Vì Cộng Đồng và Đất Nước
Date: Saturday, March 26 @ 23:20:51 EDT
Topic: Quan Điểm


Trở Về

Ts. Nguyễn Đình Thắng

 

Người bạn trẻ,

 

Trong một buổi tiếp xúc gần đây, bạn tâm sự rằng, lớn lên ở một thành phố ít người Việt, bạn hoàn toàn sống, suy nghĩ, sinh hoạt như người Mỹ và không thấy có lý do để trở về và đóng góp cho cộng đồng Việt.

 

Đó là câu hỏi rất chính đáng và có lẽ nhiều người trẻ Việt khác cùng tâm tư với bạn. Vậy chúng ta hãy trao đổi về đề tài này.

 

Bạn có để ý chăng, trên thế giới hiện có nhiều nỗ lực quốc tế nhằm bảo vệ các nền văn hoá trước nguy cơ tiêu tán, kể cả những nền văn hoá bộ lạc trong rừng sâu núi thẳm? Lại cũng có biết cuộc khai quật và tìm hiểu các nền văn minh cổ đại. Ngoài tính tò mò và khía cạnh tâm linh, những nỗ lực này còn có mục đích bảo vệ tương lai của nhân loại. Những nền văn hoá lâu đời, qua nhiều thiên niên kỷ đã tích luỹ những triết lý và kinh nghiệm sinh tồn, có thể giúp nhân loại ngày nay vượt qua những thử thách của thời cuộc, sinh tổn qua những cơn khủng hoảng cùng cực.



Cộng đồng chúng ta mang theo với mình đến các bến bờ tự do cả một lịch sử dài trên bốn ngàn năm, tích luỹ qua biết bao thăng trầm. Túi khôn ấy chùng ta cần gìn giữ lấy và phát triển thêm, không phải chỉ là cho cộng đồng mà còn là cho cả đất nước Hoa Kỳ và nhân loại.

 

Bạn chẳng cần nhìn đâu xa. Chính bạn đó, con của những cha mẹ tị nạn hay di dân mới ngày nào chân ướt chân ráo đến Hoa Kỳ, bạn đã thành công trong học vấn và đang vững chãi bước vào cuộc sống ở Hoa Kỳ, đất nước tiền tiến nhất thế giới. Bạn có nghĩ rằng thành quả ấy là do tự mình đạt được hay phần nào đó, nếu không nói là phần lớn, là do bạn đã thừa hưởng quyết tâm mãnh liệt, khả năng bươn chải phi thường, và sức bật hiếm có từ chính cha mẹ, những người đã can trường bỏ tất cả lại đằng sau và cần mẫn lập lại cuộc sống mới ở một xã hội hoàn toàn xa lạ?

 

Liệu nền văn hoá đã hun đúc những đức tính ấy có nên gìn giữ cho xã hội, cho loài người? Và nếu câu trà lời là có, thì ai là người ở vị thế thuận lợi nhất để làm việc ấy nếu không phải là chính bạn?

 

Nhưng không phải ai ở trong cộng đồng người Việt cũng được may mắn như bạn. Có những người già neo đơn, có những thanh niên sống không định hướng, có những trẻ em lạc lõng trên đường đời, có những phụ nữ bị bạo hành, có những di dân mới đến không rành ngôn ngữ, không công ăn việc làm… Giúp cho họ không những là một đòi hỏi lương tâm giữa con người với nhau mà còn làm giảm nhẹ đi gánh nặng cho xã hội. Ai là người có nhiều thuận lợi nhất để làm việc đó, nếu không phải là chính bạn, người cùng huyết thống, cùng văn hoá, cùng ngôn ngữ với họ?

 

Và rồi bạn cũng cần tự hỏi, trong cuộc sống hay trong công việc mình có gì độc đáo, khác hơn mọi người khác, để đóng góp cho việc chung dù là trong thương trường, trong công sở, hoặc trong đề án khảo cứu? Điểm nổi bật đương nhiên của bạn mà không ai khác có thể cạnh tranh hay phủ nhận chính là sự hiểu biết về cộng đồng người Việt, về ngôn ngữ và văn hoá Việt, về đất nước và con người Việt Nam. Bạn cứ tưởng tượng trong bàn họp chỉ có một mình bạn là người Việt, khi nói đến cộng đồng Việt hay đất nước Việt Nam thì tất cả các ánh mắt chờ đợi của đồng nghiệp sẽ hướng về ai để được hướng dẫn, nếu không phải là chính bạn? Đó là giá trị mà bạn có thể góp phần độc đáo của mình cho mọi người trong lãnh vực sinh hoạt, làm ăn hay phục vụ. Phát triển điểm độc đáo ấy, bạn có thể đóng góp tích cực cho thành công chung và giúp cho chính bạn thăng tiến cá nhân.

 

Vậy thì bạn nghĩ sao, liệu sự trở về để góp phần xây dựng và phát triển cộng đồng Việt có là điều nên và cần không?

 

Khi bạn tự hỏi thì cũng là tự trả lời rồi đấy.







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2181