Hội Thảo “Phòng, Chống Buôn Bán Người"
Date: Saturday, January 15 @ 15:33:58 EST
Topic: Chống Buôn Người


Hội thảo Quốc tế “Phòng, chống buôn bán người: Viễn cảnh Quốc tế, Asean và Việt Nam”

Ngày 2 tháng 12 năm 2010, Trung Tâm Luật Hình Sự - Tội Phạm Học của Khoa Luật, ĐHQGHN kết hợp với tạp chí Pháp Luật và Phát Triển, Hội Luật Gia Việt Nam đã tổ chức Hội thảo quốc tế “Phòng, chống buôn bán người: Viễn cảnh quốc tế, Asean và Việt Nam”.

Một số nội dung được hội thảo đưa ra thảo luận xung quanh thực trạng buôn người và phòng chống buôn người như sau:



1. Nghiên cứu cho thấy trong hệ thống pháp luật của Việt Nam vẫn còn tồn tại một số điểm bất cập cần phải được sửa đổi, bổ sung nhằm tăng cường hiệu quả của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em, đặc biệt là các vấn đề về khái niệm mua bán phụ nữ, trẻ em; vấn đề bảo vệ nạn nhân bị mua bán trong quá trình tố tụng, nhất là việc giữ bí mật đời tư và nhận dạng của nạn nhân và việc quy định các thủ tục tố tụng nhạy cảm đối với các nạn nhân dễ bị tổn thương; việc hỗ trợ hồi hương và tái hoà nhập cho nạn nhân.

2. Do tính chất “xuyên quốc gia” của tội mua bán người, việc truy cứu trách nhiệm đối với bọn tội phạm không thể tiến hành được nếu chỉ giới hạn trong phạm vi lãnh thổ của một quốc gia mà cần phải có sự hợp tác song phương và đa phương giữa các cơ quan chức năng của các quốc gia hữu quan. Chính vì vậy, việc làm hài hòa giữa pháp luật của quốc gia và pháp luật khu vực, quốc tế có liên quan đến vấn đề này nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc hợp tác khu vực và quốc tế trong đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này là hết sức cần thiết.

3. Pháp luật của Việt Nam cần hoàn thiện để phù hợp hơn nữa với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về buôn bán người. Ngoài ra Việt Nam còn cần ký kết thêm các hiệp đinh song phương với các quốc gia trong khu vực.

4. Tham luận của đa số các đại biểu trong nước cũng như quốc tế cho rằng phương thức thực hiện loại tội phạm này là có tổ chức, chính vì vậy việc hoàn thiện pháp luật Việt Nam mà đặc biệt là các quy định trong Bộ luật hình sự về phòng, chống hoạt động phạm tội có tổ chức là cần thiết và cấp bách trong tình hình mới của Việt Nam.

5. Một số kinh nghiệm đáng quan tâm của các nước như năm 2009, Bộ Công An Trung Quốc đã xây dựng kho lưu trữ dữ liệu ADN của trẻ em cả nước, để có thể nhanh chóng xác minh thân phận của trẻ em bị buôn bán. Được biết đây là kho dữ liệu ADN trẻ em đầu tiên được xây dựng trên thế giới. Bộ Công an chỉ thị toàn bộ cơ quan công an cấp dưới, nếu nhận được tin trình báo trẻ em bị mất tích, bị bắt cóc hoặc bị buôn bán, phải lập tức tiến hành điều tra. Kho dữ liệu sẽ lấy máu từ cha, mẹ của nạn nhân bị bắt cóc, bị buôn bán hoặc mất tích để xác định số liệu ADN, tiện so sánh với số liệu ADN của nạn nhân.
6. Thực tiễn Việt Nam và quốc tế cho thấy trên thực tế đã xuất hiện một số hình thức buôn bán người mới như buôn bán bào thai, giết người để chiếm đoạt trẻ em... Những hình thức mới này cần sớm được tổng kết, nghiên cứu và điều chỉnh bởi các quy định của pháp luật để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phòng, chống loại tội phạm nguy hiểm này.







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2108