Vì Cộng Đồng và Đất Nước
Date: Tuesday, August 17 @ 09:22:42 EDT
Topic: Quan Điểm


Phát Biểu Tại Đại Hội Thường Niên

Của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ

Garden Grove, California

Ngày 14 tháng 8, 2010

 

Kính thưa quý vị chủ tịch và đại diện của tổ chức cộng đồng đến từ các nơi,

 

Tôi về đây như người trở về gia đình bởi vì năm 1996 tôi từng là chủ tịch của tổ chức cộng đồng của người Việt ở DC, MarylandVirginia.

 

Hôm nay tôi xin chia sẻ với quý vị một giấc mơ. Đó là cộng đồng chúng ta sẽ vững mạnh không thua kém các cộng đồng bạn dù họ đã đi trước chúng ta nhiều trăm năm. Các sắc dân khác sẽ không còn nhìn chúng ta là người tị nạn mà là người đã sống thoát những thử thách sinh tử với đầy tài năng, bản lãnh, kinh nghiệm để cống hiến cho xã hội Hoa Kỳ và cho nhân loại.  Cộng đồng chúng ta sẽ đóng góp hữu hiệu cho đất nước-tôi không chỉ nói đến việc thay đổi chế độ mà là đưa đất nước bị chậm lụt nhiều thế kỷ nhanh chóng lên ngang hàng với các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Tôi biết rằng mọi người có mặt ở đây cùng ấp ủ trong lòng giấc mơ như vậy, bởi nếu không thì quý vị đã không có mặt ở đây.

 

 

Ts. Thắng phát biểu tại đại hội thường niên của cộng đồng người Việt Quốc Gia Hoa Kỳ tại Garden Grove, California ngày 14 tháng 8, 2010. (ảnh CĐNVQGHK)



Chúng ta đang đứng trước một vận hội lớn để thực hiện giấc mơ này. Trách nhiệm lịch sử của tất cả chúng ta ngồi đây ngày hôm nay là không để lỡ vận hội ấy.

 

Muốn thế chúng ta phải chọn đúng việc và làm việc đúng cách và đúng thời.

Việc đúng, trước vận hội lịch sử này, là tạo nội lực và thế đứng cho chính cộng đồng của chúng ta.

 

Hồi nẫy bác sĩ Võ Đình Hữu chúc mọi người khoẻ mạnh. Giống như một cơ thể, một tập thể cũng cần khoẻ mạnh, nghĩa là phải có nội lực, thì mới làm việc lâu dài và đi xa được. Muốn có nội lực thì tổ chức phải có cơ sở, có nhân viên toàn thời, có ngân sách, có chương trình và có kế hoạch trường tồn. Khi cơ thể khoẻ mạnh, chúng ta dễ dàng đề kháng khi vi trùng xâm nhập. Một cộng đồng vững chãi sẽ chủ động thay vì  phản ứng và chao đảo. 

 

Sau nhiệm kỳ làm chủ tịch của tổ chức cộng đồng, tôi đã quyết tâm xây dựng một tổ chức toàn quốc có nội lực để đáp ứng nhu cầu của đồng hương, phát triển cộng đồng, và hỗ trợ cho cuộc tranh đấu cho dân chủ, nhân quyền, và tự do tôn giáo cho Việt Nam. Năm 1997, ngân sách của BPSOS là khoảng 30 ngàn Mỹ kim-năm trước đó chỉ có 3 ngàn. Tôi đưa ra chỉ tiêu đạt một triệu Mỹ kim về ngân sách. Nhiều người trong hội đồng quản trị lúc ấy rất hoài nghi, cho rằng tôi hão huyền.

 

12 năm trôi qua, ngân sách năm ngoái của BPSOS 12 triệu Mỹ kim. BPSOS hiện có 170 nhân viên toàn thời. hoạt động ở 18 địa điểm ở Hoa Kỳ và 4 địa điểm ở Á Châu. BPSOS là tổ chức ngưòi Việt duy nhất có văn phòng hoạt động thường trực ở Á châu để bảo vệ và phát huy nhân quyền cho người Việt.

 

Tôi nói điều này không phải để khoe về BPSOS mà để quý vị tự tin về khả năng phát triển nội lực. Quý vị có thuận lợi hơn tôi cách đây 13 năm. Xuất thân từ ngành kỹ thuật, tôi không hề có kinh nghiệm gì về phát triển tổ chức và cũng chẳng có ai chỉ bày cho; phải tự mày mò thôi. Còn bây giờ thì bất kỳ khi nào quý vị cần, tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn và hỗ trợ. Thực ra tôi đã chia sẻ những điều này trong quyển sách Thông Điệp Hy Vọng & Trách Nhiệm mà trong một dịp khác tôi sẽ giới thiệu với quý vị.

 

Hồi nãy có người trình bày về kế hoạch chuyển tin về trong nước. Lại có người giới thiệu về nỗ lực gây quỹ giúp thương phế binh ở quê nhà. Một dạo chính phủ Hoa Kỳ có ngân khoản nhiều triệu Mỹ kim cho những mục tiêu này nhưng cộng đồng chúng ta đã không biết cách để lấy những cấp khoản ấy.

 

Ở Hoa Kỳ, tổng thu nhập của tất cả các tổ chức phi chính phủ lên đến 250 tỉ Mỹ kim mỗi năm. Dân số người Việt chiếm khoảng 0.5% của tổng dân số Hoa Kỳ. Nếu tính một cách đơn giản theo tỉ lệ thì lẽ ra chúng ta mỗi năm phải đem về được cho cộng đồng là 1 tỉ 250 triệu Mỹ kim. Với tài nguyên ấy đem vêà hàng năm cho cộng đồng thì chúng ta thực hiện được biết bao nhiêu công tác, làm được biết bao nhiêu chương trình, phát triển được biết bao nhiêu tổ chức. Hãy hình dung năm 2020 cộng đồng chúng ta có hai chục tổ chức như BPSOS, và chỉ cần lấy về được con số lẻ của 1.25 tỉ, nghĩa là 250 triệu Mỹ kim mỗi năm, thì cộng đồng của chúng ta sẽ vững mạnh đến đâu và đi xa đến đâu.

 

Nhưng muốn lấy được ngân khoản thì chúng ta phải có tổ chức, phải có thành tích, phải chứng minh khả năng quản trị tài chánh và thực hiện chương trình. Các nguồn cấp ngân khoản rất cẩn thận khi chọn mặt gởi vàng.  

 

Song song với tạo nội lực, chúng ta lại còn phải tạo cả thế đứng trong dòng chính. Chúng ta phải có người ở bên trong, tại các bàn họp nơi chính sách được quyết định, để luôn luôn bảo vệ cho quyền lợi của cộng đồng. Nền dân chủ Hoa Kỳ chỉ dân chủ đối với những nhóm người nào biết tổ chức và tạo thế đứng để có tiếng nói ảnh hưởng. Bằng không chúng ta chỉ đứng bên lề của xã hội dân chủ vì những nhóm khác chi phối chính sách mà chúng ta đành phải chấp nhận và thi hành.

 

Đưa người vào nền chính trị dòng chính không phải là điều gì mới mẻ. Quý vị mới đây đã đưa được hai người của mình vào chức vụ dân cử ở Texas. Phát huy kinh nghiệm thành công này, các tổ chức cộng đồng cần biến mình thành môi trường tuyển lựa và đào tạo nhằm đưa thêm nhiều người trẻ vào các chức vụ dân cử. Giả sử trong 2 năm tới, chúng ta đưa thêm được 5 người nữa vào các chức vụ dân cử một cách có kế hoạch, thì chắc chắn sẽ tạo được sự chú ý của các cộng đồng bạn và của chính giới Hoa Kỳ.

 

Đã chọn đúng việc thì phải làm việc đúng cách. Đúng cách trong hoàn cảnh của chúng ta là phải tập trung, có trọng tâm, có kế hoạch đường dài và có mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn.

 

Tập trung vào một số trọng tâm nhất định là điều thật khó khăn cho chúng ta. Đôi vai gầy guộc của mỗi người Việt tị nạn phải gánh vác bao nhiêu là trách nhiệm đa đoan--trách nhiệm đối với bản thân, đối với gia đình, đối với thân nhân ở trong nước, đối với cộng đồng, đối với đất nước Hoa Kỳ và đối với quê hương Việt Nam. Nhưng muốn hiệu quả, chúng ta phải tập trung--nhất nghệ tinh, nhất thân vinh là câu nói từ ngàn xưa. Có tập trung chúng ta mới tăng khả năng, tăng tính chuyên môn và tăng triển vọng thành công.

 

Vấn đề cộng đồng và vấn đề đất nước không phải là chuyện một sớm một chiều. Chúng ta không thể làm một việc qua loa rồi vội nhẩy qua việc khác và hy vọng thành công. Chúng ta phải quyết tâm đi đường dài. Đồng thời chúng ta lại phải đề ra mục tiêu cụ thể ngắn hạn, cho ba tháng, sáu tháng, một năm, để đo lường từng bước tiến và điều chỉnh kịp thời khi cần thiết.

 

Đúng thời có nghĩa là ngay lúc này, khi vận hội hãy còn. Những người thuộc thế hệ gạch nối đang đóng vài trò chủ lực trong cộng đồng. Họ là những người quen thuộc với dòng chính mà vẫn gắn bó với cộng đồng và thiết tha với đất nước Việt Nam. Họ tạo được nhịp cầu cần thiết để đưa cộng đồng vào dòng chính và huy động dòng chính để thay đổi đất nước. Đó là vận hội lịch sử của chúng ta ngày hôm nay.

 

Nhưng thế hệ gạch nối này, trong đó có tôi, đang lùi dần vào bóng tối. Khi tre tàn nhưng măng chưa kịp mọc, thì tập thể sẽ không thể nào trường tồn. Nếu chúng ta không có kế hoạch để vun bồi cho thế hệ trẻ kế thừa thì cộng đồng chúng ta sẽ tàn lụi dần. Biết bao tài năng sẽ lạc thẳng vào dòng chính--họ sẽ rất thành công cho cá nhân và gia đình nhưng sẽ không là tài nguyên, vốn liếng cho cộng đồng và đất nước. Chúng ta chỉ có 10 năm, hoặc 15 năm nữa để vun xới cho thế hệ tương lai trước khi quá trễ. Chúng ta phải hành động ngay ngày hôm nay chứ đừng để đến ngày mai; mỗi ngày qua đi thì quỹ thời gian của chúng ta lại ngắn đi một ngày.

 

Tôi xin đưa ra hai đề nghị cụ thể cho các tổ chức cộng đồng.

 

Để tạo thế và lực chúng ta cần một đội ngũ những người lãnh đạo giỏi giang, có bản lãnh, có tinh thần dấn thân và đặc biệt là có đạo đức. Trong những tháng qua, và trong nhiều tháng tới, tôi đến nhiều nơi trên toàn quốc Hoa Kỳ để đề nghị kế hoạch đào tạo đội ngũ lãnh đạo trẻ cho cộng đồng chúng ta. Tôi gọi đó là kế hoạch 500 cho 5 năm. Mỗi năm trên toàn nước Mỹ chúng ta sẽ đào tạo 100 người trẻ về bản lãnh và tài năng lãnh đạo. Con số này có thể đạt được nếu cộng đồng ở mỗi địa phương chọn 5 đến 10 người mỗi năm theo những tiêu chuẩn thật chặt chẽ. Tôi đã sắp xếp với một tổ chức chuyên về đào tạo lãnh đạo của Hoa Kỳ để thực hiện điều này.

 

Trong thời gian đào tạo suốt một năm, lớp người trẻ sẽ áp dụng những điều học hỏi vào những dự án cụ thể của cộng đồng. Dự án ấy có thể là thiết lập chương trình giúp cho người cao niên, có thể là thực hiện một công tác tranh đấu cho nhân quyền ở Việt Nam, hoặc có thể là phát triển tài chánh và nhân sự cho tổ chức. Như vậy, họ sẽ đóng góp thiết thực để đáp ứng nhu cầu ngay trước mắt của cộng đồng trong khi đang tự chuẩn bị cho vai trò lãnh đạo trong tương lai.

 

Sau 5 năm chúng ta sẽ có 500 nhà lãnh đạo ở tầm vóc quốc gia, có thể thi thố tài năng với bất kỳ cộng đồng nào khác. Họ sẽ len vào mọi lãnh vực hoạt động, người ra tranh cử, người tham gia vào các cơ quan chính quyền, người thăng tiến trong công ty, người hoạt động xã hội… Họ sẽ gắn bó với nhau và đỡ đần cho nhau trong tình quen biết và trong lý tưởng phục vụ. Sự gia nhập dòng chính của họ sẽ kéo theo sự hội nhập của cộng đồng chúng ta. Sự thăng tiến của họ sẽ kéo cộng đồng chúng ta đi lên. Và họ sẽ đóng góp rất hiệu quả cho việc thay đổi Việt Nam.

 

Vai trò quan trọng nhất của cộng đồng người Việt ở hải ngoại đối với đất nước là quốc tế vận. Người trong nước có thể tài trí, bản lãnh, dũng cảm hơn bội phần nhưng vẫn không thể nào đóng vai trò quốc tế vận của chúng ta vì chúng ta có tư cách công dân của những quốc gia dân chủ trên thế giới. Muốn chu toàn vai trò quốc tế vận quan trọng này, chúng ta phải phát triển thế và lực của cộng đồng ở ngay mỗi quốc gia nơi mình sinh sống.  

 

Song song với việc đào tạo đội ngũ lãnh đạo, chúng ta cần tạo cơ sở vững chắc và phương tiện sẵn sàng cho họ hoạt động. Muốn vậy, các tổ chức cộng đồng cần quan tâm đến một yếu tố căn bản. Đó là sự kiểm soát nội bộ, trong tiếng Anh gọi là internal control. Tôi nghĩ rằng công thức của tổ chức cộng đồng ở Tarrant County là mẫu mực quý vị nên nghiên cứu. Ở đó, mọi người Việt đều được phục vụ và bảo vệ quyền lợi. Tuy nhiên chỉ những ai ghi tên là thành viên có đóng niên liễm, có trách nhiệm với tổ chức thì mới có quyền có tiếng nói quyết định đến tổ chức. Còn như nếu để bất kỳ ai, dù không có trách nhiệm, cũng có thể xía vào nội bộ, thì tổ chức mất đi khả năng kiểm soát nội bộ và rất dễ bị xáo trộn.

 

Thứ hai là, muốn phát triển, mỗi tổ chức cần có một người làm việc toàn thời để quán xuyến công việc, để quản lý chương trình, để đi họp hành, để truy tìm các nguồn ngân khoản. Ở bước khởi đầu, khi mỗi tổ chức còn thiếu phương tiện thì có thể chung nhau lại, gây quỹ ở mỗi địa phương để tài trợ cho một văn phòng trung ương, nơi đó có một người làm việc toàn thời gian để hỗ trợ cho việc phát triển ngân sách cho tất cả các tổ chức thành viên.

 

Từ ngàn năm qua, nhiều người nuôi giấc mơ vượt qua giới hạn của cuộc sống ngắn ngủi để trở thành bất tử. Ngày xưa Tần Thuỷ Hoàng đi tìm thuốc tiên để sống đời. Rồi các vua Ai Cập, các Pharaô, đã ướp xác để tiếp tục sống sau khi chết. Rồi Ông Lênin và Ông Hồ Chí Minh cũng ướp xác. Họ đều thất bại. Có một cách để thành bất tử mà chúng ta có thể làm được. Khi chúng ta tạo cơ sở và phương tiện để hàng hàng lớp lớp những thế hệ sau tiếp tục lý tưởng chúng ta đeo đuổi và vươn lên trên con đường chúng ta đi thì đó là bất tử.

 

Chúng ta hãy bắt đầu ngay hôm nay.

 

Xin cảm ơn quý vị.

 

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Giám Đốc Điều Hành

BPSOS







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1968