Xin Việc Khi Không Đủ Điều Kiện
Date: Monday, October 25 @ 15:01:38 EDT
Topic: Phát Triển CĐ


Xin Vào Những Vị Trí Tuyển Dụng Khi Không Đủ Điều Kiện Ứng Tuyển

Minh Công

Một vấn đề khó xử nhưng thường xuyên xảy ra với những người đang tìm kiếm việc làm là: Có nên hay không nộp đơn vào những vị trí tuyển dụng mà bản thân không hội đủ hoàn toàn các điều kiện ứng tuyển? Không chỉ những người mới tốt nghiệp ra trường mà ngay cả những người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc cũng vấp phải vấn đề trên trong quá trình thay đổi công việc làm.

Trong khi đang tìm kiếm việc làm, người tìm việc có thể bắt gặp những công việc với trách nhiệm và vai trò phù hợp với những gì mình mong muốn. Tuy nhiên, những yêu cầu đòi hỏi cho vị trí tuyển dụng lại khá nhiều so với những gì bản thân đang có. Vấn đề khó ở đây là người xin việc chỉ hội đủ một phần nào đó trong các yêu cầu tuyển dụng chứ không hoàn toàn đáp ứng tất cả các đòi hỏi. Người tìm việc có thể là một sinh viên mới ra trường nhưng công việc tuyển dụng lại đòi hỏi có một tới hai năm kinh nghiệm. Người tìm việc có thể có bằng đại học và nhiều kinh nghiệm làm việc liên quan tới vị trí tuyển dụng, nhưng vai trò mới lại yêu cầu có bằng cấp cao học. Người tìm việc có đủ bằng cấp và kinh nghiệm làm việc trong vai trò phân phối sản phẩm nhưng chưa bao giờ làm việc chăm sóc khách hàng theo như yêu cầu công việc tuyển dụng. Một điểm quan trọng nữa là người tìm việc có trình độ đại học hoặc cao học và nhiều năm kinh nghiệm nhưng chưa bao giờ có kinh nghiệm quản lý nhân viên như công việc tuyển dụng đang cần. Trong khi bản thân người tìm việc cảm thấy mình đủ khả năng, trình độ để ứng tuyển và hoàn thành công việc, liệu những công ty tuyển dụng có chấp nhận những hồ sơ xin việc mà ứng viên không hội đủ các điều kiện đòi hỏi? Và người xin việc có nên nộp đơn xin vào những công việc trên?



Đây là một câu hỏi rất dễ mà cũng lại rất khó để trả lời. Dễ vì người xin việc không mất mát gì ngoài chút thời gian để nộp đơn xin vào những công việc mình không hoàn toàn hội đủ các yêu cầu ứng tuyển. Họ có thể sẽ không được các nhà tuyển dụng chọn hồ sơ, nhưng cũng hoàn toàn có thể được nhà tuyển dụng xét đến và gọi phỏng vấn. Cái khó ở đây là người tuyển dụng cần chuẩn bị những việc sau đây trước khi nộp đơn xin việc để nâng cao khả năng thành công.

Có kế hoạch hay dự tính về công việc trong tương lai?

Người tìm việc cần xác định mục tiêu tương lai của bản thân là gì vì chúng có ảnh hưởng rất lớn tới quá trình tìm kiếm việc làm và sự thành công khi đi xin việc. Bạn có dự tính quay lại trường để tiếp tục học cao hơn, hoàn thiện hơn các kỹ năng, bằng cấp của mình để đáp ứng đầy đủ và tốt hơn các yêu cầu công việc ứng tuyển? Bạn có muốn làm việc cho công ty tuyển dụng lâu dài? Bạn muốn vươn tới vai trò nào trong sự nghiệp của mình?

Nói một cách khác, người tìm việc không nên quá vội vàng và hấp tấp khi nộp hồ sơ vào những công việc có những đòi hỏi quá khả năng hiện nay của bản thân. Hãy tập trung tìm và nộp đơn vào các công việc vừa tầm tay để tích lũy thêm kinh nghiệm, đồng thời tích cực nâng cao kiến thức, bằng cấp, kỹ năng để hội đủ các điều kiện cần thiết cho những công việc khác tốt hơn trong tương lai. Đây có thể là một quá trình lâu dài, đòi hỏi nhiều kiên nhẫn và công sức. Tuy nhiên với đủ thời gian chuẩn bị, người tìm việc có thể biến mình thành một ứng viên nặng ký cho các công việc tốt trong tương lai thay vì mãi mãi chạy đuổi theo những thứ quá tầm tay.

Người tìm việc đáp ứng được những đòi hỏi nào của công việc

Một số ít công ty sẽ không xem xét những hồ sơ không thỏa mãn đủ các yêu cầu đòi hỏi của công việc tuyển dụng, cho dù ứng viên chỉ thiếu sót một vài năm kinh nghiệm, chứng chỉ, hay bằng cấp. Tuy nhiên, hầu hết các công ty tuyển dụng sẽ đánh giá các hồ sơ ứng tuyển một cách toàn diện để tìm ra ứng viên tốt nhất cho công việc. Kinh nghiệm làm việc phù hợp, bằng cấp và các kỹ năng làm việc tốt có thể dùng để thay thế những khiếm khuyết khác trong yêu cầu tuyển dụng. Chính vì thế, người tìm việc cần tự đánh giá một cách khách quan về khả năng, kinh nghiệm và học vấn của bản thân rồi so sánh chúng với các yêu cầu của công việc tuyển dụng trước khi nộp đơn. Hãy xem mình thỏa mãn được bao nhiêu phần trăm yêu cầu của công việc mình muốn xin vào.

Có làm mất thời gian của công ty tuyển dụng?

Mong muốn một công việc nào đó, cho dù bản thân là một người nhanh nhẹn và sáng dạ, hoàn toàn khác với đủ khả năng và trình độ để hoàn thành tốt nó. Nói một cách khác, một người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc và là một nhân viên tốt chưa chắc đã phù hợp với vị trí công việc tuyển dụng mới. Ví dụ như một người bán hàng suất sắc với mười năm kinh nghiệm không thể làm tốt công việc của một kiểm toán viên. Người tìm việc cần tận dụng tối đa hồ sơ xin việc để trình bày, thể hiện và thuyết phục nhà tuyển dụng về khả năng hoàn thành tốt công việc của mình cho dù bản thân có đôi chút thiếu sót so với yêu cầu tuyển dụng. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, công ty tuyển dụng sẽ đánh giá những hồ sơ không đáp ứng đủ các yêu cầu tuyển dụng là không hoàn thiện và đánh rớt ứng viên.

Nhìn nhận vấn đề dưới góc độ của nhà tuyển dụng

Phần lớn nhà tuyển dụng chỉ có khoảng từ 30 giây tới một phút rưỡi để coi qua một bộ hồ sơ xin việc. Chính vì thế, người tìm việc cần phải biết cách nêu bật các thành tích và khả năng làm việc của mình một cách cô đọng và thuyết phục. Nhất là đối với những hồ sơ không thỏa mãn đầy đủ các yêu cầu ứng tuyển mà công việc đòi hỏi. Hãy tưởng tượng bản thân bạn là nhà tuyển dụng với hàng trăm hồ sơ xin việc trên bàn. Liệu bạn có muốn tốn thời gian vào những hồ sơ không đủ điều kiện ứng tuyển thay vì tập trung sàng lọc những hồ sơ ứng viên sáng giá.

Để nâng cao khả năng thành công của hồ sơ xin việc, người tìm việc có thể chuẩn bị một số điều căn bản sau:

- Có người giới thiệu: hãy nhờ bạn bè, người thân hay quen biết giới thiệu vào những công việc họ biết đang tuyển dụng. Sự giới thiệu và đảm bảo của họ, những người có quen biết hay đang làm việc tại công ty tuyển dụng, có tác động rất lớn tới quá trình xét duyệt hồ sơ xin việc và có thể khiến các hồ sơ không hội đủ các yêu cầu tuyển dụng được ưu ái hơn.

- Sử dụng cover letter: thay vì viết những lời biện hộ nhằm che đậy những thiếu sót về các yêu cầu ứng tuyển, hãy viết cụ thể và rõ ràng về những kinh nghiệm hay kỹ năng của bản thân có liên quan đến công việc ứng tuyển. Không viết những lời hứa suông mà hãy nêu lên những thành quả cụ thể đạt được trong những công việc trước đây.

- Hãy cố gắng đáp ứng càng nhiều yêu cầu tuyển dụng càng tốt: người xin việc có thể không đáp ứng hết tất cả những yêu cầu tuyển dụng của công việc mới. Tuy nhiên họ cũng cần phải đáp ứng được một số điều kiện nhất định nào đó. Sẽ hoàn toàn vô ích nếu nộp hồ sơ vào những công việc mà bản thân hoàn toàn không thể đảm trách hay chỉ thỏa mãn một vài điều kiện tuyển dụng.

Nói tóm lại, thiếu sót một vài điều kiện đối với công việc ứng cử không hoàn toàn khiến người tìm việc mất cơ hội. Nhưng do những thiếu sót đó, họ cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể có cơ hội thành công xin vào được những công việc như mong ước.

Chương trình Tự Lập Qua Tiết Kiệm và Giáo Dục (RISE) của BPSOS được tài trợ bởi Administration for Children and Families để giúp những người cha có được một nền kinh tế vững vàng, nuôi dạy con cái nên người và có được mối quan hệ mật thiết và tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái. Chương trình này hiện chỉ được thực hiện tại tiểu bang Virginia. Số chương trình: 90FR0038. Những ai hội đủ điều kiện đều có thể tham gia vào chương trình RISE này. Chúng tôi không phân biệt sắc dân, giới tính, tuổi tác, tàn tật, hay tôn giáo.







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2035