Vì Cộng Đồng và Đất Nước
Date: Sunday, April 10 @ 19:17:43 EDT
Topic: Quan Điểm


Phát Biểu Tại Hội Nghị Toàn Quốc Của Các Luật Sư Người Mỹ Gốc Việt

Hoa Thịnh Đốn, 2 tháng 4, 2011

 

Ts. Nguyễn Đình Thắng

 

(Nguyên văn tiếng Anh)

 

Kính chào quý thượng khách, quý luật sư,

 

Tôi xin nói rõ: tôi không phải là luật sư đâu nhé.

 

(Quan khách cười rộ)

 

Tôi vẫn tin rằng đối diện với luật sư một hoặc cùng lắm hai lần trong đời là đủ lắm rồi. Thế mà xem này, chỉ riêng hôm nay tôi đang đối diện cơ man nào luật sư. Vinh dự thay.

 

(Cười rộ)

 

Trước hết tôi chúc mừng ba sinh viên luật được trao học bổng. Các bạn đã phấn đấu và xứng đáng với học bổng ấy. Tôi nghiêng mình thán phục.

 

(Vỗ tay)

 

 

Ts. Nguyễn Đình Thắng Phát Biểu Tại Hội Nghị Toàn Quốc Của Các Luật Sư Người Mỹ Gốc Việt tại Hoa Thịnh Đốn, 2 tháng 4, 2011. (ảnh Chi Lan Vu)

 

Hồi nãy, trong phần tiếp tân, tôi có vinh dự đặc biệt được bác Paul Nguyễn, vị được trao danh hiệu Người Mở Đường (Trailblazer). cho tôi một ly rượu vang đỏ. Và nếu bây giờ lời nói của tôi mà có bất nhất thì quý vị biết tại ai

 

(Cười rộ)

 

Tại buổi tiếp tân chiều hôm qua, một người trong số quý vị, Giáo Sư Luật Việt Đinh, thôi thúc chúng ta đáp lời réo gọi phục vụ.



Trong 20 năm qua tôi có hân hạnh chuẩn bị cho nhiều người bạn trẻ cho điều ấy: phục vụ.

 

Có lẽ một số người nghĩ đến một trong những thực tập sinh của tôi mà sau này trở thành vị dân biểu liên bang người Mỹ gốc Việt đầu tiên. Tôi rất hãnh diện về người ấy và mọi người trong chúng ta đều nên hãnh diện.

 

Nhưng hôm nay tôi không nói về Dân Biểu Joseph Cao mà muốn nói về một thực tập sinh đến với tôi từ San Diego cách đây 10 năm.

 

Một hôm tôi chở cậu ta trên xe. Hai anh em hứng thú nói về các sinh hoạt cho giới trẻ. Khi tôi nhắc đến một tổ chức tên là Lạc Việt ở Louisville, Kentucky, chuyên lo dạy kèm cho những trẻ em gia đình nghèo, cậu ta hứng thú reo lên: Hội này chọn tên hay quá. Thật phù hợp!

 

Tôi khá ngạc nhiên vì không ngờ một thanh niên trẻ, không rành tiếng Việt lắm, lại có thể hiểu được ý nghĩa của cái tên Lạc Việt.

 

Theo truyền thuyết, cách đây gần 5 ngàn năm nhiều bộ tộc Việt sống dọc theo mạn Nam của sông Hoàng. Họ tạo nên nền văn hoá Bách Việt. Nền văn hoá nông nghiệp ấy bị giống dân du mục từ phương Bắc tấn công và thống trị. Chỉ có một ít bộ tộc sống thoát, trong đó có bộ tộc Lạc Việt, lấy loài chim Lạc làm biểu tượng. Họ di chuyển xuống phương Nam để tránh bị diệt chủng và lập quốc ở giải đất mà bây giờ là Việt Nam. Đó là truyền thuyết về nguồn gốc của dân tộc Việt Nam. Tôi không ngờ cậu ta lại biết về truyền thuyết này.

 

Vừa ngạc nhiên vừa tò mò, tôi hỏi: Sao lại nói vậy?

 

Vẫn với giọng phấn khởi, cậu ta trả lời: Thì lạc là đi lạc, còn Việt là người Việt. Những người Việt lạc lõng, đúng với tâm trạng tụi em đó anh.

 

(Quan khách cười rộ)

 

Thoạt tiên tôi thấy câu trả lời ngộ nghĩnh. Nhưng khi nghĩ lại, vì hiểu hoàn cảnh của cậu thanh niên này, tôi thấy đau nhói trong tim. Cậu ta lớn lên trong một gia đình thiếu đầm ấm; bố mẹ say sỉn. Là người độc nhất trong gia đình vào đại học, cậu ta tốt nghiệp với số điểm tối thiểu là 2.0. Ở tuổi mới lớn, cậu ta không có người hướng dẫn, không có ai làm gương, không định hướng cho cuộc đời.

 

Mọi người chúng ta ở đây may mắn hơn cậu thanh niên ấy.

 

Quý vị chắc chắn là may mắn hơn cậu ta. Quý vị là những gương thành công, là niềm hãnh diện của cộng đồng Việt ở Hoa Kỳ. Và hơn nữa quý vị đã đóng góp trở lại. Nếu có quyển sách về sự thành đạt của những người Mỹ gốc Việt thì mỗi người trong số quý vị phải được ghi nhận và vinh danh về những thành đạt bản thân và đóng góp cho cộng đồng và xã hội.

 

Trong 36 năm qua cộng đồng của chúng ta đã thể hiện nghị lực sinh tồn vượt bực. Từ thân phận tị nạn và di dân, các gia đình người Việt đã xây dựng lại cuộc sống ở một đất nước hoàn toàn mới lạ, đã nuôi nấng con cái nên người, và đồng thời hỗ trợ cho thân nhân ở trong nước.

 

Tuy nhiên, trong bức hình toàn thể về cộng đồng của chúng ta, có một cái gì đó không ổn.

 

Những người như quý vị đã thành công là do chính sự phấn đấu của mình và sự hy sinh và dìu dắt của ông bà, cha mẹ chứ đâu phải do nỗ lực chung của cộng đồng. Chúng ta có nhiều thành đạt cá nhân nhưng như một tập thể chúng ta đã không thành công. Trong 36 năm qua, cộng đồng chúng ta đã không quan tâm đầu từ cho tương lai của chính mình. Cộng đồng chúng ta cần thay đổi, cho những người kém may mắn, như cậu thực tập sinh của tôi vừa kể.

 

Cách đây vài hôm, tôi tiếp xúc với một số em trong hội sinh viên địa phương, ở quận Fairfax. Các em đang cần gây quỹ dăm ba ngàn để thực hiện dự án dạy kèm cho các học sinh trung học yếu về học lực. Các em thật chật vật mà vẫn không tìm ra ngân khoản. Trong khi đó cuối tuần nào ở các thành phố lớn nhỏ cũng đều có các buổi gây quỹ, tổng cộng lên đến hàng trăm ngàn, hàng triệu Mỹ kim, cho các chương trình cứu tế, từ thiện ở Việt Nam. Có điều gì không ổn nơi bức tranh về cộng đồng của chúng ta.

 

Trong những chuyến đi khắp nơi ở Hoa Kỳ, tôi đã gặp biết bao trẻ em Việt bỏ học vì thiếu sự hướng dẫn, thiếu cơ hội, thiếu phương tiện. Thế nhưng trong cộng đồng chúng ta lại có rất nhiều những chương trình xây nhà trường, cấp học bổng ở Việt Nam. Có điều gì không ổn nơi bức tranh về cộng đồng của chúng ta.

 

Tôi cũng đã gặp biết bao gia đình khốn khó, mất công ăn việc làm, mất bảo hiểm trong nền kinh tế khó khăn hiện nay. Có những người nhiều năm rồi không dám đi bác sĩ. Thế nhưng trong cộng đồng chúng ta lại có biết bao các phái đoàn y sĩ đi phục vụ ở Việt Nam mỗi năm. Có điều gì không ổn nơi bức tranh về cộng đồng của chúng ta.

 

Hiện có khoảng 130 ngàn tiểu thương trong cộng đồng. Đó là rường cột kinh tế của cộng đồng, là nguồn thu nhập của phần lớn các gia đình Việt. Nhờ đó mà những người Việt tị nạn và di dân đã nuôi nấng cho con cái trưởng thành và đỗ đạt, sản xuất biết bao bác sĩ, kỹ sư, luật sư, nghệ sĩ cho cộng đồng chúng ta và đất nước Hoa Kỳ. Thế nhưng phần lớn các tiểu thương này èo uột vì không đi vào được thị trường dòng chính. Cộng đồng chúng ta chưa có một kế hoạch, một chương trình nào để giúp cho các tiểu thương ấy phát triển. Trong khi đó có biết bao dự án đầu tư vào Việt Nam lên đến bạc tỉ. Có điều gì không ổn nơi bức tranh về cộng đồng của chúng ta.

 

Xin đừng hiểu lầm rằng tôi bài bác việc trợ giúp cho người dân trong nước. Trong 30 năm qua đó là điều tôi đã làm: trợ giúp người dân trong nước. Tôi kêu gọi sự quân bình trong mối quan tâm của chúng ta đối với đồng bào ở Việt Nam và đối với chính cộng đồng của mình ở ngay tại Hoa Kỳ.

 

Cộng đồng chúng ta có nhiều hội đoàn nhưng thiếu các tổ chức có cơ chế để đáp ứng các nhu cầu đa dạng trong chính cộng đồng của mình. Đó là những tổ chức có sứ mạng và chức năng rõ rệt, có cơ sở ổn định, có cấu trúc điều hành, có nguyên tắc quản trị, có nhân viên chuyên nghiệp, có ngân sách, và có kế hoạch trường tồn. Cứ trung bình một ngàn rưởi người Mỹ thì lại có một tổ chức có cơ chế như vậy. Tính theo tỉ lệ ấy thì lẽ ra cộng đồng chúng ta đã phải có trên một ngàn tổ chức như vậy trên toàn quốc. Nhưng làm gì có. Thực sự chúng ta cũng không biết đích xác là cộng đồng mình có bao nhiêu tổ chức như vậy. Theo tôi, không đến 50. Có điều gì không ổn nơi bức tranh về cộng đồng của chúng ta.

 

Thiếu những tổ chức có cơ chế như vậy dẫn đến thất thoát tài năng. Khi những người trẻ muốn phục vụ toàn thời cho cộng đồng thì họ đi đâu? Không có nơi nào trong cộng đồng của chúng ta thu dụng họ, thì họ phải qua những cộng đồng khác để phục vụ. Chúng ta đang mất họ. Và khi không có những người có năng lực, có ý chí làm việc toàn thời để huy động và phối hợp những người tình nguyện thì dần dà chúng ta cũng mất luôn cả những tình nguyện viên. 

 

Quý vị là những người lãnh đạo giỏi trong lãnh vực chuyên môn của mình. Cộng đồng chúng ta có nhiều người lãnh đạo như vậy, nhưng lại thiếu một loại lãnh đạo: đó là lãnh đạo cộng đồng. Đấy là những người lãnh đạo am tường tâm lý và ngay cả những nghịch lý trong cộng đồng. Họ phải biết cách huy động những khuynh hướng đa dạng, biết cách hoá giải những bất đồng. Họ phải biết cách cơ chế hoá các tổ chức quần chúng. Họ phải có tầm nhìn sách lược, đầu óc cấu trúc và khả năng tìm giải pháp. Cộng đồng chúng ta chưa có một kế hoạch đào tạo nên những người lãnh đạo cho chính cộng đồng.

 

Trong 12 tháng qua tôi đã đi nhiều nơi trên nước Mỹ, từ những tỉnh lớn đến các thành phố nhỏ, để tiếp xúc với đồng bào thuộc mọi thành phần, tại các trung tâm cộng đồng và ở những trường đại học, để chuyển tải thông điệp về sự thay đổi. Thông điệp này rất đơn giản: hãy đầu tư cho chính tương lai của cộng đồng, và hãy khởi đầu ngay. Chúng ta phải khởi đầu ngay vì khi mà lớp người mà tôi gọi là đội ngũ cầu nối, nghĩa là những người tiến vào dòng chính dễ dàng mà vẫn gắn bó với cộng đồng và dân tộc, phai dần vào hoàng hôn của đời người thì đã quá trễ nếu chưa kịp bắc nhịp cầu cho thế hệ sau tiếp nối.  

 

Thông điệp này được sự hưởng ứng rộng rãi của mọi thành phần thuộc các thế hệ khác nhau.

 

Ngày 2 tháng 7 tới đây, từ hai đến ba trăm người đồng tâm đồng chí, với kinh nghiệm lãnh đạo khác nhau, sẽ từ khắp nơi tụ hội về Hoa Thịnh Đốn với một mục đích chung: đặt nền móng cho một kế hoạch 10 năm để đưa cộng đồng chúng ta tiến lên trong cả ba lãnh vực chính quyền, kinh doanh, và xã hội, cùng lúc.

 

Trong lãnh vực chính quyền, kế hoạch này sẽ khuyến khích người trẻ tham gia các cơ quan chính quyền, phục vụ trong quân đội, tranh cử và vận động chính sách. Trong lãnh vực kinh doanh kế hoạch này sẽ hỗ trợ cho giới tiểu thương phát triển, khuyến khích và hướng dẫn người trẻ đi vào thương trường, và chuẩn bị để người Việt tiến lên các vị trí lãnh đạo trong các công ty dòng chính. Trong lãnh vực xã hội, kế hoạch này sẽ thúc đẩy việc hình thành các tổ chức có cơ chế cho cộng đồng, tập hợp quần chúng, và liên kết với các cộng đồng sắc dân bạn để tạo tiếng nói và thế đứng.  

 

Để hỗ trợ cho sự phát triển trong cả ba lãnh vực này, đại hội sẽ đưa ra hai đề xuất: nghiên cứu và đào tạo lãnh đạo. Về nghiên cứu, chúng tôi đang kết nối lực lượng những chuyên viên nghiên cứu và học giả gốc Việt để thực hiện các cuộc khảo cứu về chính cộng đồng mình. Về đào tạo lãnh đạo, chúng tôi đã bắt đầu chương trình “500 trong 5 năm”, qua đó đào tạo đội ngũ người lãnh đạo có bản lĩnh, đạo đức, và hữu hiệu.

 

Có người cho rằng đây là viễn cảnh lớn với những thử thách to tát. Đúng vậy, cộng đồng chúng ta đang cần một tầm nhìn rộng lớn đủ để quy tụ mọi người có tâm huyết, để tạo cảm hứng cho mọi người ở mọi lứa tuổi, để thu hút nhân tài ở mọi nơi, và để biến sự khác biệt thành sự đa dạng phong phú.

 

Còn nói về thử thách thì dù to tát cũng chẳng so sánh được với những thử thách của Biển Đông mênh mông và cánh đồng tử thần ở Cambốt mà chúng ta hay cha mẹ chúng ta đã phải vượt qua trước đây khi đi tìm tự do, chẳng thể so sánh được với những thử thách của những gia đình phải xây dựng lại từ đầu nơi đất khách quê người, và cũng chẳng thể so sánh được với những thử thách của công trình lập quốc của bộ tộc Lạc Việt cách đây mấy nghìn năm.

 

Tôi kêu gọi những bộ óc tuyệt vời và những tấm lòng nhân ái ở nơi đây hãy đến cùng với hàng trăm những người lãnh đạo khác vào ngày 2 tháng 7 sắp tới, cho cùng một đại nghĩa.

 

Trong số quý vị có người có lẽ còn thắc mắc về người thanh niên đến thực tập với tôi từ San Diego. Thưa vâng, sau khi hoàn tất một năm thực tập, cậu ta đã vào Đại Học Yale để theo đuổi ngành y. Cậu ta giờ đây có tương lai. Và cộng đồng của chúng ta cũng vậy, cũng sẽ có tương lai, nếu như mọi người trong chúng ta đủ quan tâm để biến viễn cảnh thành hiện thực.

 

Chúng ta có hy vọng. Chúng ta có trách nhiệm. Đã đến phiên chúng ta nhận lãnh vai trò do lịch sử giao phó.

 

(Vỗ tay)

 

Thông tin về đại hội ngày 2 tháng 7: http://vasummit2011.org/







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2191