Ba Mẹ Ơi Con Đã Về!
Date: Wednesday, June 23 @ 13:08:01 EDT
Topic: Mái Ấm Gia Đình


Minh Công

Sống một cuộc sống ổn định, đầm ấm nơi xứ người con càng mới thấm thía những ngày tháng được sống trong gia đình bên cạnh ba mẹ là ngọt ngào và hạnh phúc đến thế. Con thèm một tô mì gói, một chén cơm trộn nước kho thịt tự tay mẹ làm cho con mỗi sáng trước khi đi học, thèm được thưa một tiếng “Thưa ba mẹ con đi học về”...

Thế là đã hơn mười năm con xa ba mẹ. Giờ này chắc ở nhà mình ba mẹ vẫn đang bận rộn 1ới những lo toan thường nhật cho cuộc sống hàng ngày. Cũng chỉ còn vài tháng nữa là con có thể về thăm nhà rồi nhưng sao thấy thật lâu quá!

Hôm qua con gọi về cho mẹ, dặng ba mẹ là nhớ giữ gìn sức khoẻ và cẩn thận trong việc đi lại ngoài đường. Sài Gòn bây giờ hình như đông đúc và hỗn tạp lắm ba mẹ nhỉ. Nhớ nhà thật nhiều. Mới đây mà hơn 10 năm đã trôi qua rồi, mới ngày nào con chính thức rời xa ba mẹ theo anh Hai sang định cư tại  Mỹ để hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.



Tối tối, sau khi xếp lại những lo toan công việc bận rộn, những trăn trở cho cuộc sống, con lại quay về căn phòng trọ nhỏ nơi xứ người trong lòng lúc nào cũng nặng trĩu nỗi nhớ nhung ba mẹ. Mỗi khi Tết về, con chỉ ao ước muốn mình có thể có mặt tại gia đình quay quần bên ba mẹ để con có thể tha hồ được thưởng thức những món ăn do mẹ nấu, nhâm nhi vài tách trà và chiếu cờ tướng với ba lúc xế chiều.

Đi xa con mới thấm thía rõ hơn những ngày tháng được sống trong gia đình là ngọt ngào và hạnh phúc đến thế. Con thèm lắm những thức ăn do mẹ làm mang đậm hương vị quê hương. Thức ăn bên này không hề thiếu mà quá dư thừa ấy chứ. Tuy nhiên không hàng quán nào có thể nấu được cái hương vị như mẹ nấu, đậm đà hương vị mà lại tinh tế giản đơn. Sách vở, thông tin bên này hoàn toàn không ít, bao gồm tất cả mọi lĩnh vực trong cuộc sống, tuy nhiên không tìm đâu được những bài học kinh nghiệm cuộc sống giản dị nhưng thâm thúy như các câu chuyện bên tách trà nóng của ba.

Cuộc sống bên này đôi khi gấp gáp đến lạnh lùng. Ai cũng tất bật cho cuộc sống của bản thân hay sự nghiệp. Thời gian dành cho gia đình, người thân sao thật hiếm hoi. Anh Hai đi làm xa nên nhiều khi con bệnh đau cổ họng khô cháy không đủ sức đứng lên lấy ly nước mà anh cũng đâu có bên cạnh để chăm sóc cho con vì bận phải đi làm kiếm sống. Bạn bè luôn bên cạnh mình những lúc vui chơi, nhưng ai cũng bận rộn khi mình có việc cần giúp đỡ. Cái vòng xoay công việc, sự nghiệp, kinh doanh cứ bao lấy cuộc sống con người. Con nhớ ngôi nhà của mình, nhớ từng chi tiết nhỏ nhất, nhớ gương mặt mẹ lo lắng khi con đau ốm trái gió trở trời, nhớ gương mặt ba lấm tấm mồ hôi bên nồi cháo hành nấu cho con.

Con vẫn nhớ hoài những năm con còn đi học tiểu học, bba đi dạy học xa nhà, gia đình ta có bốn mẹ con, ba anh em con đều đi học, ba mẹ đã phải vất và vỉ tụi con. Còn nhớ niềm vui ngày ấy là mỗi tối bốn mẹ con mình ngồi quây quần trò chuyện, mẹ lại kể chuyện ngày xưa, lúc tụi con còn nhỏ, đứa này thế này, đứa nọ thế kia... Rồi mỗi tháng một lần, cả nhà nhận được thư ba gửi, mẹ sẽ đọc to lên cho cả nhà cùng nghe, trong thư ba dặn dò cẩn thận anh Hai phải cố học, phụ mẹ lo cho hai em, còn con thì ráng cố gắng chăm chỉ, nghe lời hai anh, không được cãi nhau với anh Ba, do còn nhỏ nên ba chỉ viết những câu thật đơn giản để chúng con dễ hiểu. Những ngày lễ, Tết là những ngày vui nhất trong gia đình vì ba về với gia đình. Đối với con lúc đó ngày lễ, Tết thật vui không phải vì nó là ngày lễ Tế, mà là vì đó là ngày sum hợp của gia đình.
Ngày ba nghỉ hưu cũng là ngày con vừa tốt nghiệp cấp 3, cả nhà ta, trừ anh Ba, được anh Hai bảo lãnh sang bên Mỹ. Mẹ lại cặm cụi chăm lo cho gia đình. Những bức thư, những cuộc điện thoại với anh Ba ở nhà là niềm vui duy nhất của ba mẹ. Tết năm ấy, cái Tết cổ truyền Việt đầu tiên trên xứ người, ba mẹ lại vui vẻ và quây quần bên hai đứa con, tuy nhiên xen lẫn trong bầu không khí vui tươi ấy là nỗi buồn của những người tha hương.

Sáu tháng trôi qua thật nhanh, ba mẹ lại chuẩn bị đồ đạc đi xa. Lần  này ba mẹ quyết định trở về quê hương, cội nguồn. Con đã được gặp lại một người thân sau nhiều năm xa cách, nhưng sẽ phải xa ba người thân còn lại. Con hiểu ba mẹ không muốn xống xa các con, nhưng ba mẹ cũng không muốn làm gánh nặng cho anh Hai bên này. Ba mẹ đã gửi gắm tất cả kỳ vọng lẫn mơ ước của cả đời mình vào anh Hai và con khi ba mẹ quyết định trở về quê hương. Ngày chia tay, con cảm thấy sự mất mát hiện rõ dần lên trong lòng khi ba mẹ khuất bóng sau phòng cách ly tại sân bay. Anh Ba đã lấy vợ và ra ở riêng tại Sài gòn; nhà mình chỉ còn ba mẹ. Hai người lại tiếp tục cuộc sống thường nhật; mẹ lúc nào cũng cặm cụi chăm lo cho sức khỏe của ba và nhẫn nại chờ Tết đến với hy vọng ba đứa con xa nhà về quây quần, đoàn tụ với gia đình.
Thời gian thấm thoát trôi qua. Chỉ có anh Hai và con ở xứ lạ quê người, nương tựa lẫn nhau. Con ra trường và đi làm. Khi biết tin này, ba mẹ rất vui mừng. Con nhớ mãi giọng ba đều đều nhưng không giấu được sự vui sướng khi nói với con: “Gia đình rất vui khi con học hành nên người và hai đứa biết nương tựa nhau.” Con biết ba mẹ hiểu nhiều về ước mơ nơi đáy lòng con. Một giấc mơ về cái hạnh phúc giản dị nhưng không dễ có được mà con đang cất giữ tận trong trái tim, đó là: Cả nhà ta đoàn tụ sum vầy như gia đình thuở trước! Gia đình là nơi mà con có thể trở về bất cứ lúc nào; nơi luôn cho con sự bình yên và dịu ngọt; nơi có ba mẹ, có anh em luôn dang rộng vòng tay và cho con vốn liếng quý giá nhất trên đời, tình yêu thương.

Có thể con còn thua kém mọingười về nhiều mặt, nhưng con chắc chắn một điều: tâm hồn con luôn đầy ắp tình yêu thương mà gia đình đã cho con từ ngày con chào đời. Con và anh Hai sẽ cố gắng để biến cái mơ ước đoàn tụ ấy thành sự thật trong một ngày không xa. Con nhớ mãi câu mà ba mẹ đã nói với hai anh em con khi chúng con về thăm nhà lần đầu tiên sau nhiều năm xa xứ: “Ba mẹ vui không phải vì Tết, mà vui vì có các con về.”

Và Tết này con sắp về, ba mẹ ơi!

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của BPSOS: http://www.machsong.org.]







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1918