Chống Buôn Người Ở Đài Loan
Date: Tuesday, June 15 @ 00:03:30 EDT
Topic: Chống Buôn Người


Đài Loan Lên Hạng 1 Về Chống Buôn Người

Năm 2006 Đài Loan bị xếp vào Danh Sách Theo Dõi (Watch List) bởi Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và đứng trước nguy cơ rơi xuống Hạng 3. Nhưng chỉ trong 5 năm, qua những cố gắng vượt bực, chính phủ Đài Loan đã chứng tỏ quyết tâm chống buôn người và điều này được công nhận trong bản phúc trình của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ về buôn người vừa được công bố ngày 14 tháng 6, 2010: Đài Loan được nâng lên Hạng 1, gồm các quốc gia chống buôn người hữu hiệu.

Vì những tin tức được tung ra về các vụ bóc lột công nhân và ngược đãi các người vợ ngoại quốc lấy chồng Đài Loan, năm 2005 Đài Loan từ Hạng 1 bị đưa xuống Hạng 2. Chính phủ Đài Loan liền cử phái đoàn hỗn hợp gồm tư nhân và chính quyền đến Hoa Kỳ để nghiên cứu biện pháp chống buôn người. BPSOS đã tham gia trong việc hướng dẫn cho Đài Loan từ đầu và hàng năm sau đó.

Bản phúc trình năm 2006 của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ xếp Đài Loan vào Danh Sách Theo Dõi.

DB Cao Quang Ánh tiếp xúc phái đoàn Đài Loan, 16/3/2010 (ảnh CAMSA)



Từ đó BPSOS làm việc chặt chẽ với chính phủ Đài Loan và một số tổ chức tư nhân để từng bước một hỗ trợ cho Đài Loan trong sự chuyển hướng chính sách.

 

Theo Ts. Nguyễn Đình Thắng, Giám Đốc Điều Hành BPSOS và đồng sáng lập viên của Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu (CAMSA), “Lúc ấy chính phủ Đài Loan khá lúng túng. Tuy nhiên họ quyết tâm thay đổi. Trong nhiều buổi họp, giới chức Đài Loan không ngần ngại nêu ra những khó khăn và trở ngại và thừa nhận các điểm tiêu cực”.

 

Năm 2007, Đài Loan được đưa trở lại Hạng 2. Qua năm sau Quốc Hội Đài Loan soạn dự thảo luật chống buôn người. Dự thảo này được thông qua thành luật Tháng Giêng, 2009.

 

Ts. Thắng chia sẻ, “Cuối năm 2008 tôi sang Đài Loan và họp với một số giới chức chính quyền để đề nghị một số điều cho dự luật này. Lúc ấy ngay cả các tổ chức tư nhân Đài Loan cũng không tin rằng chính phủ Đài Loan sẽ đồng ý, nhưng cuối cùng các điều này đã nằm trong đạo luật được thông qua.”

 

Một trong các điều này cho phép nạn nhân buôn người được ở lại Đài Loan nếu như bị nguy hiểm khi hồi hương. Điều này đi ngược lại với chính sách của Đài Loan là không nhận người tị nạn. Nhưng điều này lại nằm trong luật được thông qua. Điều thứ hai cũng được thông qua là chính sách truy tố những công dân Đài Loan can tội buôn người ở ngoài nước, như trên các tàu đánh cá.

 

Trong 5 năm qua, Ts. Thắng giúp tạo thêm sự cảm thông giữa chính phủ Đài Loan và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ cũng như một số thành viên quan trọng của Quốc Hội Hoa Kỳ.

 

Đầu năm nay, khi vị Đại Diện chính phủ Đài Loan (tương đương với Đại Sứ) ở Hoa Kỳ tiếp xúc với Dân Biểu Cao Quang Ánh ở Quốc Hội, ông ta rất ngạc nhiên khi chờ đợi sự chỉ trích nhưng lại nhận được lời khen từ vị Dân Biểu Liên Bang gốc Việt này.

 

Một nhân viên liên lạc lập pháp của vị Đại Diện Đài Loan cho biết là phái đoàn không ngờ DB Ánh lại am tường các vấn đề liên quan đến nỗ lực chống buôn người của Đài Loan đến vậy.

 

Trong buổi tiếp xúc tiếp theo, ngày 16 tháng 3 vừa qua, với một phái đoàn hỗn hợp chính phủ và tư nhân Đài Loan, DB Ánh nhắc lại lời khen này và đồng thời kêu gọi Đài Loan sửa luật để cho các gia nhân được phép nghỉ một ngày mỗi tuần. Hiện nay họ không có ngày nghỉ nào trong năm và tình trạng này dễ đưa đến nạn bóc lột, ngược đãi đối với các phụ nữ  ngoại quốc làm gia nhân cho các gia đình Đài Loan.

 

“Nếu họ không có cơ hội đi ra ngoài thì họ sẽ không biết được quyền của họ và cũng sẽ không thể nào cầu cứu nếu như bị ngược đãi hay bóc lột,” DB Ánh nói.

 

Để hỗ trợ cho chính phủ Đài Loan thi hành luật chống buôn người, trong một năm qua Liên Minh CAMSA đã cử bốn phái đoàn đến Đài Loan. Tháng tư vừa qua Liên Minh CAMSA mở văn phòng thường trực qua sự hợp tác với tổ chức Phụ Nữ Cứu Viện Đài Bắc.

 

Ts. Thắng sẽ hướng dẫn một phái đoàn đến Đài Loan vào tháng tới đây để tiếp tục đẩy mạnh việc thi hành luật chống buôn người.

 

“So với 5 năm trước đây thì Đài Loan đã tiến một bước dài. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều lãnh vực cần cải thiện,” Ts. Thắng phát biểu.

 







This article comes from Mach Song - Life Stream
http://www.machsong.org

The URL for this story is:
http://www.machsong.org/modules.php?name=News&file=article&sid=1912