Hương Hoa Tháng Bảy
Date: Tuesday, September 06 @ 18:29:45 EDT
Topic: Truyện Ngắn


Huỳnh Ngọc Nga

Má tôi tiễn vợ chồng tôi ra về. Khi chúng tôi vào thang máy, má tôi còn với theo dặn dò:

- Còn vài ngày nữa đến rằm tháng Bảy, có đi chơi hè thì cũng lo cúng kiếng đàng hoàng rồi hãy đi nghen con.

Tôi vừa cười vừa trả lời má tôi trước khi cửa thang máy đóng lại:

- Dạ, con nhớ mà. Má dặn con lần nầy là lần thứ ba, thứ tư gì rồi đó.



Đúng ra cũng có lý do nên má tôi mới bận tâm nhắc nhở tôi nhiều lần như vậy. Má tôi cứ nghĩ tôi theo chồng và theo cả phong tục quê chồng nên có thể dễ quên đi gốc rễ của mình, mà gốc rễ của tôi ngoài giòng máu Việt đang luân lưu vận chuyển trong thân, ngoài tiếng Việt tôi chắt chiu gìn giữ còn có cả đạo lý phong tục ông bà truyền lại từ đời cố tổ đến nay. Ngày biết tôi nhận lời ưng anh chàng La-tinh mắt xanh tóc vàng mang tên thánh Antonio làm nơi "thường trú" cho trái tim tôi, má tôi cứ băn khoăn hoài – liệu ngày giỗ, ngày Tết tôi có về lạy bàn thờ ông bà được hay không. Sau thấy tôi vẫn nắm "chủ quyền dân tộc" trong tay nên má tôi mạnh dạn nhắc tôi thêm việc cúng rằm, cúng Tết, v.v.

Chồng tôi vốn dễ tính, vả lại tôn giáo không là bức tường ngăn cách vợ chồng tôi. Với chàng thì Chúa hay Phật, Khổng Tử, Mohamed, Lão Tử hay thần Silva - tất cả đều là con người xương thịt được chính những con người xương thịt khác tạo dựng cho "thành danh" nhờ vào đức độ tài năng đặc biệt của họ. Chàng bảo tôn giáo được sinh ra để dạy thế nhân thương yêu, vậy thì tại sao phải tranh chấp, chia rẽ, giận hờn nhau vì chuyện của các đấng vô hình. Thêm vào đó, chàng lại có tinh thần dân chủ bình đẳng, tôn trọng người khác chứ không quan liêu, không "chồng chúa, vợ tôi" như nhiều ông chồng phương Đông nên tôi cũng rất thoải mái trong cuộc sống tâm linh của mình. Tuy vậy, cái tính hời hợt dễ quên ngày tháng của tôi khiến tôi đôi khi bỏ lững chuyện khói hương. Thêm vào đó, quê hương thứ hai của tôi là miền đất Chúa, những ngày thánh lễ dễ nhớ hơn khi công, tư chức được nghỉ, khi phố phường được đèn hoa giăng phủ. Trái lại những ngày lễ cổ truyền của Việt Nam như Tết, Vu Lan, Thanh Minh...phải giở lịch xem mới nhớ nên chị em chúng tôi "ủy quyền" hết cho má tôi việc đón đợi thời gian và nhắc nhở chúng tôi việc cúng kiếng. Và bây giờ má tôi đang dặn dò tôi chuyện cúng Rằm tháng bảy đây.

Thời còn ở quê nhà tôi vẫn thích những ngày Rằm, nỗi thích càng tăng khi càng gần đến ngày Rằm, dù vầng trăng ngày Rằm tròn muôn thuở chẳng đổi thay. Những ngày tuổi nhỏ, tôi thích ngày Rằm để được nội tôi phân phát trái cây trên bàn thờ sau khi đã cúng; được má cho ăn món canh ngọt ngào, món canh kiểm chay bí rợ nấu nước cốt dừa với sa kê, nấm, đậu; được chạy qua chùa An Phú cạnh nhà bưng dĩa xôi, hưởng trái chuối... Lớn thêm chút nữa, khi chùa An Phú không còn là ngôi chùa thanh tịnh và sư bà trụ trì hiền lành đã mất, những ngày Rằm lớn như Rằm tháng Giêng, tháng Tư, tháng Bảy tôi thường thong dong đạp xe đến chùa Xá Lợi hay Ấn Quang để nghe thuyết giảng hoặc theo ngoại tôi viếng ngôi chùa nghèo trong hẽm nhỏ miệt Đồng ông Cộ vùng Gia Định để vừa ăn ké cơm chay vừa nghe kinh tịnh độ... Một năm có mười hai tháng, năm nhuận thêm được tháng mười ba. Mỗi tháng chỉ duy nhứt có một ngày Rằm là ngày mười lăm Âm lịch, còn gọi là ngày tròn trăng hay ngày con nước nhảy khỏi bờ. Trong các ngày Rằm tôi "mê" nhất là ngày Rằm tháng Bảy, hay nói đúng hơn tôi mê tháng Bảy vì có những ngày lễ hội mang đậm sắc màu dân tộc, những sắc màu đó như dấu ấn của thời gian, theo vận chuyển nhân sinh lắng sâu vào tiềm thức, giong ruổi cùng tôi khắp mọi nẻo đường đời.

Lễ hội tháng Bảy khởi đầu có ngày mồng Bảy, ngày trên nền trời cao đêm đó có vạn vì sao lấp lánh được truyền tụng là lũ chim Ô Thước nối tiếp nhau thành giải Ngân Hà cho Ngưu Lang - Chức Nữ gặp lại nhau. Cặp này bị xa cách nhau một năm dài xa bởi hình phạt của Ngọc Đế dành cho những kẻ vì yêu quên phận sự. Người ta bảo ngày đó đôi vợ chồng Ngâu khóc mừng phút giây hội ngộ, những giọt nước mắt thành mưa rơi xuống trần. Đó là mưa Ngâu, mưa cho những đôi tình nhân không tròn duyên kiếp, mưa sụt sùi không luyến vầng trăng.

Mồng bảy đi qua, mười lăm bước tới, chùa chiền rộn rịp, chợ búa tưng bừng mừng lễ hội Vu Lan. Thuở nhỏ, bị ảnh hưởng những đêm hát đình, những giờ nhạc cổ trong radio nên mới lên tám, lên chín tôi đã ghiền những tuồng cải lương, những bài ca Vọng Cổ. Nhà nội tôi có một bộ máy hát dĩa đá quay tay, dĩa hát cải lương ngày xưa tuồng tích đàng hoàng, không hát những điều mang tính chất nhảm nhí như đa số các tuồng cải lương thời nay. Chiều chiều khi cơm nước xong xuôi, bên ngọn măng-xông treo giữa nhà, tôi nằm trên bộ ván gõ trước hiên nghe cô Chín tôi chạy những bộ dĩa tuồng mà trong đó bộ dĩa Mục Liên Thanh Đề làm tôi suy gẫm nhiều nhất. Những suy gẫm về cái tâm sân hận của bà Thanh Đề khi giết chó làm nhân bánh đem dâng cúng chùa, về sự hiếu thảo của ngài Mục Kiền Liên lặn lội từ dương thế xuống âm cung tìm mẹ nhân mùa xá tội vong nhân và đọc kinh cầu siêu cho mẹ. Sự hiếu để của ngài được hậu thế truyền tụng, nhất là vào dịp rằm tháng Bảy và lễ hội Vu Lan, lễ của hoa hồng trên ve áo những người làm con với hai sắc hồng, trắng vinh danh tình yêu thương giữa mẹ cha và con cái; hoa trắng nhớ ghi công ơn đấng sinh thành đã mất, hoa đỏ hạnh phúc mừng thọ bậc từ ân.

Lễ xá tội vong nhân và Vu Lan khởi đầu từ ngày rằm và kéo dài đến hết tháng bảy Âm lịch. Ngày chính của mùa hội là ngày rằm. Hôm đó chùa chiền khởi sắc, chuông mỏ vọng vang, khách thập phương tấp nập, khói hương bay nghi ngút chào đón buổi giao hòa giữa trần thế với âm cung. Người miền Bắc gọi là mùa cúng vong, còn người miền Nam kêu là mùa cúng cô hồn, tức cúng những người chết oan khiên không siêu thoát hay những người chết chẳng có thân nhân cúng tế, giổ quảy, cầu siêu. Suốt tròn nữa tháng Bảy, những nhà theo đạo Phật và đạo Ông Bà muốn cúng vong ngày nào cũng được. Đây cũng là mùa bố thí, phóng sanh làm lành. Theo thói tục mang chút tính dị đoan thì những nhà buôn thường cúng lớn để cầu được may mắn trong việc làm ăn. Lễ vật cúng kiến rất đa dạng, đủ mâm, đủ món, chay mặn tùy nhà, nhưng có hai loại bánh gọi là "bánh cúng, bánh cấp" làm với đậu, nếp, dừa, và được gói bằng lá dứa gai thì đuợc coi là phẩm vật quan trọng cho các buổi lễ này. Khi cúng xong, gia chủ thường phân phát một phần cho lối xóm hay trẻ con. Nhà nào có buổi cúng như vầy thì cũng có con nít tụ hội trước cửa để chờ được ban phát phẩm vật hay gọi nôm na là được "giựt giàn". Lúc đó người ta lại ví von đám trẻ một cách vô tội vạ là "đám cô hồn sống". Có lẽ vì danh từ này không thanh lịch lắm nên lúc chị em tôi còn nhỏ má tôi cấm không cho đi "giựt giàn" nhà lối xóm.

Dù được đi "giựt giàn" hay không, tôi cũng rất nôn nao chờ mùa cúng cô hồn, không phải vì cảm nhận sự thiêng liêng của nó vì lúc đó tôi còn nhỏ quá, mà chỉ thích thấy sự nhộn nhịp của mấy ngày này là đủ vui rồi. Nhộn nhịp nhất khi qua chùa An Phú coi khách thập phương phóng sanh chim, cá. Thuở ấy thấy vui nhưng bây giờ nghĩ lại tôi cho đó là mùa đại nạn của những con vật nhỏ bé kia vì trước mùa khai hội chúng đã bị các tay buôn thú đi săn, lùng bắt để bán cho khách thập phương. Những kẻ từ tâm vô tình hoá ra thành đồng phạm trong việc săn lùng đó. Sự nhộn nhịp còn được gia tăng nhiều hơn khi gần như ngày nào trong suốt mùa Rằm này lối xóm chung quanh cứ luân phiên biếu xén vật cúng, mời mọc tiệc tùng liên miên. Mỗi Rằm tháng Bảy, dù không giàu có gì nhưng ba tôi luôn mua hai, ba bao gạo lớn để phân phát cho những người gia cảnh yếu kém trong xóm. Má tôi thì lo nấu nướng để cúng cô hồn; cúng xong má tôi phân chia thức ăn cho chị em chúng tôi đem biếu đáp lễ lối xóm và phân chia cho đám trẻ đứng chầu chực ngoài cổng, và sau cùng thì người trong nhà mới được hưởng. Những hình thức đó đối với đời thường vừa tạo thân tình lối xóm, vừa gieo vào lòng trẻ nhỏ chúng tôi tính hạnh bố thí, từ bi; đối với đời tâm linh thì đó là sự thủy chung sau trước của con người, của người sống niệm hoài kẻ chết, nhất là những kẻ chết oan khiên chưa siêu thoát.

Cuốn xoáy định mệnh thay đổi giòng đời. Chúng tôi rời quê hương bằng những bước chân vướng víu phía sau, bằng ngại nghi mắt nhìn phía trước. Qua bao thăng trầm, bon chen đời cơm áo xứ người, chúng tôi may mắn còn được má tôi kề cận để vẫn có những dịp quần tụ cùng nhau bên khói hương ngày Tết, mâm cơm ngày giỗ, lễ hội ngày Rằm, ngày Phật Đản... Cây nào trái nấy, tôi dù ra riêng cũng giữ các ngày cúng lễ, và ngày cúng "cô hồn" vẫn là ngày làm tôi bâng khuâng nhớ dĩ vãng nhất. Bây giờ tôi ở chung cư, hàng xóm cách nhau bằng những tầng lầu, những cửa ngăn, chuông nhấn. Ngày cúng không có láng giềng đồng điệu, đồng cảnh để mời mọc chén bác, chén anh; thiếu lũ trẻ chờ đợi bên rào chờ "giựt giàn" chia bánh. Tôi làm đầy đủ cơm, canh, món xào, món mặn, và làm thêm ổ bánh ngọt, vò thêm dĩa xôi, cuốn thêm dĩa bì. Tất cả đều nấu chay vì tôi nghĩ như thế vừa đỡ nghiệp sát sanh lại tránh cho vong người chết sớm thoát cảnh trầm luân nặng nề. Tôi thêm vài chung trà, một dĩa trái cây, một bình hoa tươi, nhang, đèn, hương khói bày biện trên bàn giữa nhà. Khi cúng vong, tôi luôn mở rộng cửa chứ không khép kín như lúc bình thường, chờ tàn hết nhang xong tôi mới đóng cửa lại.

Năm ngoái, khi cúng xong tự dưng tôi nảy ý định đem thức ăn và bánh trái biếu hai nhà hàng xóm cùng tầng với gia đình tôi, gia đình ông bà Scalenghe và bà goá phụ Scuto. Thường tôi vẫn hay biếu xén hai nhà này trong dịp Giáng Sinh và Phục Sinh và họ cũng đáp lễ chúng tôi bằng những món quà truyền thống của xứ sở họ. Những lần qua lại như thế cửa ba nhà cùng mở và tôi như thấy lại thân tình láng giềng của quê hương tôi ngày nào. Hôm thấy tôi lễ mễ đem các món ăn Việt Nam cúng Rằm tháng bảy biếu họ, ngoài những ngày lễ có trong lịch thường niên, họ ngạc nhiên hỏi lý do. Sau khi nghe tôi tận tình giải thích ý nghĩa của ngày Vu Lan, ngày xá tội vong nhân, họ gật gù thích thú lẫn ngợi khen nhũng nét hay, ý đẹp của mùa Rằm tháng bảy phương Đông chúng ta rất nhiều. Tôi còn nhớ vẻ hóm hỉnh của ông Scalenghe khi ông hỏi tôi:

- Thế ngày xá tội vong nhân có phân chia phe phái chính trị như đời sống hiện tại của chúng ta không? Bà đừng quên tôi là cựu partigiano (kháng chiến) đấy nhé, tôi không muốn các tên lính phát xít đã chết hưởng phần cúng và lời cầu nguyện của chúng ta đâu.

Tôi ngẩn người khi nghe ông hỏi và sực nhớ đến tình trạng tả, hữu căng thẳng của nước Ý xinh đẹp nầy. Hơn nửa thế kỷ rồi, chính trường nơi đây vẫn luôn sôi sục trong những mùa tranh cử giữa hậu duệ của Mussolini và cháu con những người chống phát xít. Họ vẫn gầm gừ nhau qua các cuộc biểu tình phe phái. Tôi cũng không nhớ mỗi lần cúng vong mình có phân biệt phe phái những oan hồn của quê hương tôi hay không. Tôi chỉ biết tôi thật lòng mong hoà bình thương yêu cho cõi sống và

thanh an, giải thoát cho cõi chết mà thôi. Đức Phật đã không hận thù Đề Bà Đạt Ma dù ông này đã trăm phương ngàn kế hại người. Phật đã dạy câu nhân quả là nguyên do của chữ nghiệp căn, và thù oán chỉ cho vòng vay trả không bao giờ tan biến. Trong cõi sống, người ta phân chia đủ mọi thứ hạng, định vị bằng mọi danh từ để sinh ra bao oan trái; ít ra trong cõi chết tôi cũng mong tất cả được bình vị như nhau cho dù người sống vẫn tiếp tục tranh cãi về nơi đó, tách cõi chết làm đôi - âm cung (phạt) và thượng giới (thưởng). Câu hỏi của ông Scalenghe, một người công giáo, nghe chừng như đùa giỡn nhưng tôi bỗng chạnh lòng. Ngập ngừng suy nghĩ đôi chút, tôi cũng giọng điệu nửa đùa, nửa thật với ông:

- Trời ơi, nếu vậy thì bên kia cõi thế họ lại đánh nhau nữa rồi.

Bà Scuto lọm khọm tựa cửa nhà, giọng lấp vấp bởi hai hàm răng không còn đủ:

- Thôi đi, quỷ tha ma bắt cái nhà ông Scalenghe! Không tôn giáo tốt lành nào dạy chúng ta chuyện phân chia, thù oán cả đâu, cho dù ở cõi thế gian hay cõi địa ngục cũng vậy. Phải biết thương yêu và tha thứ: Chúa đã dạy chúng ta như thế, ông quên rồi sao?

Quay sang tôi lúc đó hai tay còn mang mâm quả tặng họ, bà hỏi:

- Phần của tôi đây à. Tôi cám ơn cháu nhé. Tôi sẽ kêu các con tôi mua hoa hồng cho tôi và cho chúng nó. Cháu có biết là tôi rất yêu hoa hồng không? Lạy trời cho các con tôi cài mãi hoa hồng đỏ trên ve áo chúng.

Bây giờ một năm đã trôi qua; ngày Vu Lan, mùa xá vong sắp đến. Trên xe từ nhà má tôi về tôi nói với chồng tôi:

- Ngày mai anh chở em đi chợ mua sắm hoa quả, thực phẩm để em nấu nướng cúng Rằm tháng bảy nghen.

Chồng tôi vui vẻ gật đầu và nói:

- Rằm đến rồi à. May quá...

Tôi ngạc nhiên hỏi chàng:

- May cái gì hả anh?

- Em không nhớ là anh mới mua cái viễn vọng kính để xem thiên văn sao? May vì đúng dịp trăng sáng sẽ dễ nhìn trời quan sát hơn. Hy vọng trời không mưa.

Tôi cũng cười vui theo niềm vui của chồng. Tôi cũng mong trời không mưa cho trăng sáng rọi soi cõi trần, xé màn đêm cõi âm, để hoa hồng khoe sắc cả trong đêm; để lời kinh sám hối xá tội vong nhân và hương trầm mùa lễ quyện vấn thành mây giao hòa, tỏa rạng lòng người dương thế và nhẹ hồn những người đã chết oan khiên.







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2275