Đào Tạo Lãnh Đạo
Date: Wednesday, August 04 @ 01:50:09 EDT
Topic: Quan Điểm


Bản Lãnh Và Tài Năng Lãnh Đạo

 

Ts. Nguyễn Đình Thắng

 

Để phát triển cộng đồng và thay đổi đất nước, chúng ta cần những người lãnh đạo không những có đạo đức và tinh thần phục vụ mà còn phải có bản lãnh và tài năng. Về bản lãnh, đó là tầm nhìn sách lược và hành động có hệ thống. Về tài năng, đó là sự khôn khéo huy động tài nguyên và thời thế để đạt mục đích. Muốn đào tạo đội ngũ lãnh đạo tương lai cho cộng đồng, chúng ta phải có cả một kế hoạch phát triển bản lãnh và tài năng ấy.

 

Người có tầm nhìn sách luợc là người có viễn kiến, thấy được điểm đến của cả một hành trình dằng dặc. Họ lại phải có đủ khéo léo để truyền viễn kiến ấy cho đoàn người viễn hành để mọi người chung một hướng đi. Mắt không rời đích, họ biết định hướng dù có khi phải lách trái, rẽ phải để vượt qua vật cản hay khi phải băng qua sa mạc mênh mông không cột mốc hay bảng chỉ đường.



Về hành động, người lãnh đạo có bản lãnh luôn luôn dọn đường cho bước kế tiếp. Đó là cung cách của nhà đầu tư: thu hoạch và tích luỹ thành quả của bước trước để tạo bàn đạp cho bước sau. Họ có trọng tâm cho mỗi chặng đường, tính kỹ từng bước đi, và chọn đúng việc để làm. Họ biết bảo tổn nội lực, vốn liếng và thời gian và tránh những việc tản mạn, ngẫu hứng, hay có tính cách phản ứng. Họ luôn chủ động dù trong tình thế khó khăn, ngặt nghèo. Họ là người đi tìm giải pháp, lối thoát khi gặp bế tắc.

 

Người lãnh đạo còn phải có tài huy động tài nguyên và vận dụng cơ hội để tạo thuận lợi cho từng bước tiến. Họ phải biết huy động cả năm loại vốn: tài chánh, con người, tổ chức, tri thức, và xã hội để tạo phương tiện cho cả đoàn người tiến lên. Họ cũng phải biết vận dụng các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hoà để tạo thế thuận lợi cho bước tiến xa hơn và nhanh hơn. Nghĩa là họ biết dùng cả thế lẫn lực.

 

Đó là bản lãnh và tài năng về sách lược mà người muốn lãnh đạo phải có và cần tự trau luyện.

 

Học đường không phải là môi trường lý tưởng cho việc đào tạo bản lãnh và tài năng về sách lược. Mục đích hàng đầu của nhà trường Hoa Kỳ là đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế: sản xuất thật nhanh chóng những chuyên viên biết rất sâu về những lãnh vực rất nhỏ, giống như những bộ phận rập khuôn sẵn sàng ráp vào cỗ máy đang vận hành. Người lãnh đạo không thể nào là một sản phẩm rập khuôn.

 

Thời gian của khoá học quá ngắn để đào tạo về viễn kiến và lập kế hoạch dài hạn. Khuôn khổ của lớp học không cho phép phát huy tài năng về huy động và phát triển thế và lực. Tính giả tạo của các bài thực tập trong học đường không dẫn đến thành quả thực để triển khai kinh nghiệm về tích luỹ và phát huy.

 

Các “trại lãnh đạo” cũng vậy, không là môi trường đào tạo lãnh đạo. Giỏi lắm các trại ấy chỉ huấn luyện một số kỹ năng về tổ chức, phối hợp, và sinh hoạt nhóm.

 

 

Trong kế hoạch “500 cho 5 năm” tôi kêu gọi cộng đồng người Việt ở mỗi địa phương tạo môi trường cho những người trẻ có tiềm năng tự trau luyện để phát triển bản lãnh và tài năng ở tầm sách lược. Chương trình huấn luyện sẽ gồm có:

 

(1) Các buổi dẫn nhập về nguyên tắc phát triển bản lãnh và tài năng.  

(2) Đề án thực tiễn và tương đối dài hạn để ứng dụng những nguyên tắc ấy.

(3) Sự tư vấn và hướng dẫn thường xuyên và dài hạn bởi những người giàu kinh nghiệm.

(4) Quy trình rút tỉa và chia sẻ kinh nghiệm.

 

Khi thực hiện chúng ta phải tuyển lọc thí sinh thật kỹ lưỡng, dựa trên những tiêu chuẩn rất cao về tiềm năng, về tinh thần phục vụ, về bản lãnh và về đạo đức. Có vậy chúng ta mới mong cống hiến cho cộng đồng, đất nước Hoa Kỳ, và nhân loại những nhà lãnh đạo kiệt xuất.







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1953