Bài Luận Tuyệt Vời
Date: Thursday, December 30 @ 10:32:06 EST
Topic: Truyện Ngắn


Huỳnh Ngọc Nga

Không phải tự dưng tôi mê chuyện viết lách, cũng không phải tự dưng tôi chọn quảng thời gian tuổi nhỏ làm điểm móc cho hành trình chữ nghĩa của tôi hiện giờ, dù thực sự ở môi trường này tôi chỉ là dân không chuyên và chẳng là gì hết trong giới văn nhân. Thiên hạ viết đa số nhờ thiên phú hay nhờ đam mê, duyên nghiệp; còn tôi viết nhờ xấu hổ nên tức mình tập tành, học hỏi để viết sao cho không đến nỗi tệ như bài viết “nổi tiếng” của tôi ngày nào. Bài viết đặc biệt đó đã làm tôi hiểu nhiều hơn thế nào là sự chân thật của một bài luận.

(ảnh merikalamsay.blogspot.com)Nói ra sẽ ít người tin, nhưng thực sự tôi “thành danh” từ năm học lớp ba, lúc mới bảy tuổi đầu, cái tuổi thích được mọi người vuốt tóc khen “bé ngoan, bé giỏi” để chờ được thưởng một cái gì đó của những bậc “thân cao, tuổi trọng”. Trong nhà tôi là chị cả. Dù lúc đó tôi chỉ là chị cả của ba đứa em mới lên hai, lên ba, nhưng tôi cũng thích được “làm gương” cho chúng nó. Chính vì những cái thích ngây thơ đó mà tôi luôn cố gắng học, ước mong sao lúc nào mình cũng đứng đầu sổ các môn học nhà trường. Nhưng ước mong là một chuyện, còn “tài năng” để đạt được ý muốn hay không lại là chuyện khác. Tôi dốt toán dù đã cố gắng hết mình. Để đủ điểm cuối tuần được đứng hạng cao tôi phải cật lực “học thuộc như cháo” các môn học thuộc lòng như sử, địa, khoa học, vệ sinh, công dân giáo dục, đức dục... chưa đủ, còn phải tập viết, tập vẽ và thêu may sao cho thật đẹp để được điểm cao nữa.



Cô Liễu là cô giáo lớp ba của tôi; cô hiền như một bà mẹ của cái lớp ba lúc nhúc trên sáu mươi đứa học trò lúc nào cũng lăng quăng như bầy gà nhỏ trong sân. Cô biết cả ưu lẫn khuyết điểm sức học của tôi. Có lần “phát” cho tôi cái “trứng vịt” to tướng của một bài toán đố về hình học. Cô bảo tôi phải ráng thêm những gì cần cho sự suy nghĩ chứ chỉ chăm chú làm con két học thuộc lòng sẽ không khá lắm đâu. Tôi “đau khổ” và quyết phải làm “cái gì” đó chứng minh cho cô thấy là tôi cũng có đầu óc để suy nghĩ chứ không chỉ để học thuộc lòng những gì cô viết trên bảng. “Cái gì” đó chắc chắn không phải là những con số của các đề toán cô cho mà sẽ là những bài luận văn “đệ nhất hạng” cho bạn bè lé mắt và cô sẽ phải suýt soa khen vì luận văn là môn học đòi hỏi phải dùng “đầu óc suy nghĩ” mà. Há cô đã chẳng khuyên tôi như thế sao?

Tuần lễ đó, môn văn cô cho cả lớp đề bài “Hãy tả buổi cơm chiều trong gia đình em”. Sau khi cô đã góp ý cho chúng tôi vài ba chi tiết theo dàn bài hướng dẫn, chúng tôi được phép đem bài về nhà làm và nộp vào ngày sau. Trưa đi học về, ăn cơm xong là tôi lôi giấy viết ra bàn ngồi “thả bút đề văn”. Tả gia đình có gì là khó đâu, tôi nghĩ vậy, chỉ cần đếm trong nhà có bao nhiêu người rồi kể ra, dễ ợt mà. Nhưng muốn bài hay phải suy nghĩ sao cho khác tụi bạn mình mới được, vì chắc đứa nào cũng sẽ tả là trong nhà có ba, có má, có em và có cả ông bà. Gia đình thì phải vậy rồi. Cơm chiều khác cơm trưa vì ăn xong sẽ khỏi phải đi làm hay đi học mà sẽ chuẩn bị đi ngủ. Nhà nào lại chẳng thế? Tôi ngồi vừa đập muỗi vừa toan tính cách làm bài cho thật “nổi”. Vùng Chánh Hưng thuở đó sông lạch bao quanh nên muỗi mòng ngày như đêm, lúc nào cũng vo ve quấy nhiễu con người, nhất là những người đang cần sự yên tĩnh để làm chuyện “đại sự”.

Đập đến hơn mười con muỗi mà phần nhập đề vẫn chưa “nhập” được thì tôi chợt nhớ đến quyển Quốc Văn Toàn Thư lớp Ba mà ông anh bà con cô cậu của tôi cho tôi hồi đầu niên học. Và thay vì ngồi tiếp tục suy nghĩ để làm cho xong bài luận, tôi đứng dậy đi tìm cuốn sách nói trên để “cọp dê” một bài viết trong đó mà tôi vẫn thích và thường hay đọc. Bài viết kể chuyện một gia đình hạnh phúc. Cơm chiều cả nhà quay quần bên nhau. Xong buổi ăn mẹ cắt cam cho cả nhà. Lúc đó bà đang bệnh. Đứa cháu nhỏ không ăn, đem cam nhường cho bà để bà có thêm cam ăn mau hết bệnh. Mẹ thấy thế nhường phần cam của mẹ cho con. Cha cũng “noi gương” nhường cam cho mẹ. Tôi thấy bài này hay lắm, vì nếu chỉ kể “xong cơm chiều, con học bài, cha đọc báo, mẹ vá áo, bà đùa với cháu” thì chẳng có gì để gọi là “suy nghĩ” cả. Tầm thường quá, cô giáo sẽ cho điểm trung bình thôi, phải lấy ý cái bài chia cam này mới được, chắc sẽ chẳng có ai viết được chuyện gia đình một cách “cảm động” thương yêu nhau như vầy đâu. Thế là tôi bắt đầu viết. Thoạt tiên tôi định chỉ “mượn” ý thôi, còn văn của mình, nhưng cán viết đầy dấu răng tôi cắn mà chữ nghĩa chẳng chịu chạy ra. Cuối cùng tôi cho gần trọn vẹn bài viết trong quyển sách di chuyển vào trang giấy trắng của tôi, thêm thắt chút đỉnh để cô giáo biết là nhà tôi còn có thêm con chó mực lúc nào cũng nằm trước cửa giữ nhà. Viết xong đoạn kết cho “đây là gia đình tôi, một gia đình hạnh phúc”, tôi lẫm nhẫm đọc lại và thấy sao “mình viết” hay quá đổi là hay. Tôi nghĩ thế nào bài luận này cũng được cô tôi đọc lên cho cả lớp cùng thưởng thức. Tuy chưa nộp bài mà tôi đã thấy tôi “trên đài vinh quang” vào hôm bài được phát rồi.

Chiều hôm đó sau khi cả nhà ăn xong, ba tôi đi qua nhà ông cậu tôi đánh cờ tướng. Má tôi dọn dẹp lau chùi dưới bếp. Chúng tôi kéo lên nhà trên ngồi bên võng của nội để nghe nội kể chuyện ma hồi nội còn nhỏ. Khoảng chín giờ là tôi phải lên giường đi ngủ để chuẩn bị cho ngày mai thức sớm đi học. Lên giường rồi tôi ngẫm nghĩ để thấy sự khác biệt của gia đình tôi giữa sự thật ngoài đời và văn chương trong bài luận tôi tả sao chẳng có gì giống nhau hết. Tôi nghe hình như mình đã làm một điều gì không đúng trong bài luận sẽ nộp vào sáng mai. Tôi nhắm mắt chập chờn đi vào giấc ngủ với chút mơ hồ không hiểu “sự không đúng” đó nằm ở đâu, trong tôi hay trong bài luận văn.
Một tuần trôi qua, ngày phát bài luận đã đến. Tôi hồi họp chờ đợi “phút vinh quang”, chờ lúc cô phát hết những bài “tầm thường” hay “dở ẹt” của các bạn xong sẽ trịnh trọng cầm bài luận của tôi khen đây là bài luận hay nhất của trò Ngọc, người mà bấy lâu nay cô tưởng chỉ biết học như két chứ chẳng biết dùng trí để nghĩ suy. Lúc đó tôi sẽ sung sướng đến đỏ mặt thẹn thùng để chứng tỏ tính khiêm nhượng của tôi như bài Đức Dục cô mới giảng cách đây không lâu.

Giờ phát bài luận tả “Gia Đình Tôi” diễn ra trong tiếng cười của cả lớp khi cô đọc những lời văn “ngây ngô” của đám học trò, chẳng hạn “ba tôi lùn; má tôi cao; em tôi chưa biết đi; chị tôi da trắng, tóc dài; tôi da ngăm, tóc ngắn...” và cũng có cả những tiếng xì xào khi cả lớp biết được chuyện riêng tư của gia đình các bạn mình lúc cô đọc các bài kể về chuyện cha theo vợ bé không ăn cơm chiều, chuyện mẹ không chịu ở nhà nấu cơm mà chỉ đi đánh bài suốt buổi nên chiều rồi chưa có cơm ăn; có bạn thuật lại việc được chị hối lộ bánh kẹo để nhờ trao thư tình cho anh hàng xóm, chuyện giành đồ chơi đánh lộn với em trong nhà... Lần lượt các bạn tôi được phát lại bài của mình trong khi tôi sung sướng thấy tên mình chưa được kêu đến vì tôi biết thường các bài luận đặc sắc cô luôn phát sau cùng. Và bây giờ thì phút giây mong đợi của tôi đã đến khi cô nhìn về hướng tôi và nói:

- Ngọc, Vàng các em là hai chị em ruột một nhà phải không?

Nói xong cô quay về hướng Đặng thị Vàng – bạn học và cũng là bạn láng giềng của tôi – đang ngồi ở dãy bàn sau lưng tôi. Tôi quay đầu nhìn nó; nó giương mắt nhìn tôi; cả hai đứa tôi cùng đứng dậy và cùng ấp a, ấp úng pha lẫn chút ngạc nhiên:

- Dạ thưa cô không phải, tụi em chỉ ở gần nhà nhau thôi.

Có tiếng lào xào đây đó, thằng Tuyền ngồi cuối lớp đưa tay cao xin phép cô để đứng dậy, thưa:

- Thưa cô, hai trò đây gần như là chị em ruột vì có hai bà má cùng bán vải, má trò Ngọc bán ở chợ Nancy, má trò Vàng bán ở chợ Saigon.

Cả lớp cười ào. Tôi và Vàng thì ngớ ngẩn. Cô cũng cười nhưng ngay tức khắc cô lấy lại vẻ nghiêm nghị nhìn tôi và Vàng, cô nói:

- Vậy à? Thế tại sao cả hai em cùng tả cảnh gia đình giống hệt nhau như vậy? Bài của các em là hai bài hay nhất, nhưng cũng đặc biệt nhất. Cả lớp nghe đây.

Tôi nghe tim mình đánh thình thịch như tiếng trống trường của chú Năm giám thị. Tôi nghĩ chắc có chuyện gì rồi và tự hỏi không lẽ con nhỏ Vàng và cô cũng có quyển Quốc Văn Toàn Thư lớp Ba như tôi sao? Từ trước đến nay tôi cứ tưởng chỉ mình tôi có quyển sách đó thôi chứ? Sau lưng tôi, nhỏ Vàng làm thinh không trả lời. Tôi cũng nghe miệng mình cứng ngắt không biết mở cách nào để đáp lời cô.

Từ trên bục giảng cô bước xuống, trên tay cầm hai bài luận của tôi và Vàng, đến trước bảng đen cô đứng lại, chậm rãi đọc toàn vẹn bài luận của tôi, xong cô nhìn cả lớp, nói:

- Bài của Vàng cũng không khác chi bài của Ngọc, chỉ thiếu con chó Mực giữ nhà hay sủa bậy mà thôi. Nếu cả hai không là chị em một nhà thì các em cùng chép lại từ chung một quyển sách phải không? Nếu cô không lầm thì đó là quyển Quốc Văn Toàn Thư lớp Ba, đúng không Ngọc? Đúng không Vàng?
Tôi sượng sùng vì mắc cở, tay chân lạnh ngắt. Có lẽ nhỏ Vàng ngồi phía sau cũng chẳng khác chi tôi. Tôi ước chi mình mọc được đôi cánh, không phải để bay cao lên “đài danh vọng” như mấy câu văn tôi thường nghe qua radio của các tuồng cải lương được truyền thanh trong những chiều thứ Bảy hàng tuần mà để bay ra khỏi lớp hầu chạy trốn đôi mắt nghiêm nghị của cô tôi cũng như những tiếng cười chế giễu đang xì xào vang lên của đám bạn cùng lớp. Tôi cúi gầm mặt xuống bàn, nghe hình như nước mắt đang chực ứa ra, không biết vì sợ cô hay vì xấu hổ với bạn bè. Tôi lí nhí trả lời cô:

- Dạ thưa cô, đúng.

Tiếng nhỏ Vàng yếu ớt vang lên sau lưng tôi:

- Thưa cô, em lỡ dại.

Cô im lặng, đi chậm xuống cuối lớp rồi từ đó đi ngược trở lên, ngang chỗ bàn tôi và Vàng thì cô đứng lại, để hai bài luận của chúng tôi vào đúng vị trí mỗi đứa. Cô thở dài, giọng đều đều như những khi cô giảng bài:

- Các em có biết luận văn còn gọi là tập làm văn không? Gọi như thế để chúng ta cùng hiểu đây là môn học dạy các em cách viết văn, viết bằng tư tưởng và cách hành văn của mỗi em. Luận văn cho các em áp dụng các bài học văn phạm, ngữ vựng hoà chung với những nghĩ suy riêng tư của các em về một đề tài nào đó. Các em có thể đọc bài của người khác để tìm thêm ý, học thêm lời, trau chuốt thêm cách hành văn, nhưng các em không thể lấy trọn cả bài người khác để làm bài của mình; như vậy gọi là đạo văn, tức là ăn cắp văn. Những người đạo văn như vậy xấu lắm vì không biết tự trọng. Các em hiểu không?
Ngừng một chút, cô nói nhẹ nhàng hơn:

- Ngọc, Vàng, các em còn nhỏ, đừng tập tánh xấu đó. Nếu các em không bỏ, tật đó sẽ thành thói quen sau nầy và không tốt cho cuộc sống các em đâu. Lần đầu, cô phạt mỗi em phải về nhà viết hai trăm lần câu “Tôi không chép bài người khác”, nếu còn tái phạm sẽ bị mất điểm hạnh kiểm và không được bảng danh dự đó, nghe chưa? Thôi, cả hai ngồi xuống đi.

Và như chợt nhớ ra điều gì, cô nhìn cả lớp, nói:

- Muốn viết văn hay cần phải đọc sách nhiều và nên lựa sách đàng hoàng mà đọc. Các em hãy nhớ điều nầy.

Suốt buổi học hôm đó tôi cơ hồ chẳng cho vào đầu được chữ nào cả. Sự xấu hổ càng gia tăng khi mấy thằng bạn hay phá phách trong lớp gọi tôi là “Cọp” và Vàng là “Dê” để gán hai đứa thành hai chị em “cọp dê”, tức ăn cắp bài người khác. Tôi về nhà bỏ buổi cơm trưa, rầu rĩ nhớ điểm bài luận cô cho chỉ có một điểm mà đám học trò chúng tôi thường kêu là điểm “cây gậy”. Như vậy kể như tuần lễ này tôi sẽ bị tuột hạng là cái chắc, lại còn phải viết hai trăm lần câu phạt nữa. Ôi, “đạo văn” sao khổ thế này! Nhất định từ rày về sau tôi sẽ làm người “lương thiện” hơn. Tôi sẽ cố gắng viết bằng chữ nghĩa của chính tôi và sẽ cho cô tôi thấy tôi là đứa học trò biết vâng lời. Tôi dấu kín chuyện bị phạt không cho ba má tôi biết, cũng làm thinh không hỏi Vàng về sự trùng hợp bài văn trong quyển Quốc Văn Lớp Ba. Mọi chuyện đã rồi, hỏi han cho lắm chỉ khơi lại sự xấu hổ mà thôi. Việc trước mắt bây giờ là tôi phải tìm nhiều sách để đọc như lời cô khuyên và nhất định những kỳ luận văn sau tôi sẽ viết bằng lời văn, ý tưởng của chính mình.

Những ngày sau đó tôi đi lục lạo những đống sách báo cũ trong nhà lôi ra đọc như một nghiên cứu gia. Chưa hết, tôi xin nội tôi cho tôi đọc mấy quyển kinh Phật của ông cố tôi để lại và cũng trong đống kinh sách quý giá này tôi tìm thấy những bộ truyện Tàu dày cộm. Không biết sự vấp ngã của “bài luận tuyệt vời” hôm nào với cánh tay nâng đỡ của cô giáo bằng những lời dạy dỗ chí tình đã giúp tôi đứng dậy hay cái duyên chữ nghĩa bắt đầu đến với tôi từ hôm đó mà tự dưng tôi say mê đọc sách báo một cách lạ kỳ.

(còn tiếp)







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2094