Ngư Dân VN Vùng Vịnh Mexico Đến Washington DC
Date: Thursday, December 02 @ 11:26:09 EST
Topic: Tin Tức Thời Sự


Hà Vũ, Phóng Viên VOA
(Mạch Sống trích đăng từ VOA. Nguồn: www.voanews.com)

Trong hai ngày 15 và 16 tháng 11 năm 2010, một phái đoàn gồm đại diện các Hiệp hội ngư dân Việt Nam thuộc 3 tiểu bang Mississippi, Alabama và Texas, là những bang chịu ảnh hưởng nặng nề của dầu tràn do vụ nổ dàn khoan Deepwater Horizon gây nên, đã đến gặp ông Kenneth Feinberg, phụ trách cứu xét bồi thường cho các ngư dân bị thiệt hại cùng các giới chức cao cấp thuộc Tòa Bạch Ốc, Bộ Lao Động, Bộ Nội An, Bộ Y Tế và Xã Hội cùng các ngành liên hệ khác để nêu lên những yêu cầu của ngư dân vùng Vịnh. Hà Vũ đã trao đổi với phái đoàn sau khi đoàn kết thúc chuyến đi.

Gần 8 tháng sau vụ nổ dàn khoan Deepwater Horizon ngày 20 tháng 4 năm nay, ngư dân Việt Nam vùng Vịnh Mexico vẫn chưa phục hồi sau tai nạn thảm khốc này. Vấn đề bồi thường cho ngư dân Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn dù Tổng thống Barack Obama đã bổ nhiệm luật sư Kenneth Feinberg, một người có kinh nghiệm trong việc bồi thường cho nạn nhân vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 tại New York, đứng đầu cơ quan bồi thường, quản lý 20 tỉ đô la do công ty BP chuyển giao. Với sự phối hợp của Ủy ban Cứu người Vượt biển, BPSOS, một phái đoàn gồm đại diện các Hiệp hội Ngư dân các bang Alabama, Mississippi và Texas đã đến thủ đô Washington D.C để trực tiếp gặp ông Feinberg, các giới chức chính quyền Liên bang Mỹ và đưa ra những câu hỏi cũng như những yêu cầu của ngư dân Việt Nam.

Phái đoàn gồm đại diện các Hiệp Hội Ngư Dân Việt họp mặt với ông Ken Feinberg hôm 11/16/2010. (ảnh BPSOS)



Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, giám đốc điều hành BPSOS, hướng dẫn phái đoàn cho biết:

“Quan trọng nhất của chuyến đi này là để các ngư phủ có tiếng nói trực tiếp với chính quyền ban hành những chính sách ảnh hưởng tới họ. Sáng nay chính bà Bộ trưởng Bộ Lao động có tiếp xúc với phái đoàn và hứa sẽ làm việc thường xuyên đều đặn với các hiệp hội ngư phủ người Việt và vừa rồi tại văn phòng ông Feinberg, đích thân ông Feinberg cũng hứa như vậy. Đây là một bước tiến rất quan trọng vì từ nay trở đi các ngư phủ bắt đầu có tiếng nói chính thức và đều đặn thường xuyên với các giới chức chính quyền và các người có thẩm quyền có ảnh hưởng đến tương lai và đời sống của các ngư phủ.”

Tại văn phòng ông Feinberg, đại diện các ngư dân Việt Nam lần lượt nêu lên những câu hỏi và ông Feinberg trả lời những câu hỏi của từng người một.

Cô Tuyết Nguyễn thuộc vùng Biloxi, Mississippi đại diện hội ngư phủ Việt Nam Mississippi nêu lên câu hỏi về thời gian thiệt hại của các ngư phủ trong tương lai tính bao lâu, ba năm hay năm năm. Cô Tuyết cho biết về câu trả lời của ông Feinberg:

“Ông không trả lời bao nhiêu năm hết, ông chỉ nói mình nên làm đơn đòi hỏi bao nhiêu lâu, hay là số tiền. Lúc đó ông sẽ xem xét thiệt hại bao nhiêu để trả tiền.”

Cô Tuyết cũng yêu cầu ngư dân lưu ý đến thời hạn cuối cùng nạp đơn:

“Quý vị nên làm càng sớm càng tốt. Những người nào khiếu nại quá 6 tháng mà chưa được giải quyết thì trước ngày 23 tháng 11 quý vị nên nhờ người nào đó hay hội thiện nguyện e-mail hay gởi thơ kèm số khiếu nại, ông Feinberg sẽ giải quyết cho quí vị.”

Cô Kelly Hồ thuộc hội ngư phủ Việt Nam Texas hỏi ông Feinberg cách thức tính toán bồi thường thiệt hại như thế nào thì ông Feinberg trả lời là sẽ căn cứ vào lợi tức của ngư dân trước khi dầu tràn.

Cô Bình Nguyệt Lưu, chủ tịch Hiệp hội ngư phủ Texas đưa đơn thỉnh nguyện của một số ngư dân đã nạp đơn khai phá sản trước vụ dầu tràn và nội vụ chưa giải quyết xong, các luật sư trong vụ khai phá sản đòi lấy tiền bồi thường thiệt hại của các ngư dân thì phải giải quyết như thế nào.

Cô Bình Nguyệt Lưu cho biết:

“Ngày hôm nay tôi đưa khiếu nại của những người khai phá sản theo chương 12 thì ông nói vấn đề này rất đặc biệt ông sẽ cố gắng tìm hiểu và giải quyết.”

Ông Kiều Văn Thiết đại diện cho ngư phủ tại Mississippi yêu cầu ông Feinberg giải quyết bồi thường cho những người trực tiếp bị thiệt hại trong vụ dầu tràn là các ngư dân trước những người bị thiệt hại gián tiếp như những người làm nghề nails, địa ốc hay những ngành nghề khác nữa. Ông Thiết cho biết câu trả lời của ông Feinberg:

“Ông trả lời là không thể giải quyết cho người dân biển được ưu tiên như vậy. Người nào nộp đơn trước ông sẽ giải quyết cho người đó.”

Cô Tuyết Nguyễn đại diện cho ngư dân Mississippi nói thêm là đối với những ngư dân xin bồi thường khẩn cấp 6 tháng, tất cả chi phiếu đều gởi trực tiếp cho các ngư dân bị thiệt hại, không qua các luật sư. Cô nói:

“Ông Feinberg nói là khi khai xin bồi thường thiệt hại cuối cùng thì những séc có thể qua các luật sư nhưng khai 6 tháng ông bảo đảm 100% không gởi qua bất cứ luật sư nào ngoài trừ những người bị thiệt hại là các ngư phủ. Nếu quý vị nào bị luật sư làm khó dễ giữ lại tấm séc không đưa thì nên báo văn phòng để hủy bỏ séc cũ và gởi lại séc mới cho người bị thiệt hại”

Anh Vinh Trần thuộc Hội ngư phủ Việt Nam Alabama nêu lên vấn đề thiếu thông dịch viên tiếng Việt, Kampuchia và Lào tại những văn phòng nhận đơn xin bồi thường tại Alabama cũng như không có người thông tạo tiếng Kampuchia và Lào để trả lời điện thoại. Ông Feinberg nói chuyện này lẽ ra phải giải quyết từ lâu rồi và ông hứa sẽ sửa chữa lại.

Anh Vinh nói: “Trong một văn phòng tại Bayou La Batre có 30 nhân viên thì chỉ có một người Việt Nam, 29 người kia là người Mỹ. Khi có 10 gia đình Việt Nam vào thì phải ngồi chờ vì chỉ có một người Việt Nam phụ trách. Còn người Mỹ vào thì được giúp liền. Dân Á đông mình mỗi lần vào phải ngồi chờ.”

Anh Vinh cho biết thêm: “Ông Feinberg nói khoảng hai tuần nữa ông sẽ đích thân cho những văn phòng đó có người thông dịch để những người khiếu nại có thể diễn tả được dễ dàng.”

Ngoài việc trả lời những câu hỏi của đại diện các ngư dân Việt Nam vùng Vịnh, ông Feinberg còn chỉ định một nhân viên thuộc văn phòng ông để liên lạc thường xuyên với các hội ngư phủ Việt Nam tại vùng Vịnh. Luật sư Shandon Cường Phan thuộc văn phòng BPSOS tham dự phiên họp nói:

“Khi thấy được sự nghiêm túc trong cung cách làm việc của chúng ta, thì ngay lập tức ông Feinberg chỉ định một nhân viên của ông từ rày trở đi trở thành một người liên lạc chính cho cộng đồng ngư phủ người Mỹ gốc Việt tại vùng Vịnh.”

Luật sư Shandon Cường cũng cho biết là sau ngày 23 tháng 11 tới đây, ông Feinberg sẽ đưa ra 3 giải pháp để ngư dân tùy nghi lựa chọn lựa. Giải pháp thứ nhất là trả một lần 5.000 đô la tiền bồi thường khẩn cấp. Luật sư Shandon Cường giải thích thêm:

“Đối với những người dân đã được khoản tiền bồi thường khẩn cấp trước kia. Những người này nếu không có những giấy tờ nào thêm hay không muốn phiền phức thêm nữa thì có thể nhận 5.000 đô la. Ông Feinberg không yêu cầu họ cung cấp bất cứ giấy tờ gì chỉ cần ký tên, đánh dấu X vào ô nói rằng tôi hứa không kiện hãng BP và không tiếp tục theo đuổi vụ này nữa, tôi đồng ý nhận 5.000, thì ngay lập tức nhận được séc 5.000 đô la, không cần làm bất cứ việc gì nữa.”

Giải pháp thứ hai là đề nghị tiền trợ cấp cuối cùng. Ông Feinberg sẽ xem xét hồ sơ những người này và dựa trên công thức của những chuyên gia của ông để tính toán thiệt hại tương lai của ngư dân và dựa trên những dữ kiện đó ông sẽ đưa ra lời đề nghị tiền bồi thường cuối cùng.

Luật sư Shandon Cường nói: “Nếu những người này đi theo giải pháp thứ hai dĩ nhiên họ phải cung cấp thêm giấy tờ và phía ông Feinberg sẽ đưa ra đề nghị cuối cùng và ngư dân có quyền nhận hay không hay thảo luận để đòi thêm.”

Giải pháp thứ ba gọi là bồi thường tạm thời vì ngư dân không biết rằng trong thời gian sắp tới, ba tháng, 6 tháng hay một năm, chưa biết lúc nào thiệt hại do tai họa này gây nên chấm dứt. Ngư dân nghĩ rằng theo giải pháp thứ hai ông Feinberg có thể chỉ bồi thường cho họ trong vòng 6 tháng hay một năm trong khi thiệt hại có thể kéo dài trong thời gian lâu hơn không biết được. Luật sư Shandon Cường giải thích thêm.

“Cứ 3 tháng một lần ngư dân phải cung cấp hồ sơ mới cho đến khi nào ngư dân thấy ước đoán được khoảng bồi thường cuối cùng và sẵn sàng đòi bồi thường cuối cùng thì lúc đó họ có thể nạp đơn. Nếu không ngư dân cứ tiếp tục mỗi 3 tháng nhận được một khoảng tiền bồi thường và phải chứng minh thiệt hại mới của mình trong 3 tháng đó.”

Ngày thứ Ba 16 tháng 11 vừa qua, phái đoàn ngư dân vùng Vịnh tiếp tục gặp đại diện Cơ quan Quản trị Khẩn cấp Liên Bang (FEMA), Văn phòng Tòa Bạch Ốc phụ trách vấn đề người Mỹ gốc châu Á-Thái Bình Dương và đại diện Bộ Y Tế và Xã Hội. Đoàn nêu lên vấn đề ai sẽ là người chịu trách nhiệm chính nếu hải sản do ngư dân vùng Vịnh đánh bắt hiện nay bị ô nhiễm gây bệnh cho người tiêu dùng vì các cơ quan có thẩm quyền vùng Vịnh cũng như hãng dầu BP tuyên bố hải sản vùng Vịnh không bị ô nhiễm. Đoàn cũng thảo luận về vấn đề sức khỏe tâm thần cũng như vật chất của ngư dân cũng như cộng đồng vùng này do dầu tràn gây nên. Đoàn cũng có cơ hội phản bác trực tiếp những lập luận của chính quyền. Luật sư Shandon Cường đưa ra ví dụ:

“Một số ngư phủ đánh bắt tôm bị dính dầu báo cho tuần duyên. Tuần duyên đến mang số tôm đi mất. Ngay trong đêm hôm đó có tàu không biết của ai đến xịt hóa chất làm sạch vết tích của dầu. Ngày hôm sau vùng biển trở lại bình thường. Không ai biết tuần duyên mang số tôm này đi đâu và làm gì với số tôm này. Cho đến nay, lập luận của chính quyền và của BP là hải sản vùng vịnh không bị ô nhiễm”

Luật sư Shandon Cường đưa ra nhận xét về chuyến đi hai ngày của phái đoàn ngư dân vùng Vịnh đến Washington D.C.

“Không có việc gì có thể xảy ra ngay lập tức sau các cuộc họp nhưng mục tiêu của chúng tôi là đưa hai bên ngồi lại với nhau, mang sự tin tưởng giữa ngư phủ và chính quyền và thứ hai là đây là lần đầu tiên chúng tôi đặt thẳng vấn đề này trước mặt các viên chức chính quyền để giải quyết.”

Chuyên mục Sinh hoạt Cộng đồng Việt Nam vùng Washington xin được kết thúc ở đây. Chúng tôi ước mong được đón nhận những tin tức về sinh hoạt cộng đồng từ những hội đoàn, những tổ chức kinh tế, xã hội, văn hóa và từ thiện cũng như của các cá nhân thuộc Washington D.C và vùng phụ cận. Xin gởi e-mail đến địa chỉ Vietnamese@voanews.com với tiêu đề gởi sinh hoạt cộng đồng vùng Washington. Hà Vũ sẽ liên hệ với quý vị.

(Mạch Sống trích đăng từ VOA. Nguồn: www.voanews.com)







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2070