Đi Tìm Sự Thành Công
Date: Tuesday, March 15 @ 15:10:03 EDT
Topic: Phát Triển CĐ


Minh Công

blog.karolzielinski.comCuốn sách “Who Moved My Cheese?” (Đi Tìm Sự Thành Công) do ông Spencer Johnson viết và xuất bản vào năm 1998 là một trong những đầu sách được bán chạy nhất nước Mỹ trong suốt năm năm liền theo sự khảo sát của tờ báo uy tín nhất của Hoa Kỳ là New York Times.

Cuốn sách được viết theo thể loại kể chuyện hình tượng hóa với nội dung xoay quanh về những sự thay đổi trong cuộc sống và công việc của mỗi người và những thái độ phản ứng khác nhau trước những thay đổi đó. Câu chuyện xoay quanh bốn nhân vật chính tượng trưng cho bốn thái độ phản ứng phổ biến của con người. Hai trong số nhân vật chính (“Sniff” và “Scurry”) tượng trưng cho lối suy nghĩ đơn giản hóa vấn đề với cách nhìn trực diện vào cuộc sống, sẵn sàng đối mặt với các thay đổi để thích nghi. Hai nhân vật chính còn lại ("Hem" và "Haw") tượng trưng cho cách suy nghĩ phức tạp, thụ động, không nhìn nhận vào thực tế và không có ý chí tiến thủ để vượt qua hay thích nghi với các thay đổi trong cuộc sống và sự nghiệp. Miếng pho-mát (cheese) trong cuốn sách mà bốn nhân vật chính tìm kiếm tượng trưng cho sự thành công trong sự nghiệp hay cuộc sống của mỗi con người.



Câu chuyện bắt đầu khi bốn nhân vật chính cùng bắt đầu trên con đường tìm kiếm miếng pho-mát cho riêng mình. Trong khi hai nhân vật với cách suy nghĩ đơn giản Sniff và Scurry chọn cách thức trực tiếp chạy vào mê cung để tìm kiếm pho mát thì hai nhân vật Hem và Haw lại sử dụng những suy nghĩ, phán đoán phức tạp để chọn ra đường đi nào là tốt và nhanh nhất dẫn đến kho pho mát trong mê cung. Tuy sử dụng cách thức khác nhau, nhưng cuối cùng cả 4 nhân vật đều tìm đến được kho pho mát mà mình tìm kiếm bấy lâu nay. Nói một cách khác, ai cũng đạt được thành công và hạnh phúc mà mình tìm kiếm.

Tuy nhiên bài học mà cuốn sách muốn chuyển đến người đọc không dừng tại đây. Trong khi 4 nhân vật chính đều đang tận hưởng thành công, hạnh phúc thì họ có những thái độ khác nhau cho tương lai. Sniff và Scurry vẫn tận hưởng kho pho mát, nhưng họ vẫn luôn sẵn sàng cho sự thay đổi, vẫn luôn tìm kiếm lối thoát và lo nghĩ cho tương lai. Hem và Haw thì hoàn toàn trái lại, hai nhân vật với lối suy nghĩ phức tạp mặc nhiên coi những gì mình kiếm được sẽ không bao giờ thay đổi, họ ung dung tận hưởng thành công trước mắt mà không bận tâm đến những thay đổi đang xảy ra xung quanh.

Khi kho pho mát cạn kiệt, Sniff và Scurry nhanh chóng lên đường tìm kiếm cơ hội mới. Họ ra đi một cách dứt khoát mà không luyến tiếc tới những gì đã đạt được trong quá khứ. Họ tuân theo cách suy nghĩ đơn giản của mình, “khi thành công cũ không còn nữa, thì hãy tìm kiếm thành công mới”. Hơn nữa, do luôn có sự chuẩn bị từ trước và nhận ra những thay đổi đang xảy ra xung quanh, Sniff và Scurry đã đoán biết trước được những gì sắp xảy ra cho tương lai của mình.

Trái lại, Hem và Haw thì hoàn toàn bị bất ngờ khi kho pho mát cạn kiệt. Suốt thời gian qua, họ luôn tin tưởng rằng kho pho mát sẽ không bao giờ hết, rằng thành công và hạnh phúc sẽ vẫn luôn ở bênh cạnh họ. Sự suy nghĩ phức tạp của họ không chấp nhận những gì đang xảy ra trong thực tế. Họ cho rằng những gì đang xảy ra là sự bất công đối với những gì họ đã bỏ công sức ra.

Do không nhận ra những thay đổi đã và đang xảy ra xung quanh họ, Hem và Haw không biết làm cách nào để thay đổi hoàn cảnh. Hằng ngày, họ quay lại kho pho mát trống rỗng của mình với hy vọng là nó sẽ vun đầy trở lại qua đêm. Họ không dám rời bỏ kho pho mát cũ vì lo sợ rằng mình sẽ không tìm được kho pho mát mới. Họ mải mê nhớ về những thành công, hạnh phúc cũ đã đạt được trong quá khứ mà không dám tìm kiếm thành công cho tương lai của mình.

Thông qua câu chuyện, Spencer Johnson đã truyền tải đến người đọc chìa khóa để mở sự thành công cho bản thân mình. Trong cuộc sống, chỉ có một điều không bao giờ thay đổi – đó là “Mọi thứ luôn thay đổi”. Vậy nếu bạn không phát triển chính mình để thích ứng với sự thay đổi của thế giới, có nghĩa bạn đang đi lùi thì sự thất bại sẽ nhanh chóng đến với bạn. “Who Moved My Cheese” – một cuốn sách nhỏ nhưng chứa đựng nhiều bài học hay và ý nghĩa và đã thay đổi rất nhiều quan niệm của tôi về sự thay đổi trong công việc.

Vậy người đọc có thể rút ra được gì qua cuốn sách này:

1. “Hãy tự di chuyển kho pho mát của mình”

Đây là bài học mà tôi luôn nhắc nhở mình phải áp dụng. Vì sao? Tôi đã từng cảm thấy “an toàn trong kho pho mát của mình” – đó chính là một công việc ổn định, thu nhập tốt. Cho đến một ngày, tôi nhận ra rằng, tôi không còn hào hứng khi nghĩ đến “kho pho mát” này vì nó không còn cả chất lẫn lượng nữa. Nhưng chấp nhận sự thật đó để đi tìm một kho pho mát mới hoàn toàn không dễ dàng. Tôi phải đấu tranh với chính mình rất nhiều, cuối cùng tôi cũng phải dũng cảm dứt bỏ nó để ra đi. Một lần là đủ! Tôi không muốn mình rơi vào tình thế này lần thứ hai; chính vì vậy từ đó, tôi luôn trong tư thế “sẵn sàng để tìm những kho pho mát mới”.

Nhưng có phải những lúc cần đi tìm “kho pho mát” ngon hơn có nghĩa là chúng ta phải làm lại hồ sơ và tìm kiếm việc mới ở những công ty mới? Công việc mới thì đúng, nhưng không nhất thiết phải là công ty mới nếu bạn vẫn còn yêu nghề và công ty hiện tại.

Trước hết, hãy xem mình còn có thể làm được gì hơn nữa trong công việc hiện tại. Chủ động mở rộng phạm vi công việc hiện tại chính là cách hiệu quả để bạn “di chuyển kho pho mát”, dĩ nhiên bạn phải hoàn thành công việc chính của mình trước. Mở rộng phạm vi công việc có nghĩa là bạn học nhiều kỹ năng hơn, bạn tích lũy được nhiều kinh nghiệm hơn; và quan trọng là bạn đem lại nhiều giá trị hơn. Giá trị bạn đem lại càng nhiều, cơ hội thăng tiến càng cao.
Thứ hai, hãy xem những cơ hội thăng tiến trong thời gian tới. Con đường nghề nghiệp của bạn sẽ đi theo hướng nào? Sắp tới, bạn có cơ hội để thăng tiến không? Nếu có, hãy biến kho pho mát cũ của mình thành kho pho mát mới tươi ngon hấp dẫn. Hỏi sếp bạn những tiêu chí cho vị trí mới, bạn cần phát triển thêm những kỹ năng nào? Cần học thêm những kiến thức nào? Và những thử thách nào để có thể đạt được vị trí đó? Chủ động hỏi và chủ động làm! Những nỗ lực của bạn sẽ không uổng phí. Hãy nhớ rằng cơ hội chỉ dành cho ai có sự chuẩn bị kỹ càng.

Tiếp theo, cơ hội chuyển đổi trong chính công ty hiện tại. Nếu công việc hiện tại của bạn không theo đúng đam mê, thế mạnh và mục tiêu nghề nghiệp của bạn; hãy tìm hiểu những cơ hội trong nội bộ trước. Nếu công ty bạn có chính sách cho phép chuyển đổi công việc, hãy nắm bắt những cơ hội này.
Khi không còn cơ hội nào, hãy nghĩ đến bên ngoài

Để “MOVE your cheese” – di chuyển kho pho mát của mình, bạn cần:

Động lực làm việc - Motivation – Hãy trả lời câu hỏi “Vì sao tôi muốn công việc này?” “Vì sao tôi cần một kho pho mát mới?” Hiểu rõ động lực của chính mình để chọn một hướng đi đúng đắn. Không phải “kho pho mát” nào cũng có mùi vị bạn thích. Không phải miếng pho mát nào cũng trả lời được câu hỏi “vì sao” của bạn. Một khi bạn chưa xác định rõ, bạn đừng nên vội vàng hành động.
Khả năng quan sát - Observation – Quan sát thật kỹ những gì diễn ra xung quanh. Chính vì sự thay đổi nhanh chóng của thế giới, khả năng quan sát và sự nhạy bén sẽ giúp bạn nắm bắt xu hướng, chớp lấy cơ hội và có sự chuẩn bị cần thiết trước những thay đổi. Nếu bỏ qua những dấu hiệu quan trọng, bạn sẽ không biết được những thay đổi trong chính công việc của mình, và bỏ lỡ những cơ hội có được “kho pho mát” mới.

Giá trị công việc - Value – Hãy mang lại giá trị cho người khác trước khi đòi hỏi được trả công bằng pho mát mới. Chỉ khi bạn tạo ra những giá trị người khác đang cần, bạn sẽ được tưởng thưởng. Và “kho pho mát” của bạn sẽ tỉ lệ thuận với giá trị bạn tạo ra.

Nhiệt huyết công việc - Enthusiasm – Nhiệt huyết sẽ giúp bạn vượt qua những trở ngại trên con đường đi tìm pho mát mới. Tinh thần lạc quan sẽ chính là năng lượng cho hành trình của bạn. Và hãy nhớ rằng, bất cứ nhà lãnh đạo doanh nghiệp nào cũng muốn có những con người đầy nhiệt huyết, tinh thần tích cực cho nhóm của mình, và nhất là những vị trí quản lý.

Chương trình Tự Lập Qua Tiết Kiệm và Giáo Dục (RISE) của BPSOS được tài trợ bởi Administration for Children and Families để giúp những người cha có được một nền kinh tế vững vàng, nuôi dạy con cái nên người và có được mối quan hệ mật thiết và tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái.  Chương trình này hiện chỉ được thực hiện tại tiểu bang Virginia.  Số chương trình: 90FR0038.
Những ai hội đủ điều kiện đều có thể tham gia vào chương trình RISE này.  Chúng tôi không phân biệt sắc dân, giới tính, tuổi tác, tàn tật, hay tôn giáo.







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2170