“Xuất Khẩu Lao Động” (phần 1)
Date: Thursday, July 15 @ 11:27:22 EDT
Topic: Chống Buôn Người


Sự Thật Về “Xuất Khẩu Lao Động” Dưới Chế Độ Cộng Sản (phần 1)
(Mạch Sống trích đăng từ báo Viễn Đông)

Thanh Phong/Viễn Đông (ghi lại)

LTS: Một cô gái Việt Nam tên Vũ Phương Anh, 28 tuổi, đi qua Jordan làm may theo chương trình “Xuất Khẩu Lao Động” của nhà nước Cộng Sản Việt Nam; cô Phương Anh cùng 276 người Việt khác đã bị lừa bịp, bị Cảnh Sát Jordan đánh đập tàn nhẫn, bị bỏ đói, sau đó lại bị người đại diện của nhà cầm quyền trong nước sang tiếp tục tra tấn, hành hạ dã man. Là người lãnh đạo cuộc đình công để phản đối sự bóc lột và ngược đãi của W&D Apparel tại Jordan năm 2008, sau đó đã bị nhà cầm quyền CSVN hăm dọa, cho nên trong chuyến bay hồi hương, cô đã xin Liên minh CAMSA và tổ chức BPSOS giúp đỡ để có quy chế tỵ nạn. Đáp máy bay xuống phi trường Los Angeles vào trưa ngày 7-7-2010 để quá cảnh sang định cư ở một tiểu bang khác, cô Vũ Phương Anh đã dành hầu hết thì giờ trong lúc chờ chuyển máy bay để kể cho nhóm phóng viên Viễn Đông nghe về thảm cảnh của những người đi xuất khẩu lao động. Vì câu chuyện khá nhiều chi tiết, nhật báo Viễn Đông cho đăng làm 6 kỳ vào các ngày 9, 10, 11, 13, 14, 15 tháng Bảy năm 2010. Để tôn trọng ý kiến của Vũ Phương Anh, chúng tôi xin ghi lại những lời cô nói. Những chỗ nào cần thêm chi tiết cho rõ thêm, chúng tôi để trong ngoặc.

Vũ Phương Anh. (ảnh: Vicent Thái/Viễn Đông)



Như các cô, chú biết, ở Việt Nam có chương trình xóa đói giảm nghèo lâu rồi, em là người kém may mắn vì gia đình nghèo nên họ về tận xã em họ lừa em đi xuất khẩu lao động theo diện xóa đói giảm nghèo. Em muốn nói thẳng ra là cái sự bịp bợm của cái đảng cộng sản Việt Nam. Em cũng như 276 gia đình đi lao động Jordan đều là người trong thành phần nghèo. Người ta đến nói rằng nhà nước tạo điều kiện giúp đỡ cho những người nghèo có cơ hội đi làm ăn [theo hợp đồng hứa hẹn trả 220 Mỹ kim một tháng], nhưng bắt buộc mỗi người phải nộp cho họ 2000 đô la Mỹ, mà chị nghĩ coi, không những gia đình em mà còn 276 gia đình khác, đều nghèo thì số tiền 2000 đô là một tài sản lớn, cho nên gia đình em và nhiều người phải cầm “sổ đỏ” (giấy chủ quyền nhà đất).

Họ nói rằng đi qua bên đó một ngày chỉ phải làm may 8 tiếng, Chủ nhật và các ngày lễlễ, tết đều được nghỉ có lương, điều kiện ăn ở rất đàng hoàng và được hưởng thêm các khoản trợ cấp khác như trợ cấp xa gia đình, trợ cấp việc chuyên cần.

Những người như em chưa đi đâu bao giờ nên nghe những lời của họ. Nhà nước mà! Nhà nước mình, chính phủ mình lo cho dân như vậy thì làm sao không tin tưởng? Thế là gia đình em cùng 276 người khác chạy [vay tiền] để đi.
Lúc đầu, đặc biệt họ không cho ký hợp đồng, họ giải thích rằng cái chỉ tiêu này là do nhà nước đưa về thôn xã mình giúp dân nghèo nên không cần làm hợp đồng. Chứ chúng em đâu có đi tìm các công ty tư nhân môi giới gì đâu.

* Lên đường đi Jordan

Em đi vào ngày 28 tháng 1 tức đầu tháng 2 năm 2008. Buổi tối trước khi đi, khoảng 9 giờ  người quản lý mới gọi bọn em xuống bảo ký hợp đồng để mai đi làm. Khi ở trại tỵ nạn Thái Lan em ngẫm nghĩ mới biết nó chủ trương lừa mình ngay từ lúc đầu, chứ có cơ quan nào làm việc 9 giờ đêm; nhưng lúc đó mình không nghĩ ra. Họ đưa tờ giấy ra và cứ hối thúc: “Ký vào đây, ký vào đây rồi đi ngủ. Sáng mai đi sớm”. Em thấy trên tờ giấy có tiếng Trung Hoa, tiếng Anh và tiếng Việt nhưng chẳng ai đọc. Rồi họ thu lại.

Mỗi người được phát một hồ sơ nhưng hôm sau ra phi trường họ thu lại hết và trao cho mỗi người một phong bì dán kín, dặn không được mở, phải đem qua đưa cho ông chủ Đài Loan, và khi trao xong cái vé máy bay là họ để mặc chúng em, không chỉ cho đi hướng nào. Họ chỉ biết thu tiền và đem con bỏ chợ, hoàn toàn không lo gì hết nữa. Tụi em tự tìm đường đi, ở đây họ dùng tiếng Anh mà bên nhà lại bắt học tiếng Trung Hoa. Tụi em đâu biết tiếng Anh nên đi tìm người hỏi thăm. Họ cầm cái vé, thì ra ở thành phố Hồ Chí Minh, cái thành phố mà đảng cộng sản gọi là thành phố mang tên bác! Bây giờ các anh chị biết nó như thế nào rồi, em không tiện nói ra nhiều.

Tụi em bay ròng rã hai ngày trời sang đến Jordan thì trời đã tối, người ta không cho mình nghỉ ngơi chút nào, bắt làm việc ngay. Như người khác thì chắc chắn không ai chấp nhận, nhưng chúng em nghĩ thân phận mình cũng đã khổ nhiều rồi, mình đi sang đây làm nên chấp nhận xa gia đình để kiếm sống. Khoảng 7 giờ tối, họ bắt các lao động làm giấy tự nguyện gửi hộ chiếu cho họ. Tụi em hai ngày liền nhịn đói, vì chúng em người ở quê không ăn được các đồ ăn họ phát trên máy bay. Hôm đó trời rất lạnh, có tuyết rơi và tụi em phải làm đến 12 giờ đêm.

* Thất vọng với điều kiện làm việc

Sáng hôm sau 7 giờ 30 đi làm đến 11 giờ 30 nghỉ ăn cơm trưa, 12 giờ bắt đầu làm đến 5 giờ 30 chiều nghỉ ăn cơm tối; 6 giờ lại bắt đầu làm đến 12 giờ đêm. Nếu có nhiều việc, phải làm đến 1, 2 giờ sáng. Bản thân em làm được 10 ngày thì Tết Nguyên Đán Việt Nam. Chủ là người Đài Loan nên họ cũng cho nghỉ ăn Tết và 10 ngày em được trả 10 đô. Em thắc mắc đi hỏi thì họ trả lời: “Bạn phải thử việc”. Nghe vậy em cũng chấp nhận, cho dù trước khi đi họ không dặn dò, định hướng gì cho tụi em biết trước.

Hôm lĩnh lương, nhìn ai cũng khóc, kêu chán. Hỏi ra mới biết, những người mới sang làm 1, 2 tháng đầu thì được 80 đô một tháng, còn những người đã làm trước 4, 5 tháng thì được 120 đô một tháng, mức lương như vậy mà ăn uống kham khổ vô cùng, chỗ ngủ chật chội, thử hỏi lời hứa hẹn của nhà nước cộng sản ra sao? Nó hoàn toàn đảo ngược lại hết!

Em biết một ít tiếng Trung Hoa nên bàn với các chị em viết đơn trình bày cho ông chủ. Các chị viết, sau đó em lên gặp ông chủ, đọc tiếng Việt và dịch sang tiếng Hoa cho ông nghe, nội dung đơn chỉ xin “ông chủ giúp chúng tôi chỉnh lại mức lương như đã được hứa hẹn tại Việt Nam, để chúng tôi ở lại mà làm việc”. Bấy giờ ông chủ nói: “Chúng tôi đã làm đúng hợp đồng rồi còn các cô có thắc mắc thì điện về hỏi ông chủ các cô ở Việt Nam!”.

Tụi em ăn mỡ cừu nên đứa nào cũng bị rụng tóc hết.

Lúc đó em nhận được 10 đô nên gọi ngay về cho chị Khương và một ông  ở công ty Da Giày nơi chúng em từ đó mà đi. Cả chị Khương lẫn ông kia đều trả lời: “Cứ đi làm đi rồi thương lượng sau”. Em nói với các bạn: “Mấy chị nào muốn đi làm thì đi, em không đi”. Chúng em sang đây đi làm, đâu muốn đình công nhưng mẹ em bên nhà phải trả tiền lãi cho em mấy tháng, bọn em sang đây làm có 80, 100 đô một tháng thì làm sao có tiền gửi về trả nợ! Mà mẹ em thì bệnh tim...

Thực ra, hôm nay em nghĩ em là người may mắn nhất trong các bạn em, vì em được đặt chân lên đất nước tự do này để nói lên lòng biết ơn sâu sắc nhất đối với Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cũng như Liên Minh CAMSA và BPSOS, và các cô chú bác làm việc trong đó, hai năm qua đã giúp đỡ chúng em rất nhiều.

Được nói lên những lời này, em hết sức xúc động, em đã cố gắng kềm chế ngay từ lúc đến đây, bởi vì em nghĩ, thứ nhất, em đã chiến thắng với chính bản thân em, và em chiến thắng được cả những lời đe dọa của các quan chức cộng sản mà nó đe dọa em suốt hơn hai năm trời tại Thái Lan. Người ta truy tìm và hành hạ mẹ em.

Nhân tiện đây em cũng xin nhờ các cô chú bác và các anh chị ở báo Viễn Đông cho em nhắn gửi lời cám ơn đến các cô chú bác ở Mỹ, ở tất cả khắp mọi nơi, trong thời gian em phải chạy trốn, đã quyên góp giúp mẹ em thoát khỏi cảnh khổ sở... cũng như tất cả đã động viên, an ủi, kể cả những tấm lòng vàng của cô chú bác và các anh chị, đã giúp em vượt qua hơn hai năm nay. Em không thể nói gì bây giờ. Có thể ngày mai, ngày kia em sẽ nói được rất nhiều.

Bước chân đến đây, cái cảm giác của em như người đã vượt thoát khỏi những bàn tay gian ác của bọn độc tài cộng sản, và em sẽ nói để lột trần bộ mặt thật của cái đảng cộng sản lừa dối, bịp bợm và tàn ác này…

Thực ra trong thời gian ở Thái Lan, gia đình em có rất nhiều chuyện buồn, có lúc hầu như em muốn nhảy lầu. Nhưng để có một nghị lực như ngày hôm nay, em đã phải cố nén căm thù, bởi vì đâu các bạn em phải chết? Vì đâu mà nhiều gia đình mất nhà, mất cửa, vì đâu mà nhiều người mất con cái, vì đâu mà người ta phải uống thuốc tự tử? Vì cái nghèo! Vì cái khó một phần, nhưng vì cái đảng Cộng sản này nó quá tàn ác, nó lừa trên, lừa dưới. Lừa tới mức mà người dân phải ra nông nỗi như thế! Các cô chú, bác qua đây chắc các cô chú, bác đã hiểu cộng sản từ lâu rồi. Những người tuổi trẻ ở Việt Nam hầu như đến tuổi trưởng thành, nhà nước không tạo công ăn việc làm ở trong nước, mà toàn là đẩy đi lao động nước ngoài! Biết bao nhiêu người kém may mắn như em, không được biết cái mặt thật của cái đảng Cộng sản này. Nó chỉ biết ăn trên xương trên máu của người lao động như bọn em, chứ không lo gì cho dân cả. Đó là nghị lực giúp em, mà chú Thắng và các cô chú trong BPSOS đã giúp chúng em có nghị lực vượt qua mọi khó khăn, trở ngại. Bởi vì nếu như em làm cái gì dại dột, thì trước hết mẹ em là người buồn nhất. Cái đảng cộng sản nó không thể nào để thế giới bên ngoài biết, nhưng em là nạn nhân, em mong muốn và cầu mong báo Viễn Đông cũng như các cô chú bác ở các báo khác, các tổ chức, hội đoàn, xin hãy tiếp tục giúp em phổ biến mặt thật của cái đảng CSVN trong những ngày tới...

Cái mong ước của em, cho đến ngày nào đó, nếu em có chết trên đất nước Mỹ này, em sẽ không ân hận, khi em đã vạch trần được bộ mặt thật của đảng CSVN, nó lừa dối nhân dân Việt Nam, lừa dối bọn em. Xin hãy ủng hộ em, giúp đỡ cho em có phương tiện, thí dụ như trên báo chí, đài phát thanh… để em đưa cái bộ mặt thật và phơi bày tội ác của chúng, bởi vì em là người trong cuộc. Em rất cám ơn báo Viễn Đông và các cô chú, bác hay các tổ chức, sẽ giúp đỡ em trong những ngày tới. Bởi vì trước đây, em không biết nên em không có tội. Bây giờ em cảm thấy có tội, nếu như em không đưa được tội ác của chúng nó ra, mà em lại may mắn hơn nhiều bạn khác, có bạn đã chết, còn em được đến đất nước tự do này. Em không kể gì bản thân em, nhưng em nghĩ đến các bạn em và hàng ngàn người đang lao động tại Malaysia và nhiều nước khác, cũng đang bị lừa bịp như bọn em.

Hai năm qua, em đã lên tiếng nhiều lần trên diễn đàn tự do. Bây giờ em rất vui mừng, nhưng lại rất thương cho những người kém may mắn, họ đang lưu lạc nơi xứ người với muôn vàn nỗi khổ!

* Trở lại chuyện đình công bên Jordan

Chúng em sang đây đâu có ai muốn đình công, chỉ tin theo lời hứa hẹn như bên Việt Nam nói. Năm 2008 trước khi ra đi, ông chủ Việt Nam nói như em đã trình bày ở phần trước, mỗi ngày làm 8 tiếng, Chủ nhật, ngày lễ, Tết đều được nghỉ. Nên khi  sang đây, biết được mức lương như vậy, và làm theo giờ giấc như vậy, làm sao chúng em chịu nổi, nên chúng em quyết định phải đình công.

Hôm đó là ngày 18, 19 tháng 2, vào lúc 10 giờ sáng, em vẫn còn nhớ như in. Em đang ở phòng 34, các chị em kia ở các phòng 47, 48, 49 và không đi làm, đang nằm ngủ. Đùng một cái, Cảnh Sát Jordan đập cửa xông vào, họ xịt hơi cay và lôi gậy ra đánh. Trong lúc ở tầng trên có Ngọc, Ánh, Vang và nhiều chị em khác bị bệnh đang nằm nghỉ trên giường sắt, họ cũng xông lên đánh luôn. Lúc đó em đang mặc quần áo ngủ, em vội chạy sang và cầm cái điện thoại. Em thấy các bạn em chạy tán loạn, vừa chạy vừa kêu cứu. Chính mắt em nhìn thấy một cảnh sát túm tóc chị Vang và mấy chị khác đập đầu vô thành giường và đập xuốâng nền nhà. Chị Vang hộc máu mồm, máu mũi cả máu tai nữa và ngất xỉu luôn. Lúc đó em mới lao vào, ôm chị Vang kéo ra thì người cảnh sát đấm em chúi vào cái thành giường sắt.

Em không còn nghĩ gì nữa hết, em cứ lấy cái điện thoại quay loạn lên vì vừa run, vừa sợ, em chỉ nghĩ sẽ gửi những hình này về cho bên Việt Nam xem họ giải quyết ra sao thôi.

Mấy người cảnh sát Jordan rất hung dữ, họ đánh bọn em máu me bê bết đầy khắp nền nhà. Em la lên : “Chúng mày ơi, bọn nó đánh chết mấy chị em chúng mình rồi!”.

Người cảnh sát lại chỗ chị Vang, không tin chị chết, nên nắm đầu chị giở lên rồi thả cho rớt xuống. Rồi họ nắm tóc kéo chị ra ngoài, xong kéo cả bạn em là Hà Thị Ngoãn và một số bạn khác. Em đưa điện thoại cho bạn em quay và chửi họ: “Chúng mày trả người cho tao, chúng mày trả người cho tao!”.

Lúc đó bọn em chỉ mong làm sao cho ông chủ biết đến cứu tụi em.
Nhưng khi đến nhà ăn, chúng em thấy tên chủ ở đó bắt tay với những thằng cảnh sát vừa đánh đập công nhân của mình.

Vừa lúc đó có mười mấy chiếc xe cảnh sát chạy tới; bọn em tưởng cảnh sát đến cứu, không ngờ họ nhảy xuống xe là xông vào đàn áp tụi em, đẩy bọn em vô một cái khu riêng và bắt buộc phải đi làm.

Tất cả các cửa đều bị đóng kín hết, cắt điện, cắt nước và bỏ đói. Bọn em thật tuyệt vọng.

Em chạy vào trong cái toilet gọi điện thoại về cho bà Khương ở công ty Da Giày Việt Nam. Bà ta trả lời: “Cứ đi làm đi, đình công là bất hợp pháp, là cái gì, cái gì đó”. Em nói: “Bây giờ bà có can thiệp hay để chúng nó đánh chết bọn em sao?”. Nghe vậy bà ta tắt máy liền và từ đó trở đi không còn gọi được nữa. Hôm sau em trao máy cho Vân, Nga gọi, bên kia nó nghe Jordan là nó cúp máy ngay.

* Đi tìm tòa Đại sứ Việt Nam CS

Túng quá, em nghĩ chỉ còn cách đi tìm tòa Đại sứ Việt Nam kêu cứu, vì lúc đó em vẫn còn tin tưởng ở nhà cầm quyền CSVN. Các chị em góp tiền cho em đi taxi lên thủ đô Amman mất khoảng gần 100 đô. Em không biết tiếng Anh, nên viết ra giấy nhờ một người Trung quốc gọi hộ chiếc Taxi, em nói với tài xế chở đến tòa Đại sứ VN, họ đi tìm hoài nhưng không có. Em gặp một người Việt Nam hỏi, họ nói ở Jordan không có tòa Đại sứ VN. Em thất vọng trở về. Sau một ngày rất mệt mỏi và đói, em về phòng nằm nghỉ.

* Bán băng vệ sinh mua đồ ăn cầm hơi

Vì không còn tiền để mua đồ ăn, bọn em phải nghĩ chỉ còn cách đem băng vệ sinh đi bán (em nói đây xin các cô, chú bác thông cảm), bởi vì em phải nói sự thậït. Bọn phụ nữ chúng em đi lao động nước ngoài, chỉ mang theo nhiều băng vệ sinh và quần áo lót, nên chúng em lấy hai cái cán chổi cột lại làm cái đòn gánh, gánh mỗi bên một ít băng vệ sinh và quần áo ra phố bán. Em là người gánh đi bán, sau đến Luyến và Vân cũng gánh. Nhưng người địa phương to con, họ không dùng những cái cỡ nhỏ của người mình, thành ra phải đi gạ bán cho những phụ nữ Trung quốc đang làm tại đây. Cứ mỗi băng vệ sinh đổi được một gói mì tôm thôi. Trong khi các bạn em bị đánh đập đang nằm đau đớn, đói khát không ai cứu, bọn họ vẫn bỏ đói, không ai ngó ngàng đến. Mà các quan chức Việt Nam thì không thấy ai, không biết họ ở đâu mà tìm. Nhưng sau này khi họ sang đến nơi, họ còn đàn áp bọn em mạnh hơn nữa!

* Nhờ báo chí lên tiếng

Bây giờ bọn em nghĩ chỉ có một cách là nhờ báo chí lên tiếng, nhưng không biết có ai viết báo cho mình, may có Tuyết có người chị làm ở báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội. Sau đó Tuyết cho số điện thoại và bọn em gọi về nhờ chị đó viết bài giúp. Chị ấy lấy tựa đề là “276 Phụ Nữ Việt Nam Lao Động Tại Jordan Bị Đánh Đập, Bỏ Đói”. Bài báo đăng vào tháng 3-2008 nhưng chỉ đăng được 2 mẩu tin thì ngưng không đăng tiếp nữa. Bọn em điện về hỏi, chị ấy nói, báo đình chỉ chị không được viết nữa. Anh, chị biết báo chí cũng không được nói lên sự thật, huống gì con người Việt Nam. Bởi vì chúng nó biết làm cái điều sai trái nhưng chúng nó vẫn làm. Đây em nói “chúng nó” là vì em quá căm tức cái bọn lãnh đạo ở đảng CSVN, chúng biết sai trái mà không dám nhận, trong khi báo chí phanh phui sự thật ra thì đình chỉ và ém nhẹm luôn.

* Liên lạc được với Ts. Nguyễn Đình Thắng

Thật là may mắn cho bọn em đã đến được với chú Thắng. Em nhớ chỉ có mấy ngày sau khi bài báo lên, là chú gọi lại ngay và nói: “Tôi là người Việt Nam, sinh sống và làm việc tại Hoa Kỳ. Tôi có đọc bài báo đó. Vậy hiện giờ chị em như thế nào rồi, như thế nào rồi?”. Lúc đó chị Luyến gọi Phương Anh, Phương Anh nói với chú Thắng: “Bây giờ bọn cháu cần nhất có một ít tiền để mua thức ăn và thuốc cho chị em bị thương, bị bệnh, vì chúng cháu bị bỏ đói”. Chú Thắng không hứa nhưng khuyên hãy giữ liên lạc và bảo bọc nhau để chờ chú tìm cách. Nhưng chỉ có 3 ngày sau, chú ấy gửi sang giúp nhóm Phương Anh 3.000 đô la Mỹ. Mỗi lần nói tới đây, Phương Anh không bao giờ quên ơn chú Thắng và gửi lời cám ơn tất cả các cô, chú, bác, anh chị hảo tâm có tấm lòng vàng, đã nghe lời kêu cứu của Phương Anh và các bạn Phương Anh mà ra tay giúp đỡ.

Sau khi tiếp nhận 3.000 đô la đó, tối về Phương Anh chia cho tất cả 276 người, mỗi người tính ra được 8 đô, số còn lại mọi người đồng ý để dành gọi phôn và lo đi lại cầu cứu các nơi. Phương Anh cũng sợ, vì cả đời chưa bao giờ cầm số tiền lớn như vậy, nên phải chia cho các bạn ngay tối hôm đó, ai nhận đều phải ký tên và tờ giấy có chữ ký đó Phương Anh gửi sang cho Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng.

Sau khi được tiền rồi, Phương Anh lại kêu cứu chú Thắng tiếp, xin chú can thiệp giúp đỡ các chị em bị thương, bị bệnh được đi cứu cấp. Chú Thắng bảo: “Bây giờ muộn rồi, để mai đi”. Sáng hôm sau chú điện thoại chỉ cho bọn em tìm đường đến cơ quan IOM, tổ chức quốc tế giúp người tỵ nạn. Trụ sở IOM cũng gần chỗ bọn em làm. Phương Anh đến trình bày với họ, mấy nhân viên IOM đi theo bọn em sang công ty, nhưng đến cửa, đám bảo vệ không cho vào. Phương Anh gọi hơn 100 chị em ở trên xuống, đập cái cửa công ty cho nhân viên IOM vào cứu. Lúc đó Phương Anh không có sợ, chỉ nghĩ bằng mọi cách phải đưa được các bạn Phương Anh đi cứu cấp. Sau khi vào được, người ta đưa những người bệnh và bị thương đi cấp cứu, chữa trị. Nhờ chú Thắng và cơ quan IOM tận tình nên số người bệnh và bị thương mới được cứu như vậy.

* Phái đoàn đại diện CSVN sang đàn áp

Khi IOM can thiệp thì có tin đại diện chính phủ Việt Nam sang giải quyết. Cả đêm hôm đó Phương Anh không ngủ, lấy cái cờ đỏ sao vàng cắt ra làm băng rôn, viết trên đó câu “Xin giúp chúng tôi về nước”. Cờ đỏ sao vàng là vì lúc đó Phương Anh cũng chưa có hiểu gì cả. Bọn em lấy những cán chổi làm cán cờ căng biểu ngữ ra.

Khoảng 1 giờ trưa, phái đoàn chính phủ đến gồm có ông Trương Xuân Thanh làm ở Bộ Ngoại Giao, ông Trần Việt Tú làm ở Lãnh Sự Quán tại Cairo, Ai Cập, ông Tạo làm ở Bộ Lao Động, ông Trịnh Quang Trung và ông Việt làm ở Ban Giám Đốc Công Ty bên VN, có cả nhà báo và một số quan chức khác. Những người đó thấy bọn em căng cái biểu ngữ là cái cờ đỏ sao vàng thì bà Khương và ông Trương Xuân Thanh cầm lá cờ và thu cái băng rôn cuộn lại vứt vào thùng nước gạo cũng là cái thùng rác ở nhà ăn. Lúc đó em nghĩ rằng đây không phải phái đoàn đại diện chính phủ VN sang, mà chắc là phái đoàn do công ty môi giới thuê sang để gỉa danh mà đàn áp bọn em, bắt bọn em đi làm. Nghĩ thế, em bảo ông Thanh: “Cháu là Phương Anh, cháu làm ở tổ này. Đây, thẻ của cháu đây. Chú có thể cho cháu biết chú là ai? Chú cho cháu xem cái thẻ của chú được không?”. Ông ấy bảo: “Tôi thay mặt chính phủ VN sang đây để giúp giải quyết cho các cô. Cô không là cái gì cả mà tôi phải trình thẻ”. Ông ấy vỗ ngực xưng: “Tôi là Trương Xuân Thanh làm tại Bộ Ngoại Giao”, mấy ông kia cũng vỗ ngực xưng danh như vậy. Nhờ thế bọn em ghi lại được đầy đủ tên của họ.

Sau đó em còn cố ý cho Ngọc, Ánh và những người bị đánh nằm la liệt ra đó, nhưng mấy ông ấy bảo: “Chúng tôi đọc báo, nghe các cô nói bị bỏ đói mà sao thấy cô nào mặt cũng tươi hơn hớn?”. Đó là lời của ông Trương Xuân Thanh, một người lãnh đạo, thay mặt cho chính phủ VN mà ăn nói như vậy. Câu đó chính là do miệng ông Thanh nói ra, chứ không phải do em nói.

Thấy như vậy, em bảo các chị về phòng và nói với các chị: “Đây chắc là bọn  do công ty thuê sang đàn áp mình, chứ nếu là đại diện chính phủ, ít ra họ cũng hỏi mình được một vài câu như: Các cháu làm sao? Tại sao các cháu đình công? Tại sao các cháu bị bỏ đói?”. Ít nhất phải có những lời đơn giản như vậy, nhưng không có, mà còn đàn áp, đe dọa bọn em, bắt bọn em phải đi làm. Một tên trong phái đoàn nói: “Các cô có biết các cô đình công là bất hợp pháp không? Các cô có biết là trước khi đình công là phải báo trước 1 tuần không?”.

Em hỏi lại: “Bây giờ bọn em báo với ai đây? Không nhẽ nhìn xuống bàn chân mà báo sao? Bọn em đã làm đơn trước khi đình công mà!Ông chủ bảo bọn em điện về hỏi bên VN, bọn em điện về hỏi, ông chủ VN cũng nói như vậy. Chúng em cũng đã đi tìm các quan chức VN nhưng không có thì báo cho ai đây?”.

Em hỏi ông Trương Xuân Thanh và ông Trần Việt Tú: “Cái luật đình công  hay không thì các chú biết, nhưng cái luật đình công bất hợp pháp cũng là do các chú thôi, vì trước khi bọn cháu qua đây, cái công ty và các chú không định hướng cho bọn cháu, không nói trước cho bọn cháu biết, các chú chỉ biết thu tiền và bỏ bọn cháu ở sân bay thôi. Ông Trương Xuân Thanh bảo: “Cô không được nói như thế! Tôi có quyền hỏi cô chứ cô không có quyền hỏi tôi”.

Đó, cô, chú, bác thử hỏi, nó quen rồi! Nó nói cái gì là bắt buộc dân phải nghe. Dân không có quyền cất tiếng nói, như thế thì là cái xã hội công bằng, dân chủ làm sao được?

* Đòi đóng 2.000 đô nếu muốn về lại Việt Nam

Sau cái vụ em vừa nói, ông ấy bảo: “Bây giờ ai muốn về phải nộp số tiền đình công bất hợp pháp và phá hoại tài sản công ty (vụ đập bể cửa kính) mỗi người 2.000 đô la. Nó ép, nó đe dọa như vậy, nên 276 người lao động chỉ có 176 người về, còn lại 100 người ở lại. Cô chú bác cũng phải thông cảm cho số người này, vì 2.000 đô khi đi chưa trả nổi, bây giờ về thêm 2.000 đô nữa, làm trâu, làm bò cũng không trả được!

Sau đó tức quá, em bảo với các bạn em: “Thôi, chúng mày về phòng. Đây không phải đoàn đại diện của chính phủ Việt Nam. Đây là cái thành phần lừa đảo”. Em nói như vậy thì các bạn về phòng. Vào khoảng 5 giờ chiều, em đang ở phòng 34 thì ông Tú, ông Thanh vào phòng hỏi: “Ai là Vũ Phương Anh?”. Bởi vì cái tên thật của em là Vũ Phương Anh. Em trả lời: “Cháu đây, có gì không chú?”. Ông ấy bảo: “Chú hỏi cháu một chút được không?”. Em trả lời: “Được”.

* Ghép tội và vu khống

Ông ấy hỏi: “Tại sao cô nhận tiền của bọn phi chính phủ?”. Em nói: “Cháu không biết cái gì là phi chính phủ”.

Ông ấy lại nói: “Cháu nhận tiền của bọn phản động?”. Và ông ấy hỏi luôn, cháu xin lỗi chú Thắng, ông ấy hỏi cháu: “Có nhận tiền của tên Nguyễn Đình Thắng không? Cháu không biết Nguyễn Đình Thắng là tên phản động, nó lợi dụng Phương Anh, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của Phương Anh để dụ dỗ, đưa tiền cho Phương Anh”.

Lúc đó, em nghĩ thế nào thì nói thế ấy, em trả lời: “Cháu không có nhận tiền của bọn phi chính phủ, cháu chỉ biết những người lừa đảo bọn cháu sang bên này, khi bọn cháu bị đánh đập, bọn cháu kêu cứu thì không ai giúp đỡ; mà những người giúp đỡ bọn cháu là ân nhân của bọn cháu; còn những người lừa đảo đó mới gọi là thành phần phản động của bọn cháu”.

Ông ấy bảo: “Nếu cô nói như vậy thì không thể nói chuyện với cô nữa”, và ông ấy bỏ ra ngoài.

* Nghĩ về phi chính phủ và tổ chức của TS. Thắng

Phương Anh cũng nói thêm, bấy giờ Phương Anh cũng không hiểu thế nào là phi chính phủ. Sự thực ra cái tổ chức của chú Thắng là tổ chức như thế nào em cũng không rõ, chỉ biết rằng họ chỉ đi cứu vớt những người như Phương Anh thôi - những cái gọi là nạn nhân của cái chính phủ VN mà đẩy người ta đến bước đường cùng, đẩy người ta đến chỗ không có lối thoát nữa! Tổ chức của chú Thắng phải bỏ ngày đêm ra mà cứu, như thế mà nó lại gọi là phản động, là phi chính phủ? Bây giờ em hiểu những tấm lòng hảo tâm của người ta, người ta không có lừa đảo, người ta không có đàn áp các nạn nhân, mà người ta an ủi, khuyến khích tinh thần để mà giải cứu những người này, mà đảng Cộng sản lại cho người ta là phản động. Em nói như vậy thì ông ấy bỏ ra ngoài nhà ăn.

* Quyết định về nước

Khi ông ấy đi rồi, Phương Anh nói với các bạn: “Bây giờ dù sao đi nữa chị em mình cũng một thời gian dài cùng nhau đình công rồi; các chị cũng đã đình công rồi thì ai sợ những lời đe dọa đấy thì ở lại làm, các chị ở lại hãy cố gắng giữ gìn sức khỏe để đi làm, còn ai mà không muốn ở lại đi làm thì hãy đăng ký, viết tên vào đây”. Lúc đó có gần 100 người ở lại, hơn 100 người về.

Trước ngày về, Phương Anh dùng cái điện thoại thâu lại những lời đó. Sau khi biết phái đoàn sang, thì Phương Anh có xin chú Thắng cho tiền để mua cái điện thoại nó đàng hoàng một chút, chú ấy gửi sang cho thêm 500 đô, Phương Anh mua một cái điện thoại Nokia rất là tốt. Khi mà tất cả các lời nói được thâu vào máy cùng hình ảnh chụp được trong điện thoại có được, là do chú Thắng cho tiền mua mới có.

* Phái đoàn chính phủ VN ra điều kiện bắt ép các nữ công nhân

Khoảng hai, ba ngày trước khi về nước, mấy ông ấy bắt đầu họp. Ông Thanh nói: “Bây giờ các chị xuống văn phòng để ký giấy về nước”, lúc đó vào cuối tháng 3. Ở đây có cái nhà ăn rộng, nhưng người ta không cho ở đó, người ta nhốt bọn em là những người xin về trong một cái nhà kho chứa vải. Khi tụi em sang Jordan thì tuyết rơi, lúc về bây giờ nóng trên 40 độ, thế mà nó nhốt bọn em trong cái nhà kín mít như vậy. Trong khi đó, Ánh, Vang, Ngọc là những người ốm cũng phải nhốt trong đó. Ông Trương Xuân Thanh bắc cái loa nói: “Bây giờ tôi gọi đến tên ai, người đó đứng dậy xuống văn phòng ký giấy về nước”.

Em bảo: “Không được. Bây giờ phải cho một người chúng tôi vào ký giấy trước xem nội dung các ông viết thế nào đã, thì chúng tôi mới vào ký. Chúng tôi không thể để ông lừa lần thứ hai được, vì cái lần đầu tiên đã ngu dốt không đọc cái bản hợp đồng mà các ông đã lừa chúng tôi được một đợt; bây giờ cho về thì về, không thì thôi, không ký! Phải cho một người vào ký trước”. Nó đồng ý.
Em Lương vào, em bảo Lương vào ký, phải lấy cái giấy đó mang ra xem nó viết cái gì? Lương vào và mang cái bản ấy ra, vì nó phôtô ra rất là nhiều.

* Tiếp tục lừa đảo

Trong cái giấy nó ghi nội dung là: Đơn xin về nước trước thời hạn, với lý do không đủ sức khỏe để làm việc ba năm. Nay tôi tự nguyện làm đơn này xin Chính phủ cho tôi về – nghĩa là về không có kiện cáo gì hết.

Em bảo: “Không phải, không được! Trước khi đi làm, chúng tôi đã phải mất 800 ngàn cho cái bệnh viện Giao Thông Vận Tải tại Hà Nội để khám sức khỏe. Bọn tôi đầy đủ sức khỏe mới đưa sang bên này. Sang đây bị đánh đập, đàn áp và bắt chúng tôi như vậy, bây giờ lại nói như vậy”. Bọn chúng em không làm theo, và câu nói cuối cùng của em là, “Không ký”.

* Phái đoàn chính phủ lúng túng

Hôm đó em có quay được cái đoạn mà họ nhốn nháo lên, mấy ông đó nói với nhau: “Chết, bây giờ chúng nó không ký làm sao được”.

Khi bọn em nhất định không ký, thì Ngọc, Ánh, Luyến và những người bị đánh nặng nhất, đánh hộc máu mồm, máu mũi ra cũng ra đó. Ngọc đã chết rồi! Ngọc chết khi về Việt Nam. Trời hôm đó rất nóng mà em Luyến, Phương Anh nói ở đây cũng muốn nhắn nhủ cô chú bác, Luyến ở Phú Thọ. Luyến bây giờ cũng đang bị chấn thương sọ não và bị bọn Công An nó đánh gãy 4 cái răng, chỉ vì cái tội là khi về nước, trên đường đi đến Bộ Lao Động để mà đòi lại những cái gì gọi là công bằng cho mình, thì đã bị chúng nó đàn áp như vậy, và phải sống cuộc đời đau khổ như vậy!

Sau lúc đó, bây giờ không còn chú cháu gì hết, em bảo: “Bây giờ các ông thả bọn tôi ra, đưa các bạn tôi ra, sau đó ở phòng ăn, các ông muốn hỏi gì chúng tôi trả lời và ký cái gì thì ký”. Mấy ông gọi là thay mặt chính phủ Việt Nam, cầm cái giấy và cái bút nói: “Muốn lên thì ký vào đây!”. Lúc đó em bảo: “Bây giờ có cho chúng tôi lên không thì bảo?”. Đến bây giờ cái cảm xúc của em vẫn còn, bởi vì mình không ký, mình tôn trọng những người bảo vệ mình, thương mình thì mình tôn trọng, còn những người lừa đảo mình, đe dọa mình thì những người đó là ai em cũng không tôn trọng, và em nói: “Bây giờ các ông có cho tôi lên không thì bảo?”. Em nói đúng câu đó. Ông ấy lại nói: “Muốn lên thì cứ ký vào đây”. Em trả lời: “Tôi hỏi ông câu cuối cùng: ‘Ông có thả tôi để tôi đưa các bạn tôi lên không?’”. Ông ấy lập lại: “Muốn lên thì ký vào đây đã”.

Em hô 1, 2, 3, mọi người đập cái cửa, xô bọn gác ra. Bọn gác nó né qua một bên cho bọn em đi, còn những người đại diện chính phủ Việt Nam đứng dang tay ra ở cái cửa, ngăn không cho bọn em đi. Có cả ông Nguyễn Xuân Thanh. Mấy người báo chí họ chụp ảnh trong cái cảnh hỗn loạn ấy. Khi mà cái cổng bị đẩy ra như vậy, vì bọn em hơn 100 người cơ mà, bọn em đẩy mấy ông ấy ra, nhưng có Vang và một vài người kẹt lại, thì cái thằng Phương, có hình ảnh nó đi theo phái đoàn. Nó là trợ lý của Giám Đốc công ty; thằng Phương cầm tóc của Ánh giật lại, và nó thúc khủy tay vào ngực Vang nữa. Lúc đó em mới nắm cái cổ áo của nó như thế này; lúc đó nó thắt cà vạt. Em hỏi nó: “Mày là ai? Tại sao mày dám đánh những người phụ nữ lao động Việt Nam của tao? Mày có đáng là cái thằng đàn ông Việt Nam không? Tại sao mày dám đánh phụ nữ Việt Nam chúng tao?” và em chụp hình. Sau đó, mấy người kia kết tội em là đánh quan chức nhà nước!

* Bị đánh ngất xỉu

Khi thấy các bạn em Ngọc, Ánh bị đánh nặng quá, em thả cổ áo nó ra và đưa hai người lên phòng cứu cấp. Ngọc và Ánh ói ra máu, không thở được, mắt trợn lên! Em nghĩ hai người sẽ chết vì lúc đó nóng ngột ngạt, lại bị đàn áp như vậy, thì các anh, chị thử nghĩ xem, có cái nỗi nhục nhã nào hơn không? Bị cảnh sát Jordan nó đánh đã đành, vì nó là bọn Tàu, bọn Phỉ nó khác, còn đây là bọn quan chức Việt Nam sang, không có một lời an ủi giúp đỡ gì hết, mà lại còn tiếp tay, đánh chính các người phụ nữ VN của mình.

* Phun máu vào người quan chức Việt Nam

Sau khi Ánh và Vang bị đánh, lúc đó đầu óc em rối bời, em toàn đi chân đất thôi. Em bảo mấy bạn đi xuống và nhìn thấy mấy người đó thản nhiên nói chuyện trong phòng, bắt tay, bắt chân nhau. Sau khi bọn em gõ cửa hai, ba lần không mở, em mới đập tung cái cửa văn phòng và đi vào. Em lôi mấy người bị thương vào theo. Trong phòng có bà Khương, nếu coi hình sẽ thấy bà ta mặc áo xanh, quần trắng. Bà Khương ngồi cạnh Ánh. Một lúc, Ánh ho một tiếng, máu nó phun đầy vào người bà Khương, bà mặc quần trắng, máu đỏ hết dưới quần luôn. Em bảo: “Thấy chưa? Các ông các bà nhìn thấy chưa? Các ông các bà đang hút máu những người lao động chúng tôi. Các ông các bà ăn trên xương máu của những người phụ nữ chúng tôi”. Em nói đúng như vậy.

Mấy người kia tản ra và bà Khương cũng lo đi thay quần áo luôn, và cũng từ hôm đó, bọn em được chú Thắng giúp đỡ về nước.

(xem tiếp phần 2)







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1935