Hoán Chuyển Vai Trò Trong Gia Đình
Date: Friday, March 11 @ 15:14:20 EST
Topic: Mái Ấm Gia Đình


Thương Nguyên

Có thể nói rằng đời sống gia đình trong thời đại chúng ta đã biến đổi rất nhiều để thích ứng với những nhu cầu kinh tế khó đoán trước được như hiện nay. Một người chồng lớn tuổi đang có một công việc vững chải bỗng dưng mất việc vì một tình trạng khó khăn ở công xưởng. Ngược lại một người vợ trước đây đi làm một công việc với đồng lương thấp, nay may mắn tìm được một việc vừa ý với mức lương đủ để cung cấp đời sống vật chất và trang trải những chi phí cần thiết hằng ngày của gia đình. Vì những nỗ lực tìm kế sinh nhai trong thời buổi khó khăn, nhiều gia đình tuy không nói ra nhưng hầu như họ đã mặc nhiên chấp nhận việc mỗi thành viên trong gia đình phải đóng góp theo khả năng, và nếu cần phải thích ứng, uyển chuyển để có được một cuộc sống tương đối quân bình về mọi mặt.



Với viễn tượng này chúng ta dễ nhận diện trong xã hội hôm nay rất nhiều gia đình đã trở nên đa dạng hơn, nhất là khi vai trò của mỗi người phối ngẫu được hoán chuyển cho nhau. Chúng ta có thể nhìn thấy trường hợp một người chồng trong gia đình sẵn lòng đóng vai một người chăm lo công việc nhà, và gần gũi với con cái hơn, trong khi người vợ vui lòng đi làm ở một công sở để mang lợi tức về cho gia đình. Việc chuyển đổi vai trò giữa vợ chồng trong trường hợp này đã tạo nên một sự hài hoà, một nét đẹp trong cuộc sống, vì họ nhận được giá trị của nhau, và vui vẻ chấp nhận giới hạn của chính mình. Đúng là một cách hành xử thật lý thú, nhưng lại rất thực tế trong bối cảnh xã hội hôm nay.

Điều này cũng hàm ý rằng vị trí của người phụ nữ hôm nay đã khác nhiều so với những vai trò khiêm tốn của họ là chỉ phục vụ trong phạm vi gia đình từ nhiều thập niên qua. Cùng đồng hành với người phối ngẫu trong việc gánh vác trách nhiệm và chia sẻ nhọc nhằn, người phụ nữ ngày nay đã góp phần trong việc mang lại những phương tiện vật chất cho gia đình. Sự hiện diện của giới phụ nữ trong xã hội hiện đại rất đa diện, được thể hiện qua nhiều chức nghiệp khác nhau, từ các công việc về kỹ thuật, y tế, quản trị, cho đến các chức vụ về luật pháp, chính trị, và tôn giáo, v.v.

Thật vậy, cùng với những tiến bộ về kỹ thuật, sự thay đổi về kinh tế và ý thức hệ trong xã hội, việc hoán chuyển vai trò cho nhau giữa một đôi vợ chồng đã trở nên phổ biến, và được sự chấp nhận của xã hội đương thời. Việc hoán chuyển vai trò của những người phối ngẫu cũng kèm theo những sự thay đổi trong cuộc sống của nhiều gia đình. Chúng ta hãy cùng nhau khảo sát một số khía cạnh của đời sống gia đình sau đây.

Việc Giáo Dục Con Cái

Thông thường người phụ nữ lãnh nhận vai trò chăm sóc và giáo dục con cái trong gia đình. Những đứa con từ lúc lọt lòng mẹ cho đến khi trưởng thành, phần đông được gần gũi và chịu ảnh hưởng từ người mẹ hơn là từ người cha. Chúng ta dễ nhận ra các công việc chăm lo cho con cái như cho bú mớm, ăn uống, tắm giặt, bồng ẵm, dỗ dành, ru ngủ, và nhất là khi con cái ốm đau, chúng cần được sự chăm sóc tận tình để chóng bình phục. Câu ví “Con hư tại mẹ” cũng nói lên tầm ảnh hưởng sâu rộng của người mẹ trên những đứa con của mình. Trẻ em thường bắt chước động thái trong cách hành xử của những người mà chúng gần gũi nhất, nhưng chủ yếu là người mẹ, người đã sống bên cạnh chúng từ lúc nằm nôi cho đến khi khôn lớn.

Tuy nhiên, với những sự thay đổi về nhu cầu kinh tế, kỹ thuật, cùng những phương cách khác nhau trong việc quản trị gia đình, nhiều bậc phụ huynh đã bắt đầu quan tâm đến sự thiếu quân bình trong việc dưỡng dục con trẻ. Một hình ảnh mà chúng ta thường nghe biết, đó là việc nhiều phụ nữ đã trở nên thành công trong chức nghiệp, nhưng ngược lại họ không thể dành thời giờ để chăm sóc con cái trong gia đình. Phần khác đã có những phản ứng tích cực từ phía người cha. Họ đã vui lòng cộng tác, hỗ trợ vào việc giáo dục con cái, cũng như dành nhiều thời giờ hơn cho con trẻ.

Sự hợp tác và tham gia của quý ông trong vấn đề giáo dục con trẻ đã nói lên tầm quan trọng của một người phối ngẫu khi người bạn đời của mình đã quá bận với những công việc bên ngoài. Như thế vai trò của người cha đã được thay đổi từ sự trông coi tổng quát việc học hành của con cái, cho đến sự trực tiếp liên hệ với con cái, và đôi khi phải sinh hoạt với nhà trường trong những nhu cầu giáo dục cho con em mình. Điều này rất quan trọng cho sự phát triển của một đứa trẻ. Thời giờ người cha hiện diện trong gia đình với những hỗ trợ tích cực sẽ gây ảnh hưởng mạnh trên việc phát triển của con em. Chúng sẽ cảm nhận được sự nâng đỡ của cả cha lẫn mẹ. Ảnh hưởng của sự nâng đỡ này sẽ đem lại cho các em những lợi ích trong nhiều khía cạnh. Trước hết là sự tự tin khi đối diện với những vấn đề nan giải. Kế đến là các em có nhiều cách nhìn khác nhau để giải quyết một sự việc. Ngoài ra các em còn biết cách giao tiếp dựa trên sự học hỏi nơi cha mẹ. Đời sống của con trẻ sẽ được quân bình hơn khi chúng nhận được hai mẫu gương trong gia đình để noi theo.

Nhiều cuộc khảo sát cho thấy, trong việc phát triển và xây dựng lòng tự tin nơi một đứa trẻ, sự đóng góp tích cực từ người cha sẽ đem lại những kết quả tốt đẹp hơn. Em nào được sự ủng hộ, trợ giúp của cha và mẹ thường đạt được thành tích học vấn cao, và có nhiều khả năng để lựa chọn nghề nghiệp. Sự khích lệ từ cha me, nhất là từ người cha, sẽ đem lại những phần thưởng tinh thần, niềm vui và sự tự tin nơi trẻ. Những lời khen, những lời động viên của người cha là những món quà tinh thần, mà trẻ em sẽ vui mừng khi nhận được. Chúng có thể ghi nhớ những lời ngợi khen thật lâu trong đời. Hơn nữa, con trẻ thường ưa chuộng việc người cha biết tôn trọng và đánh giá cao cách suy nghĩ, cách sinh hoạt của chúng, cũng như của những người chung quanh. Vai trò của người cha trong việc giáo dục con cái sẽ giúp chúng nhận ra giá trị của một người đàn ông hay của một phụ nữ, từ trong gia đình đến ngoài xã hội, tất cả là nhờ chúng học biết cách đối xử của người cha đối với những người chung quanh.

Các tâm lý gia cũng đã xác nhận rằng người cha đóng một vai trò quyết định trong việc xây dựng sự tự tin và đời sống tình cảm thăng bằng nơi một đứa trẻ. Những quan niệm lỗi thời về vai trò người cha, như là họ chỉ biết về công ăn việc làm mà thôi, đã không còn nữa. Ngược lại, ngoài vai trò chính yếu là chu cấp cho gia đình, những người cha hôm nay được kêu mời học hỏi, thăng tiến, để đem lại những sự trợ giúp cần thiết, những hiệu quả tốt cho con cái, và làm người hỗ trợ vợ mình trong các công tác xây dựng mái ấm gia đình.

Sắp Xếp Đời Sống Gia Đình

Theo cách sắp xếp thông thường, người chồng rất dễ có khuynh hướng khoán trắng cho người vợ để quán xuyến mọi công việc trong nhà. Thật vậy, người phụ nữ thường là người lo liệu sắp xếp, tổ chức cuộc sống và các sinh hoạt của gia đình, từ việc đi chợ, nấu ăn, giặt giũ cho đến việc quét dọn, chưng bày, mua sắm, v.v. Tuy là những công việc lặt vặt nhưng lại rất tỉ mỉ, chiếm nhiều thời gian, và là những công tác không thể thiếu trong một gia đình.
Với thực tế của cuộc sống hôm nay khi đôi vợ chồng đều phải quần quật tìm kế sinh nhai, thì những công việc trong nhà sẽ trở thành một gánh nặng cho người vợ. Chính vì lý do này mà nhiều gia đình Hoa Kỳ thường thích đi ăn ngoài sau giờ làm việc, hay không muốn chú trọng nhiều lắm vào các việc bếp núc. Thậm chí họ sẵn sàng trả tiền cho các tiệm giặt ủi để giúp giặt giũ trang phục của họ. Tuy nhiên nếu để ý chúng ta cũng sẽ tìm thấy rất nhiều gia đình cùng nhau san sẻ những công việc trong nhà sau giờ làm việc. Có những ông chồng sẵn lòng thay phiên nấu nướng cho gia đình, quét dọn, hay đi mua sắm.

Người chồng ngày nay là một trụ cột vững chắc của gia đình trong việc cung cấp những phương tiện vật chất, là chỗ dựa tinh thần trong gia quyến, và còn là người mang lại cảm giác gần gũi với người thân. Như sự nhận xét ở trên, tại nhiều quốc gia Âu Mỹ, người đàn ông không chỉ là người kiếm ra tiền mà còn là người biết tạo ra sự sảng khoái cho cả nhà từ sự năng động dí dỏm, từ phong cách trẻ trung cho đến tài nội trợ điệu nghệ. Như thế người đàn ông đã làm cho sự hiện diện của mình trở nên thân thiện hơn, đáng yêu hơn khi sẵn lòng nhận những công tác gần như độc quyền cho giới phụ nữ. Họ đã tô điểm cho xã hội màu sắc đa diện, và làm cho cuộc đời thêm tươi đẹp, hài hòa. Một chút hy sinh, chia sẻ của người chồng đã đem lại sự nâng đỡ thật lớn cho vợ lúc mỏi mệt, sau một ngày làm lụng vất vả. Việc sắp xếp cuộc sống gia đình bây giờ chính là sự phân nhiệm, và đồng lao cộng tác, thay vì mọi chuyện đều giao cho “nội tướng trong gia đình”.

Chăm Sóc Cha Mẹ Già

Chăm sóc cha mẹ già là một vinh dự cho con cái, đồng thời cũng là vấn đề quan trọng của nhiều gia đình hiện nay. Thông thường khi nói đến việc săn sóc cho thân nhân cao tuổi, người ta thường nghĩ đến vai trò của những người phụ nữ như con gái, con dâu, chị em, v.v. Có lẽ đó là thiên chức của người nữ khi họ sinh ra với những nét dịu dàng, nhạy cảm, những quan tâm, linh động, nhất là đức tính hy sinh, thông cảm để chăm sóc chồng con, bố mẹ. Tuy nhiên trong cuộc sống hiện đại, khi gia đình gặp những hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, người vợ phải giúp vác đỡ việc mưu sinh, thể hiện vai trò chủ động trong việc bảo vệ tài chánh, và giúp củng cố gia đình. Với nhịp sống hối hả, tất bật hằng ngày vì nghề nghiệp, nhiều gia đình đã phân chia công việc phụng dưỡng giữa hai vợ chồng để cùng nhau săn sóc người thân chu đáo hơn. Nhu cầu giúp đỡ và chăm nom cha mẹ già mỗi ngày một tăng theo số tuổi và sức khỏe của người cao niên. Chúng ta có thể nhận ra dễ dàng một ít công việc cần thiết mà cả hai người phối ngẫu đều có thể giúp được. Chẳng hạn việc đưa cha mẹ đi khám bác sĩ, đi lấy thuốc theo toa, mua sắm những vật dụng cần thiết cho tuổi già, cả hai người đều có thể thay phiên trợ giúp được. Việc đi đứng của người lớn tuổi cũng là một sự khó khăn cần sự nâng đỡ. Vấn đề ở đây là làm sao chia sẻ những công tác trong các điều kiện sinh sống hằng ngày. Vì vậy sự đóng góp của người chồng trong vai trò của người phụng dưỡng cha me, đã cho người phối ngẫu thấy được sự nâng đỡ của người chồng. Đồng lao cộng tác nói lên tâm tình chia sẻ, thương yêu giữa hai người, và qua đó sẽ làm tăng thêm tình yêu cho nhau.

Tóm lại, tinh thần đồng lao cộng tác trong gia đình đòi hỏi mỗi thành viên phải chia sẻ và đóng góp cho những công tác chung của nhau. Những nỗ lực này cần được cùng nhau thực hiện, từ việc chăm sóc trong gia đình, đến con cái, và các sinh hoạt khác trong xã hội. Nếu gia đình là một cộng đồng được xây dựng trên căn bản yêu thương, thì ngoài việc chia sẻ những vui buồn, hạnh phúc, cũng như những lúc thăng trầm trong cuộc sống, ta còn phải chấp nhận chia sẻ với nhau về những trách vụ khác trong cuộc sống. Khi đôi vợ chồng đều phải mưu cầu sinh kế, thì họ cũng phải chấp nhận san sẻ cho nhau những gánh nặng từ việc chăm sóc, dạy dỗ con cái cho đến những công tác lặt vặt khác, như đưa đón, nấu nướng, dọn dẹp, lau chùi, giặt ủi quần áo, vv. Với con mắt thực tế, chúng ta dễ nhận ra rằng cũng cùng một công việc, nếu hai người phụ giúp nhau, họ sẽ hoàn thành công việc đó chẳng những nhanh chóng, nhưng lại còn hoàn chỉnh hơn. Việc chung lưng cộng tác và biết nhạy cảm trong sự nâng đỡ cho nhau sẽ giúp vơi đi những mệt nhọc, giảm đi những ưu phiền, và đem lại niềm vui cho gia đình. Vậy sự hoán chuyển các vai trò cho nhau đã trở thành một cách thức cần thiết cho một gia đình muốn thật sự đi tìm hạnh phúc.







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2166