Lễ Độc Lập Hoa Kỳ
Date: Friday, July 02 @ 10:36:52 EDT
Topic: Thư Tòa Soạn


Tuấn Nguyễn

Nếu ai là công dân Hoa Kỳ cũng đều biết rằng ngày 4 tháng 7 là ngày Lễ Độc Lập và hàng năm chính phủ Hoa Kỳ tổ chức kỷ niệm ngày này, nhưng có nhiều nguồn tin cho rằng ngày này không chính xác. Kiến nghị đầu tiên trong Quốc Hội Lục Địa (tên của Quốc Hội Hoa Kỳ khi 13 tiểu bang đồng lòng tham gia cách mạng để giành độc lập) được đưa ra trong ngày 8 tháng 6 năm 1776. Trước đó, trong ngày 2 tháng 7, đại biểu của các thuộc địa đã bỏ phiếu chấp thuận giành độc lập từ Đế Quốc Anh (sau nhiều ngày tranh luận sôi nổi). Sau đó, họ làm việc với nhau để sửa đổi văn bản Tuyên Ngôn Độc Lập cho đến sau 11 giờ ngày 4 tháng 7, khi đại biểu của 12 thuộc địa bầu chấp nhận và đưa ra một phiên bản chưa ký cho các nhà in. Đại biểu của New York không bầu trong cả hai cuộc hội nghị đó. Riêng Philadelphia thì đón mừng Tuyên Ngôn Độc Lập bằng cách công bố cho công chúng và đốt lửa mừng ngày 8 tháng 7. Mãi đến ngày 2 tháng 8, thì một phiên bản sạch mới được các thành viên trong hội nghị ký, nhưng Quốc Hội Lục Địa vẫn giữ bí mật để họ khỏi bị quân Anh đánh trả.



Ông John Adams, một trong những “khai quốc công thần” được ông Thomas Jefferson cho là rất quan trọng trong phong trào đấu tranh dành độc lập, viết thư cho vợ là bà Abigail trong ngày 3 tháng 7. Trong thư đó, ông tin rằng ngày 2 tháng 7 sẽ được Hoa Kỳ tương lai kỷ niệm là ngày độc lập. Ông đã sai hai ngày. Tuy biểu quyết dành độc lập được 12 thuộc địa bầu chấp thuận ngày 2 tháng 7, nhưng ngày 4 tháng 7 mới là ngày bản tuyên ngôn độc lập chính thức ra mặt. Văn bản của ông Jefferson, sau khi được Hội nghị hiệu đính, được chấp nhận trong ngày 4 tháng 7. Đó cũng là ngày đầu tiên dân chúng Philadelphia được biết là đại đa số các thuộc địa đồng ý đòi độc lập và có ra tuyên ngôn chính thức.

Theo phong tục Mỹ, Lễ Độc Lập được chào đón với những biểu ngữ yêu nước. Nhiều vị dân cử trong chính phủ đọc diễn văn ca ngợi các di sản và người dân của Hoa Kỳ. Người dân thì thường họp mặt để liên hoan ngoài trời. Khá nhiều người đi thăm thân nhân ở xa, vì họ xin nghỉ phép mấy ngày kèm với ngày nghỉ Lễ Độc Lập. Nhiều tổ chức tham gia các cuộc diễn hành được diễn ra trong nhiều đô thị và thành phố từ nhỏ đến lớn sáng ngày 4 tháng 7. Buổi tối thường có bắn pháo bông ngoạn mục trong nhiều thành phố. Nhiều gia đình treo cờ Hoa Kỳ ở trước nhà cả tuần khi gần đến ngày lễ.

Chính phủ các tiểu bang đều cho phép các thành phố và các tổ chức thuê chuyên gia bắn pháo bông vào ngày Lễ Độc Lập. Một số tiểu bang đã ra lệnh cấm tư nhân không được tự mình mua pháo bông để bắn (nếu không có chuyên gia) vì lý do an toàn. Trong một số tiểu bang khác, người dân vẫn được phép mua pháo bông nhỏ để đốt mà không cần đến chuyên gia. Trong các tiểu bang đã ra lệnh cấm, có khá nhiều người dùng pháo bông mà họ mua từ những tiểu bang không cấm – tuy nhiên họ đốt lén, khi không thấy bóng dáng của cảnh sát!

Hàng năm Hoa Kỳ tổ chức nhiều cuộc diễn hành mừng Lễ Độc Lập. Cuộc diễn hành lớn nhất tại thành phố New York có sự tham dự của 50 tiểu bang. Ngoài ra còn có các cộng đồng của di dân từ Châu Âu, Á, Phi, Úc và Trung Mỹ/Nam Mỹ tham dự và phô trương truyền thống theo sắc tộc. Sắc tộc nào cũng có những niềm tự hào về truyền thống văn hóa, ngôn ngữ của họ. Sau ngày 30/4/1975, dân chúng miền Nam Việt Nam đã vượt biển đi tìm tự do sau khi bị Cộng Sản miền Bắc áp chế, hành hạ hoặc giết hại. Trong ngày Lễ Độc Lập, nhiều đoàn thể đại diện cộng đồng người Việt tham dự diễn hành và nhiều liên hoan khác.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1925