Ông Nguyễn Văn Bé
Date: Friday, June 17 @ 12:31:11 EDT
Topic: Di Dân & Nhập Tịch


Tuyết Dương & Tâm Đặng

Ông Bé bị loét bao tử đến độ ho ra máu. Nghĩ rằng ông khó có thể thoát chết, một vị bác sĩ của chính quyền cộng sản đã thương tình chạy vạy khắp các đơn vị bộ đội đóng gần trại tù cải tạo xin được cho ông hai hộp sữa, là loại thực phẩm cực hiếm thời bấy giờ. Khi nhớ lại quãng đời tù đày này, ông Bé nói một cách hãnh diện: “nếu không có hai hộp sữa đó thì tôi chắc chẳng còn sống được cho đến ngày nay”. Ông Bé thuộc vào một trường hợp may mắn, bởi vì phần lớn các tù nhân khác trước khi chết đã chẳng được hưởng bất cứ một ân huệ nào trừ những lời cầu nguyện thều thào trên môi.

Ông Bé là một trong số một triệu người miền Nam đã bị đẩy vào các trại cải tạo sau khi cộng sản chiến thắng trong cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai. Những trại cải tạo này thực chất là những trại lao động nơi mà các tù nhân bị buộc làm những việc lao động chân tay như đốn củi, nung gạch, và những việc linh tinh khác trong rừng sâu.

Cũng trong những trại lao động này, họ thường xuyên bị đánh đập, trấn nước, cho điện giật, bị xâm hại bộ phân sinh dục, bị tra tấn tinh thần và ngay cả bị đưa đi xử bắn giả nữa. Khoảng 60 ngàn tù nhân đã mất mạng vì thiếu ăn, bệnh tật, hoặc bị xử tử. Khi nhớ lại những chuyện này, ông Bé lắc đầu nói: “cuộc sống trong các trại giam đó rất cực khổ, rất rất là cực khổ”.

Nhưng cũng có nhiều tù nhân đã sống sót để trốn thoát qua Hoa Kỳ. Bắt đầu từ năm 1989, thông qua chương trình HO, chính phủ Hoa Kỳ đã giúp tái định cư 30 ngàn tù cải tạo và 120 ngàn thân nhân của họ. Điều đáng buồn là cho đến nay, phần lớn trong số họ vẫn còn phải bươn chải để tìm một chỗ đứng trong lòng xã hội mới. Lý do là vì những năm tháng tù đầy đã để lại nơi họ rất nhiều di chứng về tinh thần mà họ khó có cơ hồi phục.

Hai trong số các di chứng này là bệnh mất trí nhớ và chứng thiểu năng trí tuệ. Tai hại là các di chứng này đã tước đoạt mất khả năng học Anh ngữ, dù là những từ đơn giản nhất, và như thế, họ rất khó vượt qua được kỳ thi nhập tịch Hoa Kỳ, là niềm mong mỏi lớn nhất của họ. Theo một nghiên cứu gần đây, thì trong số 500 người được khảo sát, chỉ 12% trong số họ là có khả năng giao tiếp bằng Anh ngữ.

Cũng theo nghiên cứu này thì, nhóm cựu tù cải tạo trên hiện là nhóm bị mắc nhiều chứng bệnh tâm thần nhất trong tất cả các nhóm di dân hiện có ở Hoa Kỳ.

Năm 1998, Sở Di Trú và Nhập Tịch Hoa Kỳ đã cho ra đời một số những qui định về miễn thi phần Anh ngữ cũng như phần lịch sử và công dân giáo dục Hoa Kỳ cho những người mất khả năng học. Nắm được các qui định này, nên vào năm 2003, văn phòng Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển tại Falls Church, Virginia đã đưa vào thí điểm chương trình giúp các bác cựu tù cải tạo làm đơn xin miễn thi nhập tịch. Tính đến nay, văn phòng đã giúp làm hồ sơ miễn thi cho 192 bác. Trong số này, 87 hồ sơ đã được Sở Di Trú và Nhập Tịch chấp thuận, và 67 bác cựu tù cải tạo đã được nhập tịch. Ngoài việc được giúp đỡ làm hồ sơ miễn thi, các bác cũng còn nhận được các giúp đỡ khác của văn phòng về các vấn đề chăm sóc sức khoẻ, dịch vụ pháp lý, nhà ở, v.v.

Bắt đầu từ năm 2004, Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển ở Houston cũng nhận được sự tài trợ trợ của Văn Phòng Tái Định Cư Người Tị Nạn để tổ chức Chương Trình Trợ Giúp Cựu Tù Cải Tạo gọi tắt là VTAP (Victims of Torture Assistance Program). Chương trình này cũng tương tự như chương trình đã được tổ chức tại Falls Church, Virginia, và nhằm giúp đỡ các cựu tù cải tạo làm đơn xin miễn thi nhập tịch cũng như  các giúp đỡ khác liên quan đến các vấn đề chăm sóc sức khoẻ, các dịch vụ về pháp lý, nhà ở, v.v.

Hiện nay, văn phòng đang tổ chức tuyển mộ các bác sĩ thiện nguyện cho chương trình này và hướng dẫn họ về những qui định miễn thi nhập tịch của Sở Di Trú và Nhập Tịch Hoa Kỳ. Việc hướng dẫn này rất cần thiết, vì nếu các bác sĩ này không tuân thủ chặt chẽ các qui trình cũng như các qui định của sở Di trú và nhập tịch thì hồ sơ xin miễn thi sẽ khó có thể được chấp nhận.

Song song với các hoạt động tuyển mộ và huấn luyện các bác sĩ thiện nguyện tham gia vào chương trình trên, văn phòng Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển tại Houston cũng tổ chức và chương trình hoạt động liên quan khác, bao gồm cả chương trình Lịch Sử Qua Lời Kể nhằm ghi lại những kinh nghiệm của các bác cựu tù cải tạo trong giai đoạn lịch sử đau thương vừa qua của dân tộc. Những lời kể này, cùng với các hình ảnh của các cựu tù, sẽ được tập hợp lại thành sách tư liệu và phim tư liệu phổ biến rộng rãi cho công chúng.

Những chương trình vừa kể trên cần sự góp sức của rất nhiều người. Những ai muốn tham gia vào các chương trình trên xin liên lạc cô Thảo Võ qua số điện thoại 703-538-2190 hoặc địa chỉ email thao.vo@bpsos.org.  

Mạch Sống Số 36, tháng 6, 2005







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=221