Lời Cám Ơn Muộn Màng
Date: Thursday, July 21 @ 10:29:44 EDT
Topic: Truyện Ngắn


Kim-Chi
Kính tặng ba yêu dấu và các anh của tôi
 
vanhocnghethuat.files.wordpress.comNăm đó gia đình tôi dọn về Nha Trang, hình như tôi khoảng năm tuổi và vừa mới học xong lớp mẫu giáo, nhưng cũng lờ mờ nhớ là nhà mình cũng đã dọn đi nhiều lần và qua nhiều thành phố khác nhau. Ba má tôi có cuốn album bìa bằng sơn mài thật đẹp, trong đó có nhiều hình ảnh của anh em chúng tôi, nhất là những tấm hình ngày chúng tôi được sinh ra đời, tôi đã nhận thấy một điều là mỗi đứa chúng tôi được sinh ra tại một thành phố khác nhau, nào là Vạn Giả, Ninh Hòa, Dục Mỹ, Đà Lạt, Thủ-Đức, Kontum và rồi sau đó Nha Trang, Đà nẵng… Tôi có thắc mắc về sự di chuyển khá thường xuyên của gia đình, má tôi hay chép miệng nói:

- Thì Ba con là nhà binh mà, rày đây mai đó… Đâu cũng là nhà…



Trong đầu óc non nớt của tôi lúc đó cũng chưa hiểu “nhà binh” là gì, chỉ loáng thoáng biết chắc đó là việc làm của ông, có điều tôi thấy ba tôi ít ăn mặc giống những người khác, khi nào ông cũng gắn liền với bộ đồ “nhà binh” ủi hồ cứng, giày luôn đen bóng, có một cái gì về bộ đồng phục đó mà trông ông thật oai hùng và cũng là hình ảnh rất thân thương của ba tôi đã in sâu vào tâm trí tôi.

Sau này tôi mới biết ra lúc đó ba tôi đổi đi Bình Tuy, có lẽ (đây là) vùng nguy hiểm nên gia đình dọn về ở Nha Trang để chúng tôi đi học. Lần đầu được sống trong con phố bình thường, khác hẳn với những cư xá quân đội, mà chúng tôi vẫn ở trước đây, anh em tôi thích chí vì có bạn mới, có quán hàng kề bên, ăn hàng thỏa thích. Chỉ có má tôi là buồn thiu vì ba tôi vắng nhà, tôi nhớ bà đan áo cho ông, hay làm các món ăn khô như thịt chà bông rồi cẩn thận bỏ vào lon guigoz để gửi đi. Mỗi khi ông đưa thư đi qua, mắt bà sáng rỡ lên khi nhận được thư của ba tôi gửi về. Tôi nhớ ba tôi gửi thư về rất thường, có khi gửi hình về cùng với thư, má tôi reo lên vui mừng, cho chúng tôi cùng xem, anh tôi tò mò, lật ra sau tấm hình và đọc to lên lời ghi chú, thường rất âu yếm viết riêng cho má tôi:

- Thương gửi về em yêu dấu và các con của chúng ta…
Má tôi thường đỏ bừng mặt lên, mắng yêu các con. Đôi khi ba tôi cũng viết thư cho anh em chúng tôi, thường là khuyên chúng tôi nên chăm học, nghe lời má và hứa khi về sẽ mua quà cho chúng tôi.

Lúc đó những ngày ba tôi về phép thật là vui, ông dẫn chúng tôi đi chơi, dạy cho chúng tôi học, nhất là đem chúng tôi đi mua những món đồ chơi mà chúng tôi ưa thích, tôi còn nhớ con búp bê thật đẹp, chiếc xe đạp có cái chuông reng ngộ nghĩnh. Mấy đứa bạn hàng xóm luôn chiêm ngưỡng những món đồ chơi của chúng tôi, có đứa phân bì, tôi bèn cắt nghĩa cho nó:

- Tại ba tao là “nhà binh” nên lâu lâu đi đánh nhau về là anh em tao được quà.

Chắc lúc đó mấy đứa bạn tôi chỉ ao ước được có cha là “nhà binh” như ba tôi. Tôi hãnh diện lắm về ba mình, về sự oai hùng của ông, anh tôi thì kể cho đám bạn trong xóm nghe về những chuyện hành quân ly kỳ của ba tôi. Chắc anh tôi đã cao hứng thêm bớt cho gay cấn chứ ba tôi ít khi nhắc đến những ngày đi hành quân, nếu có hỏi thì ba tôi cũng chỉ trả lời qua loa vì hình như ông muốn dấu đi những gian nan nguy hiểm của một người lính để chúng tôi yên lòng. Khi ba tôi về nhà thì ông lại trở thành người đàn ông rất bình thường thương vợ con, rất văn nghệ và đôi khi pha chút dí dỏm…

Sau những ngày về phép ngắn ngủi của ba tôi là sự vắng vẻ và nỗi buồn của chúng tôi trong những ngày ba không có nhà, chỉ có mấy mẹ con lủi thủi bên nhau, má tôi một mình thay chồng lo cho đàn con mà hình như tôi chưa hề nghe bà than vãn bao giờ.

Lúc đó má tôi còn rất trẻ, bà là một người đàn bà khả ái, hiền lành và rất đảm đang. Tôi còn nhớ bà may vá thêu thùa rất hay, lai còn rất khéo léo bếp núc. Lúc nào bà cũng tự tay lo lắng và chăm sóc cho các con. Hình như là má tôi luôn luôn có câu trả lời êm dịu, bất cứ chuyện gì dù có tệ đến đâu xảy ra mà đem nói với má tôi thì bà cũng sẽ có lời an ủi, khuyên răn ngọt ngào và tôi lại thấy vui thấy yên lòng.

Mặc dù sinh ra và lớn lên trong thời chiến, tuổi thơ của tôi trôi qua rất đầm ấp nhờ sự đùm bọc và thương yêu của ba má tôi, nhiều khi nhớ đến ba tôi, tôi thường lấy hình ba ra xem, nhìn ba trong bộ đồ “nhà binh” oai hùng mà thầm hãnh diện về ba mình.

Lớn lên một chút, tôi bắt đầu biết nhận xét về chung quanh nhiều hơn, không khí chiến tranh làm như đến gần tôi hơn. Tôi bắt đầu thấy sự gian nan và nguy hiểm về công việc của ba mình. Tôi đọc được nét lo lâu của trên gương mặt của ba tôi khi ông về nhà. Tuy lúc nào ông cũng cố gắng làm bổn phận của người cha, trên gương mặt sạm nắng nghiêm trang luôn để dành nụ cười hiền lành cho các con.

Rồi ngày tháng trôi qua, tôi lớn lên theo sự bành trướng của chiến cuộc ngày càng khốc liệt trên quê hương. Ba tôi đổi về vùng I, toàn gia đình theo chân Ba dời về Đà Nẵng, lại một lần nữa chúng tôi làm quen với cuộc sống mới. Nhưng chúng tôi không màng về sự thay đổi này cho lắm vì biết từ nay được ở gần ba hơn.

Ba tôi đóng quân tại một vùng kề cận Đà nẵng, một trung đoàn đánh giặc nổi tiếng của vùng này. Ông về nhà thường hơn, nhưng khi ông về thì mang theo mùi lính tráng, chiến tranh nhiều hơn xưa, dần dần tôi cũng bắt đầu đoán được tình hình qua cách đi đứng và ăn mặc của ba tôi và những ngưới lính đi chung. Những hôm ông chỉ về trên chiếc xe Jeep nhà binh, không mang nón sắt, không trang bị súng ống… thì trông ông có vẻ thư thả hơn, ông sẽ ngồi đọc báo uống café nhàn hạ dù chỉ trong chốc lát thì tôi đoán chắc trong ngày không có “đánh nhau” dữ dội hay là không cắm trại 100%.

Rồi lại cũng có những hôm ông về, mặt mày đầy nét lo âu, nhiều hôm chưa kịp ăn cơm lại phải vội vàng ra đi… Hoặc là liên tục nói chuyện trên máy truyền tin và có khi ban những khẩu lệnh bằng những mật hiệu khó hiểu mà tôi nghĩ rằng rất quan trọng…

Nhưng rồi cũng như tất cả những người Việt nam khác trong thời chiến, tôi cũng quen dần và lặng lẽ sống bên gia đình, có những vui buồn mà dần rồi ai cũng quen. Riêng ba tôi thì có lẽ vì áp lực bên ngoài và chức vụ ông đảm nhiệm trong những ngày cuối của cuộc chiến nên thấy nét lo âu ở ông ngày nhiều hơn. Tôi thấy thương ba mình thật nhiều.

Và rồi thế hệ kế tiếp nối gót, các anh tôi cũng bắt đầu đi vào quân đội. Những bài hát như còn vang vọng đâu đây diễn tả trung thực nhất về những tâm tình của các thanh niên thời chiến đã phải vội vã lìa xa mái trường: – Người từ trăm năm về ngang trường Luật… Ta hỏng tú tài ta vuột tình yêu… thi hỏng mất rồi ta đợi ngày đi…

Ngày anh tôi về từ trung tâm huấn luyện, nhìn anh tôi bỗng thấy anh như trưởng thành và người lớn hẳn ra, với làn da sạm nắng, mái tóc ngắn, trông anh khỏe và oai hùng trong bộ đồ lính… không hiểu vì sao nước mắt tôi chảy dài… Ba tôi vỗ vai anh hình như để dấu sự xúc động!

Tôi thấy thương anh mình thật nhiều, người con trai còn rất trẻ đã đánh đổi tuổi thanh xuân ở thị thành đi làm bổn phận của người trai thời chiến. Cũng như ba tôi anh tôi luôn cứng rắn, tôi cũng đành che dấu sự yếu mềm và ích kỷ của mình vì sợ anh tôi buồn.

Đơn vị cuối cùng ba tôi đảm nhận ở Thừa Thiên. Nên khi vào đại học, tôi cũng được “thuyên chuyển” theo ba ra Huế để đi học, tôi nôn nao vui thích được trở thành cô “sinh viên văn khoa”, một điều mà tôi hằng mơ ước từ lâu. Tuy là chỉ vài tháng sau thì tôi vĩnh viễn gĩa từ thành phố thơ mộng đó cũng như mãi mãi rời xa Việt nam.

Sự mất mát của tôi không làm sao so sánh được với sự mất mát lớn lao của ba tôi. Một hình ảnh mà cứ lảng vảng trong đầu óc tôi bao nhiêu năm nay, mỗi khi nghĩ lại tôi còn thấy xót xa là gương mặt trầm ngâm, cứng rắn khi ba tôi xếp lại bộ quân phục để thay vào bộ quần áo dân sự mà tôi cũng không hề nghĩ là ba tôi có, để mãi mãi từ giã cuộc đời “nhà binh”, từ giã một một cuộc đời binh nghiệp oai hùng của ông.

Cũng như không bao giờ tôi quên được một ngày cuối tháng tư năm nào, buổi sáng hôm đó ba tôi trầm ngâm ngồi bên chiếc radio nhỏ, nước mắt ông lăn dài trên má, lần đầu thấy ba tôi khóc tôi nghe như sụp đổ cả bầu trời, không cần ai cắt nghĩa tôi cũng biết chúng tôi đã có một mất mát lớn lao…

Mấy chục năm đã lặng lẽ trôi qua, chúng tôi cũng như những người Việt nam khác đã trải qua bao nhiêu là thăng trầm của thời thế, của cuộc sống. Ba tôi cũng không còn là một quân nhân nữa, đã phải làm quen với cuộc sống mới, ông cũng làm tròn bổn phận của người cha, nuôi nấng dạy dỗ chúng tôi nên người. Từ những ngày mới đặt chân lên đất Mỹ, ông cũng cầm bản đồ thành phố (như ngày còn đi hành quân) chỉ cho tôi đón từng chuyến xe bus để đi học, ông dẫn tôi vào tận trường ghi danh… Hay những tối mùa đông, tôi đi làm về trễ, ông lái xe đến trước chỗ tôi làm chờ sẵn từ khi ánh măt trời bắt đầu dịu lại, trời bắt đầu chập choạng tối để đón tôi về.

Mỗi khi nhớ lai ngày còn ở Việt Nam, tôi nhớ đến vui buồn ngày con trẻ dại, tưởng tất cả đã ngủ yên trong quá khứ thì một hôm kia, tôi bỗng tìm lại hình ảnh “nhà binh” thân thương và đồng đội của ba tôi của anh tôi năm nào…
Lúc tôi đang làm cô giáo ngày hai bữa sách ô đi về trong một cuộc đời thật bình lặng thì được ty học chánh bổ nhiệm về dạy tại một chi nhánh của trường Adult School, trường nằm tại một nhà thờ gần Downtown. Hôm đầu tiên tôi đi đến dạy, tần ngần nhìn những lớp học lèo tèo cũ kỹ mà ngao ngán.

Giữa trưa hè nóng nực hôm đó, tôi bỗng nghe như có giòng nước ngọt ngào mát lịm khi nghe tiếng Việt Nam bàn tán trò chuyện trong lớp học, tôi tò mò thích thú bước vào lớp. Sau một lát sắp xếp chỗ ngồi cho học sinh cũng phòng ốc cho tươm tất, tôi đảo mắt nhìn quanh, học sinh được khoảng trên hai mươi người, có lẽ cũng gần đến mươi người có nét mặt Á đông và mang những tên Việt Nam, tôi thấy làm lạ, ở một thành phố nhỏ bé tổng cộng người Việt nam định cư ở đây đếm trên đầu ngón tay làm gì có được từng này người đi học anh văn… Hỏi ra thì mới biết họ là những người mới định cư theo chương trình H.O. tôi tò mò nhìn… họ là đồng đội của ba tôi, của anh tôi ngày xưa đây…
Tôi cũng hơi lúng túng, trước những người học trò đặc biệt này. Được dịp tiếp xúc với họ tôi tìm biết thêm nhiều điều lý thú, thỉnh thoảng họ cũng chia xẻ với tôi những chuyện vui buồn trong lớp học cũng như ngoài giờ học.

Tôi còn nhớ dạo đó California mới thông qua đạo luật cấm hút thuốc trong trường học cũng như cơ quan chính phủ. Những cựu quân thì phần đông thích phì phèo điếu thuốc, trong trường bị các thầy cô đôi khi hách dịch la rầy… Có ông bực mình gây gỗ lại, có hôm tôi cũng vì “tự ái dân tộc” nổi lên nói lại với một bạn đồng nghiệp:

- Người ta không biết tiếng Mỹ chứ đâu có điếc mà bà la to vậy! Nói chuyện với người lớn thì lễ phép chút chứ!

Bà giáo vùng vằng bỏ đi, thấy vậy các ông nhao lên tả oán:

- Chuyện gì mà phải khó chịu vậy, tôi hút chứ có bắt “nó” hút đâu mà kêu ca um sùm cả lên.

Chợt nhớ đến mấy thầy giáo làm chung cũng ghiền hút thuốc thường đi qua bên kia đường để phì phà điếu thuốc, tôi đề nghị:

- Hay là các chú, các anh rủ nhau qua bên kia đường tha hồ mà hút, không ai dám nói gì đâu!

- Bên này đường hay bên kia đường gì thì khác gì, tại sao phải rắc rối vậy!
Tôi nghĩ thầm đúng là mấy ông nhà binh chuyện gì cũng ngang tàng mới chịu, tuy nhiên không muốn họ bị cằn nhằn mỗi ngày, tôi dịu giọng:

- Thì cứ nghĩ mấy tàng cây bên kia đường là mấy quán café Cây me, Cây ổi… gì đó mà hồi xưa mấy chú mấy anh ngồi uống café hút thuốc chờ đào đi học về… Nghĩ vậy đi cho nó đẹp!

Họ phì cười trước sự đề nghị của tôi, không biết vì thấy đề nghị có lý hay là thấy tội nghiệp tôi cứ đi theo bênh vực họ với những thầy cô khác mà từ đó đã có một quán cóc bên kia đường, giờ ra chơi là tụ tập đông đảo hút thuốc, trò chuyện thật vui vẻ.

Phần đông học sinh lớp tôi khả năng viết khá hơn phần nói, nên giờ học tôi chú trọng đến đàm thoại rất nhiều, tôi cũng thích nghe họ nói kể chuyện lính, chuyện đi học tập… Đề tài mà khi nhắc đến những đôi mắt những người lính năm xưa bỗng sáng lên, giọng hùng hồn và tiếng Anh nói cũng lưu loát hơn…
Ngoài giờ học tôi cũng thường trò chuyện và lắng nghe những nhận xét sâu sắc về thời cuộc, tôi cũng học hỏi ở họ rất nhiều. Họ cũng tò mò về tôi, một hôm có người hỏi:

- Cô chắc là con lính phải không?

- Dạ đúng, sao chú biết!

- Tôi nhìn là đoán được, thấy phong cách lễ độ và cương trực lắm!

Tôi hãnh diện lí nhí:

- Cám ơn chú, ba tôi nghe chắc vui lòng lắm!

Cuối khóa học đó, học trò tôi ai cũng được lên lớp và chuyển đi trường lớn hơn. Học trò bịn rịn vì:

- Học ở đây vui quá, cô coi chúng tôi như người trong nhà!

Tôi đùa:

- “Huynh đệ chi binh” mà!

Mọi người cười vui vẻ. Nhưng tôi cũng không khỏi buồn tiễn họ đi, như tiễn người anh người chú lên đường nhập vào cuộc sống mới nhiều chông gai chờ đón. Ngày cuối cùng, tôi làm một “slide show” về cuộc di tản của gia đình tôi, tôi muốn họ nhìn thấy ngày đó chúng tôi còn “lọ lem” lắm, hình ảnh ba má tôi và đàn con nheo nhóc… Tôi nói riêng với nhóm học trò Việt nam:

- Tôi nghĩ là các chú, các anh sẽ vượt qua được khó khăn và thành công trong cuộc sống mới, vì bản tánh cam đảm và cương quyết của người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Một người nói:

- Lính thì đâu sợ cực khổ, tôi chỉ tiếc là không còn trẻ, còn khỏe mạnh…
Tôi thấm thía cho sự thua thiệt của họ, tôi muốn nói một lời tri ân cho sư hy sinh cao cả mà họ đã hiến cho đất nước, cho dân tộc. Để những ngày gần cuối cuộc đời phải đi lại từ đầu…

Nhưng tôi đã không làm được điều đó, họ đã tản mác đi, mỗi người mỗi ngã, tôi cầu mong họ gặp thật nhiều may mắn để đền bù lại cho những thua thiệt họ phải nhận lãnh từ lâu.

Tôi cũng xin mượn trang giấy này, để nói lên sự hãnh diện và biết ơn của tôi về đấng sinh thành, về người cha tôi hằng yêu quí. Về các anh tôi những người con trai sinh ra trong thời chiến, đến những người tôi không hề quen biết, đã hy sinh, âm thầm chấp nhận quá nhiều thiệt thòi trong cuộc chiến cũng như sau cuộc chiến. Nhờ sự hy sinh cao cả của họ tôi đã có những ngày an bình để lớn ngay trong quê hương có chiến tranh đổ nát. Và rồi họ là những người ở lại sau cuộc chiến chấp nhận sự đau khổ, bạc đãi…

Xin hãy nhận ở đây dù có hơi muộn màng, lòng tri ân xâu xa nhất của tôi, không có giấy mực hay ngôn từ nào diễn tả được… Dù tôi có ở đâu đi chăng nữa, hình ảnh những người lính anh hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn luôn là hình ảnh thân thương mà tôi biết khi còn bé, suốt cuộc đời niên thiếu, bây giờ và mãi mãi về sau…

Nguồn: http://www.sangtao.org/

http://sangtao.org/2011/06/18/l%e1%bb%9di-cam-%c6%a1n-mu%e1%bb%99n-mang/#more-7358







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2252