Một Chút Nhớ Quên
Date: Monday, August 29 @ 10:54:56 EDT
Topic: Truyện Ngắn


Phan Lạc Tiếp

San Diego, thành phố này không xa lạ với tôi, vì năm 1970, tôi đã đến đây với tư cách là một Sĩ Quan Đồng Minh du học rồi lãnh tàu, mở đầu cho chương trình Việt Nam hoá chiến tranh. Tôi rời Sài Gòn lúc 12 giờ hôm 25 tháng 2 năm 1970 và đúng như lời Thiếu Tá Smith, vị sĩ quan liên lạc cho tôi biết, sau 18 giờ bay, tôi đặt chân lên lục địa này, phi trường San Francisco, cùng giờ và cùng ngày khi rời Việt Nam: 12 giờ ngày 25 tháng 2.

Sau mấy giờ làm thủ tục và chờ đợi, tôi đáp một chuyến bay khác từ San Francisco đi San Diego. Máy bay nhỏ, bay thấp, bay theo bờ biển của tiểu bang California. Từ trên máy bay nhìn xuống, nước Mỹ với tôi chỉ là những cụm đèn, chỗ nhiều, chỗ ít không dứt.



Khi đến San Diego đã 10 giờ đêm. Tạm trú tại khu BOQ, nơi cư trú của Sĩ Quan độc thân trên đường 32. Vừa để hành lý vào phòng, nhìn lên bàn viết đã thấy chương trình làm việc cho ngày hôm sau và cả tuần lễ sau đó.

- 8 giờ 30 sáng ngày 26 trình diện Đại Tá Cassini, Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Hải Quân San Diego.
- Sau đó là những ngày bận rộn liên miên cuốn đi không ngưng nghỉ.
- Sửa soạn nơi cư trú cho tất cả Thuỷ thủ đoàn HQ 504 khi đến đây
- Góp ý với vị sĩ quan liên lạc Hoa Kỳ để sắp xếp cho Thuỷ Thủ đoàn thăm viếng các nơi tại địa phương và phụ cận như San Diego Zoo và Disney Land.
- Hai tuần sau Hạm Trưởng và Thủ Thủ đoàn đến
- Những ngày túi bụi đi học chuyên môn, thực tập và làm quen với chiến hạm. HQ Thiếu Tá Phan phi Phụng là Hạm Trưởng. HQ Đại Uý Đinh mạnh Hùng( Hùng mèo) làm Hạm Phó. Tôi là Sĩ Quan đệ tam.

Trở ra phòng khách, ngồi nghỉ, lọt thỏm trong chiếc ghế nệm to, dày, êm ái. Trước mặt bàn là tờ nhật báo San Diego Union, nơi trang nhất có in hình chiếc hàng không mẫu hạm rẽ sóng, chui dưới dạ cầu Cororado, tượng trưng cho ngày lễ khánh thành cây cầu lịch sử này ngày hôm trước, 24 tháng 2 năm 1970. Cây cầu nối liền eo biển từ San Diego qua bán đảo Coronado.

Đang nhìn ngắm tờ báo thì có tiếng người Việt Nam léo xéo từ ngoài cửa. Nhìn ra là một số bạn bè Hải Quân đến đây trước trong chương trình thụ huấn để sau đó nhận lãnh tàu như chúng tôi. Người chạy lại ôm tôi là Lê quang Lập, cùng khoá.

Lập nói: “Nhìn tờ chương trình làm việc, biết hôm nay cụ tới, mà không rõ giờ nào. Không ngờ cụ tới trễ thế. Sẵn sàng quần áo đi, cần bàn ủi ủi lại quần áo không, qua phòng tui mà lấy, mai trình diện đại tá chỉ huy trưởng, rồi hàng ngày đèn sách như tụi này, mệt nghỉ…”

Sau mấy tháng huấn luyện về hải hành, điện tử, phòng tai, hành quân đổ bộ thực tập hải pháo rồi rời BOQ xuống sống hẳn trên chiến hạm. Hạm Trưởng Phan phi Phụng điều khiển chiến hạm, và thuỷ thủ đoàn đã rất thuần thục trong mọi trách nhiệm của mình, nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy mình ăn nhờ ở đậu, vì chiến hạm vẫn mang quốc kỳ Hoa Kỳ khi đậu bến cũng như khi hải hành.

Chúng tôi chờ đợi ngày lễ chuyển giao chiến hạm, nghe nói chính Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam, Phó Đề Đốc Trần văn Chơn sẽ qua Mỹ để chủ toạ và tiếp nhận chiến hạm này. Và ngày đó đã đến. Lúc ấy vị Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam mới có một sao trên vai áo. Nhưng khi máy bay chở vị Tư Lệnh Hải Quân từ phi đạo bò vào vị trí tiếp đón, cánh cửa phi cơ mở ra, dàn quân nhạc danh dự bùng vang điệu nhạc đón chào, và lần lượt 19 phát đại bác từ một góc sân rền vang. Đô Đốc Zummwalt, 4 sao trên vai áo, đương kim Tư Lệnh Hải Quân Hoa Kỳ trong đại lễ trắng, đeo kiếm vàng bên hông ra tận chân cầu thang dơ tay chào vị khách danh dự từ Việt Nam vừa đến. Phó Đề Đốc Trần văn Chơn xuất hiện, cũng trong đại lễ trắng, và trên ngực áo chi chít những huy chương. Hai vị tướng lãnh tươi cười bắt tay nhau trong lúc ánh đèn ký giả loáng nhoáng liên hồi. Hai vị đi duyệt đoàn quân danh dự trong quân phục Hải Quân và Thuỷ Quân Lục Chiến bồng súng dàn chào.

Dàn nhạc và tiếng đại bác vẫn ầm vang, rộn rã. Khi hai vị tướng lãnh trở lại khán đài thì dàn nhạc và 19 phát đại bác cũng vừa chấm dứt. Lúc ấy là tháng sáu, trời San Diego còn lạnh. Gió từng cơn thổi lật bật những lá quân kỳ. Sau hai bài diễn văn ngắn của chủ và khách, Ông Thị Trưởng San Diego trân trọng được giới thiệu, tiến lên trao chìa khoá vàng của thành phố San Diego cho vị thượng khách. Một chiếc xe đen bóng chờ tới, cắm bảng 4 sao và lệnh kỳ Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam Cộng Hoà. Một đại Uý Hải Quân Hoa Kỳ làm sĩ quan tuỳ viên, cũng trong đại lễ trắng, bao tay trắng, nhanh nhẹn mở cửa xe. Đô Đốc Zummwalt chìa tay mời Phó Đề Đốc Chơn lên xe. Cửa vừa đóng, xe chuyển bánh nhạc lại chỗi vang lừng. Đô Đốc Zummwalt và quan khách đồng loạt đứng nghiêm, dơ tay chào tiễn khách. Xe và đoàn tuỳ tùng của vị Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam đi thẳng tới khách sạn danh dự Del Cororado bên kia bờ vịnh San Diego, nơi dành để tiếp đón những vị nguyên thủ, những thượng khách của thành phố này. ( Là một sĩ quan phụ trách một phần trong cuộc tiếp rước này, chúng tôi được biết, dù vị Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam mới có một sao, nhưng là Tư Lệnh Hải Quân một nước, nên được vị Tư lệnh Hải Quân Hoa Kỳ kính trọng và tiếp rước với đầy đủ nghi thức như dành cho vị Tư Lệnh Hải Quân một quốc gia, ngang hàng với vị đương kim Tư Lệnh Hải Quân Hoa Kỳ).

Ngày hôm sau là ngày lễ bàn giao và tiếp nhận 2 Dương Vận Hạm: Quy Nhơn, HQ 504 và Nha Trang HQ 505, được tổ chức trên sân chánh của HQ 504 đậu bên cầu tàu trong căn cứ Hải Quân Mỹ, San Diego. Trong dịp này, ngoài những vị khách dân sự của thành phố, tôi còn thấy rất nhiều tướng lãnh Hải, Lục, Không Quân, 2 sao, 3 sao đến dự. Về phía Hoa Kỳ, Đô Đốc Zummwalt là vị tướng lãnh cao cấp nhất, ông tới sau cùng. Sau đó Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam mới đến. Khi Phó Đề Đốc Trần văn Chơn đến tất cả quan khách trên khán đài đều đứng lên đón chào vị thượng khách Việt Nam. Phần đầu là nghi thức lễ hạ quốc kỳ Hoa Kỳ, điều khiển bằng tiếng Mỹ. Quốc ca Hoa Kỳ nổi lên. Lá quốc kỳ sao sọc được từ kéo xuống, một thuỷ thủ Hoa Kỳ gập lại và trân trọng để trên bàn, trước mặt vị Tư Lệnh Hải Quân Hoa Kỳ. Cột cờ trống vắng. Giây cờ lật bật trong gió biển thổi trùng trùng.

Thời gian như ngưng lại. Bỗng tiếng Hạm Trưởng HQ 504, HQ Thiếu Tá Phan phi Phụng vang lên: “Nghi.. ê …m. Lễ rước Quân, Quốc và Thánh Kỳ”. Điệu quân nhạc ngắn, quen thuộc nhưng nghe hơi lạ vì cách hoà âm hơi khác, do ban nhạc Hải Quân Mỹ trỗi lên. Rồi “Lễ thượng kỳ Việt Nam Cộng Hoà”. Quốc thiều Việt Nam Cộng Hoa bùng vỡ, tràn ngập cả không gian, làm rộn rã những trái tim. Mọi người hướng về cột cờ chiến hạm. Anh hạ sĩ giám lộ, quần áo thẳng cứng, trân trọng bưng trên tay lá đại kỳ. Một anh giám lộ khác kéo giây. Lá quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ tươi thắm lần lần được mở ra, được kéo lên cao, lên cao nữa rồi đậu ở đỉnh cột cờ, bay uốn éo trong nắng ấm, giữa bầu trời cao xanh của quân cảng San Diego. Những tràng pháo tay vang dội. Sĩ quan và thuỷ thủ đoàn Việt Nam trong đại lễ trắng thẳng tắp lần lượt hiện diện tại các nhiệm sở trên HQ 504 cũng như trên HQ 505. Không gian và thời gian như vừa đổi khác. Tôi bỗng thấy tôi cũng vừa đổi khác. Nhìn đâu tôi cũng bỗng thấy những thân quen, những nụ cười, những ánh mắt tưng bừng hãnh diện. Ban nhạc vẫn lần lượt cử những bản hùng ca. Quan khách lần lượt ra về. Ở hạm kiều, Trung Uý Vũ Huy, trong đại lễ trắng thẳng cứng, đeo kiếm, là vị sĩ quan trực đầu tiên, đứng bên anh hạ sĩ quan và một thủ trực nhật, cũng đại lễ trắng thẳng cứng đang lần lược cất tay chào quan khách rời chiến hạm.

Trong ngày lễ chuyển giao chiến hạm này, ngoài những vị khách chính thức tại địa phương, chúng tôi có phát giấy mời tới những bè bạn Việt Nam thân quen tại San Diego và phụ cận. Tôi nhớ rằng trong điện thoại niên giám ở San Diego năm đó, tổng cộng chỉ có 55 người Việt Nam, đa số là sinh viên du học; một vài người đàn bà là hôn phối của quân nhân Hoa Kỳ, theo chồng về Mỹ; một số ít là những người đang dạy Việt ngữ cho quân nhân Mỹ trong căn cứ ở bên kia đảo Coronado. Trong những người này có Bác Sĩ Nguyễn tôn Hoàn. (Sau ông về nước làm Phó Thủ Tướng ). Nhưng đáng chú ý nhất có lẽ là hai chị em cô H. Vì sau khi nhận lãnh chiến hạm, ngày cuối tuần hai cô thường tới thăm từ sớm, ở lại buổi trưa và hai cô đã trổ tài nấu những món ăn rất Việt Nam. Nhà bếp Sỉ Quan tưng bừng mùi nước mắm, nào bún bò Huế, phở…

Anh T., đang sửa soạn luận án tiến sĩ, có vợ Mỹ. Một hôm vợ anh, chị M. đem đến một thùng đầy bánh cuốn đã làm sẵn nóng hổi, với đầy đủ cà cuống, nước mắm dấm, tôm khô giã nhỏ. Tất cả Sĩ Quan và khách gần 20 người được một bữa ăn vô cùng ngon và bỡ ngỡ trước tài nội trợ hiếm có của người con dâu dị chủng này. Được hỏi “chị học ở đâu cách làm bánh cuốn này”, chị bảo: “Mẹ chồng tôi ở Paris, mở tiệm ăn Việt Nam. Vợ chồng tôi sang Pháp nghỉ hè, hàng ngày tôi phải dậy sớm phụ mẹ chồng làm bếp nên học được cách làm bánh cuốn, kho thịt, làm dưa, và cả nấu canh cá ám nữa…”

Trong những nơi chúng tôi đi thăm, có trường Đại Học UCSD, và Giáo Sư Nguyễn hữu Xương lúc ấy là người Việt duy nhất giảng dạy tại đây. Lúc ấy ông đã nổi tiếng vì được coi là vị giáo sư thâm niên nhất của viện đại học này, là giáo sư thực thụ cả 3 ngành Lý, Hoá và Sinh Học. Tất nhiên trong ngày lễ chuyển giao tàu, ông là một vị khách quý, được mời. Nhưng ngày ấy ông bận không đến được. Hạm Trưởng rất lấy làm tiếc, và Giáo Sư Xương cũng rất tiếc. Do đó Hạm Trưởng đã tổ chức một bữa cơm khác trên tàu để mời ông bà Giáo Sư Xương.

HQ 504 tuy là con tàu cũ dược hạ thuỷ từ thế chiến thứ 2, nay được tân trang để chuyển giao cho Hải Quân VNCH. Phòng ăn Sĩ Quan rất đẹp. Thảm xanh dày mầu lá mạ mới tinh, thơm phức. Dàn ghế bành da to bóng loáng lấy từ phòng ăn của một khu trục hạm cũ, bỏ hoang dành cho phòng họp cấp Đô Đốc. Quanh tường, trong lúc rảnh rỗi chính Hạm Trưởng đã vẽ những hoa văn chữ thọ bằng kim nhũ óng ánh. Và ngay mảnh tường chính của phòng ăn, gắn một cái đàn cò như một trang trí rất nghệ thuật, rất Việt Nam. Đây là những sản phẩm tiểu công nghệ được Hạm Trưởng mua sẵn từ Việt Nam đem theo làm vật lưu niệm cho quan khách. Hôm nay có khách, cũng là dịp vui của chiến hạm. Bàn ăn rộng, khăn bàn trắng tinh, thẳng cứng. Trước ghế ngồi có bảng tên viết trong khuôn giấy viền vàng có in mỏ neo ở góc mặt. (Do Tiếp Liệu Mỹ cung cấp).

Khi xe của Giáo Sư Xương đến cổng ngoài của cầu tàu, lính Mỹ đã gọi điện thoại thông báo cho chiến hạm. Sĩ quan trực, hạ sĩ quan, và một thuỷ thủ trực hạm kiều trong y phục tiểu lễ, xếp hàng đón đợi như một vị thượng khách. Vừa bước lên sàn tàu. Hạm Trưởng từ trong bước ra đón khách và hướng dẫn vào phòng ăn sĩ quan. Tất cả sĩ quan đều đứng lên chào. Hạm Trưởng giới thiệu vợ chồng vị khách quý với bộ tham mưu chiến hạm. Ghế của Hạm Trưởng không bao giờ thay đổi, ở đầu bàn. Ngay bên phải ghế của Hạm Trưởng, là 2 ghế trống, dành cho 2 vị khách. Khi Hạm trưởng và 2 vị khách đã an vị, các sĩ quan mới kéo ghế ngồi vào chỗ ngồi đã được định trước. Ai nấy đều nghiêm túc trong tiểu lễ trắng tinh, thẳng cứng, lon vàng, giây biểu chương óng ánh. Hạm Trưởng nói mấy lời chào, rồi nhường lời cho Trung Uý Sáu, sĩ quan ít thâm niên nhất, là sĩ quan ẩm thực đứng lên đọc thực đơn. Bữa ăn bắt đầu.

Hai anh hoả đầu vụ cũng quân phục trắng toát, cà-vạt đen trước ngực, bưng một khay bạc (mới mua ở PX Mỹ), lần lượt rót rượu vào ly cho mọi người một cách rất điệu nghệ. Sau mỗi ly của khách, miệng chai được xoay nhẹ và khẽ nhấc lên, rượu không rớt ra ngoài một giọt. Một vòng rượu quanh bàn, là một chai vừa hết. Hạm Trưởng mời mọi người nâng ly. Sau đó lần lượt là những món ăn được đem ra, vừa ngon và được xếp đặt rất đẹp. Bữa ăn đã diễn ra với tất cả nghi lễ rất kiểu cách như định bởi Hải Quy của các Hải Quân Aâu Mỹ. Tuy nhiên những món ăn thì pha trộn, vừa tây vừa ta, trong đó có món chả giò mà bánh tráng, nước mắm đã được đem đi từ Việt Nam. Khi món tráng miệng đã được mang ra, mọi người như đã quen thân, giáo sư Xương hỏi: “Các anh ăn uống trịnh trọng, kiểu cách như vậy, thì còn thì giờ đâu mà làm việc?” Hạm trưởng cười, nói: “Đâu có. Ở Việt Nam chúng tôi sống rất là đạm bạc. Bây giờ ở Mỹ, thực phẩm do Mỹ cung cấp rất đầy đủ, nên việc đón tiếp giáo sư hôm nay cũng là dịp để chúng tôi thực tập các nghi thức đã ghi trong hải quy mà thôi”.

(xem tiếp phần 2)







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2271