Kiểu Lừa Đảo Nhà Tinh Vi
Date: Thursday, December 30 @ 11:24:24 EST
Topic: Phát Triển CĐ


Minh Công

Trong thời gian gần đây một dạng lừa đảo tinh vi mới xuất hiện nhằm vào những chủ sở hữu nhà đang gặp khó khăn trong việc trả tiền nợ nhà hàng tháng và đối mặt với nguy cơ bị tịch thu nhà, đó là dịch vụ lừa đảo nhà đất. Các công ty lừa đảo thường tự giới thiệu là chuyên môn “đảm trách các vấn đề liên quan đến việc tịch thu nhà” hay “tư vấn các việc liên quan đến tiền nợ nhà” để quảng cáo các dịch vụ liên quan đến việc phòng tránh bị tịch thu nhà, giảm lãi suất tiền nợ nhà hàng tháng và các dịch vụ khác. Dạng lừa đảo này nhắm vào tâm lý hoang mang và lo sợ của khách hàng khi đang rơi vào tình trạng bế tắc về nợ nhà cửa để trục lợi tài chính.

Các công ty trên thường khẳng định là có thể giúp đỡ các thân chủ đang đối mặt với khả năng bị kéo nhà (foreclosure) những giải pháp có thể giúp họ giữ lại được nhà, giảm lãi suất nợ hàng tháng (refinance), thay đổi các điều khoản trong việc trả nợ nhà (loan modification), sửa chữa tín dụng xấu (repair bad credit), hay là gia hạn thêm thời gian giải quyết nợ nhà… Trên thực tế, các lời hứa hay khẳng định trên đều không thực tế, chủ yếu nhằm lừa gạt khách hàng để trục lợi tài chính sau khi bỏ mặc thân chủ “mất tiền và mất nhà”.



Trong tình hình tài chính suy thoái, thị trường nhà đất hỗn loạn như hiện nay, có những dịch vụ, trung tâm tư vấn nhà cửa “chân chính” được chính phủ chứng nhận cấp giấy phép hoạt động nhằm giúp đỡ các chủ sở hữu nhà vượt qua khó khăn đang gặp phải. Tuy nhiên, người dân cần tỉnh táo và nên tự trang bị cho mình những kiến thức nhất định để có thể phân biệt “thật giả” trong tình hình “vàng thau lẫn lộn” hiện nay.

Khi đối mặt với khả năng bị tịch thu nhà, chủ nhà cần chủ động liên lạc trực tiếp ngay ngân hàng cho vay của mình hay các trung tâm tư vấn tài chính được cấp phép hoạt động của chính phủ (Housing Urban Developing –HUD) để tìm những biện pháp “thực tế và thiết thực” để không bị mất nhà. Các tổ chức trên sẽ cung cấp miễn phí các dịch vụ tư vấn dành cho những chủ sở hữu nhà đang gặp các khó khăn về tài chính trong việc trả tiền nhà. Những dịch vụ tư vấn trên có thể bao gồm: tái lập nợ nhà (reinstatement), trả nợ nhà thấp hơn tiền nợ nhà hàng tháng trong một thời gian cố định, thường từ 3 đến 6 tháng (foreberance), kế hoạch trả nợ dần theo lãi suất thấp (repayment plan), thay đổi các điều khoản trong việc trả nợ nhà (loan modification), tái tài trợ (refinance), bán nhà, hoặc deed in lieu tạm dịch là bằng khoán thế vì.
Dưới đây là những hình thức phổ biến nhất về các dạng lừa đảo nhà cửa:

“Mua Đi – Bán Lại”

Các công ty lừa đảo hứa hẹn là sẽ trả các khoản tiền nợ nhà, phục hồi tín dụng, và có thể trả giúp các khoản nợ thẻ tín dụng, nợ xe, v.v. cho thân chủ chỉ với một điều kiện là chủ nhà “tạm thời” chuyển toàn quyền sở hữu nhà cho một người thứ ba không quen biết (nhưng được các công ty lừa đảo hứa hẹn là rất đáng tin cậy). Để tạo thêm sự tin tưởng, họ cho phép chủ nhà được ở lại trong nhà dưới danh nghĩa người thuê với lời hứa hẹn là sẽ được mua lại căn nhà sau một khoảng thời gian nhất định nào đó hay khi tình hình tài chính của họ có sự thay đổi tích cực.

Trong dạng này, các chủ sở hữu nhà không hề biết rằng một khi đã chuyển quyền sở hữu nhà cho người thứ ba, họ có thể sẽ không mua lại được căn nhà của mình theo như lời hứa. Một khi chuyển quyền sở hữu, chủ nhà mới hoàn toàn có quyền đuổi các chủ nhà cũ (nay có danh nghĩa là người thuê nhà) ra khỏi nhà. Chủ nhà mới cũng có thể (và có quyền) tăng giá thuê nhà hàng tháng lên cho tới khi người chủ cũ không thể trả nổi đành phải dọn đi. Khi chủ nhà cũ muốn mua lại căn nhà (như theo lời hứa từ các công ty lừa đảo), chủ nhà mới sẽ đưa ra một cái giá cao hơn giá trị căn nhà hay ngoài khả năng tài chính của chủ nhà cũ để từ chối một cách danh chính ngôn thuận. Như vậy là người chủ nhà cũ mất trắng ngôi nhà của mình mà không được gì cả trong khi khoản nợ vẫn còn đó.

“Khai Phá Sản Rồi Mất Nhà”

Các công ty lừa đảo hứa với chủ nhà là sẽ giúp đỡ họ giữ lại căn nhà với điều kiện là nạn nhân phải chuyển giao một phần quyền sở hữu nhà cho một người (hay một nhóm người) mà đa phần là người của công ty lừa đảo. Tiếp theo đó nạn nhân cần cắt đứt mọi liên lạc với ngân hàng chủ nợ chính của căn nhà. Thay vào đó, nạn nhân sẽ trả số tiền nợ nhà hàng tháng trực tiếp cho công ty lừa đảo với niềm tin là mình đang trả nợ nhà và (thông qua) các công ty lừa đảo tiến hành các thủ tục tài chính để giữ lại nhà. Mục tiêu chính của các công ty lừa đảo dạng này là duy trì nguồn lợi thu được từ khoản tiền trả nợ nhà hàng tháng từ các nạn nhân, càng lâu càng tốt.

Để kéo dài thời gian, công ty lừa đảo sẽ lần lượt lập hồ sơ khai phá sản lấy danh nghĩa của người (nhóm người) có đồng quyền sở hữu căn nhà với nạn nhân. Việc này được tiến hành mà không có sự hay biết của người chủ thực của căn nhà. Với mỗi hồ sơ phá sản, tòa án sẽ ra một quyết định “tạm thời” trì hoãn các thủ tục tịch thu nhà của ngân hàng. Những quyết định tạm thời của tòa án không ảnh hưởng tới việc chủ nhà phải có trách nhiệm tiếp tục trả tiền nợ nhà hàng tháng đúng hẹn. Tuy nhiên, các công ty lừa đảo đã khéo léo sử dụng những khoảng thời gian này để gầy dựng lòng tin của nạn nhân, gây sự ngộ nhận là các công ty lừa đảo đang thực hiện việc bảo vệ căn nhà một cách hiệu quả. Có được sự tin tưởng từ nạn nhân, các công ty lừa đảo dễ dàng trục lợi từ các khoản tiền trả nợ nhà hàng tháng được gửi trực tiếp cho mình trong một khoản thời gian tương đối dài.

Sau khi quyết định tạm thời của tòa án hết hiệu lực thì các công ty lừa đảo sẽ lặng lẽ biến mất, bỏ mặc cho nạn nhân đối diện với quyết định tịch thu nhà của ngân hàng. Thông thường nạn nhân của dịch vụ lừa đảo này chỉ nhận ra sự thật khi mọi việc đã quá trễ và không thể thay đổi được gì. Các luật lệ về phá sản được đặt ra nhằm hỗ trợ người dân giải quyết vấn đề tài chính nếu được tiến hành đúng cách. Tuy nhiên nạn nhân của dạng lừa đảo phá sản trên thường mất tất cả (tiền lẫn nhà), ngay cả tín dụng cá nhân cũng bị ảnh hưởng nặng nề trong vòng 5 đến 10 năm tới.

“Giảm Lãi Suất”

Dạng lừa đảo này thường diễn ra khi một người nào đó tìm tới chủ sở hữu nhà đang gặp khó khăn trong việc trả tiền nhà hàng tháng. Người này sẽ tự giới thiệu là người đại diện cho ngân hàng hay trung tâm tài chính và có thể giúp họ xin vào các chương trình giảm lãi suất nhà. Để chinh phục lòng tin của nạn nhân, những kẻ lừa đảo này có thể xuất trình giấy tờ chứng mình, công ty đại diện, trang website rất giống một cơ quan tài chính hay một tổ chức đại diện chính phủ thực sự. Nếu chỉ đọc thoáng qua, các nạn nhân sẽ dễ dàng bị ngộ nhận bởi các từ ngữ như “liên bang”, “TARP” (Troubled Asset Relief Program – một chương trình hỗ trợ tài chính của chính phủ dành cho các ngân hàng để giúp đỡ các chủ nhà đang gặp khó khăn) hay các từ ngữ chuyên ngành có liên quan đến các chương trình chính thức thực sự của chính phủ.

Sau khi chiếm được lòng tin của nạn nhân, kẻ lừa đảo sẽ đưa ra một loạt giấy tờ yêu cầu nạn nhân ký với danh nghĩa xin vào các chương trình giảm lãi suất của chính phủ. Trên thực tế, các giấy tờ này là các giấy chuyển nhượng quyền sở hữu nhà (deed transfer) từ nạn nhân sang kẻ lừa đảo. Trong quá trình ký giấy, kẻ lừa đảo sẽ sử dụng nhiều biện pháp, cách thức đánh lạc hướng, hù dọa hay gây áp lực để cho nạn nhân không đủ tỉnh táo hay thời gian để đọc kỹ các giấy tờ. Sau khi ký kết, kẻ lừa đảo sẽ biến mất với lời hứa là sẽ tiến hành mọi thủ tục còn lại khác. Thông thường các nạn nhân luôn tin tưởng là mình đã xin vào các chương trình giảm lãi suất hay chống việc mất nhà của chính phủ và bỏ qua các thư cảnh báo của ngân hàng. Họ chỉ nhận ra sự thật khi nhận được quyết định trục xuất của tòa án và biết rằng mình không còn là chủ sở hữu nhà bấy lâu nay. Về phần kẻ lừa đảo, với giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà, họ có thể dùng để thế chấp và vay mượn tiền từ ngân hàng.

“Điện Thoại và Internet”

Dạng lừa đảo này thường xảy ra khi nạn nhân tự mình liên lạc với các công ty lừa đảo thông qua các quảng cáo hay tờ rơi dựng trên đường hay được bỏ vào hộp thư. Với dạng lừa đảo này, nạn nhân chỉ có thể liên hệ với các công ty lừa đảo thông qua điện thoại hay thư từ. Với lời hứa là sẽ giúp đỡ các nạn nhân vay các khoản nợ với tiền lời thấp để trả nợ nhà hay thay đổi lãi suất nợ hiện tại, các công ty lừa đảo nhắm vào những thông tin cá nhân như số an ninh xã hội, tài khoản ngân hàng. Thông thường, sau khi nạn nhân liên lạc với các công ty lừa đảo qua điện thoại hay email, họ sẽ được chấp nhận ngay vào một “chương trình hỗ trợ tài chính” nào đó và các công ty lừa đảo sẽ hối thúc nạn nhân gửi ngay những giấy tờ với các thông tin cá nhân và một khoản lệ phí để tiến hành các thủ tục càng sớm càng tốt.

Sau khi lấy được thông tin cá nhân và lệ phí, công ty lừa đảo sẽ biến mất, bỏ mặc nạn nhân chờ đợi trong tuyệt vọng. Với dạng lừa đảo này, rất khó cho nạn nhân truy ra được kẻ lừa đảo vì các số điện thoại liên lạc thường xuyên thay đổi, ngay cả địa chỉ thư từ cũng là những địa chỉ hay thùng thư ma.
Về phía nạn nhân, ngoài mất một khoản tiền (thường không nhỏ khoảng vài ngàn Mỹ kim), mất thời gian (chờ đợi hồi âm), nhà cửa có khả năng bị tịch thu, họ còn đối mặt với nguy cơ là các thông tin cá nhân bị phơi bày và sẽ trở thành nạn nhân của việc lừa đảo tín dụng và ngân hàng về lâu dài.
 
Dạng lừa đảo “Ma”

Những kẻ lừa đảo dạng này thường tự nhận là chuyên viên địa ốc hay tài chính có khả năng giúp đỡ chủ sở hữu nhà đang gặp khó khăn trong việc trả nợ hay có nguy cơ mất nhà. Kẻ lừa đảo hứa là họ có thể giúp và đại diện cho nạn nhân xin vào chương trình hỗ trợ giảm lãi suất hay giữ lại được nhà. Đổi lại, nạn nhân phải trả một khoản “phí dịch vụ” rất cao (so với khả năng tài chính của nạn nhân). Tương tự như dạng lừa đảo “giảm lãi suất”, kẻ lừa đảo luôn có thể đưa ra những giấy tờ, chứng nhận rất giống với những chương trình hỗ trợ thật sự từ chính phủ. Ngoài ra, không ít kẻ lừa đảo cũng chính là những chuyên viên môi giới địa ốc hay tài chính thật sự. Điều này càng khiến cho nạn nhân khó khăn trong việc phát hiện ra sự thật.

Để kéo dài thời gian, những kẻ lừa đảo thường xuyên hứa và khẳng định với các nạn nhân là mọi việc vẫn diễn tiến theo trình tự và khuyến cáo nạn nhân hãy bỏ qua những thư cảnh báo từ ngân hàng. Trên thực tế sau khi đã thu đầy đủ tiền lệ phí, kẻ lừa đảo hầu như không làm bất cứ việc gì, ngoài việc gọi một vài cú điện thoại hay gởi đi một vài ba đơn từ đơn giản mà chính nạn nhân cũng có thể làm được. Nạn nhân của dạng lừa đảo này thường phát hiện ra sự thật sau một thời gian dài sau khi nhận được các lời hứa suông. Khi nạn nhân kiên quyết yêu cầu đòi kết quả thì kẻ lừa đảo thường biến mất, bỏ mặc nạn nhân trong hoàn cảnh không còn khả năng tài chính và thời gian để giữ nhà.

Dấu hiệu của công ty lừa đảo

- Yêu cầu trả trước một khoản “chi phí dịch vụ”. Không một tổ chức tư vấn đúng luật nào làm việc với chủ sở hữu nhà đang gặp khó khăn về tài chính mà lại đòi trả chi phí trước.

- Gợi ý là sẽ đại diện cho chủ nhà xin vào các chương trình hỗ trợ của chính phủ với một lệ phí nhất định.

- Liên tục khẳng định hay có những lời hứa chắc chắn là sẽ giúp thân chủ giữ được nhà khỏi bị tịch thu.

- Yêu cần khách hàng cắt đứt mọi liên lạc với chủ nợ chính và các chuyên viên tư vấn nhà cửa khác.

- Khuyên khách hàng hãy ngừng trả tiền nợ nhà hàng tháng.

- Khuyên khách hàng hãy trả tiền nợ nhà hàng tháng cho một người thứ ba, không phải là ngân hàng chủ nợ nhà.

- Yêu cần khách hàng chuyển giao quyền sở hữu nhà cho một người khác.

- Không có văn bản, giấy tờ chính thức về các dịch vụ sẽ cung cấp. Chỉ hứa bằng miệng.

- Yêu cầu khách hàng ký vào những giấy tờ, hồ sơ có những khoảng hay dòng viết để trống.

Hãy tự bảo vệ mình

Biết mình – biết người: Trước khi quyết định gởi tiền hay các thông tin cá nhân cho bất kỳ ai, luôn nhớ kiểm tra kỹ về lai lịch và quá trình làm việc của họ. Liên lạc với quận hạt để tìm hiểu xem một công ty, tổ chức nào đó có giấy phép hành nghề đúng luật hay có bị ai kiện cáo gì không.

Hãy nhờ các tổ chức phi lợi nhuận hay trung tâm tài chính có tên tuổi: Quý vị có thể tìm thấy những tổ chức này từ U.S. Department of Housing and Urban Development (HUD): 800 569-4287, http://www.hud.org/; Homeowenership Preservation Foundation: 888-995-HOPE, http://www.995hope.org/.

Đọc kỹ tất cả các giấy tờ trước khi ký: Đọc kỹ và hiểu rõ mọi giấy tờ trước khi đặt bút ký. Nếu tờ nào quá phức tạp, hãy nhờ luật sư hay chuyên viên tư vấn tài chính mà mình tin cậy. Không bao giờ ký những giấy tờ có những khoản để trống mà có thể được viết vào sau đó. Không ký vào những giấy tờ bao gồm những thông tin sai lệch, không chính xác cho dù được đảm bảo là sẽ thay đổi lại sau đó.

Yêu cầu mọi lời hứa được viết trên giấy tờ: Những lời hứa hẹn hay thỏa thuận miệng không có giá trị pháp lý trước tòa. Hãy bảo vệ quyền lợi của mình bằng việc yêu cầu mọi lời hứa hay thỏa thuận được viết rõ ràng ra giấy và có chữ ký của hai bên. Giữ một bản ký kết cho mình.

Trả tiền nhà trực tiếp cho ngân hàng cho vay: Không trả tiền nhà hàng tháng cho bất kỳ ai với bất kỳ lý do gì ngoài ngân hàng chủ nợ chính của mình.

Không bao giờ sang nhượng quyền sở hữu nhà cho bất kỳ ai trước khi hiểu rõ các quyền lợi đối với căn nhà của mình sau này.

Đa phần các dạng lừa đảo liên quan đến việc tịch thu nhà thường yêu cầu các nạn nhân “tạm thời” sang nhượng quyền sở hữu căn nhà cho một người thứ ba với lý do đây là biện pháp duy nhất để giữ nhà khỏi bị tịch thu. Hãy liên hệ với chuyên viên tư vấn nhà cửa được HUD cấp giấy phép để tìm hiểu thêm trước khi ký tên. Thông báo ngay cho các cơ quan chức năng khi nghi ngờ mình là nạn nhân của một công ty lừa đảo. Khi biết được có kẻ khác ăn cắp danh tánh của mình để xin thẻ nợ, hãy báo ngay với cơ quan chức năng để họ giải quyết cho bạn.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsongmedia.com.]







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2097