Thuyền Đắm Giữa Khơi (kỳ 1)
Date: Monday, September 27 @ 10:36:51 EDT
Topic: Lịch Sử Qua Lời Ke


Tràm Cà Mau

Thỉnh thoảng, lúc mười hai giờ đêm, khi công trường xây bệnh xá cho đảo tị nạn Pulau Bidong ngưng việc, chúng tôi đốt một đống lửa lớn, ngồi quanh kể chuyện quê hương, hát hò đàn địch, cho đến khi không còn ai thức nổi nữa mới ra về đi ngủ. Đêm nay anh Nam kể một đoạn đời của anh:

“Khi chuẩn bị cho chuyến vượt biên đã kỹ càng, chúng tôi sẵn sàng ra đi. Dầu chạy máy cũng chôn dấu được nhiều hơn số cần dùng vì sợ thất lạc và hao hụt. Chỉ chờ thời tiết tốt là đón người, khởi hành. Bạn tôi không tin vào thiêng liêng, nhưng cũng nấu xôi, gà cúng để xin thánh thần phù hộ cho phút cuối đừng có gì xui xẻo xảy ra. Tôi cũng không tin, nhưng không dám chế giễu hoặc nói đùa. Chứ thánh thần nào mà ăn hối lộ xôi, gà? Thánh thần có thương thì chẳng cần hối lộ gì cả.



Sau buổi cúng, không biết vì rau ráng không sạch, hay vì thịt gà để nguội bụi bặm, đêm đó tôi đau bụng tháo dạ đi cầu. Tôi lần mò ra nhánh cây bổ vắt trên con kinh mà thả xuống lõm bõm, làm lũ cá vấy nước dành ăn kêu soàn soạt. Khuya không trăng, không sao, trời lành lạnh, tôi mồi thuốc hút làm đóm lửa bập bùng. Bỗng tôi nghe nhiều tiếng chân đi trên bờ, và nhiều tiếng thì thầm; tôi tưởng là du kích đi tuần ban đêm. Nhưng không phải, họ là đám người vượt biên đang trên đường đi đến điểm hẹn xuống thuyền. Họ thấy đóm thuốc liền kêu tôi tụt xuống cây, và bắt tôi đi theo luôn vì sợ bại lộ bí mật. Tôi năn nỉ, xin cho lui, hứa sẽ im lặng, vì tôi cũng còn nhiều việc chưa xong, không thể ra đi được. Họ không còn nhiều thì giờ để suy nghĩ, bắt tôi phải đi theo. Tôi nói cho họ biết, thời tiết lúc này chưa thuận tiện để ra khơi, tôi biết rõ vì có theo dõi tin tức khí tượng. Họ thấy tôi cù nhầy lôi thôi quá, có người hăm: “Cho nó một phảng, xô xuống kinh khỏi bận trí.” Tôi sợ, và im miệng, họ trói tay tôi đem đi. Thật là khôi hài; khi tôi muốn đi, thì không được, và còn phải tốn nhiều vàng bạc may ra mới chịu cho tham gia. Bây giờ tôi chưa muốn đi, thì bị bắt theo. Tôi tiếc công chuẩn bị và tổ chức bấy lâu cho chuyến đi sắp đến, nhất là trách nhiệm với những người mà tôi đã hứa hẹn đem họ đi. Tôi là người chủ chốt, thiếu tôi thì không biết chuyến đi có còn chu đáo, tốt đẹp như dự định không, nhưng chuyện vượt biên là may rủi không chừng. Có khi thật chu đáo, thì thất bại, có khi tổ chức đơn sơ lộ liễu, thì lại thành công. Bị bắt đi theo nhóm này là một chuyện may mắn hy hữu cho tôi nếu chuyến đi thành công. Còn thời tiết không tốt, thì tôi không ngại. Bão bùng đâu có đáng kể. Tôi bị xô lên thuyền lớn với đôi tay bị trói và nằm yên trong khoang. Nếu bị công an bắt, chắc tình trạng bị trói cũng chẳng giúp được gì cho tôi, vì Cộng Sản không bao giờ xét đến trường hợp cá biệt. Cứ trên tàu vượt biên là đi vượt biên, không lôi thôi gì cả. Nếu khai là bị bắt buộc đi, chúng còn không tin, thêm nghi ngờ, và không chừng án lại thêm nặng, hoặc không giải quyết được, cứ để cho dây dưa mãi, không có ngày về.

Chưa bốc hết người thì bị bại lộ, thuyền phải rời bến và bỏ chạy. Nhiều gia đình thất lạc nhau, kêu khóc om sòm. Thuyền xả hết tốc lực, chạy dọc sông, thoát ra cửa biển. Trạm gác bên bờ bắn súng kêu vào để xét, thuyền cũng bỏ chạy luôn. Thuyền nhẹ chạy băng băng. Đạn bắn theo như mưa rào. Không hiểu vì đâu, chúng không cho thuyền đuổi theo. Có lẽ chúng tôi gặp may mắn.

Thuyền chạy thẳng ra biển khơi về hướng đông, đáng ra phải xuôi về phía nam, cần thoát hiểm trước đã. Sống dồn cao ngất. Đúng là biển đang động. Bão tố đang cuồng nộ đâu đó trên vùng biển đông nam Thái Bình Dương. Thuyền lắc lư vật vờ trên ngọn sóng. Những người yếu sức đều nằm mẹp, nôn thốc nôn tháo ra nước xanh, nước vàng. Thuyền nồng nặc mùi hôi hám. Sau khi thoát lưới công an, bà con hoàn hồn, kiểm điểm lại mới biết chủ tàu và gia đình chưa đến kịp, bị bỏ lại đằng sau. Chỉ có người con trưởng của chủ tàu, vì phải lái thuyền đáp bến, nên chỉ đi được một mình, vợ con anh cũng chưa đến kịp. Nhiều người khác cũng đồng hoàn cảnh. Trên thuyền chia làm hai phe, một nhóm đòi quay về, nhóm khác, gồm các sĩ quan cải tạo, nhất quyết ra đi. Vì vậy, nên thuyền chạy lui chạy tới mãi trên một quãng đường. Khi nhóm quân nhân lái, thì thuyền đi về phía Nam Dương; khi nhóm của con chủ thuyền lái, thì bí mật quay về.

Biển vẫn điên cuồng gầm thét dữ dội. Nhiều lúc thuyền bị đưa lên cao, tưởng như lơ lững giữa thinh không, rồi ném mạnh xuống kêu răng rắc, như thân ván uốn mình bể nát. Bà con nào còn chút tỉnh táo thì cầu nguyện liên hồi. Cộng thêm với cái sợ bão tố, nhóm lạc vợ, lạc chồng, lạc con có thêm nhiều lý do để đòi quay về. Tôi đã được cởi trói, và đứng theo phe ra đi, vì quay lại là nắm chắc phần đi tù. Hai phe tranh chấp dữ dội, có khi gần như sắp xô xát. Tôi linh cảm sẽ gặp khó khăn, kiếm một cái bình nhựa làm phao, kiếm dây cột chắc lên người. Một người giễu tôi là liệu với cái phao đó, tôi bơi được qua biển? Tôi thoái thác là nếu có bị sóng đánh rơi ra khỏi thuyền, thì cũng không đến nỗi chết đuối ngay. Cuộc tranh chấp của hai phe chấm dứt khi thuyền chết máy, bập bềnh giữa biển khơi. Không ai biết là thuyền đã ở nơi nào trên biển. Người thì đoán là đã ở trong vịnh Thái Lan, người thì cho rằng đang ở gần Côn Sơn. Thuyền cứ trôi theo từng đợt sóng dài. Thợ máy cố sửa chữa nhưng anh có vẻ vụng về thiếu kinh nghiệm. Có người bảo đó là thợ máy “dổm”, nghe đâu anh ta chỉ là thợ sửa xe gắn máy loại tài tử. Muốn được đi nên xưng đại là thợ máy.
Một buổi chiều, biển lặng im không một gợn sóng. Không một thoáng gió. Chiếc thuyền nằm im lặng giữa mênh mông. Nhiều người tỉnh lại, bớt say sóng. Họ mừng, có người vừa mừng vừa sợ, mừng vì biển êm, sợ vì không có gió thì thuyền bất động biết bao giờ mới dạt đến bến bờ. Nhưng tôi lo lắng thật sự, không dám nói ra. Trong mắt con ông chủ tàu cũng đầy ánh âu lo. Nhìn quanh bốn bề chân trời chấm xuống biển bao la. Tôi gỡ thêm mấy lưỡi câu và sợi dây cước bọc vào túi quần. Đúng như tôi lo, khi trời sẩm tối, cuồng phong kéo đến, sóng đùa cao ngất, nhồi con thuyền mong manh như chiếc lá. Sóng lên cao như ngọn đồi và tiếng gió hú ghê hồn. Thân thuyền kêu răng rắc, các mối nối long ra, nước ào ào từ đáy thuyền phun lên. Rồi con thuyền bị vỡ toang giữa tiếng sóng gió gào; tiếng kêu con người bị át hẳn.

Tôi tự xem như cuộc đời chấm dứt nơi đây, không có gì mà hoảng hốt, không thể nào làm gì hơn. Nhưng tôi không buông xuôi, vì bản năng sinh tồn còn mạnh. Tôi ôm chặt lấy mảnh ván thuyền lớn, dù trên lưng tôi còn buộc chặt cái phao nhựa. Nhiều lúc bị sóng vùi rất lâu trong nước, tôi rán nín thở, và nhớ thời còn bé hay đi tắm sông, lặn đua với bạn bè xuống đáy sâu. Sóng gió thét gào. Có chết cũng thôi, tôi chỉ tiếc chuyến đi đã chuẩn bị kỹ, chờ thời tiết tốt là lên đường, mà bị bắt theo những người này. Họ tổ chức đã kém, mà còn không biết gì về thời tiết. Tôi chiến đấu nhiều giờ với sóng vùi gió dập. Khi mỏi quá, tôi muốn ngất đi; tấm ván rời khỏi đôi vòng tay, nhưng cái phao nhựa còn buộc chặt trên người. Nhiều lúc tôi mê man, không biết gì, có khi trong lúc mơ hồ tôi biết mình đang bồng bềnh trên sóng. Lúc mệt quá, tôi buông xuôi, muốn chết đi cho khỏe. Cơn bão tố kinh hồn kéo dài đến khuya hôm đó.

Rồi gió và sóng lặng rất mau; cuối cùng tôi bị dạt vào một bãi cát. Tôi nằm liệt, không cử động được, trí óc mơ hồ và thiếp đi rất lâu cho đến khi trời sáng thì tỉnh dậy. Vừng thái dương đỏ ối vừa nhô khỏi chân trời ở phương đông. Ánh sáng ban mai vã vào mặt ấm áp. Tôi phải tập cử động từ ngón tay, rồi bàn tay, và tự xoa bóp khắp người, một lúc sau mới có thể chống tay ngồi dậy được. Tôi gắng quan sát chung quanh, không biết mình đang ở đâu, nhưng mơ hồ đoán được là đang ở trên một hòn đảo. Nếu ở đây cũng có chính quyền Cộng Sản, và bị bắt lại thì thà chết giữa biển còn hơn. Thôi thì đành liều, nếu có ở tù, thì cũng sẽ tìm cách vượt ngục, còn có cơ hội đi lại nữa. Nghĩ đến đó, tôi thấy mình thêm hăng hái. Tôi ráng lết vào một lùm cây để ẩn nấp. Bắt mấy con dã tràng nhỏ bỏ vào miệng nhai sống, ngon như ăn mỹ vị. Tôi liếm nước mưa đọng trên lá cây, ngọt như nước đường. Tai tôi lắng nghe, tìm xem có tiếng động sinh hoạt của loài người hay không. Chắc cũng có nhiều người dạt vào đây như tôi. Tôi cẩn thận nhìn quanh, rồi đi vòng theo bãi cát, khom người như đi phục kích. Đi chừng một tiếng đồng hồ, thì tôi bị dốc đá dựng đứng cản đường. Tiếng chim kêu xôn xao trên đỉnh cao. Chưa thấy một dấu tích sinh hoạt nào của con người trên đảo, và tôi chợt lo. Lẽ nào mình trở thành anh chàng Rô Binh Sơn (Robinson Crusoe) sống một mình ngoài hoang đảo như câu chuyện tôi thích thú đọc đi, đọc lại thời thơ ấu.  Anh chàng Rô Binh Sơn còn có một số dụng cụ cần thiết, tôi đây thì chỉ có tấm thân và cái phao nhựa. Cảm thấy đói bụng vô cùng, nhưng không có gì ăn. Cá thì lội tung tăng từng đàn, nhưng với tay không, tôi còn chưa nghĩ được cách bắt. Tôi dùng cuội lớn, đập mấy con sò dính vào đá tảng, móc thịt sò ăn sống. Giá mà có chút chanh, chút muối và chai đế thì hưởng lạc có thua chi thi sĩ Tản Đà. Tiếng đập của tôi vang dội lên vách đá vọng lại mồn một, làm tôi lo. Khi đã bớt đói thì tôi đâm lo. Tiếng đập vang sẽ tố cáo tôi hiện diện nơi đây. Tôi đi sâu vào lùm cây, tìm một nơi kín đáo um tùm tạm thời ẩn nấp và nghĩ ngơi.

(xem tiếp kỳ sau)

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=2009