanh đất nước Gia Nã Đại để thông tin với quần chúng, các giới chức chính quyền tỉnh bang và quốc gia, và các tổ chức phi chính phủ về kinh nghiệm của Đài Loan.

Không phải do tình cờ mà tuyệt đại đa số các quốc gia trong danh sách hạng nhất về phòng chống buôn người có một hệ thống quản trị quốc gia theo thể chế dân chủ. Theo thiển ý, chính nền dân chủ đã giúp cho các phương thức chống buôn người của Đài Loan trở nên hữu hiệu. Bài trừ tình trạng nô lệ thời đại mới đòi hỏi những chính sách đúng đắn từ trên lẫn sự tham gia của xã hội công dân từ rễ cỏ. Tôi vẫn không ngớt ngạc nhiên bởi mức độ hợp tác và liên kết giữa chính quyền và các tổ chức phi chính phủ ở Đài Loan. Tôi không ngớt ngạc nhiên về sự tình nguyện dấn thân của công dân và những người không phải công dân Đài Loan. Họ đã tích cực tham gia công cuộc giải cứu và bảo vệ các nạn nhân, hỗ trợ giới công lực trong việc truy tố thủ phạm, và nối kết các tổ chức phi chính phủ với các thành phần dễ bị nguy hiểm. Đó chính là bí quyết đằng sau sự thành công của Đài Loan.

Nhân đây tôi muốn ghi nhận cô Phù Ngọc Thanh, một phụ nữ Việt Nam hiện là Phối Hợp Viên của văn phòng CAMSA ở Đài Loan. Cô và người chồng Đài Loan đã không mệt mỏi giúp đỡ các phụ nữ ngoại quốc lấy chồng Đài Loan và bảo vệ quyền lợi của những người lao động di dân. Ngay cô con gái Karen 12 tuổi của họ cũng tình nguyện để phụ đỡ sau giờ đi học và làm bài tập ở nhà. Tôi cũng muốn ghi nhận những nhà tranh đấu như Cô Vương Hồng-Yến, Giáo Sư Sandy Yeh, Cô Trịnh Xuân-Du… Đài Loan quả thật được ân sủng là có biết bao những người như họ.

Tôi tin rằng, liên tục nới rộng nền dân chủ là cách hữu hiệu duy nhất để giải trừ nạn nô lệ thời đại mới cũng như các hình thức vi phạm nhân quyền và bất công xã hội khác nữa.

Thưa Tổng Thống Mã, Chủ Tịch Quốc Hội Vương, Giám Đốc Hoàng của Quỹ Dân Chủ Đài Loan, và các Quý Khách,

Tôi muốn tỏ lòng tri ân đến biết bao cá nhân, phần lớn là những người vô danh, đã không mệt mỏi tranh đấu cho những ai không thể tự bảo vệ; đến các tổ chức phi chính phủ, tuy ít về con số nhưng hữu hiệu trong hành động, lúc nào cũng ở tuyến đầu của cuộc tranh đấu; và đến Hành Pháp lẫn Lập Pháp của đất nước này vốn đã đặt vấn đề chống buôn người thành một ưu tiên quốc gia. Quý vị là những vị anh hùng trong phong trào giải phóng nô lệ mới mẻ và toàn cầu này.

Đại diện cho tất cả chúng tôi trong Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển, tôi cảm ơn quý vị đã cho chúng tôi cơ hội góp phần nhỏ bé của mình vào đại cuộc của quý vị.

Đa tạ.







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2331